Đôi nét về loại hình văn hóa, nghệ thuật của người Hoa Sóc Trăng

 

     Đến phương Nam vào cuối thế kỷ 17, người Hoa đã sinh sống ở đây gần hơn 300 năm, cộng đồng người Hoa đã dần ổn định và gắn bó mật thiết với cộng đồng các dân tộc anh em khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, người Hoa vẫn bảo tồn được bản sắc văn hoá của mình. Dân tộc Hoa toàn tỉnh chiếm khoảng 5 %, tập trung chủ yếu ở thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu và một số huyện trong tỉnh. Văn hoá của cộng đồng người Hoa rất phong phú và đa dạng, thể hiện trong mọi mặt của đời sống từ công trình kiến trúc đình, chùa, miếu đến phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, các hoạt động nghệ thuật, giáo dục, sản xuất, kinh doanh… Trong đó, nghệ thuật sân khấu và các điệu múa của đồng bào người Hoa ở Sóc Trăng luôn là điểm nhấn và tạo nên nét độc đáo riêng.

Trình diễn trang phục Hoa

     Sinh hoạt văn hoá văn nghệ truyền thống của người Hoa có nhiều thể loại như hát, múa, hài kịch… với nhiều loại nhạc cụ: tiêu, sáo, các loại đàn (tỳ bà, nhị, nguyệt…)… Nghệ thuật sân khấu ban đầu là hình thức “Sơn đông mãi võ” để bán thuốc, biểu diễn võ thuật và xiếc, thỉnh thoảng có ca hát… Mang hình thức dân gian tự phát rồi dần hình thành từng nhóm ở khu vực định cư. Họ biểu diễn ở sân khấu đất. Thường biểu diễn trong sinh hoạt hội hè, đình đám, giỗ chạp, cưới sinh… mà người Hoa gọi là “Nhạc xã” – tức nghệ thuật biểu diễn không chuyên. Đây là yếu tố nghệ thuật dân gian, được phát triển dần và là cơ sở để hình thành nghệ thuật sân khấu ca kịch chuyên nghiệp sau này. Người Hoa có ba loại hình văn nghệ thu hút đông đảo người tham dự là hát sán cố, hát quảng và hát tiều. Loại hình nghệ thuật sân khấu tiêu biểu nhất của người Hoa Sóc Trăng là loại hình ca kịch, nổi tiếng vào khoảng những năm 1980, tiêu biểu là đoàn ca kịch Triều Châu – Châu Quang của cộng đồng người Hoa ở huyện Vĩnh Châu nay là thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Đoàn ca kịch này do Hội Châu Quang ở Vĩnh Châu thành lập không những với ý nghĩa phục vụ văn nghệ cho cộng đồng mà còn nhằm lưu giữ và phát triển các loại hình văn hóa văn nghệ của cộng đồng người Hoa. Những diễn viên, nhạc công năm xưa của đoàn ca kịch Triều Châu – Châu Quang với lòng say mê nghệ thuật đã tập hợp nhau lại để vực dậy phong trào văn nghệ trong đồng bào và đào tạo lực lượng kế thừa trong tương lai.

      Bên cạnh đó, trong những năm qua, cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng cũng đã duy trì và khôi phục lại các ban nhạc cổ, các loại hình ca múa dân tộc, đội múa Lân Sư Rồng… thường xuyên hoạt động phục vụ đông đảo đồng bào trong tỉnh. Múa Lân, Sư, Rồng là những loại hình nghệ thuật mang tính quần chúng sâu rộng được trình diễn hàng năm, vào những ngày lễ lớn, ngày lễ tết. Đây là một môn nghệ thuật múa dân gian đường phố, ba con thú này tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc…Nó không những là loại hình nghệ thuật trong dân gian mà còn là một môn võ thuật với sự tranh tài hấp dẫn giữa các đội múaở các địa phương, thể hiện sự sôi nổi hấp dẫn song hành giữa hai đội trong khi biểu diễn mừng lễ tết, đặc biệt trong đời sống hàng ngày của người Hoa, các điệu múa này còn phục vụ vào dịp khai trương, mừng sự kiện lớn…. Tùy theo không gian rộng hay hẹp, tùy theo ý nghĩa của dịp lễ hội, đội Lân, Sư, Rồng sẽ biểu diễn từng bài, từng cách múa cho phù hợp. Có thể phối hợp múa lân với sư, múa lân với rồng hoặc phối hợp cả ba thể loại với nhau.

     Trong màn trình diễn múa Lân, Sư, Rồng, không thể thiếu một người bụng phệ, mang mặt nạ miệng cười toe toét đi theo giỡn lân, giỡn khách xem múa hoặc mua vui cho gia chủ. Đó là ông Địa, ngườiđược cho là hiện thân của Đức Phật Di Lạc, một vị  lúc nào cũng tươi vui,hiền lành.

     Hàng năm, các ngành chức năng cùng địa phương thường xuyên tổ chức các buổi họp mặt cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ vui chơi giải trí lành mạnh trong đồng bào người Hoa nhân các dịp lễ, hội như: ngày hội Hoa phượng đỏ, ngày hội Thiếu nhi hè, các ngày lễ, tết…. Duy trì tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng, trang phục dân tộc người Hoa tỉnh Sóc Trăng 2 năm một lần. Hội thi là dịp để các đội có dịp tranh tài và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống qua các loại hình nghệ thuật sân khấu và điệu múa của dân tộc. Đây cũng là dịp để đồng bào người Hoa có cơ hội được tìm hiểu thêm về truyền thống văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng của dân tộc mình. Trong những dịp tết Nguyên đán, bà con người Hoa Sóc Trăng đã tổ chức nhiều lễ, hội vui đón tết theo phong tục, tập quán như: Hội thi múa Lân, biểu diễn Lân, Sư, Rồng, hội diễn văn nghệ, lễ hội cúng chùa, miếu, cúng ông bà, tổ tiên…Cũng như cộng đồng người Hoa còn tham gia tích cực vào các lễ hội lớn trong tỉnh. Chính sự hòa quyện và giao thoa văn hóa giữa 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đang sinh sống ở Sóc Trăng đã làm nên nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Hiện nay đội ngũ văn nghệ sĩ người Hoa ở Sóc Trăng rất ít, phần lớn là nghiệp dư, không được đào tạo chính quy. Trong xu thế hội nhập, để bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa người Hoa chúng ta cần quan tâm đến công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ người Hoa chuyên nghiệp, đặc biệt quan tâm đào tạo thế hệ trẻ để bảo tồn và phát huy những loại hình nghệ thuật sân khấu và các điệu múa truyền thống tránh bị mai một./.

Tân Trang

Xổ số miền Bắc