Giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa giao tiếp trong trường phổ thông

Trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây, cụm từ “văn hóa học đường đang xuống dốc” bỗng trở thành quen thuộc và gây không ít bức xúc trong xã hội. Những điều xấu xa lẽ ra không thể có trong nhà trường đang hàng ngày diễn ra khiến người ta không khỏi bàng hoàng: xâm hại tình dục và bạo lực với học sinh; xúc phạm học sinh dưới nhiều hình thức, dạy thêm với những biểu hiện hết sức tiêu cực; học sinh thì nói tục, chửi thề khá phổ biến, rồi gây gổ đâm chém nhau, hỗn láo với thầy cô giáo, thậm chí còn tạt axit, bỏ thuốc chuột để hại tính mạng thầy giáo…

Đó là những biểu hiện phản văn hoá không thể chấp nhận được trong nhà trường. Hiện tượng trên có rất nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân quan trọng là bấy lâu nay dường như chúng ta đã nơi lỏng việc giáo dục văn hóa ứng xử trong nhà trường. Cái cách thầy, trò hành xử với nhau theo kiểu “xã hội đen” nêu trên vốn rất xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam. Vì vậy, không phải tự nhiên mà từ năm học 2008 – 2009, Bộ GD&ĐT đã chính thức phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong hệ thống các trường học toàn quốc. Nội dung của phong trào này gắn liền với văn hoá học đường. Chúng ta đang từng bước ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi phi văn hóa để trả lại một môi trường văn hóa lành mạnh cho học đường. Tất nhiên, đó là cả một lộ trình, cần sự quan tâm của cả xã hội. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa giao tiếp, một khía cạnh rất cụ thể của văn hóa học đường, trong các trường phổ thông hiện nay.

Dưới quan điểm của các nhà tâm lý học hoạt động thì giao tiếp là một quá trình thiết lập và thực thi mối quan hệ giữa người với người, trong quá trình đó con người sáng tạo lẫn nhau. Bất kỳ một hoạt động giao tiếp nào cũng là mối quan hệ tác động qua lại giữa các chủ thể; trong giao tiếp mỗi người có động cơ của riêng mình, thông qua các công cụ phương tiện, con người nhận thức được về nhau, về thế giới xung quanh. Giao tiếp có bản chất xã hội, là một dạng thức căn bản của hành vi con người, là cơ chế để các liên hệ người tồn tại và phát triển. Xã hội loài người bắt đầu phát triển khi con người bắt đầu biết giao tiếp. Dù là giao tiếp với môi trường tự nhiên hay giao tiếp với môi trường xã hội, con người đều ít nhiều thể hiện nét văn hóa của cộng đồng, của cá nhân. Vì vậy, giao tiếp bộc lộ chất “người” rõ nhất. Tùy thuộc môi trường, hoàn cảnh cụ thể mà mỗi người có một phong cách giao tiếp khác nhau. Chính phong cách đó cho biết giá trị văn hóa của họ. Tất nhiên, để đạt tới một hệ giá trị tốt đẹp được xã hội ghi nhận, mỗi con người cần phải trải qua một quá trình rèn luyện tích cực. Bởi, văn hóa giao tiếp không chỉ là một phẩm chất mà còn là một tài năng của mỗi người.

Chúng ta phải thừa nhận một thực trạng đáng buồn là chất lượng giáo dục văn hóa giao tiếp trong trường phổ thông của chúng ta hiện nay rất thấp. Những khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Tôn sư trọng đạo”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”… được treo ở hầu khắp các nhà trường, song có phải hầu khắp các trường đó đều dám đảm bảo tuyệt đối không có những chuyện học sinh nói tục, chửi bậy, vô lễ với thầy cô? Có phải hầu khắp các trường đó đều dám đảm bảo những tệ nạn xã hội, bạo lực chắc chắn không bao giờ chen lấn vào nhà trường, vào tận lớp học? Và có phải hầu khắp các trường đó dám khẳng định 100% giáo viên trong trường đều “hết lòng vì học sinh thân yêu”? Hiện tượng học sinh nói tục, chửi bậy, vô lễ với thầy cô; hiện tượng bạo lực học đường, rồi chuyện thầy cô vì mình chứ không vì trò mà dạy thêm đã không còn là chuyện hiếm. Trong khi đó, truyền thống giao tiếp của dân tộc Việt Nam là ưa sự tế nhị, ý tứ, trọng sự hòa thuận, thể hiện tính tôn ti rất kỹ lưỡng, đặc biệt trong quan hệ thầy trò. Thực tế là chúng ta đang phải gồng mình để níu giữ những nét đẹp của văn hóa giao tiếp truyền thống trong nhà trường, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi đất nước mở cửa hội nhập, tinh hoa của các nền văn hóa nước ngoài xuất hiện đồng thời với những cặn bã. Không có sự định hướng, không có sự giáo dục, học sinh của chúng ta dễ tiếp thu những cặn bã mà lại hiểu nhầm là tinh hoa. Vì vậy, vai trò của việc giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường là rất quan trọng.

Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa giao tiếp trong trường phổ thông hiện nay, chúng tôi đề xuất một vài giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, các cấp quản lý ngành GD&ĐT và lãnh đạo các trường phải có chủ trương cụ thể với việc giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường, có kế hoạch triển khai, có kiểm tra giám sát, đánh giá xếp loại – đó là điều kiện tiên quyết. Chúng ta có thể bổ sung vào hệ thống các môn học trong nhà trường môn Văn hoá giao tiếp, bắt đầu dạy từ lớp đầu cấp Tiểu học. Thực tế là nhiều sinh viên của Việt Nam khi mới ra trường rất bỡ ngỡ với yêu cầu khá cao về khả năng giao tiếp của các nơi tuyển dụng. Trong những năm đi học, kể cả khi vào đại học, họ cũng không được học một khóa học nào về văn hóa giao tiếp. Kỹ năng giao tiếp của họ đơn thuần là do những bày vẽ rời rạc lúc này lúc khác của một vài người thân thiết và do những trải nghiệm cá nhân mà thành. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến cho đa phần những người thành đạt trong cuộc sống ở đất nước ta đều không phải còn trẻ tuổi. Nếu chúng ta có một môn học riêng về văn hóa giao tiếp, có chương trình, sách giáo khoa đảm bảo nội dung khoa học chính xác, phù hợp với thực tế xã hội để dạy cho học sinh suốt những năm học từ tiểu học đến phổ thông, và cả khi vào đại học nữa, thì có thể tin rằng, sinh viên của chúng ta khi ra trường đã có một vốn sống khá vững chắc, và thành công có thể đến ngay cả khi họ còn rất trẻ tuổi.

Lâu nay, trong hệ thống chương trình phổ thông của chúng ta có môn học Giáo dục công dân, cũng là một môn học hướng học sinh tới cách suy nghĩ, hành động, ứng xử cho phù hợp với đạo đức và pháp luật. Nhưng đáng tiếc là những nội dung về văn hóa giao tiếp trong cuộc sống, đặc biệt là văn hóa giao tiếp trong quan hệ thầy trò ít được đề cập ở môn học này. Và còn đáng buồn hơn nữa, là lâu nay vai trò của môn Giáo dục công dân luôn bị coi nhẹ. Ngay trong ý thức của giáo viên thì đây cũng chỉ là môn học phụ, môn không thi tốt nghiệp, điểm kiểm tra hệ số thấp; với học sinh thì việc học môn này chỉ là đối phó, hiếm thấy một học sinh nào đó lại chịu bỏ thời gian học ở nhà để dành cho môn học này. Việc quản lý dạy học môn học này cũng bị xem nhẹ, trong trường, nếu giáo viên nào thiếu giờ thì xếp dạy Giáo dục công dân, đó là môn mà bất kì một giáo viên nào (kể cả giáo viên Thể dục) cũng có thể lên lớp. Vài năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT đã quan tâm hơn tới vị trí, vai trò của môn Giáo dục công dân trong nhà trường, bắt đầu bằng việc tổ chức các Hội thảo về đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân, tổ chức các đợt bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên dạy Giáo dục công dân, tích cực chỉ đạo lồng ghép giáo dục Kỹ năng sống cho học sinh trong môn Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng tổ chức thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi môn Giáo dục công dân, chỉ đạo các nhà trường tích cực thực hiện giáo dục Kỹ năng sống cho học sinh thông qua tất cả các môn học và hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa. Sở cũng chủ trì nghiên cứu và nghiệm thu thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nâng cao chất lượng giáo dục Kỹ năng sống cho học sinh trung học cơ sở tỉnh Bắc Giang”… Song, chúng ta không nên dừng ở đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức không chỉ của cán bộ quản lý ngành, của giáo viên, học sinh mà của toàn xã hội về vai trò đặc biệt quan trọng của việc giáo dục văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử trong mục tiêu giáo dục con người của nhà trường Việt Nam hiện nay. Nếu có thể bắt đầu bằng việc cho ra đời môn học Văn hóa giao tiếp trong các trường học từ lớp 1 đến lớp 12 thì thật đáng mừng.


Ngày vui tới trường của học sinh TH Thanh Luận, Sơn Động. 

Ngày vui tới trường của học sinh TH Thanh Luận, Sơn Động.

Thứ hai, đội ngũ nhà giáo phải đặc biệt chú ý giáo dục văn hoá giao tiếp cho học sinh, đây là nhân tố rất quan trọng. Thực tế, những em bé từ khi bắt đầu tới lớp đã luôn coi những điều thầy cô nói và làm ở trường học là chân lý. Nhiều trẻ về nhà đã nhất định không chịu nghe lời cha mẹ chỉ vì thầy cô ở trường nói khác, làm khác. Có thể thấy, tác động của thầy cô giáo đối với việc hình thành và phát triển nhân cách ở học sinh là vô cùng quan trọng. Việc tăng cường ý thức trách nhiệm của mỗi giáo viên trong giáo dục văn hóa giao tiếp cho học sinh không thể chỉ nói chung chung mà cần phải cụ thể hóa trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học của mỗi nhà trường và mỗi cá nhân giáo viên. Các kế hoạch ấy phải chỉ rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung và các biện pháp cụ thể. Cần phải xem việc giáo dục văn hóa giao tiếp cho học sinh là một nhiệm vụ bắt buộc với mỗi giáo viên, có kiểm tra, đánh giá và xếp loại thi đua theo từng năm học. Nếu làm như vậy, chúng ta đồng thời đẩy mạnh được cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” mà ngành đang thực hiện. Bởi vì, trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, thầy cô giáo muốn là một tấm gương để học sinh noi theo thì phải không ngừng tự trau dồi. Những tấm gương ấy phải luôn trong, luôn sáng thì mới có hiệu quả giáo dục. Nếu như những tấm gương ấy mờ, đục thì không đơn thuần chỉ là việc giáo dục không đạt hiệu quả mà còn gây hại trực tiếp cho xã hội. Thầy cô giáo tham lam, vòi vĩnh thì làm sao học trò không mua điểm, mua bằng? Thầy cô giáo đánh giá xếp loại không chính xác, chỉ lo thành tích thì làm sao học trò không gian lận trong khi thi? Thầy cô giáo trên bục giảng mà phì phèo thuốc lá, mặt đỏ vì rượu say thì làm sao học trò không quần áo hở hang, tóc xanh tóc đỏ tới trường? Thầy cô giáo nói tục, chửi thề, quát mắng học sinh, sinh hoạt bừa bãi thì làm sao học trò “nói lời hay, làm việc tốt”?

Thời trước, cũng khá lâu rồi, các thầy cô giáo thực sự “hết lòng vì học sinh thân yêu”. Trong lớp, những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học kém đều được thầy cô vận động giúp đỡ, phụ đạo, kèm cặp, không có hiện tượng ép phải học thêm. Bây giờ, trường hợp ấy vẫn còn, nhưng đáng buồn là đang ngày một ít đi. Bây giờ, nhiều thầy cô dạy thêm vì mục đích kiếm tiền và sử dụng nhiều thủ đoạn để ép học sinh đi học thêm. Ngày Nhà giáo Việt Nam vốn được xem là ngày xã hội tôn vinh nghề giáo và tỏ lòng biết ơn tới các thầy cô giáo, nhưng trong cách nhìn của nhiều người bây giờ, nó lại biến thành dịp để học trò tăng cơ hội mua điểm, mua bằng thông qua những quà cáp vật chất của thời kinh tế thị trường, và chữ “Lễ” trong câu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã bị cố tình bóp méo, hiểu sai và xuyên tạc… Cho nên, nếu chúng ta tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường bằng việc gắn trách nhiệm cụ thể với cá nhân mỗi giáo viên dựa trên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học của nhà trường thì có thể hi vọng rằng, văn hóa giao tiếp học đường sẽ ngày càng được thanh lọc và trở nên trong sáng hơn.


Học sinh trường THPT Lục Ngạn trọng một hoạt động ngoại khóa.

Học sinh trường THPT Lục Ngạn trọng một hoạt động ngoại khóa.

Thứ ba, mỗi trường học đều phải xây dựng được một hệ giá trị văn hóa chuẩn mực trong giao tiếp học đường với những quy tắc ứng xử cụ thể và phổ biến đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường. Hệ giá trị chuẩn mực ấy chính là căn cứ đánh giá xếp loại thi đua đối với cá nhân mỗi cán bộ giáo viên và học sinh khi tổng kết năm học. Để thực hiện tốt việc đó, các nhà trường cần huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, đoàn thể trong trường như Công đoàn, Đoàn TNCS HCM, Đội TNTP HCM… Đặc biệt, các nhà trường có thể gắn trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện các hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hóa theo hệ giá trị quy chuẩn của nhà trường với hoạt động của Tổ tư vấn hình thành kỹ năng sống. Một môi trường học đường được tạo dựng theo những giá trị văn hóa chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử sẽ có sức đề kháng những mầm bệnh, loại trừ được những biểu hiện phản văn hóa nảy sinh từ bên trong.

Thứ tư, các nhà trường cần tăng cường việc lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa giao tiếp vào các môn học và các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường. Không chỉ ở các giờ học trong lớp mà ở mọi hoạt động khác như lao động, vui chơi, sinh hoạt văn hóa văn nghệ thể thao…, học sinh của chúng ta phải luôn luôn được giáo dục rằng cần có thái độ học tập đúng đắn, trung thực; phải biết xấu hổ khi nói tục, chửi thề, hỗn láo với thầy cô, thô bạo với bạn, gian lận trong thi cử… Kế hoạch thực hiện việc lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa giao tiếp cũng cần phải được chi tiết hóa với những biện pháp cụ thể ngay từ đầu mỗi năm học, phải được kiểm tra thường xuyên và khen thưởng kỷ luật kịp thời đối với cá nhân cán bộ giáo viên và học sinh trong trường.

Thứ năm, các nhà trường cần tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, kết hợp nội dung giáo dục văn hóa giao tiếp với các cuộc vận động lớn mà ngành đang thực hiện, đặc biệt là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bằng việc tổ chức cho học sinh nghiên cứu, tìm hiểu những câu chuyện về nghệ thuật giao tiếp, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ giúp các em nhận thức được những nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử và thực hành học tập.

Thứ sáu, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác như gia đình học sinh, các tổ chức, đoàn thể tại địa phương nơi trường đóng… trong việc giáo dục văn hóa giao tiếp cho học sinh, góp phần nâng cao ý thức của toàn xã hội đối với công việc tưởng chừng đơn giản song lại rất quan trọng này.

Hy vọng rằng, giáo dục văn hóa giao tiếp học đường sẽ trở thành mối quan tâm thường xuyên của toàn xã hội, góp phần không nhỏ vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo con người đáp ứng yêu cầu của chiến lược xây dựng và phát triển đất nước theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Hàn Giang

Xổ số miền Bắc