Đình Ứng Thiên, đền Hậu Thổ – Ha Noi 360°

Trang nhà > Miếu đền đình quán > Nội thành > Đình Ứng Thiên, đền Hậu Thổ

Đình Ứng Thiên thờ 3 thành hoàng làng Láng Hạ. Đền thờ thần Hậu Thổ (thời Lý). Hội xuân: 6-8 tháng 3 ÂL, hội thu: 26 tháng 9. Xếp hạng: Di tich thành phố (1984). Vị trí: 2R66+FQ, số 7 ngõ 151 Láng Hạ, P. Láng Hạ, Q. Đống Đa, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 6km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: 48 Láng Hạ (xe 09, 18, 22, 30, 51), 470 đường Láng (16, 24, 27, 84)

Giới thiệu

Đình Ứng Thiên gọi theo địa danh là đình thôn Láng Hạ, bên trong có đền Hậu Thổ còn gọi đền Nhà Bà. Di tích hiện ở trong ngõ 151 Láng Hạ, phía đông cầu vượt Lê Văn Lương, thuộc phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ngôi đình này được trùng tu nhiều lần, mới đây tượng đôi voi phục lại bị xoay lưng về phía người vào để lấy chỗ mở thêm 2 cánh cổng phụ trông rất khác xưa.

Cổng đình Ứng Thiên. Photo ©NCCong 2013

Đình Ứng Thiên được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tich văn hóa vào năm 1984. Từ lâu, nhiều dân kinh doanh bất động sản đã tin rằng Hậu Thổ là nữ thần cai quản đất đai toàn cõi và được thờ trong đình Ứng Thiên. Vì vậy ngôi đình từng mở cửa tất cả các ngày trong năm. Dịp lễ mùng một, cúng rằm, các ngày “mậu” và hội đình thì khách thập phương càng kéo nhiều về đây cầu lộc, các ban thờ có những lúc không còn chỗ đặt đồ tiến cúng, các mâm lễ thậm chí phải xếp chồng lên nhau.

Mặt ngôi đình nhìn về phía tây-nam thẳng ra bờ sông Tô Lịch qua một con đường khá dài xuyên giữa vườn cổ thụ xưa kia um tùm nhưng nay chỉ còn có bốn cây. Du khách thường đến vãng cảnh từ phía đường Láng (vành đai) rẽ sang ngõ số 528 để vào cổng đình, ngày nay cũng có thể đi tắt từ chân cầu vượt ở phía đường Láng Hạ rẽ qua con ngõ số 426.

Sân đình Ứng Thiên. Photo ©NCCong 2013

Sử sách cho biết từ xa xưa, đình Ứng Thiên cùng chùa Cảm Ứng vốn toạ lạc trên địa phận của trại An Lãng, thuộc huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, ở phía nam kinh đô Thăng Long cũ. Đầu đời vua Thành Thái (cuối thế kỷ XIX) trại An Lãng được giao về tổng An Hạ, huyện Hoàn Long, thuộc tỉnh Cầu Đơ, sau đổi tên là tỉnh Hà Đông. Trong đình có ngôi đền được xây dựng vào khoảng năm 1069–1072 đời vua Lý Thánh Tông để thờ một vị nữ thần.

Theo sách “Việt điện u linh tập” do Lý Tế Xuyên biên soạn năm Kỷ Tỵ (1329) đời Trần Minh Tông, khi vua đi thuyền chinh nam gặp sóng lớn, thần đã báo mộng giúp vượt qua Cửa Hoàn. Sáng ra vua sai tìm trên bờ thì được một khúc gỗ rất giống hình người trong mơ, liền đặt tên là “Hậu Thổ phu nhân”. Sau khi thắng trận và bắt được vua Champa là Chế Củ, vua đem tượng về kinh đô thờ cúng.

Đình Ứng Thiên. Photo ©NCCong 2013

Sách “Đại Việt Sử Lược” in năm 1377 cho biết: năm Chính Long Bảo Ứng thứ 9 (1171) vua Lý Anh Tông sai sửa sang đền Hậu Thổ. Đến thời Trần Anh Tông, gặp lúc hạn hán vua bèn dựng đàn cầu đảo, thần báo mộng rằng: “Bản đền có Câu Mang Thần Quân có thể làm mưa được”. Nhà vua tỉnh dậy sai quan hữu ty đến làm lễ. Quả nhiên mưa lớn tràn ruộng, vua bèn ban sắc phong “Ứng Thiên Hậu Thổ phu nhân”. Câu Mang Thần Quân coi về mưa xuân, nên từ đó làm lễ vào mùa xuân, đem trâu đất để dưới đền thờ (Theo sách “Lĩnh Nam chích quái” do Trần Thế Pháp biên soạn vào khoảng cuối thời Trần). Sau lại tôn phong là “Ứng thiên Hoá dục Nguyên trung Hậu Thổ Địa kỳ Nguyên quân”.[1]

Kiến trúc và di sản

Dáng dấp ngôi đình hiện nay sau trùng tu vẫn mang phong cách nghệ thuật của thời Nguyễn. Du khách đi qua cổng tam quan vào một sân hẹp rồi đến nhà hữu mạc nay là nơi viết sớ, phía bên phải sân có hòn non bộ lớn. Tiếp theo là hai phương đình nhỏ làm nơi sửa lễ ở chếch mé sân trong. Nhà tiền tế rộng 5 gian, kết nối với ống muống và hậu cung thành hình chữ “Công”.

Có đôi câu đối còn lưu ở đình, phiên âm như sau: Trợ Lý bình Chiêm, thiên cổ tích / Phù Trần bái vũ vạn dân an. Nghĩa là: Giúp (vua) Lý bình Chiêm lập thiên cổ tích / Phò (nhà) Trần làm mưa để vạn dân yên.

Một đôi câu đối khác viết: Sơn mộc thê thần, y phục đạm trang kinh đế mộng / Hải môn hiển ứng, phong đào tinh thiếp hộ vương sư. Tạm dịch là: Gỗ núi tượng thần, trang phục đơn sơ lay mộng đế / Cửa biển hiển linh, dẹp yên sóng gió giúp quân vua.

Từ thời Lê trung hưng, đền Ứng Thiên được tu sửa, mở rộng và sử dụng như đình làng. Trong đình thờ 3 vị thành hoàng gồm: a) Linh Lang: hoàng tử nhà Lý, được tôn là Trấn Tây Thăng Long, b) Cao Sơn đại vương: thần núi Tản Viên thứ hai, được tôn là Trấn Nam Thăng Long, c) Công chúa Vĩnh Gia: một tướng của Hai Bà Trưng.

Trong đình Ứng Thiên. Photo ©NCCong 2013

Hội đình mùa xuân diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 3 (âm lịch) và hội mùa thu thì vào ngày 26 tháng 9. Hội xuân đồng thời diễn ra ở cả 3 làng Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ. Mồng 6 tháng 3 là chính hội nhưng từ trước đó nhân dân trong làng đã chuẩn bị cờ quạt, đồ tế khí. Các cụ bô lão đi gom hoa bưởi đun nước thơm làm lễ mộc dục. Mồng 8 tháng 3 kết thúc hội rước ban Mẫu, các cụ bà tụng kinh từ sáng sớm, lễ tế tạ cử hành rất trọng thể.

Di tích lân cận

©NCCông 2013, Lang Ha community hall and temple

[1] Có thuyết cho rằng đó chính là Nữ thần Ponagar của người Champa. Vì là Thần đất cho nên khi tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển thì Nữ thần này cũng được coi là Mẫu Địa. Qua các triều Lê, Tây Sơn rồi Nguyễn, Nữ thần đều được gia phong và xếp hạng là “Thượng Đẳng Tối Linh Thần”. Sắc phong sớm nhất còn lưu giữ ghi niên hiệu Vĩnh Khánh nhị niên (1730), sắc phong cuối cùng được vua Khải Định ban cho vào đầu thế kỷ XX.

Xổ số miền Bắc