Giới thiệu Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam

  •  
  • Giới thiệu
  • Giới thiệu chung

Giới thiệu Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam

I. Giới thiệu chung

        Tạp chí Nghiên cứu văn hóa Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên cứu Văn hóa – hoạt động theo Giấy phép xuất bản số 178/GP-BTTTT do Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông kí ngày 7/5/2019. Tạp chí ra hai tháng một kì, mỗi số gồm 80 trang, khổ 19 x 27 cm. Đây là diễn đàn của giới nghiên cứu văn hóa và của bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này, thực hiện theo tôn chỉ, mục đích: tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn nghệ; công bố những công trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam; thông tin về các nghiên cứu, hoạt động văn hóa trong và ngoài nước. Tổng Biên tập là PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm. Hội đồng Biên tập gồm 8 thành viên, do PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm làm Chủ tịch. Các Ủy viên Hội đồng là GS. TS. Lê Hồng Lý, PGS. TS. Phạm Thị Thu Hương, PGS. TS. Phạm Quỳnh Phương, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, PGS. TS. Kiều Trung Sơn, PGS. TS. Nguyễn Thị Yên và TS. Hoàng Cầm. Hai cán bộ làm công tác biên tập – trị sự là TS. Vũ Hoàng Hiếu và ThS. Đinh Việt Hà. Số đầu tiên của Tạp chí Nghiên cứu văn hóa Việt Nam ra mắt bạn đọc vào tháng 6 năm 2019 là sự nối tiếp, kế thừa và phát triển từ 182 số Tạp chí Văn hóa dân gian. 

        Ngày 26/12/1979, Ban Văn hóa dân gian (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) được thành lập. Trong gần 4 năm đầu, Ban Văn hóa dân gian đã thu hút được một lực lượng cán bộ khoa học đáng kể, đã xây dựng phương hướng công tác và thực hiện nhiều đề tài khoa học. Dựa trên nhu cầu công tác và khả năng của đội ngũ cán bộ, ngày 26/1/1983, Ban Tuyên huấn trung ương, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Văn hóa đã cho phép xuất bản Tạp chí Văn hóa dân gian. Kể từ cột mốc đó, Tạp chí Văn hóa dân gian (nay là Tạp chí Nghiên cứu văn hóa Việt Nam) – cơ quan ngôn luận của Viện Văn hóa dân gian, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian và sau này là Viện Nghiên cứu Văn hóa –  đã trải qua một chặng đường dài 36 năm xây dựng và trưởng thành.

        Theo giấy phép xuất bản, trong 18 năm đầu, Tạp chí ra ba tháng một kì, mỗi số gồm 80 trang, khổ 19 x 27 cm. Từ năm 2001 đến nay, Tạp chí ra hai tháng một kì, dung lượng và khuôn khổ tạp chí vẫn giữ nguyên. Ngoài các số thông thường, tùy theo yêu cầu công việc và điều kiện cho phép, Tạp chí còn phát hành các số chuyên đề, có nội dung trọng tâm, tập trung vào một vấn đề/chủ đề cụ thể[1].

 

        II. Cơ cấu tổ chức

        Từ tháng 1/1983 đến hết tháng 2/1992, GS. Đinh Gia Khánh làm Tổng Biên tập (TBT). Từ năm 1985 đến hết tháng 2/1991, GS. TSKH. Phan Đăng Nhật làm Phó TBT. Từ tháng 2 năm 1991 đến ngày tháng 7/1994, GS. TS. Kiều Thu Hoạch được bổ nhiệm làm Phó TBT, rồi Quyền TBT. Từ tháng 7/1994 đến tháng 12/1999, GS. TS. Kiều Thu Hoạch làm TBT. Từ tháng 1/2000 đến tháng 7/2005, GS. TS. Ngô Đức Thịnh làm TBT. Từ 9/1996 đến tháng 7/2005, GS. TS. Nguyễn Xuân Kính làm Phó TBT. Từ tháng 7/2005 đến tháng 8/2013, GS. TS. Nguyễn Xuân Kính giữ cương vị TBT. Từ tháng 1/2006 đến hết tháng 12/2006, PGS. TS. Võ Quang Trọng làm Phó TBT. Từ tháng 8/2013 đến tháng 8/2018 GS. TS. Lê Hồng Lý làm TBT. Từ tháng 8/2013 đến tháng 4/2018, TS. Đào Thế Đức làm Phó TBT. Từ ngày 31/8/2018 đến nay, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm giữ chức TBT.

        Tạp chí có Phòng Biên tập – Trị sự (trước đây là Phòng Thư kí – Tòa soạn – Trị sự tạp chí). Phòng có nhiệm vụ thu nhận bài vở, biên tập, liên lạc với tác giả và cộng tác viên, trình TBT kí duyệt tin, bài, tổ chức bản thảo, liên hệ với nhà in, trả nhuận bút, gửi báo biếu tới các cơ quan, cộng tác viên cũng như trao đổi với nhiều tạp chí khác thuộc các ngành khoa học xã hội. Lãnh đạo Phòng lần lượt là: GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (Trưởng phòng), ThS. Trịnh Đình Niên (Trưởng phòng), TS. Đào Thế Đức (Phó trưởng phòng). Các cán bộ đã và đang làm việc ở Phòng Biên tâp – trị sự qua các thời kì lần lượt là: ThS. Nguyễn Thúy Loan, TS. Nguyễn Minh Hạnh, ThS. Trịnh Đình Niên, GS.TS. Nguyễn Xuân Kính, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, TS. Phan Thị Hoa Lý, TS. Vũ Hoàng Hiếu, ThS. Đinh Việt Hà, TS. Nguyễn Giáo, TS. Đào Thế Đức. Ngoài đảm nhiệm các công việc phục vụ cho hoạt động tạp chí, hai cán bộ hiện nay của Phòng là TS. Vũ Hoàng Hiếu và ThS. Đinh Việt Hà còn là những cán bộ nghiên cứu. TS. Vũ Hoàng Hiếu quan tâm đến các vấn đề về giới, văn hóa tính dục, cộng đồng LGBT và các hiện tượng, thực hành văn hóa đương đại với một số bài viết tiêu biểu:  “Lên đồng: Giải phóng ẩn ức và thể hiện bản sắc ở những người thiểu số tính dục trong xã hội Việt Nam đương đại” (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 6, 2016); “Q bar và “những hotboy nổi loạn”: Biểu hành giới ở người thiểu số tính dục trong bối cảnh Việt nam đương đại” (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 6, 2018). ThS. Đinh Việt Hà quan tâm đến các vấn đề về văn hóa giới trẻ, bất bình đẳng giới và các hiện tượng, thực hành văn hóa đương đại với một số bài viết như: “Định kiến giới về phụ nữ sống thử trên báo chí những năm gần đây” (Tạp chí Gia đình và Giới, số 2, 2016); “Văn hóa giải trí của giới trẻ Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4, 2017).

Ảnh: cán bộ phòng Biên tập-Trị sự Tạp chí Nghiên cứu văn hoá (2019)

 

 III. Một số thành tựu nổi bật

       Từ năm 1983 đến năm 1989, Tạp chí Văn hóa dân gian gặp không ít khó khăn. Tòa soạn không có phòng riêng để làm việc, để tiếp cộng tác viên. Tạp chí không ra được đúng hạn và không tìm được cơ sở in ổn định (lúc Hà Nội, khi Vĩnh Phúc, thậm chí Tp. Hồ Chí Minh), có số chậm đến 10 tháng và nhiều lần phải in gộp hai số làm một. Bắt đầu từ số 1 năm 1990 trở đi, Tạp chí mới chấm dứt được thời kì khó khăn về in ấn, mới ra mắt bạn đọc đúng thời hạn và cũng chấm dứt tình trạng in hai số gộp làm một.

       Thời gian đầu ra mắt, Tạp chí Văn hóa dân gian một mặt đăng tải những bài nghiên cứu học thuật, mặt khác giới thiệu những tác phẩm văn hóa dân gian hay mới được phát hiện hoặc đã phát hiện từ trước nhưng chưa được phổ biến tới đông đảo bạn đọc. Ngoài ra, để góp phần thúc đẩy bước tiến mới của giới nghiên cứu văn hóa dân gian về mặt nghiên cứu khoa học cũng như về công tác thực tiễn, Tạp chí tổ chức việc trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề sưu tầm, nghiên cứu và sử dụng vốn văn hóa dân gian, giảng dạy, đào tạo và tổ chức đội ngũ những người làm công tác văn hóa dân gian. Bên cạnh đó, với mong muốn góp phần vào việc thông tin khoa học chuyên ngành, Tạp chí thường xuyên đăng tải tin tức về hoạt động văn hóa dân gian trong nước và mỗi khi cần thiết thông báo về tình hình hoạt động văn hóa dân gian ở nước ngoài.

       Trong những năm tiếp theo, các bài viết đăng trên Tạp chí Văn hóa dân gian càng ngày càng phong phú, đa dạng, có hàm lượng khoa học cao, được phân bố vào các mảng chuyên mục: Những vấn đề chung (bao gồm văn hóa và văn hóa dân gian); Ngữ văn dân gian; Lễ hội, tín ngưỡng, phong tục; Nghệ thuật tạo hình dân gian; Nghệ thuật biểu diễn dân gian; Tri thức dân gian; Đọc sách, điểm sách. Với việc công bố nhiều bài viết có tiếng vang của các nhà nghiên cứu đầu ngành, Tạp chí Văn hóa dân gian đã góp phần quan trọng vào việc giới thiệu, quảng bá các thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian, mở ra một không gian trao đổi học thuật sôi nổi, đóng góp hiệu quả trong việc xây dựng và củng cố vững chắc nền móng của ngành folklore học Việt Nam.

       Văn hóa dân gian là một thực thể bao gồm văn hóa dân gian cổ truyền và văn hóa dân gian hiện đại. Văn hóa dân gian và văn hóa cũng có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Chính vì thế, từ nhiều năm về trước, Tạp chí Văn hóa dân gian đã công bố nhiều bài viết về các đối tượng ở phạm vi rộng hơn văn hóa dân gian. Như vậy, từ khi Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian đổi tên thành Viện Nghiên cứu Văn hoá (năm 2004), bên cạnh việc giới thiệu các bài viết về văn hóa dân gian, việc Tạp chí dành một tỉ lệ thích hợp để đăng tải những bài viết về các vấn đề, các đối tượng ở phạm vi rộng hơn văn hóa dân gian là việc làm nối tiếp truyền thống đã có.

       Cùng với việc đổi tên, Viện Nghiên cứu Văn hóa đã chính thức xác định mở rộng đối tượng và phạm vi nghiên cứu, không chỉ tập trung vào văn hoá dân gian mà còn dành sự quan tâm thỏa đáng đến nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề khác nhau của văn hoá, đặc biệt là các hiện tượng, thực hành văn hóa đương đại. Để phù hợp hơn với đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Viện và để thu hút lượng độc giả rộng lớn hơn, được sự chuẩn y của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 7/5/2019, Tạp chí Văn hoá dân gian đã có quyết định đổi tên thành Tạp chí Nghiên cứu văn hoá Việt Nam.

       Tuy khó khăn, thử thách là không ít nhưng trong suốt chặng đường 36 năm qua, về cơ bản, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa Việt Nam hiện nay (Tạp chí Văn hóa dân gian trước đây) đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, không có sai phạm về chính trị. Tạp chí đã ổn định được các chuyên mục thường xuyên, đã công bố được nhiều bài viết có chất lượng khoa học, hình thức trình bày độc đáo, tạo nên một dáng vẻ riêng trong sự phong phú, đa dạng của hàng trăm tờ tạp chí trong cả nước. Do vị thế là một cơ quan chuyên ngành nên các bài đăng trên Tạp chí đã được Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước tính điểm đối với các ngành Văn hóa học và Văn học. Bên cạnh phần lớn tác giả là các học giả, các nhà nghiên cứu quen biết, Tạp chí cũng tạo điều kiện và trân trọng các tác giả trẻ, say mê với sự nghiệp nghiên cứu văn hóa. Những năm gần đây, bằng việc tích cực công bố nhiều bài viết giới thiệu các lý thuyết nhân học, văn hóa học, những khuynh hướng tiếp cận mới, những phương pháp nghiên cứu hiện đại, trao đổi những vấn đề học thuật căn bản của ngành nghiên cứu văn hóa, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa Việt Nam (nối tiếp truyền thống của Tạp chí Văn hóa dân gian) ngày càng chứng tỏ vị thế vững chắc của một diễn đàn khoa học uy tín và cởi mở hàng đầu của ngành nghiên cứu văn hóa ở nước ta, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của Viện Nghiên cứu Văn hóa trong nỗ lực đổi mới nghiên cứu theo xu thế chung của nền học thuật khu vực và quốc tế.

 

[1] Số 3 năm 1984: số chuyên đề về Nghệ thuật tạo hình, số 4 năm 1984: số chuyên đề về Nghệ thuật biểu diễn, số 1 năm 1990: số chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, số 2 năm 1990: số chuyên đề về Văn hóa dân gian và du lịch, số 3 năm 1990: số chuyên đề về Văn hóa dân gian và nhà trường, số 3 năm 1991: số chuyên đề về Thi pháp, số 3 năm 2018: số chuyên đề về Lễ hội đền Chín Gian (Thanh Hóa)…

Các tin khác:

  • Giới thiệu Phòng nghiên cứu văn hóa đương đại

    (07/03/2022)

  • Giới thiệu Phòng Nghiên cứu văn hóa và phát triển

    (03/03/2021)

  • Giới thiệu Phòng Nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng

    (03/08/2019)

  • Giới thiệu Phòng Nghiên cứu Văn hóa ngôn từ và Nghệ thuật

    (08/03/2022)

  • Giới thiệu Phòng Nghiên cứu di sản văn hóa truyền thống

    (03/08/2019)

  • Giới thiệu Phòng Quản lý khoa học

    (08/03/2022)

  • Giới thiệu Phòng Tổ chức – Hành chính

    (03/08/2019)

  • Giới thiệu cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu văn hóa

    (03/08/2019)

  • Giới thiệu chung về Viện Nghiên cứu Văn hóa

    (14/09/2019)

Xem tin phát hành ngày:

Xổ số miền Bắc