Đi trả nợ Bà Chúa Kho

Đã vay phải có trả

 

“Ngân hàng” Bà Chúa Kho không chỉ tấp nập trong những ngày sau Tết mà trước Tết cũng nhộn nhịp không kém. Đầu năm đi vay, cuối năm lên trả nợ (hoặc ít ra cũng khất nợ) với Bà vì đã vay là phải trả.

 

Đền Bà Chúa Kho năm nay tổ chức đón khách rất có quy củ. Từ ngoài đường, xe chúng tôi đã không bị chặn lại bởi vô số những cò mời vào nhà đặt lễ như trước đây. Và ngay từ lối vào rất xa đã có mấy cụ đeo băng đỏ bán vé giữ xe, hướng dẫn xe vào bãi rất điệu nghệ. Mặc dù là buổi tối, nhưng khu vực quanh đền vẫn rất tấp nập. Có đến vài trăm ôtô đỗ kín cả mặt sân.

 

Một cụ giữ xe ở đây cho biết, sau Tết, vào rằm tháng Giêng, có mà cả vài vạn cái ôtô. Từ tận thị xã Bắc Ninh lên đây chỉ thấy toàn ôtô là ôtô. Tắc đường suốt từ sáng đến chiều.

 

Theo lời dặn trước của mấy người bạn, chúng tôi vào cửa hàng của Phong, một dân sắm lễ có máu mặt ở khu vực này. Hai vợ chồng Phong chuyên đón khách quen, một phần vì không thích bon chen, thêm phần nữa, quán của Phong ở tít tận cuối đường, không tiện cho khách lên gần đền sắm lễ.

 

Cách đón khách như thế rất phổ biến ở khu vực đền Bà Chúa Kho. Khách cứ mách nhau, lên một lần rồi thành quen, giới thiệu tiếp người khác. Lần sau lên, đã thành lệ, lễ cứ thế mà sắp, tiền cứ thế mà tính, không sợ bị “chặt chém”.

 

Đi vay mới thấy…

 

Ông T., giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh nội thất, năm qua vay bà 3 tỉ đồng, làm ăn cũng tạm được, có lãi, thế là vội vàng lên trả. Thủ tục cũng không phải đơn giản. Ông T. phải khai thật với Phong lợi nhuận, doanh thu. Phong gật gù rồi phán: Thế thì bác phải sắm cái lễ cỡ thế, cỡ thế…

 

Cuối cùng thì mấy cái mâm to lù được sắp lên. Phong phải huy động tất cả anh chị em ra bê để làm lễ. Lễ cũng phải qua rất nhiều công đoạn: Đặt lễ, đi lễ hết các ban (ban cô, ban cậu, ban công đồng…) rồi phải chờ cho hương tàn hết, sau đó hạ lễ, mang sang ban hoá để hoá. Nhưng trước khi sang ban hoá, phải leo lên đàn trời để tế trời đất. Rồi tung xèng xem sấp ngửa Bà có cho ứng cho không, sau đó mới hoá vàng mấy thứ lễ.

 

Tôi nhìn thấy một lễ có thể nói là ngất ngưởng với 4 mâm vàng và đô la (tất nhiên đều là đồ hàng mã) được bê lên đặt kín cả ban thờ. Phong giải thích: Mấy người này kinh doanh bất động sản, năm nay “trúng” nhờ quy hoạch, nên lên để tạ với Bà và trả nợ.

 

Lướt qua mấy mâm vàng và đô, Phong nói ngay: Năm nay họ vào cầu phải khoảng 20 tỉ. Hỏi vì sao? Giải thích ngay: cứ nhìn cái mâm họ trả lễ thì biết. Nếu năm ngoái vay 1 tỉ đồng mà làm ăn được thì năm nay phải trả Bà 1 tỉ đồng. Cứ một thoi vàng tương đương với 10 cây vàng, 1 tờ đô tương đương với 100 USD thật mà tính ra. Một mâm ngất ngưởng tính ra cũng phải cả chục tỉ đồng, cứ thế mà nhân lên. Ông nào lễ 10 mâm ngất ngưởng biết ngay vào cầu bao nhiêu chục tỉ đồng.

 

Phong làm nghề bán đồ lễ ở khu vực này đã hơn 10 năm, có hẳn một cuốn danh bạ điện thoại ghi lại tên tất cả các khách từng qua quán. Vừa bán hàng, kiêm luôn bê lễ và phục vụ đồ ăn cho khách. Nói chung là khách rất yên tâm bởi không bị tính đắt, lại còn được phục vụ chu đáo.

 

Phong kể: “Riêng ở đền Bà Chúa Kho, dịp cuối năm, mỗi ngày cũng phải có vài ngàn người lên trả lễ vay của Bà, chứng tỏ tình hình làm ăn của dân tình ngày càng phát đạt. Dân làm ăn nói chung không ai dám quỵt”. 

 

Đã 8 giờ tối, xe vẫn phóng lên đền ầm ầm. Ngoài biển Hà Nội, thì Hà Tây, Hải Phòng, Quảng Ninh, Sài Gòn cũng đông không kém.

 

Để lại công đức

 

Nhiều người làm ăn được, biết ơn Bà, ngoài việc lên trả lễ còn làm thêm cả việc cung tiến (chứ không phải cúng tiến như nhiều người vẫn lầm tưởng). Cung tiến có nghĩa là đóng góp cho đền, chùa một thứ gì đó thật có giá trị, ví dụ như xây hẳn một ban thờ hay cổng tam quan, cũng có thể cung tiến hẳn mấy chục cái lư đồng…

 

Tổng Công ty Bến Thành ở Nga cung tiến hẳn một gian thờ ngay chính giữa đền. Còn bên phải, một bà có tên là Bạch Dương cung tiến hẳn một bồn phun nước có hình con cóc. Các vị cung tiến cỡ vài triệu đồng thì nhiều như mưa sa, đến nỗi để ghi công, Ban tổ chức phải làm hẳn cả mấy tấm bảng to. Cỡ 2 triệu đồng là có thể lưu tên trên bảng được rồi.

 

Đến vay bà, làm ăn phát đạt, nhớ ơn Bà, trả lễ, âu cũng là cái chân lý của người Việt Nam. Tuy nhiên cũng có vài vị ăn nên làm ra, quên không lên trả lễ bà, bị Bà phạt. Mấy năm sau làm ăn thất bát, ra tù vào tội, vội vàng lên Bà tạ tội thì đã muộn. Phong chỉ cho tôi một ông đang khúm núm đứng trước ban thờ vẻ rất thành kính rồi nói nhỏ: “Đấy, ông mặc áo da kia kìa. Mấy năm nay, năm nào cũng lên tạ tội với Bà rồi vay thêm. Đi tù đấy”.

 

Có lẽ chẳng có chỗ nào mà việc vay trả lại nghiêm túc như ở đây.

 

Minh Quang

Xổ số miền Bắc