Dưa hấu ngày tết – Thời Báo Newspaper –

Ngày tết Nguyên Đán, trên bàn thờ mỗi nhà bao giờ cũng bày hương nến trang nghiêm và các thứ hoa quả tươi đẹp nhất.

Mâm ngũ quả theo tục xưa tượng trưng cho ngũ cốc, mỗi quả tương ứng với một loại hạt hàm ý lời cầu ước mong vụ mùa được phong đăng hòa cốc, lương thực no đủ.

Đó là sự dâng lên tổ tiên những thứ trái cây của ngon vật lạ và đồng thời tô điểm Tết nhất. Bởi vì trong ngày Tết, sự trang trí nhà cửa tập trung nhiều nhất vào bàn thờ được đặt trang trọng giữa nhà. Mỗi địa phương có loại quả này, thiếu quả khác nên mâm ngũ quả cũng có sự thay đổi cho phù hợp và vì thế ý nghĩa cũng khác đi.

Miền Bắc thường bày mâm ngũ quả với nải chuối nằm dưới, trên là phật thủ, hồng, lựu… Xuôi xuống miền Nam, ngũ quả biến thành “cầu dừa đủ xài sung”. Cứ ngắm lên bàn thờ là thấy hiện lên một năm mới tràn đầy hy vọng.

Nhưng dù bày kiểu nào đi nữa thì trên bàn thờ cổ truyền miền Nam không thể thiếu dưa hấu. Một cặp dưa nằm trên bàn thờ thật trịnh trọng mà khó có loại trái cây nào khác so sánh nổi.

Vì thế, để tỏ lòng quý trọng người khách đến chơi, chủ nhà đãi, không phải cam, quýt, lê, táo… quá thường, bóc ra lúc nào cũng được mà là dưa hấu. Trái dưa quá to nên nàng Tây Qua, một tên chữ của dưa hấu, ngày tết chỉ được bưng ra bổ trước mặt mời những người khách đặc biệt. Thật xứng với mỹ danh ấy khi dưa xẻ ra, ruột đỏ như môi son, răng đen nhưng nhức tiêu biểu cho nhan sắc phụ nữ phương Bắc ngày xưa.

Dưa hấu thường bày thành cặp. Trước kia người ta thường mua thêm tờ giấy chữ Phúc hay Lộc dán lên mặt nhưng nay, hàng bán dưa nào cũng sẵn xấp chữ ấy, ai mua dưa thì kèm tặng luôn.

Có nhiều cách trang trí quả dưa. Dán giấy hồng điều xưa nhất và quen thuộc nhất. Sau này người ta cũng dán giấy nhưng không nhất thiết chữ Nho nữa mà là chữ Việt kiểu thư pháp ai đọc cũng hiểu hoặc hình long phụng, mai đào… Đặc biệt nhất là dưa chạm trổ. Người khéo tay dùng dụng cụ tỉa gia chánh để khắc trên vỏ dưa hình hoa lá, chim muông, ông Phúc Lộc Thọ hay câu chúc tết. Trái dưa vẫn giữ nguyên quả, chỉ chạm trên vỏ hoặc nạo ruột, thắp nến trong đó thành đèn quả dưa.

Dù sao khi khắc sâu xuống phần vỏ trắng như vậy, dưa chỉ chưng trong thời gian ngắn dành cho các cuộc triển lãm chứ không để lâu quá được. Vì thế nếu chưng bàn thờ hay để dành ăn tết vẫn là những quả dưa nguyên vỏ.

Ngày trước, ở dưới quê, quả dưa tết còn mang ý nghĩa bói toán đầu năm. Khi xẻ ra, ai nấy hồi hộp. Nếu gặp quả dưa ruột đỏ xào xạo như cát, vừa nước, ngọt lịm thì đó tượng trưng điềm hên, mọi việc trong năm sẽ hanh thông, may mắn. Còn gặp quả vừa nhạt màu, vừa lạt nhách thì e xui xẻo cả năm. Quả dưa bói đầu năm, tốt hay xấu, cả người khách cũng chịu ảnh hưởng.

Thật ra dưa hấu ngon hay không tùy thổ nhưỡng và kỹ thuật chăm sóc. Tục truyền khi sống lưu đày ngoài đảo hoang, đến mùa hái dưa, An Tiêm thả những quả dưa chín xuống biển trôi đi khắp phương. Tàu thuyền vớt được, ăn thử thấy vị ngon ngọt kỳ lạ, thương lái đua nhau tìm đến tạo nên cảnh mua bán sầm uất. Không biết có trái nào từ Nga Sơn trôi dạt đến Hà Tiên không mà trái dưa nơi vùng đất cực Nam này nổi tiếng ngon ngọt, vang danh sang cả các nước láng giềng chung quanh.

Ngày xưa trồng dưa chỉ theo những phương cách cổ truyền, kinh nghiệm riêng của từng người với giống má thất thường. Vì thế nhiều khi cùng một nơi mà ruộng dưa này đỏ, ruộng bên cạnh trắng, năm nay được mùa, năm sau thất, người ta đành chỉ biết giải thích là do… âm đức! Bây giờ trồng dưa bớt ngại sự may rủi tự nhiên. Dưa không còn độc quyền Hà Tiên nữa mà trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng miền Nam như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang… Miền Trung có Bình Định, Phú Yên… Nơi nào cũng đều trồng dưa được nên không cần chuyên chở từ xa lắm lên thành phố..

Dưa hấu được cải tiến rất nhiều. Dưa hấu ruột vàng lúc mới xuất hiện thu hút sự chú ý của mọi người nhưng sau này không được thích bằng dưa đỏ vì màu đỏ tươi rõ ràng rực rỡ, lôi cuốn hơn. Do màu sắc đặc biệt của nó, loại dưa này được đặt tên rất kêu là dưa hấu hoàng kim, rất dễ lộn với quả dưa hoàng kim trước kia gọi là dưa lê với hình thức và nội dung hoàn toàn khác nhau.

Dưa không hạt còn gọi là dưa mặt trời đỏ, khi ăn khỏi mất công khều hạt bỏ đi, trẻ con lại không sợ hóc nên bán rất chạy, thị trường hút hàng không đủ cung cấp. Thế nhưng dù tiện lợi đến đâu, chuyện gì cũng có ý kiến trái chiều, dân bảo thủ kêu lên dưa hấu mà mất đi hàng răng hạt huyền điểm trang ấy thì trơ trụi lắm, còn gì là duyên. Đừng nghĩ tới một chút bất tiện của hạt mà quên mất vẻ đẹp tự nhiên. Nhằn hạt khi ăn trái cây cũng là một thú tự nhiên đó chứ!

Chỉ có giống dưa hấu mini Pepquino to bằng đồng xu nhỏ ở Nam Mỹ thì chưa thấy bò tới VN.

Dưa bây giờ không phải quả nào cũng tròn mà có thứ tròn, thứ dài thuôn thuôn, quả có màu xanh đen, quả sọc đậm nhạt xen kẽ. Dưa hấu vuông ra mắt cách đây ba năm tại chợ tết Cần Thơ. Loại này không phải giống mới mà chỉ do ép khuôn nên vẫn giữ các đặc tính của dưa hấu bình thường. Kỹ thuật xem chừng không khó lắm nên được đẩy thêm bước nữa thành dưa hình vuông, hình thỏi vàng và trên vỏ có nổi chữ hoặc hình ảnh. Giá khoảng triệu rưỡi đến ba triệu rưỡi một cặp. Để xứng đáng với giá đó thì quả dưa được đặt tên Phú Quý, Hồng Phúc, Tài Lộc… khiến khách mua càng thích thú.

Mấy năm gần đây, cũng như mọi loại nông sản, dưa hấu cũng bị tiêm thuốc kích thích, thuốc tăng trọng để cây phát triển nhanh, rút ngắn thời gian chăm sóc. Vì thế mua dưa ngày tết dễ bị lầm. Mới có mấy ngày, ruột dưa đã bị úng, mau chảy nước…

Dưa ngon do phân bón. Trước kia nông dân bón phân dơi, tôm cá… nên ruột cát và ngọt. Nay lạm dụng phân hóa học khiến quả dưa cũng đỏ, cũng nhiều nước nhưng không “đặc” và ngọt sắc nữa. Thành thử đa số khách mua dưa đều phải lựa hàng quen để có gì qua tết còn ra chợ bắt đền!

Dưa hấu lúc nào cũng có hai loại. Một loại bày bàn thờ làm cảnh giống như chưng hoa cho đẹp cần vẻ ngoài to tròn, xanh sậm, láng bóng còn cả cuống, muốn cũng dễ thôi vì người bán dùng keo dán sắt; dứt, kéo mấy cũng không đứt nổi, bên trong như thế nào không quan trọng. Loại để ăn thì ruột bên trong phải ngon, bên ngoài có méo, nhám, màu lang mốc cũng chẳng sao.

Các bà nội trợ bày kinh nghiệm cho nhau cách chọn dưa. Vỏ đen bóng lưỡng, búng vào nghe tiếng kêu chắc nịch thì không sợ ốp, dây cuống héo khô quăn thì chắc chắn ăn vào ngọt ngay. Dưa nổi rõ gân là dưa chín phải ăn liền trong vòng vài ba ngày chứ không thể để lâu được. Chân cuống phẳng, chưa hũm xuống thì để được mười ngày…

Nông dân thịnh vượng nhờ dưa tết. Thương lái cũng sống nhờ đó.

Sau vụ lúa, người ta tận dụng rơm rạ để trồng dưa như môt cách xen canh. Dưa hấu trước kia chỉ trồng vào tháng Tết nhưng nay cũng như một số rau quả khác: cà chua, quýt, xoài… được trồng quanh năm. Lúc nào ra chợ cũng thấy đủ mặt. Dù sao Tết cũng là vụ chính của dưa hấu vì lúc này thị trường tiêu thụ số lượng lớn.

Dân thành phố ưa dưa Gò Công, Long An vì ngọt, vỏ mỏng trong khi dưa Vĩnh Tịnh, Sóc Xoài (Tây Ninh)… hạt to như hạt bí. Một số nơi ở Bình Thuận và miền Tây Nam bộ chuyên trồng dưa chủ yếu lấy hạt rang lên nhuộm đỏ hoặc nhuộm đen nhâm nhi ngày lễ tết hoặc làm nhân bánh dẻo, bánh trung thu.

Cận tết, các xe tải nườm nượp chở dưa về thành phố. Hồi chợ Cầu Ông lãnh chưa bị dẹp bỏ, sau 23 trở đi, dưa đổ xuống đó như núi. Các vựa dưa mọc lên suốt đường Nguyễn Thái Học góp thêm vẻ rộn rịp cho chợ tết. Dưa đổ đầy xuống mặt đất trải rơm, trên là các tấm ván thưa bắc ngang, người đi lại thoăn thoắt trên đó. Khi bán, họ lật ván lên, lấy từng quả dưa ném chuyền tay như ném bóng ra xe đậu bên ngoài. Đó là chợ bán sỉ, chỉ đến tối 30, hàng còn ế lại mới bàn lẻ cho người nghèo đi sắm tết phút chót. Bây giờ dưa bán sỉ chuyển qua Thủ Thừa, Long An và chợ đầu cầu vượt Thủ Đức. Xe tải đổ dưa xuống vựa. Từ đó xe ba gác chở tiếp về các chợ bán lẻ.

Dưa hấu để dành cho mấy ngày tết không họp chợ, có khi đến hết mùng, nếu hái sớm quá thì dưa héo, bán không có giá. Vì thế từ 25, cùng với tre nứa, lá dong là những món hàng xuất hiện cuối cùng, dưa nhất loạt đổ bộ xuống các chợ. Nhiều khi chẳng cần vào chợ, đi trên đường, người ta luôn thấy trên vỉa hè đường phố, đây đó hàng dưa hấu một mình một cõi thật hiên ngang, bề thế. Quả dưa đâu có nhỏ bé như vú sữa, như bưởi mà quá to, quá nặng, chia ra, chất cao ngay ngắn thành mấy đống có ngọn oai vệ. Khi ấy không còn bị đuổi chỗ nữa, dưa hấu mang hơi thở của tết đến gấp gáp, thúc giục lắm rồi.

Người buôn bán dưa hấu cũng như hoa cảnh gần như… đánh bạc vì không thể tiên đoán nhu cầu mỗi năm ra sao. Người mới buôn phải trả tiền ngay cho chủ vựa nhưng mối quen có thể gối đầu, bán xong mới gom tiền lại trả sau. Nơi bán sỉ vẫn còn theo tính đơn vị “già”. Hai trăm dưa là hai trăm bốn chục trái, tức là một chục tương đương mười hai trái. Dưới quê, càng đi sâu vào vườn tức vào gốc, chục càng tăng lên mười bốn, thậm chí mười sáu trái. Mua bán dễ dãi còn giữ chân khách lần sau nên đã đếm đủ, chủ vựa còn hào phóng tặng thêm vài trái cho vui.

Quả dưa dưới năm ký nhìn nhỏ xíu, thường cũng phải nặng sáu đến chín ký mới trông được. Giá tại vựa từ sáu đến tám ngàn một ký. Đúng là dưa tết lời gấp đôi cho nên chỉ cần một vụ, người bán đủ sống vài tháng. Lạ mắt càng có giá nên dưa vuông, dưa thỏi vàng tha hồ hét giá. Ngoài ra còn dưa hồ lô, dưa hình xe hơi… đưa ra chợ trái nào hết ngay trái đó.

Một hàng dưa hấu chịu thuế má nhưng chỉ bán trong năm ngày, không được phép ế hàng. Đến chiều ba mươi, khi nắng chưa tắt, người công nhân quét đường sạch sẽ, không còn thứ hàng nào sót lại ngoài xe bong bóng chạy rong chờ đón giao thừa. Dưa hấu bán đổ, bán tháo Không có chỗ cho những quả dưa ế kềnh càng choán chỗ, vả qua giao thừa, không còn ai mua bán gì nữa các thứ thực phẩm, hoa quả. Thành thử mấy năm nay dưa hấu không còn bệ vệ ngồi kiêu hãnh một chỗ mà phải chịu khó đi tìm khách. Đó là dịch vụ bán dưa online đến tận nhà. Người bán báo giá, khi khách điện thoại thì giao tận nơi lấy công làm lời, không tính phí xe cộ hoặc lấy phí thấp.

Mặc dù dưa hấu vẫn có mặt khắp nơi nhưng trong thực tế tết mấy năm nay, mãi lực của thứ trái cây này có phần giảm. Đầu tiên do giống. Quả dưa dài ăn ngon nhưng chưng không đẹp. Dưa tròn chưng đẹp lại ăn không ngon. Một quả dưa tính ra giá khá cao so với các loại trái cây khác. Do đó người ta không thể bỏ ra số tiền lớn chỉ để mua quả dưa bày bàn thờ mấy hôm. Ba bàn thờ thay vì chưng sáu trái dưa thì nay bớt còn ba, hai trái còn một. Thế bưởi vào tuy không đẹp bằng nhưng cũng để khá lâu, rẻ hơn và ăn cũng ngon…

Ý thích của người người mua thật khó đoán. Mặc kệ, đúng hẹn đến tết, dưa hấu vẫn lũ lượt kéo ra chợ. Không có dưa hấu cũng như không bánh chưng, bánh tét, sao gọi là Tết được.

Xổ số miền Bắc