Đề cương môn học: Cơ sở văn hóa Việt Nam

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT

1. Thông tin chung về học phần

–  Tên học phần: Cơ sở văn hóa Việt Nam

– Mã học phần: 40.21.14

– Số tín chỉ: 03 (45 tiết)

–  Thuộc chương trình đào tạo trình độ: Cử nhân

–  Hình thức đào tạo: Chính quy

–  Loại học phần: Bắt buộc

–  Giờ tín chỉ đối với các hoạt động:

+ Nghe giảng lý thuyết: 40 tiết

+ Thảo luận trên lớp: 5 tiết

+ Tự học của học viên: 90 tiết

–  Khoa phụ trách học phần:  Khoa Văn hóa và Phát triển

2. Tóm tắt nội dung học phần (khoảng 150 từ)

Cơ sở văn hóa Việt Nam là một môn học nghiên cứu khái quát về văn hóa Việt Nam, giúp cho các học viên Lào hiểu được những kiến thức cơ bản về nền văn hóa Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử cũng như hiểu được sự tương đồng và khác biệt giữa nền văn hóa Việt Nam với nền văn hóa Lào.

3. Mục tiêu của môn học

3.1. Về kiến thức:

– Nắm vững các khái niệm, thuật ngữ về Văn hóa.

– Được trang bị những kiến thức cơ bản và có hệ thống về cơ sở hình thành, quá trình hình thành, phát triển và các đặc trưng bản sắc của văn hóa Việt Nam.

– Nhận biết được những nét riêng, độc đáo làm nên bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam.

– Nhận thức được vai trò có tính chất nền tảng của văn hóa trong sự phát triển toàn diện và bền vững của đời sống xã hội.

3.2. Về kỹ năng:

– Rèn luyện khả năng tư duy logic, các kỹ năng phân tích, suy luận, hệ thống hoá, tổng hợp, khái quát trong việc nghiên cứu một vấn đề văn hóa nói riêng và các vấn đề khoa học xã hội nói chung.

– Sau khi kết thúc môn học, người học có thể vận dụng các kiến thức đã học để phân tích, giải thích và đánh giá các sự kiện, các vấn đề văn hóa đã và đang diễn ra trong thực tiễn đời sống.

3.3. Về thái độ:

– Biết tôn trọng và tự hào, từ đó có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Có ý thức tôn trọng các nền văn hóa khác, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho vốn văn hóa truyền thống.

– Củng cố và nâng cao vốn văn hóa cho bản thân, xây dựng lối sống lành mạnh dựa trên các tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ, nhằm góp phần hoàn thiện tâm hồn, nhân cách để trở thành những con người phát triển toàn diện, hài hòa, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển bền vững của xã hội.

4. Phân bổ thời gian giảng dạy học phần

Nội dung

Hình thức tổ chức dạy – học

Giờ lên lớp (tiết)

Tự học của học viên (giờ)

Giảng trên lớp

Thảo luận

(1)

(2)

(3)

(4)

Chương 1: Khái quát về văn hóa

3 tiết

2 tiết

10 tiết

Chương 2: Khái quát về văn hóa Việt Nam

6 tiết

4 tiết

20 tiết

Chương 3: Văn hóa nhận thức

2,5 tiết

2,5 tiết

10 tiết

Chương 4: Văn hóa tổ chức đời sống tập thể

2,5 tiết

2,5 tiết

10 tiết

Chương 5: Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân

2,5 tiết

2,5 tiết

10 tiết

Chương 6: Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên

2,5 tiết

2,5 tiết

10 tiết

Chương 7: Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội

2,5 tiết

2,5 tiết

10 tiết

Thảo luận         

 

5 tiết

10 tiết

5. Phương pháp, hình thức kiểm tra và đánh giá kết quả học tập học phần

 

Chuyên cần

 

Đi học đầy đủ theo yêu cầu.

– Tham dự đầy đủ số tiết lý thuyết + thực hành, thái độ học nghiêm túc, tham gia phát biểu, thảo luận xây dựng bài.

10%

Hoàn thành giờ tự học.

– Sản phẩm tự học

20%

Kiểm tra giữa kỳ

Hình thức: Tự luận

– Theo đáp án

20%

Thi kết thúc môn học

– Hình thức thi: Tự luận

– Đề thi: Sử dụng hệ thống ngân hàng đề thi

– Theo thang đáp án

50%

Tổng:

100%

6. Nội dung chi tiết học phần

Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ VĂN HÓA

1.1. Định nghĩa về văn hóa và các khái niệm liên quan

1.1.1. Thuật ngữ “văn hóa”

1.1.2. Những cách tiếp cận khác nhau về văn hóa

1.1.2.1. Tiếp cận từ góc độ lịch sử văn hóa

– Phương Đông

– Phương Tây

– Ở Việt Nam

1.1.2.3. Các định nghĩa về văn hóa

– Định nghĩa theo nghĩa rộng của E.B. Tylor

– Định nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh

– Quan niệm của UNESCO về văn hóa

– Quan niệm của Đảng CSVN về văn hóa 

1.1.2. Phân biệt các khái niệm liên quan

Văn hóa với văn minh

Văn hóa với văn hiến

Văn hóa với văn vật

1.2. Bản chất, đặc trưng và chức năng của văn hóa

1.2.1. Bản chất của văn hóa

– Mối quan hệ của tự nhiên và con người

– Mối quan hệ giữa con người và văn hóa

1.2.2. Đặc trưng của văn hóa

– Tính hệ thống

– Tính giá trị

– Tính lịch sử

– Tính nhân sinh

1.2.3. Chức năng của văn hóa

– Chức năng nhận thức của văn hóa

– Chức năng giáo dục

– Chức năng thẩm mỹ

– Chức năng dự báo của văn hóa.

– Chức năng giải trí

– Chức năng giao tiếp

1.3. Cấu trúc của văn hóa

1.3.1. Tiếp cận từ cách nhìn hệ thống

– Cách nhìn truyền thống

– Tiếp cận lý thuyết hệ thống

– Tiếp cận theo đặc điểm, loại hình

1.3.2. Tiếp cận từ giáo trình môn Văn hóa và phát triển

– Văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần

– Văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể

– Văn hóa cá nhân, văn hóa cộng đồng

* Tài liệu học tập:

– Tài liệu cần đọc:

1. Trần Ngọc Thêm (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục (Chương1 , Bài 1, Trang 10-20 )

2. Trần Quốc Vượng (2018) Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 20, Nxb Giáo dục (Chương 1, trang 9-25; chương 2, trang 100-113).

– Tài liệu nên đọc:

1. Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chương 1, trang 20 -30)

* Tự học đối với học viên: (10 tiết)

– Đọc tài liệu:

1. Trần Ngọc Thêm (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục (Chương 1, Bài 2)

2. Trần Quốc Vượng, (2018), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 20, Nxb Giáo dục (Chương 3, trang 114-213; chương 4, trang 213-278).

3. Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chương 1, trang 30-97).

– Tự học: “Chức năng của văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội hiện nay” (HV chọn 1 chức năng của văn hóa, bài viết có sự liên hệ với Lào và địa phương công tác của HV).

 Yêu cầu sản phẩm: HV nghiên cứu và viết tay 2-3 trang, nộp sản phẩm trước buổi học tiếp theo).

* Câu hỏi ôn tập:

1. Văn hóa là gì?

2. Bản chất và chức năng của văn hóa.

3. Cấu trúc của văn hóa theo các cách tiếp cận khác nhau.

Chương 2:  KHÁI QUÁT VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM

2.1. Điều kiện hình thành văn hóa Việt Nam

2.1.1. Điều kiện tự nhiên và lịch sử, xã hội hình thành văn hóa Việt Nam

2.1.1.1 Điều kiện tự nhiên

–  Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á (lục địa và hải đảo).

– Nam – Bán đảo Đông Dương là đầu cầu để mở vào Đông Nam Á từ hướng Ấn Độ và Trung Quốc.

– Việt Nam có khí hậu Nhiệt – Ẩm – Gió mùa.

2.1.1.2. Điều kiện lịch sử, xã hội hình thành văn hóa Việt Nam

– Quá trình phát triển lịch sử – xã hội Việt Nam đặt trong mối quan hệ giao lưu văn hóa Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ và phương Tây.

– Xã hội truyền thống Việt Nam trong mối quan hệ Nhà – Làng – Nước

2.1.2. Chủ thể văn hóa Việt Nam

  – Nguồn gốc dân tộc Việt Nam – Chủ thể văn hóa.

– Các giai đoạn hình thành các dân tộc Việt Nam.

– Chủ thể văn hóa Việt Nam là cộng đồng 54 dân tộc anh em, phần lớn có chung nguồn gốc là chủng Indonésien (thống nhất trong sự đa dạng).

– Chủ thể văn hóa Việt Nam có cơ cấu nhiều thành phần, trong đó có hai chủ thể chính tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam: chủ thể văn hóa dân gian và chủ thể văn hóa bác học.

2.1.3. Thời gian, không gian văn hóa Việt Nam

2.1.3.1 Thời gian văn hóa Việt Nam

– Lớp văn hóa bản địa

+ Thời Tiền sử: Bắt đầu từ văn hóa Núi Đọ, đến văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn. Hình thành nên nền văn minh sông Hồng và sự ra đời của hình thái Nhà nước sơ khai.

+ Thời Sơ sử: Khoảng từ 4000 năm trở lại đây từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Đồng Nai thuộc thời đại kim khí và được xác định với 3 trung tâm văn hoá lớn là: Văn hóa Đông Sơn; Văn hóa Sa Huỳnh; Văn hóa Đồng Nai.

– Lớp văn hóa giao lưu với văn hóa Trung Hoa và khu vực

+ Thời kỳ đầu của văn hóa dân tộc.

+ Văn hóa Việt Nam thời kỳ độc lập tự chủ (thời Đại Việt).

– Lớp văn hóa giao lưu với văn hóa với phương Tây

+ Văn hóa Việt Nam thời kỳ chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây

+ Văn hóa Việt Nam từ năm 1975 đến nay.

2.1.3.2 Không gian văn hóa Việt Nam

– Không gian văn hóa Nam Á (vùng Bách Việt), có thời tiết bốn mùa, nông nghiệp lúa nước, kỹ thuật đúc đồng và cách thức tổ chức làng xã.

– Không gian văn hóa khu vực Đông Nam Á (cả lục địa và hải đảo), với đặc trưng nông nghiệp lúa nước, ở nhà sàn, đi lại bằng thuyền, bè mảng, nhiều món ăn đặc thù, vai trò của người phụ nữ khá cao, văn hóa dân gian phát triển, thờ nhiều thần và có lễ hội liên quan đến nông nghiệp.

– Việt Nam nằm ở trung tâm giao lưu của các nền văn hóa, ngã ba đường của giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế: Khu vực, Trung Quốc, Ấn Độ, Phương Tây…

2.2. Đặc trưng văn hóa Việt Nam

2.2.1. Loại hình văn hóa gốc nông nghiệp

– Về mặt tư duy, nhận thức: Tư duy tổng hợp và biện chứng, chủ quan, cảm tính, kinh nghiệm.

– Về mặt tổ chức cộng đồng: Trọng tình, trọng đức, trọng văn, trọng phụ nữ.

– Ứng xử với môi trường tự nhiên: Sống hòa bình với thiên nhiên.

– Ứng xử với môi trường xã hội: Dung hợp trong tiếp nhận, mềm dẻo, hiếu hòa…

2.2.2. Các vùng văn hóa Việt Nam

– Vùng văn hóa vùng Tây Bắc

Vùng văn hóa Việt Bắc

Vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ

Vùng văn hóa Trung Bộ

Vùng văn hóa Tây Nguyên

Vùng văn hóa Nam Bộ

* Tài liệu học tập:

– Tài liệu cần đọc:

1. Trần Ngọc Thêm (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục (Chương 1, Bài 2)

2. Trần Quốc Vượng, (2018), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 20, Nxb Giáo dục (Chương 3, trang 114-213; chương 4, trang 213-278).

– Tài liệu nên đọc:

3. Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chương 1, trang 30-97).

* Tự học đối với học viên: (20 tiết)

– Đọc tài liệu:

1. Trần Ngọc Thêm, (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục (Chương 2 )

2. Trần Ngọc Thêm, (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chương 2).

– Tự học: “Phân tích đặc trưng của nền văn hóa truyền thống Việt Nam” (HV có thể lựa chọn một hoặc nhiều đặc trưng, bài thu hoạch tự học có sự liên hệ với các đặc trưng của nền văn hóa Lào và ảnh hưởng của các đặc trưng văn hóa truyền thống đó đến sự phát triển văn hóa hiện nay).

 (Yêu cầu sản phẩm: HV nghiên cứu và viết tay 5 trang, nộp sản phẩm trước buổi học tiếp theo).

* Câu hỏi ôn tập:

1. Điều kiện hình thành nền văn hóa Việt Nam

2. Thời gian và không gian văn hóa Việt Nam

3. Đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam (có liên hệ với văn hóa Lào).

4. Đặc điểm cơ bản của các vùng văn hóa Việt Nam.

Chương 3: VĂN HÓA NHẬN THỨC

3.1. Văn hóa nhận thức về giới tự nhiên

3.1.1. Nhận thức về bản chất của vũ trụ: Triết lí Âm – Dương

3.1.1.1. Triết lí Âm – Dương: Quá trình hình thành, bản chất và khái niệm

– Mối quan tâm của cư dân nông nghiệp lúa nước là sự sinh sôi nảy nở của hoa màu và con người. Sự sinh sôi của con người do hai yếu tố: cha và mẹ, nữ và nam. Sự sinh sôi của hoa màu do trời và đất, trời sinh và đất dưỡng. Việc hợp nhất của hai cặp “mẹ – cha” và “đất – trời” chính là sự khái quát hoá đầu tiên trên con đường dẫn tới triết lí âm dương.

– Triết lý âm dương có ý nghĩa rất cụ thể và thiết thực trong nhận thức của người Việt. Âm – Dương là bản chất của giới tự nhiên. Ý nghĩa ban đầu của chúng chính là: “mẹ cha – đất trời”. Từ hai cặp đối lập gốc “mẹ – cha” và “đất – trời” này, người xưa đã dần suy ra vô số những cặp đối lập phổ biến khác và hình thành nên một hệ thống học thuyết gọi là triết lý âm dương. 

3.1.1.2. Hai quy luật của Triết lí Âm – Dương

– Quy luật về THÀNH TỐ: Không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong âm có dương và trong dương có âm.

+ Muốn xác định tính chất âm dương của một vật, trước hết phải xác đinh được đối tượng so sánh.

+ Để xác định tính chất âm dương của một vật, sau khi xác định được đối tượng so sánh, còn phải xác định cơ sở so sánh.

– Quy luật về QUAN HỆ: âm và dương luôn gắn bó mật thiết với nhau và chuyển hóa cho nhau: âm cực sinh dương, dương cực sinh âm.

3.1.1.3. Biểu tượng Âm – Dương và quan niệm của người Việt

– Hai quy luật của triết lí Âm- Dương được thể hiện rất rõ trong cuộc sống của người Việt.

– Người Việt Nam có được triết lí sống quân bình: Trong cuộc sống gắng không làm mất lòng ai; trong việc ăn ở, gắng giữ sự hài hòa âm dương trong cơ thể và hài hòa với môi trường thiên nhiên…

– Người Việt có lối sống linh hoạt, khả năng thích nghi cao trong mọi hoàn cảnh. Có thể nói, người Việt sống rất lạc quan, luôn tin tưởng vào tương lai vì “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, “Trong rủi có may, trong họa có phúc”.

3.1.2. Cấu trúc không gian của vũ trụ: Mô hình Tam tài và Ngũ hành

3.1.2.1. Tam tài

– Tam tài là khái niệm bộ ba: Thiên – Địa – Nhân.

3.1.2.2. Ngũ hành

– Quan niệm về ngũ hành gồm: Kim; Mộc; Thủy; Hỏa; Thổ.

– Mối quan hệ tương sinh, tương khắc của Ngũ hành.

+ Quan hệ tương sinh: Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim.

+ Quan hệ tương khắc: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim.

3.1.3. Cấu trúc thời gian của vũ trụ: Lịch pháp và hệ can chi

3.1.3.1. Lịch pháp

– Khái niệm: Lịch là một hệ thống để đặt tên cho các chu kỳ thời gian, thông thường là theo các ngày, tháng, năm.

– Các loại lịch pháp: Lịch âm; Lịch dương; Lịch âm dương.

3.1.3.2. Hệ can chi

– Hệ Can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

– Hệ Chi: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

– Cách ghép hệ thống Can – Chi theo truyền thống văn hóa Việt Nam.

3.2. Văn hóa nhận thức về con người

3.2.1. Con người tự nhiên như một mô hình Âm Dương –  Ngũ Hành

3.2.1.1. Mô hình Âm Dương

– Cấu tạo cơ thể người theo mô hình âm dương

+ Dương: từ bụng trở lên như: lưng, mặt ngoài tứ chi, bì mao, lục phủ, mu bàn tay, mu bàn chân.

+ Âm: phía dưới cơ thể như: bụng, mặt trong tứ chi, cân cốt, ngũ tạng, lòng bàn tay, lòng bàn chân.

– Theo mô hình âm dương, trong quan niệm của người Việt, sở dĩ con người bị bệnh là do mất quân bình âm dương.

3.2.1.2. Mô hình Ngũ hành

– Ngũ tạng: Thận, tâm, can, phế, tì       

– Ngũ phủ: Bàng quang, tiểu tràng, đởm, đại tràng, vị

– Ngũ quan: Tai, lưỡi, mắt, mũi, miệng

– Ngũ chất: xương, huyết mạch, gân, lông, da

3.2.2. Cách nhìn cổ truyền về con người xã hội

3.2.2.1. Con người và vũ trụ nằm trong một thể thống nhất

– Xuất phát từ sự gắn bó mật thiết của con người nông nghiệp với thiên nhiên, từ tư tưởng coi con người và vũ trụ là một thể thống nhất. Người xưa đã áp dụng các mô hình nhận thức về vũ trụ vào việc lí giải không chỉ con người tự nhiên mà cả con người xã hội.

3.2.2.2. Con người với hệ đếm Can – Chi

– Con người dựa vào thời điểm ra đời (tuổi) để xác định theo hệ Can – Chi.

– Các quy luật tương sinh – tương khắc đã được phổ biến trong nội bộ các yếu tố Can – Chi với các quy luật “tam hợp”, “tứ xung”.

3.2.2.3. Con người với Ngũ hành

– Cũng như mọi vật trong vũ trụ hoặc các thành phần trong cơ thể, mỗi cá nhân trong xã hội đều có thể được đặc trưng bởi một trong năm hành.

– Mối quan hệ giữa các cá nhân cũng sẽ được xác định theo quy luật tương sinh, tương khắc giữa các hành.

* Tài liệu học tập:

– Tài liệu cần đọc:

1. Trần Ngọc Thêm, (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục (Chương 2)

– Tài liệu nên đọc:

1. Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chương 2).

* Tự học đối với học viên: (10 tiết)

– Đọc tài liệu:

1. Trần Ngọc Thêm, (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục (Chương 3)

2. Trần Ngọc Thêm, (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chương 3).

– Tự học:

+Sự tương đồng và khác biệt trong văn hóa nhận thức về thế giới tự nhiên của người Việt và người Lào

+Sự tương đồng và khác biệt trong nhận thức về con người của văn hóa Việt và văn hóa Lào

Lưu ý: HV có thể lựa chọn một trong hai câu hỏi, bài thu hoạch tự học có phân tích những ảnh hưởng của văn hóa nhận thức truyền thống đến sự phát triển của nền văn hóa hiện nay.

Yêu cầu sản phẩm: HV nghiên cứu và viết tay 3 trang, nộp sản phẩm trước buổi học tiếp theo.

* Câu hỏi ôn tập:

1. Triết lí Âm – Dương là gì? Hai quy luật của triết lí Âm – Dương?

2. Cấu trúc thời gian và không gian trong văn hóa nhận thức truyền thống của người Việt?

3. Văn hóa nhận thức về con người của người Việt và người Lào có gì giống nhau và khác nhau?

Chương 4: VĂN HÓA TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG TẬP THỂ

4.1. Tổ chức nông thôn

4.1.1. Tổ chức nông thôn theo huyết thống: gia đình và gia tộc

– Gia đình: Những người cùng huyết thống gắn bó mật thiết với nhau thành đơn vị cơ sở là gia đình và đơn vị cấu thành là gia tộc.

– Gia tộc: Quan hệ huyết thống là quan hệ theo hàng dọc, theo thời gian. Nó là cơ sở cho tính “tôn ti” trong xã hội cổ truyền Việt Nam.

4.1.2. Tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú: xóm và làng

– Làng, xóm: Những người sống gần nhau, có xu hướng liên kết chặt chẽ với nhau. Sản phẩm của lối liên kết này là khái niệm làng, xóm.

– Cách tổ chức nông thôn dựa trên địa bàn cư trú, dựa trên quan hệ hàng ngang, theo không gian. Nó là nguồn gốc của tính dân chủ.

4.1.3. Tổ chức nông thôn theo nghề nghiệp và sở thích: Phường và Hội

– Phường: Trong một làng, phần lớn người dân đều làm nông nghiệp, tuy nhiên nhiều làng, có những bộ phận dân cư sinh sống bằng nghề khác, họ liên kết chặt chẽ với nhau khiến cho nông thôn Việt Nam có thêm một nguyên tắc tổ chức thứ ba là tổ chức theo nghề nghiệp, tạo thành đơn vị gọi là Phường.

– Hội: Bên cạnh Phường là Hội – tổ chức liên kết những người cùng sở thích, thú vui, đẳng cấp: hội tư văn, hội văn phả, hội võ phả,…

– So với hội, phường mang tính chuyên môn sâu hơn và phạm vi thường nhỏ hơn. Phường và hội là sự liên kết theo chiều ngang, tạo nên tính dân chủ của nông thôn Việt Nam cổ truyền.

4.1.4. Tổ chức nông thôn theo truyền thống nam giới (Giáp)

– Hình thức tổ chức xuất hiện muộn hơn so với các đơn vị liên kết ở trên. Đứng đầu mỗi giáp là cai giáp; giúp việc cho cai giáp là các ông lềnh: lềnh nhất, lềnh hai, lềnh ba.

– Đặc điểm của giáp: i) Chỉ có đàn ông tham gia; ii) Có tính cha truyền con nối (cha ở giáp nào thì con ở giáp ấy).

– Mỗi giáp phân biệt thành các lớp tuổi: ti ấu, đinh và lão.

– Giáp là hình thức tổ chức, liên kết vừa theo chiều dọc lại vừa theo chiều ngang, tạo nên tính tôn ti đồng thời là tính dân chủ trong làng xã Việt Nam cổ truyền.

4.1.5. Tổ chức nông thôn theo đơn vị hành chính: Thôn và Xã

– Thôn: Xét về phương diện hành chính, làng được gọi là xã (đôi khi một xã có thể có vài làng), xóm được gọi là thôn (đôi khi một thôn có thể có vài xóm).

– Xã: Trong xã, có sự phân biệt rất rõ giữa dân chính cư (dân gốc ở làng ấy) với dân ngụ cư (người từ nơi khác đến trú ngụ).

– Bộ máy hành chính làng xã VN cổ truyền dựa vào đơn vị giáp nên có tổ chức khá gọn nhẹ. Đứng đầu ban lí dịch là lý trưởng (xã trưởng), dưới lý trưởng là phó lý, hương trưởng và trương tuần.

– Phương tiện quản lý chủ yếu của lí dịch là 2 loại sổ – sổ đinh và sổ điền: một tay nắm nhân lực (trai đinh) và một tay nắm kinh tế (ruộng đất).

4.1.6. Đặc trưng cơ bản của nông thôn Việt Nam

4.1.6.1. Tính cộng đồng

– Tính cộng đồng là sản phẩm của việc tổ chức nông thôn theo nhiều nguyên tắc khác nhau, đó là sự liên kết các thành viên trong làng lại với nhau mỗi người đều hướng tới những người khác.

– Biểu tượng của tính cộng đồng: cây đa, bến nước, sân đình.

– Do tính cộng đồng mà người Việt Nam luôn có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, coi mọi người như anh em một nhà. Điều này tạo ra tính tập thể, dân chủ bình đẳng, nhưng đồng thời cũng dẫn đến sự “thủ tiêu” ý thức về con người cá nhân, thói dựa dẫm, ỷ lại, cào bằng, đố kỵ…

4.1.6.2. Tính tự trị

– Là sản phẩm của tính cộng đồng – một tập thể làng xã mang tính tự trị: làng nào biết làng ấy, các làng tồn tại khá biệt lập với nhau và phần nào biệt lập với triều đình phong kiến. Sự biệt lập ấy tạo nên truyền thống phép vua thua lệ làng. Tình trạng này thể hiện quan hệ dân chủ đặc biệt giữa nhà nước phong kiến với làng xã ở Việt Nam.

– Tính tự trị tạo nên tinh thần tự lập của mỗi cộng đồng. Tuy nhiên tính tự trị cũng đẻ ra một loạt các đặc tính của người nông dân, nông thôn Việt Nam: óc tư hữu, ích kỷ, bè phái, địa phương cục bộ,…

4.2. Tổ chức quốc gia

4.2.1. Từ làng đến nước và việc quản lí xã hội

Nước là sự mở rộng của làng. Chức năng nhiệm vụ của nước cũng giống như chức năng nhiệm vụ của làng – ứng phó với môi trường tự nhiên và ứng phó với môi trường xã hội – chỉ khác nhau về quy mô.

Ở phạm vi quốc gia, ứng phó với môi trường tự nhiên là chống thiên tai, đặc biệt là ứng phó với lũ lụt; ứng phó với môi trường xã hội là chống giặc ngoại xâm.

4.2.2. Nước với truyền thống dân chủ của văn hóa nông nghiệp

Truyền thống dân chủ là yếu tố khiến cho Nước giống với làng xã.

Người đứng đầu nước là vua. Tuy nhiên vua không độc đoán, chuyên chế mà coi dân như con cháu của mình. Truyền thống dân chủ giữa lãnh đạo với dân chúng được duy trì suốt chiều dài lịch sử.

Tính dân chủ trong lãnh đạo quốc gia còn được thể hiện ở truyền thống lãnh đạo tập thể, trong luật pháp, tuyển chọn người vào bộ máy quan lại, trọng văn,… 

4.3 Tổ chức đô thị

4.3.1. Đô thị Việt Nam trong quan hệ với quốc gia

– Trong quan hệ với quốc gia, đô thị Việt Nam có các “đặc trưng” sau: i) Về nguồn gốc, phần lớn đô thị Việt Nam do nhà nước sản sinh ra;

ii) Về chức năng, đô thị thực hiện chức năng hành chính là chủ yếu;

iii) Về quản lý, đô thị do Nhà nước quản lý.

– So với làng xã, tổ chức đô thị “yếu” và lệ thuộc hơn.

4.3.2. Đô thị trong quan hệ với nông thôn

Ở Việt Nam, có nhiều làng xã nông thôn thực hiện chức năng kinh tế như đô thị – làng công thương.

– Đô thị chịu ảnh hưởng của nông thôn và mang đặc tính nông thôn đậm nét. Mặt khác, đô thị Việt Nam luôn có nguy cơ bị “nông thôn hóa”.

4.3.3. Quy luật chung của tổ chức xã hội Việt Nam truyền thống

– Văn hóa tổ chức đời sống tập thể tạo nên những nhóm lưỡng phân với quan hệ âm dương giữa các yếu tố trong mỗi cặp, trong đó âm luôn mạnh hơn dương. Điều này dẫn đến khả năng “bảo tồn” khá nổi bật.

* Tài liệu học tập:

– Tài liệu cần đọc:

1. Trần Ngọc Thêm, (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục (Chương 3)

– Tài liệu nên đọc:

1. Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chương 3).

* Tự học đối với học viên: (10 tiết)

– Đọc tài liệu:

1. Trần Ngọc Thêm, (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục (Chương 4)

2. Trần Ngọc Thêm, (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chương 4).

– Tự học:

+Sự tương đồng và khác biệt trong văn hóa tổ chức nông thôn/ quốc gia/ đô thị của người Việt và người Lào

 Lưu ý: HV có thể lựa chọn một trong ba lĩnh vực tổ chức nông thôn hoặc quốc gia hoặc đô thị.

 Yêu cầu sản phẩm: HV nghiên cứu và viết tay 3 trang, nộp sản phẩm trước buổi học tiếp theo.

* Câu hỏi ôn tập:

1. Có mấy hình thức tổ chức nông thôn trong xã hội Việt Nam truyền thống? Đó là những hình thức nào? Đặc điểm của các hình thức tổ chức nông thôn đó.

2. Tại sao tổ chức nông thôn trong xã hội Việt Nam quan trọng nhất chi phối đến cả tổ chức quốc gia và đô thị? Ở Lào có thế không? Tại sao?

3. Các biểu tượng trong cộng đồng và tính tự trị của làng xã Việt Nam là gì?

4. Tại sao người Việt Nam lại có câu nói: “Từ làng đến nước”? Ý nghĩa của câu nói đó là gì?

5. Đô thị của Việt Nam trong quan hệ với quốc gia như thế nào? Có gì tương đồng và khác biệt với Lào không?

Chương 5: VĂN HÓA TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG CÁ NHÂN

5.1. Tín ngưỡng

5.1.1 Tín ngưỡng phồn thực

– Là tín ngưỡng phổ biến, có từ lâu đời ở các nền văn hóa nông nghiệp trong đó có Việt Nam .

– Thờ sinh thực khí, thờ hành vi giao phối với mong muốn cầu cho mùa màng tươi tốt, con người sinh sôi, nảy nở.

5.1.2 Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên

– Người Việt Nam sống bằng nghề lúa nước nên sùng bái tự nhiên và có tín ngưỡng đa thần.

– Do tính chất âm của văn hóa nông nghiệp dẫn đến lối sống tình cảm, trọng nữ nên các nữ thần chiếm ưu thế.

+ Tục thờ MẪU (đạo MẪU) đã trở thành một tín ngưỡng Việt Nam điển hình: Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước; Bà Mây, Mưa, Sấm, Chớp.

+ Thờ động vật, thực vật: chim, rắn, cá sấu, rồng.

5.1.3 Tín ngưỡng sùng bái con người

– Linh hồn: Trong con người có cái vật chất và cái tinh thần. Cái tinh thần trừu tượng, khó nắm bắt nên người xưa đã thần thánh hóa nó thành khái niệm “linh hồn”, và linh hồn trở thành đầu mối của tín ngưỡng.

– Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: Tin rằng nơi chín suối, ông bà, tổ tiên vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ con cháu.

– Tín ngưỡng thờ thổ công: Là vị thần trông coi gia cư, định đoạt phúc, họa cho một gia đình.

– Tín ngưỡng thờ Thành hoàng: Tín ngưỡng thờ thần của Việt Nam không chỉ đóng khung trong gia đình mà ngoài các vị thần tại gia, còn có các thần linh chung của thôn xã.

– Tín ngưỡng thờ Vua Hùng: Thờ vị thần chung của toàn dân tộc.

– Tín ngưỡng thờ Tứ Bất Tử: Người Việt có một tín ngưỡng đặc biệt là tục thờ Tứ bất tử: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh.

4.2. Phong tục

4.2.1. Phong tục hôn nhân

– Hôn nhân không phải là việc của 2 người cưới nhau, mà là việc của 2 họ dựng vợ gả chồng cho con cháu.

Điều này xuất phát từ quyền lợi tập thể: 1) Quyền lợi của gia tộc; 2) Quyền lợi của làng xã. Sau đó mới đến quyền lợi của cá nhân.

4.2.2. Phong tục tang ma

– Quan niệm về tang ma: Phong tục tang ma của người Việt Nam chứa đựng cái nhìn vừa mang tính triết lý vừa mang tính trần tục. Một mặt cái chết được xem việc linh hồn trở về với thế giới bên kia nên việc tang ma được xem như việc đưa tiễn. Mặt khác, cái nhìn trần tục coi chết là hết nên việc tang ma là việc xót thương.

– Phong tục tang lễ của người Việt thấm nhuần sâu sắc tinh thần triết lý âm dương ngũ hành, đồng thời chứa đựng tinh thần dân chủ làng xã truyền thống.

– Cách thức tổ chức tang ma của người Việt.

4.2.3. Phong tục lễ tết

– Quan niệm về lễ tết: Là dịp người Việt sum họp, cúng gia tiên, dâng lễ thánh thần, ăn uống và vui vẻ. Các lễ tết được phân bổ theo thời gian, xen vào các khoảng trống trong lịch thời vụ.

– Cấu trúc lễ tết thường gồm hai phần: i) Cúng tổ tiên, và ii) Ăn uống bù cho lúc làm lụng vất vả.

– Một số loại lễ tết tiêu biểu: Tết Nguyên Đán, tết rằm tháng Giêng (Thượng Nguyên), tết rằm tháng Bảy (Trung Nguyên), tết rằm tháng Tám (Trung Thu), tết Rằm tháng Mười (Hạ Nguyên). Ngoài ra còn có tết Hàn thực, tết Đoan ngọ, tết ông Công, ông Táo…

4.2.4. Phong tục lễ hội

– Quan niệm lễ hội: Lễ hội là sinh hoạt văn hóa gắn với đời sống tinh thần của cư dân sống trên dải đất Việt Nam hàng ngàn năm nay. Các lễ hội phân bổ theo không gian, vào mùa xuân hoặc mùa thu, khi công việc đồng áng rảnh rỗi nhất, lễ hội diễn ra liên tiếp hết chỗ này đến chỗ khác, mỗi vùng có lễ hội riêng của mình.

– Cấu trúc lễ hội: Lễ hôi bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ mang ý nghĩa tạ ơn và cầu xin cho thần linh bảo trợ cho cuộc sống của mình. Phần Hội gồm các trò vui chơi giải trí hết sức phong phú.

– Vai trò của lễ hội: Mối quan hệ của cái linh thiêng (lễ) và cái trần thế (Tết, hội); Tính cộng đồng làng xã.

* Tài liệu học tập:

– Tài liệu cần đọc:

1. Trần Ngọc Thêm, (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục (Chương 4)

– Tài liệu nên đọc:

1. Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chương 4).

* Tự học đối với học viên: (10 tiết)

– Đọc tài liệu:

1. Trần Ngọc Thêm, (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục (Chương 5)

2. Trần Ngọc Thêm, (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chương 5).

– Tự học:

+ “Sự tương đồng và khác biệt trong lễ cưới xin của người Việt và người Lào

+ “Sự tương đồng và khác biệt trong Tết Việt và Tết Lào

+ Sự tương đồng và khác biệt trong lễ cầu mùa người Việt và người Lào

 Lưu ý: HV có thể lựa chọn một trong ba chủ đề

Yêu cầu sản phẩm: HV nghiên cứu và viết tay 2 – 3 trang, nộp sản phẩm trước buổi học tiếp theo).

* Câu hỏi ôn tập:

1. Vì sao người Việt lại có phong tục thờ sinh thực khí?

2. Vật thiêng của Việt Nam là con Rồng. So sánh sự giống nhau và khác nhau trong tín ngưỡng thờ vật thiêng của người Lào và người Việt.

3. Tín ngưỡng sùng bái con người của người Việt và người Lào có gì giống nhau và khác nhau?

4. Lễ Tết và lễ hội có gì giống nhau và khác nhau?

Chương 6: VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN

6.1. Ẩm thực Việt Nam

6.1.1. Quan niệm về ăn và dấu ấn nông nghiệp trong cơ cấu bữa ăn của người Việt

6.1.1.1. Về cơ cấu bữa ăn

– Cơ cấu bữa ăn thiên về thực vật, đứng đầu là lúa gạo

– Thứ hai là rau quả và các loại gia vị – do Việt Nam nằm trong khu vực trung tâm trồng trọt mầu mỡ.

– Thứ ba là các loại thủy sản – sản phẩm của vùng sông nước.

– Sau cùng là thịt trong cơ cấu bữa ăn người Việt.

6.1.1.2.Về đồ uống, thuốc hút: Rượu gạo, chè, nước vối, thuốc lào, trầu cau – sản phẩm của nghề trồng trọt.

6.1.2. Tính tổng hợp và tính cộng đồng trong nghệ thuật ẩm thực

6.1.2.1. Tính tổng hợp:

– Trong cách chế biến đồ ăn: Nấu nhiều các loại gia vị lại với nhau, bổ sung lẫn nhau để cho ta những món ăn có đủ mọi chất.

– Trong cách ăn: Mâm cơm của người Việt có nhiều món ăn.

6.1.2.2. Tính cộng đồng

– Ăn chung: Ăn chung nồi cơm và chấm chung nước mắm. Việc này giúp gắn kết mật thiết các thành viên.

– Hình thành văn hóa giao tiếp, văn hóa ăn uống.

6.1.3 Tính biện chứng, linh hoạt trong nghệ thuật ẩm thực

6.1.3.1. Tính biện chứng

– Sự bình quân âm – dương của thức ăn

– Sự bình quân âm – dương trong cơ thể

– Sự bình quân âm dương giữa con người và môi trường tự nhiên

6.1.3.2. Tính linh hoạt

– Trong cách ăn

– Trong dụng cụ ăn

6.1.3. Đặc điểm của ẩm thực Việt Nam theo vùng miền

– Ẩm thực miền Bắc: Có vị vừa phải, màu sắc sặc sỡ, chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm.

– Ẩm thực miền Trung: Vị đậm hơn, nhiều món ăn cay và mặn. Thiên về màu đỏ và nâu sậm, đặc biệt nổi tiếng với mắm tôm chua, các loại ruốc.

– Ẩm thực miền Nam: Thiên về độ ngọt, độ cay, phổ biến các loại mắm khô như mắm cá sặc, mắm bò hóc, mắm ba khía.

– Ẩm thực các dân tộc thiểu số: Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng.

6.2. Trang phục Việt Nam

6.2.1. Quan niệm về mặc và dấu ấn nông nghiệp trong chất liệu may mặc

– Tầm quan trọng của mặc: Mặc để ứng phó với khí hậu, thời tiết, và mặc để làm đẹp.

– Chất liệu may mặc: tận dụng các chất liệu có nguồn gốc từ thực vật, nhẹ,   thoáng, phù hợp xứ nóng.

6.2.2 Trang phục Việt Nam qua các thời kỳ

– Trang phục nam giới qua các thời kỳ.

– Trang phục nữ giới qua các thời kỳ.

– Trang phục truyền thống tiêu biểu của người Việt và một số tộc người.

– Màu sắc: thiên về âm tích, ưa tế nhị , kín đáo.

– Đồ đội đầu: khăn, thắt lưng, đội khăn, nón .

– Trang sức 

6.3. Văn hóa ở và đi lại

6.3.1. Văn hóa đi lại truyền thống của người Việt Nam

– Đường bộ: Người Việt đi lại bằng các phương tiện sức kéo, xe ngựa, kiệu, cáng, đi bộ, về sau có xe tay, xích lô, xe đạp và các phương tiện hiện đại.

– Đường thủy: Có thuyền, ghe, bè, xuồng, mảng, phà, tầu…

6.3.2. Văn hóa nhà ở và kiến trúc Việt Nam truyền thống.

– Đặc điểm ngôi nhà truyền thống.

+ Gắn liền với môi trường sông nước.

+ Cấu trúc: nhà cao cửa rộng.

+ Hướng nhà, hướng đất.

– Kiến trúc nhà cửa: rất động và linh hoạt.

* Tài liệu học tập:

– Tài liệu cần đọc:

1. Trần Ngọc Thêm, (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục (Chương 5)

– Tài liệu nên đọc:

1. Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chương 5).

* Tự học đối với học viên: (10 tiết)

– Đọc tài liệu:

1. Trần Ngọc Thêm, (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục (Chương 6)

2. Trần Ngọc Thêm, (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chương 6).

– Tự học:

+ “Sự tương đồng và khác biệt trong văn hóa ẩm thực của người Việt và người Lào

+ “Sự tương đồng và khác biệt trong kiến trúc nhà ở truyền thống của người Lào và người Việt 

Lưu ý: HV có thể lựa chọn một trong hai chủ đề

 Yêu cầu sản phẩm: HV nghiên cứu và viết tay 2 – 3 trang, nộp sản phẩm trước buổi học tiếp theo).

* Câu hỏi ôn tập:

1. Cơ cấu bữa ăn của người Việt?

2. Tại sao nói, bữa ăn của người Việt mang tính cộng đồng?

3. Phương tiện đi lại truyền thống của người Lào và người Việt có giống nhau không? Vì sao?

4. Đặc điểm ẩm thực vùng miền của Việt Nam.

Chương 7: VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI

7.1. Phật giáo và văn hóa Việt Nam

7.1.1. Sự hình thành và nội dung cơ bản của Phật giáo

– Sự hình thành Phật giáo: Đạo Phật hình thành ở Ấn độ vào khoảng thế kỷ VI TCN, người sáng lập là Thái tử Sidharta.

– Nội dung cơ bản của Phật giáo: Cốt lõi của đạo Phật là Tứ diệu đế: Khổ đế, Nhân đế, Diệt đế, Đạo đế.

– Sau khi đức Phật tạ thế, các đệ tử chia ra làm hai phái: Thượng tọa (Tiểu thừa); Đại chúng (Đại thừa).

7.1.2. Quá trình thâm nhập và phát triển của Phật giáo ở Việt Nam

– Các nhà sư Ấn Độ đến Việt Nam theo đường biển từ đầu Công nguyên.

– Phật giáo lúc này mang màu sắc Tiểu thừa Nam tông. Đến thế kỉ IV-V, Phật giáo Đại thừa Bắc tông từ Trung Hoa tràn vào thay thế luồng Nam tông trước đó.

– Từ Trung Hoa, có ba tông phái Phật giáo được truyền vào Việt Nam: Thiền Tông, Tịnh độ tông và Mật tông.

– Ngay từ thời Bắc thuộc, Phật giáo đã phổ biến rộng khắp. Đến thời Lý-Trần, Phật giáo Việt Nam phát triển cực thịnh.

– Ngày nay Phật giáo phát triển mạnh với khoảng 3 triệu người xuất gia và phật tử khoảng vài chục triệu người.

7.1.3. Những đặc điểm của Phật giáo Việt Nam

– Tính tổng hợp, đặc trưng của lối tư duy nông nghiệp.

– Thiên về nữ tính – đặc trưng bản chất của văn hóa nông nghiệp.

– Tính linh hoạt.

7.2. Nho giáo và văn hóa Việt Nam

7.2.1. Sự hình thành của Nho giáo

– Nho giáo là hệ thống giáo lí của các nhà nho nhằm tổ chức xã hội có hiệu quả. Cơ sở của nó hình thành từ đời Tây Chu (Chu Công Đán). Sau này Khổng Tử hệ thống hóa lại, phát triển và tích cực truyền bá nên được xem là người sáng lập.

– Sách kinh điển của Nho giáo gồm 2 bộ: Ngũ kinh và Tứ thư

+ Ngũ kinh gồm: Kinh thi, thư, lễ, dịch, kinh Xuân Thu. Sau này, học trò tập hợp những lời dạy của Khổng Tử soạn ra cuốn Luận ngữ.

+ Mạnh Tử: Bảo vệ tư tưởng Khổng Tử tập hợp “Đại học”, “Trung dung”, “Luận ngữ” thành Tứ thư. Đây là hai bộ sách gối đầu giường của Nho gia.

7.2.2. Nội dung cơ bản và sự phát triển của Nho giáo

– Đây là học thuyết chính trị nhằm tổ chức xã hội. Điều cốt lõi là đào tạo cho được những người cai trị kiểu mẫu – người quân tử. Trước hết là phải tu thân. Có ba tiêu chuẩn chính: đạo, đức, thi-thư-lễ-nhạc.

– Sau tu thân phải tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Kim chỉ nam việc cai trị là hai phương châm: nhân trị và chính danh.

– Nho giáo chính là sự tổng hợp của hai truyền thống – văn hóa gốc du mục phương Bắc và văn hóa nông nghiệp phương Nam.

7.2.3. Quá trình thâm nhập, phát triển và những đặc điểm của Nho giáo Việt Nam

– Năm 1070, Nhà Lý cho lập Văn Miếu thờ Chu Công, Khổng Tử, lúc này Nho giáo được xem là tiếp nhận chính thức.

– Đời Trần có Chu Văn An đào tạo được khá đông học trò. Các nhà nho những lớp đầu tiên này ra sức bài xích Phật giáo để khẳng định chỗ đứng của mình.

– Sự lớn mạnh của Nho giáo Việt Nam cùng với nhu cầu cải cách quản lí đất nước đã dẫn đến việc triều Lê đưa Nho giáo thành quốc giáo: Nho giáo độc tôn. 

– Nhà nước phong kiến Việt Nam tiếp nhận Nho giáo để phục vụ tổ chức và quản lí đất nước: Cách tổ chức triều đình và hệ thống pháp luật; Hệ thống thi cử tuyển chọn nhân tài; Sử dụng chữ Hán sáng tạo chữ Nôm.

– Biến đổi Nho giáo cho phù hợp với truyền thống của văn hóa dân tộc: Duy trì trật tự ổn định; Trọng tình người; Tinh thần trung quân ái quốc (tinh thần yêu nước và dân tộc); Coi trọng kẻ sỹ; Coi rẻ nghề buôn.

7.3. Đạo giáo và văn hóa Việt Nam

7.3.1. Sự hình thành của Đạo giáo

– Đạo giáo được hình thành từ phong trào nông dân khởi nghĩa vùng Nam Trung Hoa vào thế kỉ II sau công nguyên, cơ sở lí luận của nó là ĐẠO GIA – triết thuyết do Lão Tử đề xướng và Trang tử hoàn thiện (học thuyết Lão -Trang).

– Đạo của Lão Tử là một khái niệm trừu tượng chỉ cái tự nhiên, cái có sẵn một cách tự nhiên. Dùng Đạo để giải thích nguồn gốc sự vật.

– Sự sinh hóa từ Đạo ra Đức, từ Đức trở về Đạo ở Lão Tử thấm nhuần sâu sắc tinh thần biện chứng âm dương của triết lí nông nghiệp.

– Lão Tử suy ra triết lí sống tối ưu là muốn làm việc gì, phải đi từ điểm đối lập, phải vô vi.

– Công lao của Lão Tử chính là đã học thuyết hóa những tư tưởng triết lí của truyền thống văn hóa nông nghiệp phương Nam.

– Trang Tử đã tuyệt đối hóa sự vận động, xóa nhòa mọi ranh giới giữa con người và thiên nhiên, giữa phải và trái, giữa tồn tại và hư vô, đẩy phép biện chứng tới mức cực đoan thành một thứ tương đối luận.

– Chủ trương vô vi cùng thái độ phản ứng của Lão – Trang đối với chính sách áp bức bóc lột của tầng lớp thống trị khiến cho Đạo giáo rất thích hợp để dùng làm vũ khí tinh thần tập hợp nông dân khởi nghĩa.

7.3.2. Sự thâm nhập và phát triển của Đạo giáo ở Việt Nam

– Đạo giáo thâm nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỉ II và chia thành 2 nhánh: triết học và tôn giáo.

– Đạo giáo có sự tương đồng với tín ngưỡng bản địa: Người Việt rất sùng bái ma thuật, phù phép. Đạo giáo được người dân dùng làm vũ khí chống lại kẻ cai trị.

– Ngoài các vị thần của Đạo giáo, Việt Nam thờ thêm nhiều vị khác: Đức Thánh Trần, Tam phủ, Tứ phủ.

– Đạo giáo vào Việt Nam được chia thành 2 nhánh là Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thủy.

– Thế kỉ XVII, xuất hiện một trường phái Đạo giáo Việt Nam có quy mô rất lớn gọi là Nội Đạo.

– Đạo giáo thần tiên ở Việt Nam phổ biến là phái nội tụ và Chử Đồng Tử được xem là Đạo tổ.

7.4. Giao lưu với Ấn Độ: Văn hóa Chăm

7.4.1. Nguồn gốc và đặc điểm của văn hóa Chăm

– Dân tộc: có 2 tộc người cùng chủng tộc với người Chăm là Djarai, Rado. Bên cạnh người Chăm, có cả các tộc người thiểu số, Mon-Khmer và người Việt ở phía Bắc Chăm Pa.

– Đặc điểm người Chăm: Da đen, mắt sâu, tóc quăn, mũi hếch. Y phục: dùng mảnh vải quấn quanh người, mùa đông mặc áo dài. Quý tộc đi giày da, búi tóc, xâu lỗ tai, đeo hoa tai bằng kim loại.

– Cư dân Chăm là những thương nhân rất giỏi, người ta đã biết lấy bông ra dệt vải và đạt được trình độ phát triển cao.

– Tháp Chăm là công trình kiến trúc tôn giáo của vương quốc Chăm Pa cổ xưa, mang đặc trưng của kiến trúc Ấn Độ giáo.

7.4.2. Sự ảnh hưởng của văn hóa Chăm với văn hóa Việt Nam

– Dân tộc Chăm có khoảng 170.600 người, sinh sống tại Việt Nam.

– Dọc duyên hải miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận xuất hiện nhiều dấu tích văn hóa người Chăm. Quảng Nam có nhiều ngọn tháp đồ sộ, đa dạng.

– Nghề gốm ở làng Bàu Trúc (Ninh Thuận) thừa hưởng từ người Chăm được bà con duy trì đến ngày nay.

– Người Chăm sáng tạo ra các nhạc cụ độc đáo như: đàn Kanhi, trống BaraNưng, kèn saranai, chiêng…

– Các tác phẩm điêu khắc được thể hiện trên đá của người Chăm rất sinh động, đường nét điêu khắc tinh vi, sắc sảo.

– Nét đặc sắc của đồng bào Chăm là lễ hội, điển hình là Lễ hội Katê.

7.5. Phương Tây với văn hóa Việt Nam

7.5.1. Ki-tô giáo với văn hóa Việt Nam

– Người phương Tây tới Việt Nam và Đông Nam Á vào đầu Công nguyên.

– Ban đầu, do chưa quen thông thổ và ngôn ngữ nên việc truyền giáo ít thu được kết quả. Dần dần công việc tiến triển ngày càng khá hơn.

– Ki-tô giáo (hay Cơ đốc giáo, Thiên Chúa giáo) là tên gọi chung tất cả các tông phái cùng thờ chúa Jesus Christ.

– Trong quá trình phát triển, đến khoảng năm 974-1054, Ki-tô giáo đã tách ra thành hai giáo hội: Công giáo và Chính thống giáo.

– Năm 1520, khối Công giáo La Mã tách ra một dòng mới là đạo Tin lành.

– Tiếp xúc văn hóa trong giai đoạn đầu ở lĩnh vực tôn giáo và thương mại.

– Giai đoạn đầu, chính quyền phong kiến Việt Nam tranh thủ đạo Ki-tô để củng cố thế lực, phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực quân sự để kiềm chế và chống lại đối phương.

– Năm 1802, vua Gia Long chủ trương dừng phát triển đạo Ki-tô. 

– Hiện nay, Ki-tô giáo có 5 triệu tín đồ Công giáo và nửa triệu tín đồ Tin lành.

7.5.2. Sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây trong phát triển đô thị, công nghiệp và giao thông Việt Nam

– Ảnh hưởng trên lĩnh vực đô thị: Từ cuối thế kỷ XIX, đô thị Việt Nam chuyển từ mô hình trung tâm chính trị sang đô thị công – thương nghiệp, chú trọng chức năng kinh tế và hình thành tầng lớp tư sản dân tộc.

– Xuất hiện các kiến trúc đô thị kết hợp phong cách phương Tây với tính cách dân tộc, phù hợp với điều kiện thiên nhiên Việt Nam.

– Trên lĩnh vực công nghiệp, giao thông: Hệ thống đường bộ, đường sắt được xây dựng dẫn đến các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ.

7.5.3. Sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây trong lĩnh vực ngôn ngữ, báo chí, văn học – nghệ thuật, giáo dục – khoa học, tư tưởng

– Ngôn ngữ: Khi truyền đạo cho người Việt, các giáo sĩ dùng bộ chữ cái Latinh thêm các dấu phụ để ghi âm tiếng Việt, tạo nên chữ Quốc ngữ.

– Báo chí: Du nhập văn hóa phương Tây dẫn đến sự ra đời của báo chí.

– Văn học nghệ thuật: Sự tiếp xúc với phương Tây đã làm nảy sinh trong lĩnh vực văn học thể loại tiểu thuyết hiện đại. Hàng loạt từ ngữ được vay mượn để diễn tả những khái niệm mới đã đi vào đời sống thường ngày.

– Hội họa thì xuất hiện tranh sơn dầu, tranh bột màu với bút pháp tả thực.

– Giáo dục, khoa học: Hệ thống giáo dục phương Tây giúp người Việt Nam tiếp xúc với các tư tưởng dân chủ tư sản, tư tưởng Mácxít. Truyền thống đạo học với lối tư duy tổng hợp nay được bổ sung thêm kiểu tư duy phân tích.

– Tư tưởng: Vượt khỏi ý đồ và sự áp đặt thô bạo của thực dân Pháp, người Việt đã được khích lệ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và chống thực dân Pháp.

* Tài liệu học tập:

– Tài liệu cần đọc:

1. Trần Ngọc Thêm, (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục (Chương 6)

– Tài liệu nên đọc:

1. Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chương 6).

* Tự học đối với học viên: (10 tiết)

– Đọc tài liệu:

1. Trần Ngọc Thêm, (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục (Chương 7)

2. Trần Ngọc Thêm, (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chương 7).

– Tự học:

+ “Sự tương đồng và khác biệt của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Lào

Lưu ý: Yêu cầu sản phẩm: HV nghiên cứu và viết tay 2 – 3 trang, nộp sản phẩm trước buổi học tiếp theo).

* Câu hỏi ôn tập:

1. Phật giáo và văn hóa Việt Nam

2. Nho giáo và văn hóa Việt Nam

3. Đạo giáo và văn hóa Việt Nam

4. Văn hóa phương Tây có vai trò gì đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam?

7. Tài liệu học tập

7.1. Tài liệu bắt buộc:

1. Trần Ngọc Thêm (2011), Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục.

2. Trần Quốc Vượng (2018) Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần thứ 20, Nxb Giáo dục.

8. Câu hỏi ôn tập:

Câu 1: Văn hóa là gì?

Câu 2: Nêu và phân tích cơ sở hình thành nền văn hóa truyền thống Việt Nam?

Câu 3: Nêu, phân tích một số đặc trưng của văn hóa Việt Nam truyền thống?

Câu 4: Văn hóa nhận thức của người Việt về tự nhiên, con người?

Câu 5: Đặc điểm về văn hóa ẩm thực của người Việt?

Câu 6: Phân tích đặc trưng Làng Việt Nam.

Câu 7: So sánh Tết Việt và Tết Lào.

Câu 8: Chọn 1 vùng văn hóa ở Việt Nam, làm rõ cơ sở hình thành và một số đặc trưng của vùng văn hóa đã chọn?

9. Nhiệm vụ của học viên

– Đọc và nghiên cứu nội dung giáo trình, đề cương chi tiết của học phần, các tài liệu yêu cầu trong đề cương trước khi lên lớp.

– Nghiên cứu nội dung học tập và liên hệ với thực tiễn công tác sau khi nghe giảng, chỉ ra/đề nghị những vấn đề cần giải đáp mỗi chương của học phần.

– Chuẩn bị sản phẩn tự học của mỗi chương trước khi chương học bắt đầu.

– Dự học trên lớp, các buổi thảo luận.

– Chuẩn bị nội dung phục vụ các buổi thảo luận trên lớp (nội dung, hình thức, cách thức).

– Tự học, tự nghiên cứu, thảo luận, làm việc nhóm.

– Chuẩn bị các dụng cụ học tập, phần mềm tin học,…để học tập (nếu có).

10. Nhiệm vụ của giảng viên giảng dạy học phần

– Chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để tổ chức giảng dạy.

– Tổ chức giảng dạy và thảo luận theo đề cương, kế hoạch bài giảng theo quy định.

– Đọc các sản phẩm tự học của học viên để tổ chức dạy học và đánh giá chuyên cần của học viên.

– Giải đáp những vấn đề của học viên đề nghị gắn với nội dung học phần.

Nguồn: Khoa Văn hóa và Phát triển

Xổ số miền Bắc