Đồng bào Công giáo chung tay xây dựng mảnh đất và con người Vụ Bản “Nghĩa tình – Văn minh – Năng động – Sáng tạo”

Đồng bào Công giáo chung tay xây dựng mảnh đất và con người Vụ Bản “Nghĩa tình – Văn minh – Năng động – Sáng tạo”

Lượt xem: 322

Trong 5 năm qua (2017 – 2022),
đồng bào công giáo huyện Vụ Bản luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, sáng tạo, thi
đua phát triển kinh tế và thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng
nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”.

 

anh tin bai

 Toàn
cảnh Giáo xứ Đại Lại, xã Vĩnh Hào

 

Huyện Vụ Bản có 8 Giáo xứ với 12
giáo họ ở 11/18 xã, thị trấn; 2.425 hộ gia đình Công giáo với 11.012 nhân danh,
chiếm 8,2% dân số toàn huyện. Những năm qua, đồng bào Công giáo trong
huyện luôn tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và
pháp luật của Nhà nước, phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng
dân tộc, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Tinh thần thi đua được khơi dậy và lan tỏa
với quy mô, hình thức phong phú, nội dung thiết thực, nổi bật là phong trào
“Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”, gắn
với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đồng bào Công giáo huyện đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau
trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Tích
cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, bác ái. Xuất hiện ngày
càng nhiều tấm gương điển hình trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế,
giúp nhau giảm nghèo. Làng quê ở xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Từ năm 2017 đến nay, đồng bào Công
giáo trong huyện luôn tích cực hưởng ứng thi đua lao động sản xuất, chuyển dịch
cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Tích cực hưởng ứng thực
hiện Đề án khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao
trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết”, gắn
với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu như
hộ ông Trần Văn Thái, xứ họ Bối Xuyên tích tụ 3ha ruộng; hộ anh Phạm Thế Lợi,
giáo xứ Đồng Đội tích tụ ruộng canh tác, mua máy cầy, máy gặt phục vụ sản xuất.
Nhiều hộ đã chuyển hướng chăn nuôi theo hướng xây dựng mô hình trang trại, gia
trại. Điển hình như hộ ông Nguyễn Huy Nghiêm, xóm 9 Trình Xuyên chăn nuôi lợn
thịt, kinh doanh thức ăn gia súc và vật tư nông nghiệp, cho doanh thu hàng năm
từ 300-500 triệu đồng. Một số cá nhân đã thành lập các doanh nghiệp, cơ sở sản
xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động, với mức thu nhập ổn
định. Xưởng sản xuất của ông Phạm Văn Thận, ông Phạm Văn Đại, ông Phạm Văn Đích,
ông Mai Hữu Phú ở Giáo xứ Đại Lại, xã Vĩnh Hào làm đồ gỗ mỹ nghệ, mỗi xưởng có
từ 5-15 lao động thường xuyên. Công ty xây dựng Huy Tùng ở xứ họ Bối Xuyên, tạo
việc làm cho trên 60 lao động. Anh Nguyễn Văn Minh, Giáo xứ Tiên Hào làm nghề
đan gối mây, hàng tháng xuất ra thị trường từ 5.000 đến 7.000 gối mây, tạo việc
làm cho 30 lao động, thu nhập từ 5 triệu đồng/lao động/ tháng trở lên. Chị Vũ
Thị Hòa, thôn Đống Đất, Giáo xứ Đào Duyên, Tổ trưởng tổ may tại gia đình, tạo
việc làm thường xuyên cho 20 chị em trong thôn xóm…

anh tin bai

Gia
đình Anh Nguyễn Văn Minh, Giáo xứ Tiên Hào, xã Vĩnh Hào làm giàu từ nghề sản
xuất cốt gối

 

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân
đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ban đoàn kết Công giáo huyện
đã phối hợp cùng với MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động đồng
bào Công giáo chung sức xây dựng nông thôn mới. Phát động phong trào “Đẹp xóm
làng, đẹp xứ họ, đẹp ruộng đồng”, đồng bào công giáo các xứ, họ đã tích
cực ủng hộ tiền của, hiến đất, ngày công lao động, tự nguyện tháo dỡ tường rào,
vật kiến trúc để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, xây
dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. 5 năm qua, đã tham gia đóng
góp ủng hộ 65,3 tỷ đồng; hiến và góp 22.300 m2 đất làm thủy lợi và đường
giao thông; ủng hộ 3.500 ngày công lao động làm đường giao thông, nhà văn hóa
thôn xóm, lắp đặt hệ thống điện thắp sáng; đóng góp trên 1.000 ngày công tham
gia trồng và chăm sóc tuyến đường cây hoa, vườn hoa. 

Đặc biệt, Linh mục các giáo xứ đã
đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ các địa phương tuyên truyền, động viên
giáo dân đóng góp tiền của, công sức, hiến đất để làm các công trình phúc lợi
xã hội. Linh mục Giáo xứ Phú Thứ đã vận động 38 hộ dân tự nguyện hiến đất, tháo
dỡ tường rào, vật kiến trúc, trong đó có 2 hộ cắt nhà mái bằng 62 m2 để giải
phóng mặt bằng thực hiện dự án mở rộng và xây dựng tuyến đường Tam Thanh – Yên
Lương. Riêng Nhà thờ Giáo xứ Phú Thứ đã tháo dỡ 112,4 mét tường bao; hiến hơn
100 m2 đất thực hiện dự án.

Ở các Giáo xứ Đại Lại, Tiên Hào, Linh
mục Nguyễn Văn Lý ủng hộ 459 triệu đồng làm đường giao thông thôn xóm và đường
bê tông nội đồng. Linh mục Mai Hữu Phê ủng hộ 45 triệu đồng. Vận động 32 hộ gia
đình thuộc Giáo họ Giáp Nhất, Giáp Nhì ủng hộ 32 triệu đồng làm đường giao
thông thôn. Vận động 12 hộ tự nguyện tháo rỡ các công trình như tường rào, cổng
ngõ và hiến 159 m2 làm đường giao thông thôn. Hộ ông Mai Hữu Khoan, ông Mai Hữu
Điệp tự nguyện tháo rỡ tường rào, cổng ngõ, hiến hàng chục mét đất.

anh tin bai

Giáo xứ Phú Thứ và bà con giáo dân thôn Phú Thứ, xã Tam Thanh tình nguyện
hiến đất để thực hiện dự án mở rộng và xây dựng tuyến đường Tam Thanh – Yên
Lương.

 

Bên cạnh đó, Giáo xứ Đào Duyên
đồng hành cùng địa phương đóng góp 436 triệu đồng để chỉnh trang, nâng cấp hệ
thống giao thông trong thôn và nội đồng. Giáo họ Phú Lão vận động 9 hộ dân hiến
132 m2 đất thổ cư, tháo rỡ tường bao, các công trình khác để làm tuyến đường
Cầu Họ – Hạnh Lâm và góp hàng trăm mét vuông đất 2 lúa để mở rộng đường giao
thông. Nhân dân dọc tuyến đường phía Đông thôn Đống Đất đóng góp 80 triệu đồng
nâng cấp tuyến đường. Giáo họ Cầu Dần, xã Trung Thành đóng góp làm đường giao
thông, nhà văn hóa, thiết chế văn hóa ở thôn xóm 30 triệu đồng, hiến 45m2 đất
làm đường giao thông. Gia đình ông Đào Văn Mỹ cắt nhà, hiến 4,6 m2; gia đình
ông Đào Văn Chúc hiến 16 m2. Giáo họ Bối Xuyên vận động bà con đóng góp làm
đường bê tông thôn xóm trị giá 800 triệu đồng; vận động con em xa quê hỗ trợ
làm sân bóng đá trên 300 triệu đồng, xây dựng nhà văn hóa trên 600 triệu đồng.
Giáo xứ Đồng Đội vận động Nhân dân làm Nhà văn hóa, đường điện thắp sáng và
rãnh thoát nước thải, trị giá 750 triệu đồng.

Hưởng ứng Thư kêu gọi của MTTQ
các cấp, các giáo xứ, họ đã phát động tham gia ủng hộ xây dựng các Quỹ “Vì
người nghèo”, “Nạn nhân chất độc da cam”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “ủng hộ đồng bào
miền Trung bị lũ lụt”, ủng hộ “phòng chống dịch bệnh Covid-19” đạt kết quả cao.
Chương trình “Hũ gạo tình thương” tiếp tục được duy trì và nhân rộng ở các xứ,
họ. Các giáo xứ, họ đã quyên góp ủng hộ 2,5 tấn gạo, 310 bộ quần áo ủng hộ đồng
bào miền Trung bị lũ lụt; thăm hỏi tặng quà các gia đình thương binh liệt sĩ,
người có công 120 triệu đồng; trao 550 phần quà thăm hỏi người già cô đơn,
người khuyết tật, các cháu học sinh mồ côi, học sinh nghèo, trị giá gần 350 triệu
đồng. Tham gia ủng hộ xây dựng quỹ vì người nghèo, quỹ nạn nhân chất độc da
cam, qũy Đền ơn đáp nghĩa đạt 685 triệu đồng. Vận động xây dựng Quỹ bác ái đạt
850 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 5 Nhà đại đoàn kết, trị giá 150
triệu đồng tặng cho hộ nghèo hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong bối cảnh tình hình dịch
COVID-19 diễn biến phức tạp, đồng bào công giáo trong huyện đã cùng với các cấp
ủy, chính quyền, nhân dân đồng lòng, tích cực tham gia các hoạt động phòng
chống dịch COVID-19. Bà con giáo dân tích cực tham gia vào các Tổ Covid cộng
đồng, tuyên truyền, vận động và tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống
dịch; chủ động khai báo y tế, tiêm vacxin phòng COVID-19. Thông qua Ủy ban
MTTQ các địa phương, giáo dân trên địa bàn huyện đã tích cực ủng hộ quỹ phòng,
chống dịch COVID-19; ủng hộ khẩu trang, nước sát khuẩn và các nhu yếu phẩm hỗ
trợ người dân và cho lực lượng chống dịch.

anh tin bai

Một
buổi lễ tại Nhà thờ Giáo xứ Đồng Đội, xã Cộng Hòa

 

Ngoài ra, phong trào “Xây dựng
xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu” được các xứ đạo, họ đạo hướng
tới. Đoàn kết lương – giáo được tăng cường bằng việc hưởng ứng cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do Ủy ban MTTQ các
cấp phát động. Ngoài việc tổ chức trang trọng các nghi lễ, các xứ, họ đạo trong
huyện luôn quan tâm đồng hành để giúp người trẻ thăng tiến và hướng tới sự
trưởng thành toàn diện, đồng thời chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài. Các
xứ, họ đã xây dựng quỹ khuyến học được 985 triệu đồng; đã trao tặng 52 xe đạp,
125 suất học bổng và 1.260 phần quà cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó.
Nhiều học sinh đã vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập, trở thành niềm tự
hào chung của quê hương. Phong trào “Tuổi cao gương sáng”, “Ông bà mẫu mực, con
cháu thảo hiền” được lớp người cao tuổi các xứ, họ cùng với gia đình, dòng tộc,
bà con giáo dân tích cực thực hiện. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc
tang, lễ hội, mừng thọ được thực hiện nghiêm túc. Tích cực hưởng ứng thực hiện
Cuộc vận động phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, hướng tới xây
dựng khu dân cư “Sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn”.

Với phương châm “sống tốt
đời, đẹp đạo”, đồng bào Công giáo huyện Vụ Bản đã và đang nỗ lực dựng xây
cuộc sống mới. Đến nay, toàn huyện có 07 xứ, 10 họ được công nhận danh hiệu xứ,
họ đạo tiên tiến; 2.215 hộ được công nhận gia đình văn hoá, đạt 90,5%. Trong
thời gian tới, Ban đoàn kết Công giáo huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động bà
con giáo dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Động
viên giáo dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, xây dựng quê
hương, đất nước giàu mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp tục thực hiện
phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, giữ
vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, cùng chung tay xây
dựng mảnh đất và con người Vụ Bản “Nghĩa tình – Văn minh – Năng động – Sáng
tạo”.

T/h: Xuân
Lộc (Trung tâm VHTT&TT huyện) 

Xổ số miền Bắc