Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Kháng

Huyện Quỳnh Nhai có hơn 4.000 đồng bào Kháng sinh sống, chiếm khoảng 10% dân số của toàn huyện. Trải qua sự thay đổi của thời gian, cùng nhiều yếu tố tác động bởi cuộc sống hiện đại, một số lễ hội truyền thống, các bài dân ca, dân vũ đang đứng trước sự mai một. Trước thực trạng đó, huyện Quỳnh Nhai đã và đang thực hiện các biện pháp để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Kháng.

Tìm hiểu văn hóa của đồng bào Kháng, chúng tôi đến xã Chiềng Ơn, là xã có hơn 60% tổng số đồng bào Kháng trong huyện đang sinh sống. Trước đây, đồng bào Kháng chủ yếu canh tác nông nghiệp bằng việc trồng ngô, lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Bên cạnh đó, bà con còn rất khéo léo trong việc chèo thuyền đánh cá trên sông Đà và đóng thuyền độc mộc. Các sản phẩm đan lát thủ công phục vụ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Kháng cũng được biết đến với sự tinh xảo và giá trị thẩm mỹ cao. Một trong những điều ấn tượng về nét văn hóa của đồng bào Kháng là điệu múa Tăng bu. Điệu múa khắc họa, tái hiện lại những hoạt động sản xuất nông nghiệp, tín ngưỡng và con người từ việc trồng ngô, lúa bằng hình thức chọc lỗ, tra hạt, đến tôn vinh giá trị tín ngưỡng tinh thần đối với núi, sông, thiên nhiên và con người.

             

Lễ hội Kin Pang của đồng bào Kháng, huyện Quỳnh Nhai.

             

Là người am hiểu và tâm huyết với việc lưu giữ, phát triển văn hóa dân tộc Kháng, bà Lò Thị Pháư, Chủ nhiệm Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa Kháng ở xã Chiềng Ơn, nói: Đồng bào Kháng có rất nhiều nghi thức, lễ hội, bài dân ca, dân vũ đặc sắc, như lễ cơm mới, lễ Pang phoóng, lễ hội Xên Pang ả… Để lưu giữ và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào Kháng, tháng 7/2018, với sự giúp đỡ của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quỳnh Nhai, Câu lạc bộ “giữ gìn bản sắc văn hóa Kháng” được thành lập. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, đến nay CLB có gần 40 thành viên. Các thành viên trong CLB luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Kháng trong xã dạy và phổ biến những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình cho con cháu. Thường xuyên luyện tập, tham gia các cuộc thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ để quảng bá hình ảnh về văn hóa dân tộc Kháng cho nhiều người biết đến. Qua đó, nâng cao ý thức cho những người trẻ giữ gìn, trân trọng và tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.

             

Bà con dân tộc Kháng chủ yếu sinh sống tại các xã Chiềng Ơn, Mường Giàng, Chiềng Khay, Cà Nàng, Mường Giôn. Để lưu giữ, phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Kháng, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đồng thời, thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các sự kiện văn hóa, thể thao. Quan tâm tới các nghệ nhân, người có uy tín, trưởng bản; tạo điều kiện để bà con tham gia giao lưu các sự kiện văn hóa. Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đầu tư cơ sở hạ tầng vào những vùng có đồng bào Kháng sinh sống, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển, tạo điều kiện để người dân gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

             

Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Những năm qua, Phòng đã tích cực tham mưu cho huyện khai thác tiềm năng phát triển du lịch, gắn với giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, nhất là đối với văn hóa đồng bào dân tộc Kháng. Thông qua các tour du lịch trải nghiệm, giới thiệu về nét đẹp con người, văn hóa, ẩm thực, giúp du khách tìm hiểu và trải nghiệm những tinh hoa văn hóa, góp phần tô điểm và quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào Kháng với bạn bè, du khách bốn phương, góp phần thúc đẩy du lịch của huyện phát triển.

Đức Anh

Xổ số miền Bắc