Đôi điều về văn hóa gia đình Việt Nam – VỤ GIA ĐÌNH

Nói đến gia đình Việt Nam, trước hết cần nói đến văn hóa gia đình. Văn hóa gia đình Việt Nam trước hết thể hiện ở chức năng nuôi và giáo dục con cái. Ông bà chúng ta coi công việc nuôi nấng, giáo dục con cái là nghĩa vụ thiêng liêng không thể thiếu sót được.

Ngay trong thời kỳ mang thai, người mẹ đã có cách dạy con trong bụng gọi là “thai giáo”. Ngoài những việc kiêng kỵ trong ăn uống, đi lại … bà mẹ chỉ được suy nghĩ điều lành, làm điều nhân đức, thì khi sinh con ra mới được thông minh, khỏe mạnh. Một gia đình nào đó, khi đến tuổi già mà các bậc ông bà, cha mẹ không có con cháu để được nuôi dưỡng, dạy bảo là điều bất hạnh. Việc xây dựng gia đình không phải để hưởng thụ cá nhân mà chủ yếu là sống phải có trách nhiệm với nhau, lo cho nhau và nhất là lo cho con cháu. Chính vì sống có tình nghĩa và có nhiều tấm gương tần tảo nuôi chồng con ăn học, lo cho chồng con từng bữa ăn, từng tấm áo, Nhà thơ Tú Xương đã “thương” người bạn đời của mình :
Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng …

Ngày nay, còn có hàng vạn tấm gương các bà mẹ hy sinh cả một thời con gái nuôi con khôn lớn, nuôi cha mẹ chồng già, để chồng an tâm đi tham gia kháng chiến mà không một lời than thân, trách phận, đồng thời lấy sự trưởng thành và danh dự của chồng con làm hạnh phúc của chính mình.

Văn hóa gia đình Việt Nam, lấy học vấn làm trọng, học để biết chữ, biết nghĩa lý, học để làm người có nhân cách. Gia đình là một đơn vị giáo dục. Cha mẹ đồng thời cũng là những người thầy để dạy con cái. Nhân dân ta có câu : “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, một phần cũng bởi lẽ ấy, bài học trong gia đình đầu tiên là bài học về luân lý và đạo đức, học để làm người biết lễ, nghĩa, hiếu, trung. Giá trị làm người trước hết hiếu và nghĩa. Hiếu là nhân cách ứng xử trong gia đình, nghĩa là nhân cách ứng xử ngoài xã hội. Đối với người Việt Nam, hiếu còn là đạo. Theo truyền thống văn hóa Việt Nam, đạo hiếu có hai nội dung chính:

Thứ nhất, phải nuôi nấng ông bà, cha mẹ, cho đúng đạo làm con. Tục ngữ Việt Nam có câu : “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Trong quan niệm của người Việt : Tuổi cao là của cải quý báu, là trời cho – một quan niệm vô cùng nhân văn. Hàng năm đến tuổi “lên lão” và “mừng thọ”, con cháu đều tổ chức ăn mừng.

Thứ hai, phải biết nghe lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ giữ nếp nhà, bảo vệ gia phong họ tộc, không được sống tùy tiện, buông thả, tự do muốn làm gì cũng được. Đến ngày nay, nhiều gia đình vẫn còn giữ những câu đối, hoành phi với những lời răn dạy con cháu phải sống nhân ái thanh liêm và hiếu nghĩa. Văn hóa gia đình Việt Nam lấy kỷ cương làm trọng. Có người nói : “con cái là bạn bè của cha mẹ”. Câu nói này có ý nghĩa làm cha, làm mẹ cũng cần tôn trọng nhân cách lớp trẻ. Nhưng nếu hiểu không đúng sẽ tạo ra quan niệm sai lầm, không phân biệt già trẻ, thứ bậc, trái với đạo lý dân tộc. Gia đình Việt Nam thường có hai, ba thế hệ với nhiều nhân khẩu, bởi vậy, giữ gìn kỷ cương có thứ bậc rõ ràng trong gia đình là điều không thể thiếu được.

Còn việc thờ cúng tổ tiên là thể hiện tư tưởng, tình cảm “ uống nước nhớ nguồn”. Bàn thờ tổ được đặt vào chổ trang trọng nhất trong nhà, thường là gian giữa, có sơn son thếp vàng. Ngày Tết, ngày giỗ, con cháu tập trung tại nhà cha mẹ, em út về nhà anh cả đốt nén nhang vái lại tổ tiên với lòng thành kính chi ân của lớp hậu sinh đối với các bậc tiền bối. Ngày giỗ, ngày Tết cũng là ngày tụ hợp anh chị em thắt chặt mối quan hệ và đoàn kết gia đình. Quanh năm có điều gì không bằng lòng thì đến ngày giỗ tổ, ngày Tết mọi người tha thứ, khoan dung cho nhau, lấy chữ hòa làm quý. Ý nghĩa sâu nặng của tục thờ cúng tổ tiên là nhớ về cội nguồn gia đình, dòng họ, tri ân công ơn của ông bà, cha mẹ và chứa đựng một tinh thần cộng đồng gia tộc.

Kinh nghiệm lịch sử và thực tiễn còn cho ta biết tác dụng của giáo dục gia đình là vô cùng quan trọng, vừa định hướng cho tương lai vừa tạo lập tài năng. Nhiều danh nhân nước nhà đã hình thành nhân cách từ nền giáo dục gia đình. Nguyễn Trãi được quan Tư đồ Trần Nguyên Đán là ông ngoại, dạy từ năm lên sáu, lên bảy tuổi. Lê Quý Đôn được cha là Lê Trọng Thứ lên lớp từ thuở khai tâm. Các Nhà văn, Nhà thơ lớn như : Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Khuyến, Nhà bác học Phan Huy Chú … đều lập chí và thành tài từ trong gia đình.

Gia đình là tế bào của xã hội. Cũng nhờ tế bào ấy mà xã hội được lành mạnh và ổn định. Quan hệ của họ hàng nhờ gia đình mới có một trật tự nhất định, lớp già, lớp trẻ, kẻ trên, kẻ dưới, có trưởng, có thứ, bên nội, bên ngoại …

Tiêu chuẩn văn hóa gia đình : Ấm no, hòa thuận, tiến bộ làm nền tảng xã hội để xây dựng văn hóa dân tộc, góp phần tích cực tạo lập một đất nước bền vững và phát triển.

nguồn “Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng”

5/5 – (1 bình chọn)

Xổ số miền Bắc