Du lịch cộng đồng: Cơ hội để phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc dân tộc – Tin tức

Trước xu hướng du lịch cộng đồng đang dần trở thành loại hình du lịch có sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong nước và quốc tế, song song với phát triển du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, thời gian gần đây, Vĩnh Phúc đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Tuy mới ở giai đoạn khởi đầu song với sự xuất hiện của một số mô hình được đầu tư bài bản cộng thêm những dự án đã và đang được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương khảo sát, phê duyệt cùng tiềm năng, lợi thế sẵn có, loại hình du lịch này hứa hẹn sẽ tạo nên dấu ấn mới cho du lịch Vĩnh Phúc trong tương lai gần.

Cận Tết Nguyên đán Canh Tý, trong tiết trời se lạnh, chúng tôi tìm về thôn Đồng Câu, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên thăm khu nghỉ dưỡng The Deck thường được gọi là mô hình khởi nghiệp nông nghiệp sinh thái trải nghiệm Đồng Câu của anh Lâm Văn Trung – người đã mạnh dạn bỏ công việc ổn định với mức lương cao trong doanh nghiệp để về làm nông nghiệp rồi từng bước tự mày mò, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn liền với truyền thống văn hóa đồng bào dân tộc Sán Dìu nơi mình sinh sống. 

[external_link_head]

Du lịch cộng đồng: Cơ hội để phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc dân tộc - Tin tức

Mô hình du lịch của anh Lâm Văn Trung đã trở thành địa chỉ lý tưởng của nhiều du khách

trong hành trình khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, vùng đất, con người

Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm cơ ngơi mình đã dày công xây dựng, anh Trung kể: “Ý tưởng về một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm cuối tuần homestay đã ấp ủ từ rất lâu nên khi được gia đình ủng hộ cộng thêm sự hỗ trợ về vốn và các thủ tục pháp lý của Hội Nông dân tỉnh và UBND xã Ngọc Thanh, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, quyết định bắt tay vào thực hiện ngay. Sau một thời gian sửa sang lại nhà cửa thành khu nghỉ dưỡng, giải trí riêng biệt, sân vườn được bài trí với những lối đi bằng đá xen kẽ đầy hoa cỏ dại cùng những chiếc cối xay, giã gạo gợi nhớ hình ảnh thân thuộc của làng quê Bắc bộ khi xưa, tháng 3/2018, mô hình khởi nghiệp nông nghiệp sinh thái trải nghiệm Đồng Câu của tôi chính thức đi vào hoạt động.”

[external_link offset=1]

Ra đời đúng thời điểm du lịch cộng đồng đang “hot”, cộng thêm cách phục vụ khá chuyên nghiệp cùng mức giá hợp lý, trung bình chỉ từ 4 – 5 triệu đồng/đoàn/ngày đêm, mô hình du lịch của anh Trung được nhiều du khách lựa chọn. Tại đây, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi cùng bạn bè, người thân khi tự tay từ trồng rau, cây ăn quả, chăm sóc, cắt tỉa cành, bắt sâu, nhổ cỏ, câu cá rồi thu hoạch và thưởng thức sản phẩm mình làm được tại chỗ. Đều đặn vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, homestay của anh Trung luôn kín chỗ. Muốn ở lại, du khách phải đăng ký trước cả tuần, thậm chí cả tháng. 

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Trung cho biết sẽ đầu tư xây dựng, cải tạo lại khu nghỉ dưỡng, nuôi thêm một số động vật như: Trâu, bò, dê, lợn, gà… tạo cảnh quan môi trường mới lạ để du khách, nhất là trẻ em sống ở thành phố được tiếp xúc trực tiếp với các con vật mà trước đó các em chỉ được học trên sách vở hoặc nhìn trên phim ảnh.

Ngoài mô hình du lịch của anh Lâm Văn Trung, ở Ngọc Thanh hiện đang hình thành nhiều dự án kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, mô phỏng, diễn xướng các trang phục, điệu múa, trò chơi dân gian để hấp dẫn du khách. Vào những ngày cuối tuần, ngày lễ và dịp hè, nhiều homestay luôn kín khách sẽ tiếp thêm sức mạnh để người dân mảnh đất chiến khu Ngọc Thanh khi xưa mạnh mẽ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Theo làn điệu soọng cô dập dìu, ngân nga, chúng tôi về xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo – địa phương đang gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Tuy nơi đây chưa có những dự án, mô hình du lịch cộng đồng như ở Ngọc Thanh song xuân này, niềm vui của người dân như được nhân đôi bởi Đạo Trù được huyện chọn làm nơi xây dựng Làng văn hóa dân tộc Sán Dìu gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Theo chân lãnh đạo xã, chúng tôi có dịp “mục sở thị” vùng đất thôn Tân Phú – địa điểm được lựa chọn triển khai dự án. Với hệ thống giao thông thuận lợi cho việc tổ chức các sinh hoạt cộng đồng cùng dòng suối bao quanh, trong thôn có 2 Câu lạc bộ hát soọng cô hoạt động hiệu quả, có chợ Đạo Trù, 15 thầy cúng đã được làm lễ cấp sắc và đang hành nghề cùng lối sinh hoạt, ẩm thực mang đặc trưng riêng của đồng bào Sán Dìu, Tân Phú đã hội tụ đủ các điều kiện để hình thành tour du lịch cộng đồng, góp phần làm hấp dẫn, phong phú thêm cho du lịch Tam Đảo. Dự kiến khu du lịch cộng đồng – làng văn hóa dân tộc Sán Dìu sẽ được đầu tư xây dựng theo mô hình khu du lịch tổng hợp gắn kết du lịch sinh thái – văn hóa với các loại hình khác như: Khu trải nghiệm ẩm thực địa phương, khu làng truyền thống nhà cổ Sán Dìu, nhà nghỉ dưỡng homestay… Các công trình và cảnh quan sẽ được bố trí hài hòa tự nhiên, phục vụ tốt nhu cầu của du khách, phù hợp với phát triển tổng thể của huyện theo tiêu chí phân bổ lợi ích rộng rãi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn; kết nối với các điểm du lịch xung quanh tạo thành một tour du lịch khép kín, chất lượng cao.

Tâm sự với chúng tôi, bà Quản Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù thừa nhận: “Để xây dựng thành công Làng du lịch cộng đồng dân tộc Sán Dìu sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng chắc chắn khi đi vào hoạt động, mô hình sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, thương mại; mở ra cơ hội trao đổi, giao lưu văn hóa giữa du khách với cộng đồng dân tộc Sán Dìu, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc nên từ chính quyền đến người dân địa phương đều đang rất mong mỏi dự án sớm được triển khai.”

Du lịch cộng đồng: Cơ hội để phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc dân tộc - Tin tức

Dòng suối hiền hòa bao quanh thôn Tân Phú này sẽ là nơi giao lưu giữa người dân bản địa với du khách

khi dự án Làng văn hóa dân tộc Sán Dìu gắn với phát triển du lịch cộng đồng được triển khai

[external_link offset=2]

Và chẳng riêng ở Ngọc Thanh, Đạo Trù, mong muốn có được những dự án bài bản để làm du lịch cộng đồng cũng đang là nỗi niềm của chính quyền và người dân nhiều vùng quê, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều nhà quản lý, chuyên gia và các công ty du lịch lữ hành cũng đã đánh giá: Với nhiều các dân tộc anh em cùng sinh sống, tiêu biểu là dân tộc Sán Dìu, Cao Lan, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng độc đáo, Vĩnh Phúc là mảnh đất đầy tiềm năng để khai thác, phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, cái khó là muốn du lịch cộng đồng phát triển thì điều tiên quyết là phải giữ nguyên văn hoá bản địa mới có thể đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách đã lựa chọn loại hình du lịch này. Đến nay, vì nhiều nguyên nhân, ngành Du lịch tỉnh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng danh lam, thắng cảnh và bản sắc văn hóa các dân tộc, trong khi không ít giá trị truyền thống đang dần bị mai một.

Để đạt được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phấn đấu thu hút 50.000 lượt khách quốc tế và 6,5 triệu lượt khách nội địa với doanh thu đạt 125 triệu USD, tương đương 2.600 tỷ VNĐ, một giải pháp đã được Vĩnh Phúc đặt ra là cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Theo đó, hướng vào mục tiêu thị trường khách du lịch quốc tế từ các nước khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và các nước trong khối ASEAN, khách du lịch nội địa từ các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng núi phía Bắc, tỉnh sẽ tập trung phát triển các tour du lịch, khu, điểm du lịch trọng điểm như: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải, Vĩnh Thịnh, đồng thời, kêu gọi đầu tư các khu, điểm du lịch theo hướng xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp và phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, sẽ khuyến khích, hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch nông thôn, nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái; tăng cường năng lực tham gia của động đồng. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ thuật; hỗ trợ trang thiết bị cơ bản cho cộng đồng, phát triển mô hình homestay. Tăng cường trách nhiệm kinh tế, chia sẻ lợi ích với cộng đồng; hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch cộng đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề sang làm du lịch ở các vùng nông thôn.

Góp phần cụ thể hóa những chính sách kể trên, năm 2019, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khảo sát khu vực xóm Mới, xã Quang Yên, huyện Sông Lô. Nhận thấy tiềm năng có thể phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Cao Lan, ngành đã định hướng không gian, hỗ trợ quy hoạch lại mặt bằng để các hộ xây dựng nhà sàn kiểu mẫu, có phòng nghỉ cho khách, nơi tham quan, trưng bày, sân vườn tạo thành một khu mang tính cộng đồng. Đồng thời, đề xuất tỉnh trước mắt hỗ trợ 500 triệu đồng/gia đình khi tham gia phát triển du lịch cộng đồng cho các hạng mục: Quy hoạch mặt bằng, sân vườn, cổng, công trình vệ sinh công cộng. Khi hình thành dự án, sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho mua sắm các trang thiết bị, hỗ trợ lễ tân giới thiệu về khu du lịch mới này để thu hút du khách đến với Quang Yên…

Có lẽ để xây dựng được những mô hình du lịch cộng đồng thành công không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên cũng như các giá trị văn hóa độc đáo, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bản địa giống các địa phương lân cận như Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ… tỉnh ta sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Song tin rằng, cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, sự quyết tâm từ chính quyền và sự mong mỏi của người dân, một ngày không xa, Vĩnh Phúc sẽ trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách không chỉ bằng các sản vật đặc trưng của địa phương mà còn bằng những trải nghiệm mới lạ khi được đắm chìm trong không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là giải pháp hay giúp các địa phương vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn, phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Bích Phượng [external_footer]

Xổ số miền Bắc