Đặc trưng văn hóa Scotland trong những thiết kế của Sinh viên Đại học Nghệ thuật Edinburgh – Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam

Trong buổi triển lãm diễn ra gần đây của Trường Đại học Nghệ thuật Edinburgh, 10 sinh viên ngành Thiết kế Nội thất đã được lựa chọn để trưng bày các tác phẩm thiết kế độc đáo với chủ đề Trung tâm Văn hóa. Đây là cơ hội để sinh viên thể hiện cá tính của riêng mình trên nhiều khía cạnh, tập trung vào các yếu tố văn hóa, lịch sử gắn liền với kiến trúc.

Triển lãm có sự tham dự của các sinh viên, cựu sinh viên, trên tinh thần giao lưu, thể hiện khả năng với các dự án cải tạo công trình cũ đáp ứng được nhiều mục đích sử dụng mới. Bối cảnh diễn ra ở chính thủ đô Edinburgh (Scotland) với bề dày lịch sử kiến trúc, văn hóa lâu đời nhưng vẫn luôn cần những sự đổi mới, sáng tạo đến từ thế hệ trẻ.

Thông tin Trường Đại Học Nghệ thuật Edinburgh 

  • Tên đầy đủ: Edinburgh College of Art – University of Edinburgh (Trường Đại học Nghệ thuật Edinburgh, trực thuộc Đại học Edinburgh)
  • Địa điểm: Edinburgh, Scotland
  • Chương trình đào tạo: Cử nhân và Thạc sĩ các Ngành Thiết kế 
  • Giảng viên tiêu biểu: Ed Hollis, Rachel Simmonds, Gillian Treacy and Andy Siddall

Dưới đây là 10 dự án thiết kế nội thất tiêu biểu cho không gian công cộng và cộng đồng đến từ các sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật Edinburgh:

1. The Island of Knowledge (Đảo Tri Thức) – Alkistis Brountzou

“Không chỉ là một không gian mở hướng đến cộng đồng bên trong Hội trường Freemason, đây còn là nơi khám phá các giao điểm trong không gian của thế giới vật lý và kỹ thuật số, đan xen và mâu thuẫn lẫn nhau.”

“Nằm trong Hội trường lớn, tôi gọi đây là ‘tổ ấm’, bởi nó mang đến những trải nghiệm mới từ những công nghệ mới. Chức năng của dự án bao gồm tổ hợp rạp chiếu phim mở rộng, hệ thống các lớp học và giảng đường.”

2. Freemasons Hall (Hội trường Freemasons) – Gillian Kavanagh

“Luận văn thạc sĩ của tôi tập trung vào sự giao thoa giữa kiến trúc, nội thất và sự bảo tồn. Concept mà tôi nghĩ ra cho Hội trường Freemasons ở Edinburgh thách thức sự tồn tại của một tổ chức lịch sử trong một thế giới hiện đại, đồng thời đặt câu hỏi về cách “lập trình lại” nội thất để hồi sinh các hoạt động của một tổ chức lâu đời.”

“Trong quá trình lên ý tưởng, tôi đã thực hiện các bản phác thảo, các mô hình bằng những phương pháp thủ công như cắt dán, diễn họa màu nước và lên video cho không gian 3D. Bảo tồn là một cách thích ứng giúp kéo dài tuổi thọ của các tòa nhà từ lâu đời, đó cũng chính là tham vọng của tôi trong dự án này”

3. Viaticus – Mari Nasif

“Lấy cảm hứng từ Masonic (Hội Tam Điểm), concept của tôi là cách hình dung lại hành trình của các Freemasons hướng tới tri thức, dựa trên lý tưởng của Nhà Tâm lý học Giáo dục Benjamin Bloom, biến chúng thành không gian thực.

“Hiểu một cách đơn giản hơn, đây là một thư viện triết học. Tính thẳng đứng của công trình phản ánh mô hình học tập theo thứ bậc của Benjamin, nơi các cấp độ cao hơn là những bậc thang kiến thức phức tạp hơn. Mỗi cấp độ được thiết kế khác nhau để kích thích các giác quan và giúp các cá nhân tự định hướng hành trình làm chủ tri thức của mình.”

4. Pixelbox – Sher Ming Foo

“Pixelbox là một dự án đặc trưng dành riêng cho từng địa điểm khác nhau, được thiết kế như một phần bảo tàng ở Đại sảnh Freemason, Edinburgh. Bố cục mạng tinh thể là sự chuyển biến cần có cho thiết kế lịch sử của tòa nhà, bổ sung vào đó các yếu tố hiện đại để tạo ra một ngôn ngữ thiết kế mới.

Cấu trúc thép không gỉ màu trắng kết hợp liền mạch với đồ nội thất và không gian kiến trúc, xóa bỏ ranh giới giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Vị trí của không gian nội thất này cho phép nó đồng thời được sử dụng như sảnh lớn chào đón du khách đến thăm quan tòa nhà.”

5. The Ar/ba/Son Market (Chợ Ar/ba/Son) – Sinead Russell

“Nhân cách là yếu tố tiên quyết đối với tôi trong mỗi dự án. Tôi đặt rất nhiều sở thích, lối sống cá nhân vào dự án lần này, và suy nghĩ rằng sẽ ra sao nếu các không gian là một phần con người mình. 

“Gần đây, công việc của tôi bắt đầu tập trung vào đối tượng các nghệ nhân làm nghề thủ công, đặc biệt là việc quảng bá cho nhà sản xuất địa phương hoặc những nhãn hàng nhỏ. Dự án này là sự tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật của họ trong không gian của tôi, từ đó mang đến cho mọi người sự hứng khởi để thưởng thức những sản phẩm thủ công ở quy mô lớn mạnh hơn.”

6. The Third Place (Vị trí Thứ Ba) – Hollie Middleton

“Cũng giống như các thành phố khác ở Vương quốc Anh, Edinburgh là nơi chứng kiến tình trạng tăng vọt giá nhà, đặc biệt là các khu nhà trọ lâu năm cho sinh viên trong nhiều thập kỷ qua. Có một sự thật là kiến trúc thời hậu chiến của Edinburgh lâu nay vốn bị bỏ qua, vì người ta ưa chuộng những công trình di sản theo kiểu Gruzia của thành phố.

“Trong bối cảnh đặt ra, thiết kế The Third Place của tôi được định hình là một kho lưu trữ kiến trúc Scotland, hướng đến sự bảo tồn giá trị lịch sử của các tòa nhà sau Thế chiến, đồng thời hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương về vấn đề nhà ở. Phong cách kiến trúc – nội thất tôi đề xuất lấy cảm hứng từ nghệ thuật điêu khắc, tạo khối bê tông mang tính biểu tượng của Scotland những năm 1960.” 

7. Black Cultural Archive and Legacy Centre of Scotland (Trung tâm Di sản Văn hóa của Người da Đen tại Scotland) – Aaliyah Oshodi

edinburgh college of art interiors dezeen 2364 col 0

“Dự án này được đề xuất như một nhà kho lưu trữ, bảo quản các tác phẩm nghệ thuật của những người từng bị gạt ra rìa xã hội. Thực chất, họ là những người mang đến màu sắc và sự ấm áp cho không gian của tôi, bên cạnh đó còn là những câu chuyện quý giá về cuộc sống của cộng đồng người da đen trên khắp Scotland”.

“Lấy cảm hứng từ những tấm vải Adinkra của Ghana và chất liệu kanga của Kenya, tôi biến tấu chúng thành các tấm phủ tường hoạt động như chất xúc tác cho cuộc trò chuyện của du khách bên trong.”

8. Scottish Literature Centre (Trung tâm Văn học Scotland) – Jiawen Zhang

“Tôi muốn tạo nên một trung tâm văn học mới cho thành phố Edinburgh, với hy vọng sẽ kết nối con người thông qua các không gian kiến trúc hiện có trên con đường văn thơ nổi tiếng ở Phố cổ Edinburgh.

Cụ thể, dự án cải tạo nội thất của nhà thờ Tron Kirk đắc địa ở vị trí trung tâm, dễ dàng tiếp cận giúp quảng bá văn học địa phương cho những người yêu văn học trên toàn thế giới.”

9. Wax Lyrical – Bethany Harle

“Tôi quan tâm đến cách mà không gian nội thất có thể tạo dựng nên sự hạnh phúc trong hành vi cư xử của chúng ta. Trong bối cảnh đáng báo động về sự tạm ngừng hoạt động của các hộp đêm tại Anh (vì dịch COVID-19), giới trẻ đang mất đi những thú vui thường ngày và dần suy sụp vì điều đó.

Được gọi là Wax Lyrical, “hộp đêm” của tôi bao gồm tổ hợp năm không gian tập trung vào các khía cạnh quen thuộc của “lối sống về đêm”, nhưng được sử dụng theo hướng giảm thiểu và tích cực hơn, lần lượt bao gồm rượu, chất kích thích, tình dục, khiêu vũ và âm nhạc.

Ý tưởng thiết kế nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của du khách, vốn thường được xem nhẹ trong những môi trường này. Không gian lấy ý tưởng trực tiếp từ những CLB Disco vào những năm 1970, hy vọng sẽ mang đến trải nghiệm an toàn và một lối thoát cho những người trẻ vô định hướng”.

10. The Astronomy Culture Centre (Trung tâm Văn hóa Thiên Văn) – Echo Zhu

“Trung tâm Văn hóa Thiên văn được thiết kế như một nhà ga, nơi cộng đồng có thể tương tác trong những sự kiện ngoài trời, khám phá thế giới trên cao thông qua các phòng trưng bày sử dụng công nghệ mô phỏng. Dự án được thực hiện bất chấp bối cảnh một bầu trời ô nhiễm ánh sáng tại Edinburgh. 

Mục tiêu của công trình là giúp du khách hiểu rõ vai trò của chúng ta trong vũ trụ, cuối cùng là quan tâm đến tương lai xa hơn của toàn nhân loại.

Chiến lược thiết kế xoay quanh yếu tố “lực hấp dẫn” – loại lực chi phối trong vũ trụ, liên quan mật thiết đến khởi đầu của sự sống. Cơ sở lý thuyết này được áp dụng vào thiết kế dưới dạng các tuyến đường cong theo dòng chảy để khuyến khích các hoạt động và trải nghiệm.”

Biên dịch | Duc Anh (Nguồn: Dezeen)

XEM THÊM:

Xổ số miền Bắc