Di tích văn hóa Sa Huỳnh: Xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt

.

(Báo Quảng Ngãi)- UBND tỉnh đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho chủ trương tiếp tục triển khai thực hiện việc lập Hồ sơ khoa học di tích văn hóa Sa Huỳnh để Bộ VH-TT&DL thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

 

 

Theo đó, di tích văn hóa Sa Huỳnh gồm có 5 điểm di tích: Địa điểm Di tích Long Thạnh (Gò Ma Vương), Phú Khương, Thạnh Đức, địa điểm Di tích đầm An Khê và lạch An Khê, địa điểm quần thể di tích Chăm Pa, thuộc xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh  (TX.Đức Phổ). 

 

Cái nôi của nền văn hóa Sa Huỳnh 

 

Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba trung tâm văn minh ở thời đại kim khí. Trong đó, văn hóa Sa Huỳnh phân bố trên dải đất miền Trung Việt Nam từ Hà Tĩnh giao thoa với văn hóa Đông Sơn đến vùng Bình Thuận với trung tâm nằm ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, phía bắc Bình Định. Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện năm 1909 tại xã Phổ Thạnh (nay là phường Phổ Thạnh). Năm 1936, nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani đã lấy địa danh Sa Huỳnh đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này là văn hóa Sa Huỳnh. 

 

Du khách tham quan Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: PV

Du khách tham quan Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: PV

Di tích khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 1997 với 2 khu vực bảo vệ là địa điểm Phú Khương và địa điểm Gò Ma Vương, xã Phổ Khánh. Di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi được phân bố chủ yếu ở Long Thạnh, Thạnh Đức (phường Phổ Thạnh) và Phú Khương (xã Phổ Khánh). Từ khu mộ chum Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ học người Pháp qua các đợt khai quật đã liên tục phát hiện các dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử, tìm thấy khoảng 500 mộ chum có chứa nhiều loại đồ tùy táng phân bố dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu.

Di tích khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 1997 với 2 khu vực bảo vệ là địa điểm Phú Khương và địa điểm Gò Ma Vương, xã Phổ Khánh. Di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi được phân bố chủ yếu ở Long Thạnh, Thạnh Đức (phường Phổ Thạnh) và Phú Khương (xã Phổ Khánh). Từ khu mộ chum Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ học người Pháp qua các đợt khai quật đã liên tục phát hiện các dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử, tìm thấy khoảng 500 mộ chum có chứa nhiều loại đồ tùy táng phân bố dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Quảng Ngãi được xem là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu.

 

Sa Huỳnh gần như là nơi duy nhất còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh với môi trường sinh thái, địa lý nhân văn, địa chất địa mạo… Đây là nguồn tài nguyên quý hiếm, có thể coi không gian văn hóa Sa Huỳnh  và các thành tố liên quan như một “bảo tàng sống” cho công tác nghiên cứu và phát triển du lịch bền vững. 

 

Cơ hội để phát triển du lịch 

 

Các chuyên gia nghiên cứu văn hóa nhận định, sự hiện diện của nền văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi là thế mạnh không phải nơi nào cũng có. Đây là vốn quý để Quảng Ngãi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, nghiên cứu, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

 

Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, nếu di tích văn hóa Sa Huỳnh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thì trung ương sẽ bố trí vốn ngân sách để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Trong đó, tập trung thực hiện các công tác khai quật khảo cổ, bảo tồn tại chỗ để phát huy; nâng cấp, xây dựng Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh là điểm đến của khách du lịch; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong không gian di tích văn hóa Sa Huỳnh. 

 

Không gian di tích văn hóa Sa Huỳnh dung hợp các giá trị về cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như đầm nước ngọt An Khê, biển Sa Huỳnh với bãi cát, rừng dương, vũng vịnh còn nguyên sơ; các giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, Chăm pa, Đại Việt vẫn còn giữ nguyên vẹn với tính xác thực cao… Từ đó có thể xây dựng khu di tích văn hóa Sa Huỳnh trở thành trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh đại diện cho cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên. 

 

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng, điều kiện về thiên nhiên ưu đãi cho phát triển du lịch khu vực phía nam của tỉnh rất lớn, nổi bật là văn hóa Sa Huỳnh, trong đó có đầm An Khê, tuy nhiên, thời gian qua chưa khai thác được lợi thế để phát triển du lịch. Trong thời gian đến, để hướng đến phát triển lâu dài, bền vững, điểm trưng bày di tích văn hóa Sa Huỳnh cần đổi mới. UBND tỉnh giao cho Sở VH-TT&DL nghiên cứu đưa vào quy hoạch, trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định và phê duyệt, sau đó nâng từ điểm trưng bày thành Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh trong tương lai để thu hút du khách, phát triển du lịch

 

KIM NGÂN

 

 

Xổ số miền Bắc