Dàn Ý Chi Tiết Thuyết Minh Bánh Chưng Lớp 10 Hay Nhất


WElearn Wind

Rate this post

Bánh chưng là một trong những thứ không thể thiếu vào ngày tết. Nó được xem như điểm nhấn, khiến ngày tết thêm trọn vẹn. Vì thế, hôm nay chúng ta cùng đi tìm hiểu cách viết bài văn và lập dàn ý thuyết minh về bánh chưng lớp 10 nhé!

>>>> Xem thêm: Gia sư môn Văn dạy kèm tại nhà

1. Dàn ý đại cương thuyết minh về bánh chưng lớp 10

Mở bài: Giới thiệu về bánh chưng

Thân bài:

  • Nguồn gốc bánh chưng

  • Ý nghĩa của bánh chưng

  • Cách làm bánh chưng

    • Nguyên liệu

    • Quy trình thực hiện

    • Lưu ý khi làm bánh chưng

  • Bánh chưng để làm gì

Kết bài: Đánh giá lại về bánh chưng

2. Dàn ý chi tiết thuyết minh về bánh chưng lớp 10

2.1. Mở bài

  • Là món ăn truyền thống

  • Thường xuất hiện vào dịp tết

2.2. Thân bài

Nguồn gốc bánh chưng: Truyện bánh chưng bánh dày

  • Vua hùng thứ 6 chọn người để nối ngôi

  • Ai mang được món ngon vật lạ sẽ được truyền ngôi

  • Các anh của Lang Liêu đã lên rừng xuống biển để kiếm món ăn dâng cho vua cha

  • Riêng cậu lại chọn thứ bánh làm từ lúa 

  • Bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dày tượng trưng cho trời

  • Được vua hùng ấn tượng và truyền ngôi

→ Nói lên sự quan trọng của nền nông nghiệp lúa nước

Ý nghĩa của bánh chưng

  • Tượng trưng cho đất

  • Đề cao nền nông nghiệp lúa nước

  • Nhắc nhở con người phải biết ơn trời đất

  • Thể hiện sự đủ đầy, sum vầy vào dịp tết

Cách làm bánh chưng

  • Nguyên liệu: 

    • Lá dong hoặc lá chuối được rửa sạch và phơi cho ráo nước

    • Gạo nếp: vo sạch, ngâm 6 – 7 tiếng để hạt được mềm hơn

    • Đậu xanh: đãi vỏ, giã nhuyễn

    • Thịt ba chỉ: được ướp sơ

    • Dây lạc để buộc bánh

  • Quy trình thực hiện

    • Gói bánh cho vuông vắn, có thể dùng khuôn

    • Luộc bánh: xếp bánh vào nồi sau đó hãy đổ nước sao cho ngập bánh, luộc từ 10 – 12 tiếng, cách 1 tiếng châm nước 1 lần, sẽ ngon hơn khi luộc bằng bếp củi.

    • Ép bánh: sau khi luộc bánh xong, vớt bánh ra, nhúng vào nước lạnh để lá bánh được xanh và lâu thiu. Sau đó, dùng vật nặng để ép hết nước trong bánh ra.

    • Lưu ý khi luộc bánh chưng nên cách 1 tiếng ra châm thêm nước 1 lần và sẽ ngon hơn khi luộc bằng bếp củi

  • Bánh chưng dùng để làm gì? 

  • Biếu người thân, họ hàng vào dịp tết

  • Món ăn “gợi xuân về”

  • Thờ cúng ông bà tổ tiên

  • Thường ăn cùng với củ kiệu

2.3. Kết bài

  • Là món ăn truyền thống

  • Cần gìn giữ nét văn hóa này

3. Bài văn mẫu thuyết minh về bánh chưng lớp 10

3.1. Bài mẫu 1

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, trong mỗi gia đình lại nghi ngút biết bao món ngon mang hương vị đặc trưng. Nào là bánh mứt, dưa hành, củ kiệu, thịt kho,…và chắc hẳn, bánh chưng cũng không phải là món ăn ngoại lệ. Mỗi khi hoa mai hoa đào khoe sắc, các bà các mẹ lại tất bật gói những chiếc bánh chưng vuông vức, tạo nên một hình ảnh rất đỗi quen thuộc mà vô cùng thiêng liêng.

Bánh chưng hẳn có từ rất lâu đời. Theo như sự tích “Bánh chưng, bánh dày” thì loại bánh này đã có mặt ở đất nước ta từ thời Hùng Vương thứ sáu trong dịp đầu xuân, và có lẽ đây cũng chính là nguồn gốc giải thích cho việc tại sao loại bánh này đã trở thành một nét đẹp không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới.

Về nguyên liệu để gói bánh chưng thì khá đơn giản và dễ chuẩn bị, chỉ cần có nếp làm vỏ bánh, thịt và đậu xanh làm nhân, thêm các gia vị cần thiết và cuối cùng là phần lá dong dùng để gói bánh. Nếp được lựa chọn phải là những hạt tròn mịn, không bị sứt mẻ và phải là màu trắng đục chứ không được ngả vàng, tức là những hạt bị mốc sẽ bị loại bỏ. Phần nguyên liệu này sẽ được ngâm trong nước vài ngày giúp sạch phần bụi bẩn để khi nấu lên có mùi thơm lừng của hương nếp. Phần đậu xanh làm nhân cũng vậy, những hạt đậu vàng ươm được lựa chọn kỹ càng sẽ được rửa sạch, nấu nhừ và giã nhuyễn tạo thành một hỗn hợp mịn màng tỏa hương nhè nhẹ. Phần thịt bên trong có thể là thịt nạc hoặc thịt ba rọi, cắt nhỏ thành từng miếng vừa ăn, ướp thêm tiêu xay, hành băm nhuyễn, thêm chút muối, đường, bột ngọt,…cho đậm đà. Đây cũng chính là phần ngon nhất của chiếc bánh chưng mà khi ăn vào sẽ cảm thấy thích thú và ngon miệng vô cùng.

Nguyên liệu để tạo thành một chiếc bánh chưng hoàn thiện không dừng lại ở đó mà phần lá gói cũng rất quan trọng. Loại lá thường được chọn để gói bánh chưng là lá dong, đó phải là những chiếc lá còn xanh, không héo và không bị rách quá nhiều. Một số vùng miền lại thay lá dong bằng lá chuối nhưng nếu so về độ đẹp mắt và thơm ngon khi hấp bánh thì lá dong lại chiếm ưu thế hơn. Sau khi cắt lá dong về, chúng sẽ được rửa sạch và lau khô, vừa giúp cho việc gói bánh được dễ dàng, vừa đảm bảo có một món bánh thơm ngon và sạch sẽ.

Nguyên liệu làm bánh chưngNguyên liệu làm bánh chưng

Bánh chưng là loại bánh khá đơn giản trong việc gói nhưng để tạo thành hình dáng vuông vức, đẹp đẽ thì yêu cầu người gói phải có kinh nghiệm, sự tỉ mẩn và cẩn thận nhất định. Phần nếp sẽ được trải đều trên những chiếc lá dong được xếp gọn gẽ để làm vỏ, tiếp đó trải thêm lớp đậu xanh được giã nhuyễn và cuối cùng, ở chính giữa chiếc bánh là một miếng thịt đầy đặn. Sau đó, những bàn tay khéo léo của bà, của mẹ sẽ bẻ bốn góc lá dong lại tạo thành một hình vuông trông khá bắt mắt và cuối cùng được cố định lại bằng dây lạt hay dây chuối.

Sau khi đã gói những chiếc bánh chưng vuông vức và chắn chắn là một công đoạn mang đậm không khí ngày tết: nấu bánh chưng. Thường bánh chưng sẽ được xếp vào một nồi to đổ ngập nước, nấu trên bếp củi trong khoảng thời gian từ tám đến mười hai tiếng đồng hồ. Vừa thổi lửa phù phù trong đêm se se lạnh, cả gia đình lại cùng nhau vây quần bên bếp lửa ấm trò chuyện chính là thời khắc mà không ai có thể quên được. Khi nước đã sôi, bánh đã chín, hơi bánh bốc lên nghi ngút, mùi lá, mùi nếp, mùi đậu quyện vào nhau thơm ngào ngạt. Đó chính là lúc không khí của Tết như bao trùm cả căn nhà.

Trên bàn thờ ông bà, tổ tiên luôn được đặt trang trọng một cặp bánh chưng đẹp nhất như là một nét văn hóa không thể nào thay thế. Bữa cơm gia đình ngày đầu năm cũng được góp mặt bởi những đĩa bánh chưng ngon lành, là món ăn mà ai cũng đều yêu thích.

Ngày nay, khi những món ăn nhanh, những món quà bánh tiện lợi được ưa chuộng hơn trong các dịp tết thì việc gói bánh chưng đã không còn được duy trì ở một số gia đình. Tuy nhiên, những chiếc bánh chưng ngon lành, vuông vức tượng trưng cho một năm mới sung túc, viên mãn luôn là một món ăn không thể thiếu trong những ngày đầu năm.

3.2. Bài mẫu 2

Người xưa vẫn lưu truyền rằng bánh chưng ngày Tết có từ rất lâu. Mọi người vẫn tin rằng bánh chưng bánh giầy có từ thời vua Hùng thứ 6, và cho đến ngày nay thì nó đã trở thành biểu tượng của Tết truyền thống tại Việt Nam. Người đời vẫn luôn cho rằng bánh chưng minh chứng cho sự tròn đầy của trời đất và sự sum vầy của gia đình sau một năm trời làm việc tất bật, vội vã.

Theo những câu chuyện đã truyền lại thì bánh chưng có từ thời các vua Hùng. Đó là vào thời vua Hùng Vương thứ 6, khi tìm người kế vị ngai vàng, ông đã yêu cầu các hoàng tử dâng lên một món ăn mà họ cho là ngon nhất. Món ăn của ai ngon sẽ được chọn làm vua. Hầu hết các hoàng tử đều chọn làm các món sơn hào hải vị và dĩ nhiên là chúng rất ngon. Chỉ có Lang Liêu là làm bánh chưng bánh dày. Chiếc bánh chưng bánh dày làm từ gạo tượng trưng cho đất và trời đã thuyết phục tất cả mọi người và chàng được chọn lên làm vua kế vị.

Cho dù là ở miền Bắc, Trung hay Nam thì bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Có thể nói đây là món ăn được chờ đợi nhiều nhất, vì ngày Tết mới đúng là ngày thưởng thức bánh chưng ngon và ấm áp nhất. Chiếc bánh chưng có hình vuông đẹp mắt, gói bên ngoài bằng những chiếc lá dong xanh mướt. Người ta dùng những chiếc lạt để buộc bánh chưng lại cho chặt. Những nguyên liệu để làm bánh chưng là những nguyên liệu vô cùng quen thuộc với người Việt Nam. Nhân bánh được làm từ gạo nếu, đậu xanh và thịt lợn. Ngoài ra còn có thêm một vài loại gia vị nữa như muối, hạt tiêu, hành,… Lá dong dùng để gói bánh thường là lá dong bánh tẻ. Có như vậy thì bánh mới ngon, bánh luộc lên lá vẫn xanh và khi bóc thì không bị dính. Lạt được chẻ và tước mỏng ra từ những cây giang. Lạt giang chẻ phải thật mỏng, đủ mềm để buộc bánh dễ dàng. Lạt chẻ có màu vàng ngà khi gói với lá dong xanh sẽ tạo thành hai màu đối lập nổi bật trông rất đẹp. Gạo dùng để nấu bánh chưng nên là gạo nếp cái hoa vàng bởi đây là loại gạo ngon, thơm. Muốn nấu bánh được dẻo thì gạo phải ngâm trước từ đêm với nước nóng khoảng 8 tiếng sau đó đem vo lại rồi xóc cho ráo nước. Đậu xanh dùng loại đã đãi vỏ hoặc mua loại có vỏ về ngâm với nước nóng rồi tự đãi vỏ. Thịt lợn thường dùng loại thị 3 chỉ vì có cả nạc cả mỡ. Thịt xắt miếng to cỡ nửa bàn tay sau đó ướp với gia vị cho ngấm. Chọn lá dong to đẹp rồi đem rửa sạch và lau khô trước khi gói. Khi tiến hành gói bánh chưng bạn đặt tất cả các nguyên liệu cần thiết xung quanh. Cần có thêm một chiếc kéo để cắt lá dong. Đặt lá dong lên bề mặt phẳng, sạch, người Việt thường đặt lên mâm. Khoảng 3-4 chiếc lá dong sẽ gói được một chiếc bánh chưng. Đầu tiên múc một bát gạo đổ vào giữa lá dong, dàn đều rồi cho nửa bát đỗ, 2 miếng thịt, nửa bát đỗ và thêm 1 bát gạo nữa. Đãi gạo sao cho gạo che kín đỗ và thịt. Lúc này nhẹ nhàng bẻ bốn góc lá cho vuông vức. Sau cùng dùng lạt buộc chặt chiếc bánh lại. Nếu muốn đẹp có thể dùng khuôn để gói bánh. Sau khi gói hết chỗ nhân đã chuẩn bị thì buộc bánh theo từng cặp và xếp vào nồi to, mang ra bếp củi đun trong khoảng 8-10 tiếng. Trong quá trình đun phải canh để lửa cháy đều và thêm nước nóng vào nồi luộc bánh nếu như thấy nước cạn. Đó là lý do vì sao ta thấy người Việt luôn đặt một ấm nước bên cạnh nồi luộc bánh chưng.

Bánh chưng ngày tếtBánh chưng ngày tết

Đối với mâm cơm ngày Tết thì đĩa bánh chưng là điều tuyệt vời không thể thiết. Cũng như trên bàn thờ ngày tết, một cặp bánh chưng cúng tổ tiên là phong tục lưu truyền từ bao đời nay. Bánh chưng tượng trưng cho sự trọn vẹn của trời đất, cho những gì phúc hậu và ấm áp nhất của lòng người. Trong ngày Tết có rất nhiều lấy bánh chưng làm quà biếu, và đây chính là món quà ý nghĩa tượng trưng cho lòng thành, cho sự chúc phúc tròn đầy nhất.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, mùi thơm bánh chưng bốc lên nghi ngút chính là báo hiệu cho sự ấm áp của gia đình. Bánh chưng là biểu tượng ngày Tết mà không có bất cứ loại bánh nào có thể thay thế được. Vì đây là truyền thống, là nét đẹp của con người Việt Nam, cần gìn giữ và tôn trọng từ quá khứ, hôm nay và cả ngày mai nữa.

3.3. Bài mẫu 3

Việt Nam là đất nước đậm đà bản sắc dân tộc với các phong tục tập quán, truyền thống, lễ hội,… đều được lưu truyền sâu rộng trong nhân dân, từ đời này nối tiếp đời sau. Mỗi năm, cứ đến cận kề ngày Tết cổ truyền của dân tộc thì người người, nhà nhà đều nô nức sắm sửa chuẩn bị đón tết và không quên gói những chiếc bánh chưng vuông vắn chứa đựng hương vị đầm ấm, sum vầy. Có thể nói nếu thiếu hương vị bánh chưng thì ngày tết cũng mất đi một phần giá trị truyền thống của nó.

Bánh chưng có từ bao giờ cũng không ai biết rõ nhưng theo sự tích kể lại, vào những năm vua Hùng thứ sáu, sau khi đánh đuổi giặc Ân, vua có ý truyền ngôi cho con nên ban lệnh: Ai tìm được món ăn ngon, có ý nghĩa nhất sẽ được truyền ngôi. Lang Liêu người con thứ mười tám, dâng lên cho vua cha món bánh chưng, bánh giầy, vua Hùng ăn thấy ngon và rất có ý nghĩa bèn truyền ngôi cho. Kể từ đó mỗi dịp tết Nguyên Đán, dân chúng lại làm món bánh này để dâng cúng tổ tiên, trời đất.

Bánh chưng là món ăn xuất hiện hầu hết trong các dịp lễ, tết hay các ngày trọng đại của mỗi gia đình. Chiếc bánh hình vuông, được gói lá xanh bên ngoài, bên trong là lớp bánh bằng gạo nếp với nhân đậu xanh, thịt lợn ba chỉ kèm theo là các gia vị hành tươi, hành củ khô, tiêu. Tất cả các nguyên liệu kết hợp rất hoà quyện tạo nên một món ăn rất hợp khẩu vị người Á Đông, ăn kèm củ kiệu (hành muối) thì món bánh lại càng thêm đậm đà hương vị. Chiếc bánh được bao bọc bằng lớp lá xanh cũng như tình cảm yêu thương đùm bọc của gia đình, những nguyên liệu không quá cầu kỳ, lúa gạo, đậu hay thịt đều là sản phẩm của nền văn minh lúa nước cho xưa cho tới nền nông nghiệp hiện đại ngày nay. Có lẽ thế, mà chiếc bánh như biểu tượng của đất, là một hoá thân của mẹ thiên nhiên tạo thành. Trong tâm thức mỗi người Việt, chiếc bánh gói ghém biết bao tình cảm thân thương, sự sum vầy, đoàn tụ của gia đình.

Chúng ta khá dễ dàng để lựa chọn được nguyên liệu vừa ngon mà giá cả lại rất bình dân. Chủ yếu là gạo nếp, nên chọn những hạt tròn đều, có màu sắc trắng ngà, không bị ẩm mốc hay đã đã để quá lâu vì như thế hạt gạo không còn giữ nguyên được mùi thơm lừng của nếp mới. Đậu xanh thì nên chọn những hạt đều, có màu vàng đậm. Thịt lợn lựa miếng có cả phần nạc và mỡ, nếu chỉ có nạc thì bánh khi ăn sẽ rất khô và thiếu đi vị béo ngậy của mỡ, nhưng nếu tỉ lệ mỡ quá nhiều thì khi ăn sẽ rất nhanh ngán và hương vị cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Sau khi chọn xong nguyên liệu, ta tiến hành vo gạo qua vài nước và ngâm tầm hai đến ba giờ cho hạt gạo nở đều, như vậy khi nấu bánh sẽ nhanh chín hơn. Đậu xanh vo sạch, đun đến khi nhừ rồi vo lại thành những cục tròn để làm nhân. Thịt lợn rửa sạch, cắt thành những miếng dài, ướp với một chút nước mắm, hành khô băm nhỏ cùng với một vài muỗng tiêu. Ta có thể cho thêm vào nhân những củ hành tươi cắt khúc. Một nguyên liệu cuối cùng không thể thiếu là lá gói, người ta hay dùng lá dong là chủ yếu, có một số vùng lại dùng lá chuối. Tuy nhiên, dù là loại lá nào thì cũng phải chọn những lá có màu xanh thẫm, không bị rách nát, loại bỏ những lá có màu úa vàng khi gói chiếc bánh hình thức sẽ không được bắt mắt, nếu lá có màu xanh nhạt là chưa đủ độ già khi gói sẽ rất dễ rách. Đem lá đi rửa nhẹ nhàng qua vài lần nước, sau đó phơi ngoài nắng cho lá ráo và hơi héo đi, lúc gói sẽ dễ dàng hơn và hạn chế được việc bị rách lá.

 Khó nhất có lẽ ở công đoạn bắt tay vào gói bánh, nó đòi hỏi rất nhiều sự tỉ mỉ, kiên trì và khéo léo của người gói. Những người mới tập gói hay những người không có nhiều thời gian thì họ thường dùng khuôn để gói, chiếc bánh được gói ra sẽ vuông vắn và rất đẹp, tuy nhiên không chắc tay và không thể để được lâu. Khi gói không dùng khuôn thì đòi hỏi người gói phải có kinh nghiệm và sự khéo léo vô cùng. Xếp lá gói xong xuôi, đổ một lớp gạo, để lớp nhân đậu xanh thịt lợn vào trong, tiếp đến là một lớp gạo bên trên, người thợ bắt đầu gập từng cạnh của lá chuối, nắn cho bánh có hình dạng cân đối, buộc lạt sao cho chắc tay, để khi luộc bánh không bị rịa và để được lâu. Nếu gói bánh không chắc tay, bánh chỉ để được vài ngày sẽ bị hỏng ngay. Bánh được xếp vào nồi cho ngay ngắn, đổ nước ngập và đun bằng ngọn lửa cháy vừa đủ, để bánh có thể chín từ trong ra ngoài. Đun bánh với ngọn lửa quá lớn, sẽ khiến bánh bị nhão phần gạo bên ngoài, nhân và gạo bên trong sẽ rất dễ bị sống, khi ăn sẽ không còn giữ được vị dẻo của nếp, vị bùi và ngậy của nhân. Thông thường người ta thường nấu bánh từ tám đến chín tiếng tuỳ vào kích thước của bánh. Khi bánh chín mùi lá dong thơm lừng hoài quyện với nếp dẻo thật là hấp dẫn vị giác. Tuy không phải là một món ăn xa xỉ, khó kiếm nhưng với ý nghĩa cổ truyền, chứa đựng biết bao tình cảm thương yêu mà bánh chưng thường được mang làm quà biếu như là cách biểu lộ lòng thành, sự chúc phúc vẹn tròn.

Chiếc bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Bánh dùng để cúng gia tiên như lời biết ơn sâu nặng của con cháu nhớ về cội nguồn, là lời cảm tạ đất trời cho một năm mưa thuận gió hoà. Trong những ngày đầu năm mới, gia đình ngồi bên nhau cùng thưởng thức những món ăn thật ngon, không thể thiếu đĩa bánh chưng thơm ngon, tuyệt vời, và kể cho nhau nghe về những câu chuyện năm cũ, những ước nguyện cho năm mới đang tới.

3.4. Bài mẫu 4

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”

Bánh chưng là một trong những món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Từ bao đời nay, bánh chưng đã như một món ăn gắn bó, sum vầy, mang đậm hương vị Tết cổ truyền dân tộc.

Truyện xưa kể rằng, từ đời Hùng Vương thứ 6, hoàng tử Lang liêu đã được vua cha lựa chọn để truyền ngôi với món bánh chưng, một thức bánh làm từ lúa gạo, do chính con người làm ra. Bánh chưng thường đi liền với bánh dày, nếu như bánh dày hình tròn, tượng trưng cho trời thì bánh chưng lại hình tượng trưng cho đất, con người luôn phải biết ơn mảnh đất đã sinh ra và nuôi sống chúng ta. Bánh chưng bao gồm những nguyên liệu rất đơn giản: Lá dong dùng để gói bánh, gạo nếp làm vỏ bánh và đỗ xanh, thịt lợn, hành làm nhân bánh. Để chuẩn bị gói bánh chưng, ta phải chuẩn bị những lá dong với nhiều kích cỡ, rửa sạch. Gạo nếp và đỗ xanh phải được ngâm sẵn, thịt lợn thái miếng và hành thái lát mỏng. Sau đó đến công đoạn gói bánh chưng. Ngày trước ông bà ta gói bánh chưng thuần túy bằng tay, nhưng bây giờ thường có khuôn để gói bánh được vuông vắn và dễ dàng hơn. Đầu tiên là đặt hai chiếc lạt biên dưới khuôn, sau đó xếp một lớp lá dong vuông vắn lên bốn mép khuôn. Tiếp theo là một lớp gạo nếp. Sau khi đã đổ gạo nếp lần thứ nhất, ta sẽ cho nhân bánh chưng gồm có đỗ, thịt và hành vào, xan đều ra giữa bánh rồi lại đổ thêm một lớp gạo nếp nữa. Cuối cùng là gói bánh lại và dùng lạt để cố định bánh cho chắc chắn. Khi gói bánh ta không nên xê dịch để tránh bị góc lệch. Những chiếc bánh chưng được coi là đạt tiêu chuẩn khi phần gạo và nhân bánh được nằm vuông vắn trong lớp lá, khi gói bánh chưng, không được cho lớp lá quá mỏng hay rách bởi nếu vậy khi luộc ruột bánh sẽ bị bung ra ngoài. Sau khi gói xong bánh chưng, ta cần chuẩn bị một nồi lớn để luộc bánh, thường thì sẽ luộc bánh chưng bằng bếp củi vì mất khá nhiều thời gian, xếp lần lượt bánh chưng vào nồi sau đó đổ nước vào, để lửa cháy âm ỉ trong khoảng 6-10 tiếng. Bánh chưng cần luộc lâu để chín đều và mềm thơm. Sau khi luộc xong bánh chưng cần được ép cho vuông vắn. Lúc ấy một chiếc bánh chưng mới hoàn chỉnh.

Bánh chưng ngày tếtBánh chưng ngày tết

Bánh chưng thường được dùng để cúng ông bà tổ tiên, mang làm quà biếu tặng mỗi dịp Tết đến xuân về, vừa gần gũi lại vừa lịch sự. Bóc bánh chưng, màu bánh phải xanh màu lá dong, gạo phải mềm và chín tới mới ngon. Bánh chưng không cắt bằng dao mà dùng chính lạt gói bánh để cắt rất dễ dàng. Lớp vỏ bánh dính chặt và thơm mùi gạo nếp, mùi lá dong, đỗ bở tới, quyện với thịt lợn và hành tươi tạo nên một hương vị độc đáo và riêng biệt. Bánh chưng thường được ăn kèm với hành muối và dưa món,… Những chiếc bánh chưng trong mâm cơm ngày Tết vừa là món ăn thân thuộc vừa là mong chờ và niềm chúc cho những điều tốt đẹp trong năm mới sẽ đến với mỗi gia đình.

Cho dù xã hội có phát triển đến đâu, những món ăn mới và ngon như thế nào có ra đời, vị trí của bánh chưng trong mỗi dịp lễ trọng đại của dân tộc vẫn không thể thay thế. Món bánh chưng mộc mạc giản dị mà đầy ý nghĩa, vừa là sự biết ơn với ông cha ta, vừa là nét đẹp văn hóa không thể phai mờ.

3.5. Bài mẫu 5

Bánh chưng là biểu tượng không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Từ xa xưa đến nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà lại chuẩn bị những nồi bánh chưng rất to để đón Tết. Bởi trong tâm thức của mỗi người thì bánh chưng là món ăn mang ý nghĩa sum vầy, đoàn viên bình dị nhưng ấm áp.

Người xưa vẫn lưu truyền rằng bánh chưng ngày Tết có từ rất lâu. Mọi người vẫn tin rằng bánh chưng bánh giầy có từ thời vua Hùng thứ 6, và cho đến ngày nay thì nó đã trở thành biểu tượng của Tết truyền thống tại Việt Nam. Người đời vẫn luôn cho rằng bánh chưng minh chứng cho sự tròn đầy của trời đất và sự sum vầy của gia đình sau một năm trời làm việc tất bật, vội vã.

Cho dù là ở miền Bắc, Trung hay Nam thì bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Có thể nói đây là món ăn được chờ đợi nhiều nhất, vì ngày Tết mới đúng là ngày thưởng thức bánh chưng ngon và ấm áp nhất.

Về nguyên liệu, bánh chưng được làm từ những thứ rất đơn giản và dễ chuẩn bị; kết hợp với bàn tay khéo léo của người gói bánh. Nguyên liệu chủ yếu là gạo nếp, lá dong, thịt, đậu xanh giã nhỏ. Mỗi nguyên liệu đều được chọn lọc thật kĩ để có thể tạo nên món ăn ngon đậm đà nhất. Về phần gạo nếp thì người ta chọn những hạt tròn lẳn, không bị mốc để khi nấu lên ngửi thấy mùi thơm lừng của nếp. Đậu xanh chọn loại đậu có màu vàng đẹp, nấu nhừ lên và giã nhuyễn làm nhân. Người ta sẽ chọn thịt ba chỉ hoặc thịt nạc, trộn với tiêu xay, hành băm nhuyễn. Một nguyên liệu khác không kém phần quan trọng chính là lá dong để gói bánh. Ở một số vùng khác người ta dùng lá chuối gói bánh nhưng phổ thông nhất vẫn là lá dong.

Lá dong cần có màu xanh đậm, có gân chắc, không bị héo và rách nát. Hoặc nếu những chiếc lá bị rách người ta có thể lót bên trong chiếc lá lành để gói. Khâu rửa lá dong, cắt phần cuống đi cũng rất quan trọng vì lá dong sạch mới đảm bảo vệ sinh cũng như tạo mùi thơm sau khi nấu bánh..

Sau khi đã chuẩn bị tất cả các nguyên vật liệu thì đến khâu gói bánh. Gói bánh chưng cần sự tẩn mẩn, tỉ mỉ và khéo léo để tạo nên chiếc bánh vuông vắn cúng viếng ông bà tổ tiên. Nhiều người cần phải có khuôn vuông để gói nhưng nhiều người thì không cần, chỉ cần gấp bốn góc của chiếc lá dong lại là có thể gói được. Bao bọc xung quanh nhân đậu và thịt là một lớp nếp dày. Chuẩn bị dây để gói, giữ cho phần ruột được chắc, không bị nhão ra trong quá trình nấu bánh.

Công đoạn nấu bánh được xem là khâu quan trọng. Thông thường mọi người nấu bánh bằng củi khô, nấu trong một nồi to, đổ đầy nước và nấu trong khoảng từ 8-12 tiếng. Thời gian nấu lâu như thế là vì để đảm bảo bánh chín đều và dẻo. Khi nước bánh sôi, mùi bánh chưng bốc lên nghi ngút. Lúc đó mọi người bắt đầu cảm nhận được không khí Tết đang bao trùm lấy căn nhà.

Bánh chưng sau khi chín được mang ra và lăn qua lăn lại để tạo sự săn chắc cho chiếc bánh khi cắt ra đĩa và có thể để được lâu hơn.

Đối với mâm cơm ngày Tết thì đĩa bánh chưng là điều tuyệt vời không thể thiết. Cũng như trên bàn thờ ngày tết, một cặp bánh chưng cúng tổ tiên là phong tục lưu truyền từ bao đời nay. Bánh chưng tượng trưng cho sự trọn vẹn của trời đất, cho những gì phúc hậu và ấm áp nhất của lòng người.

Bánh chưng ngày tếtBánh chưng ngày tết

Trong ngày Tết có rất nhiều lấy bánh chưng làm quà biếu, và đây chính là món quà ý nghĩa tượng trưng cho lòng thành, cho sự chúc phúc tròn đầy nhất.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, bánh chưng bốc lên nghi ngút chính là báo hiệu cho sự ấm áp của gia đình. Bánh chưng là biểu tượng ngày Tết mà không có bất cứ loại bánh nào có thể thay thế được. Vì đây là truyền thống, là nét đẹp của con người Việt Nam, cần gìn giữ và tôn trọng từ quá khứ, hôm nay và cả ngày mai nữa.

Như vậy, WElearn gia sư đã hướng dẫn bạn cách lập Dàn Ý Chi Tiết Thuyết Minh Bánh Chưng Lớp 10 Hay Nhất cũng với những bài văn mẫu hay nhất. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích cho bạn trong việc cải thiện môn văn của mình . Chúc bạn thành công nhé!

Xem thêm các bài viết liên quan

Xổ số miền Bắc