Hầu đồng và sự biến tướng trong tín ngưỡng văn hóa dân gian

Hầu đồng là nghệ thuật trình diễn tổng hợp, có âm nhạc, có lời ca, điệu múa. Trải qua bao thời gian, tục thờ mẫu và nghi lễ hầu đồng vẫn tồn tại đến ngày nay như một bảo tàng sống của truyền thống văn hoá Việt Nam. Trước sự thay đổi, phát triển của xã hội, làm thế nào để tín ngưỡng thờ Mẫu được bảo vệ và phát huy đúng giá trị của nó trước những biến tướng, thương mại hóa các nghi thức?

NSƯT Hoài Linh hầu đồng (Nguồn: Internet) 

Biến tướng – Nguyên nhân từ đâu

Hầu đồng là một trong tín ngưỡng văn hóa dân gian, là nghi lễ giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng. Thông qua người trực tiếp đứng giá hầu đồng là Thanh Đồng, những trang phục sặc sỡ và những điệu múa cầu kỳ được tiếp thêm tính huyền hoặc bởi hát chầu văn.

Với mỗi địa phương, tùy tập tục mà hầu đồng có nhiều thể thức khác nhau. Tuy nhiên, một buổi hầu đồng bao giờ cũng có các phần thay lễ phục, dâng hương hành lễ, lễ thánh giáng, múa đồng, ban bộc và nghe Văn chầu và kết thúc khi Thánh thăng.

Vài năm qua, hầu đồng càng ngày càng có nhiều thay đổi tiêu cực. Không ít những người giàu sang đã tổ chức hầu đồng rất xa hoa và rất tốn kém, với chi phí bỏ ra từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng. Chính vì có hơi hướng đồng tiền mà hầu đồng bỗng mất đi vẻ đẹp văn hóa đặc thù. Và đáng lo ngại hơn, Thanh Đồng đã trở thành một thứ nghề và những giá đồng cũng trở thành một dịch vụ có màu sắc mê tín dị đoan.

Theo GS-TS Ngô Đức Thịnh – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Giám đốc TT Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore (Văn hóa dân gian) châu Á đánh giá “80% nghi lễ hầu đồng hiện nay là biến tướng. Biến tướng hoàn toàn “vật chất hóa” từ đầu đến cuối.”

Bên cạnh biến tướng về vật chất, Trục lợi ở chuyện đồng bói và “xin lộc” có lẽ thể hiện rõ nhất trong biến tướng hầu đồng. Những người hầu đồng lợi dụng chuyện thực thực hư hư của việc thần thánh nhập để bói toán nhằm kiếm tiền từ những người tham dự. Chính sự trục lợi này đã biến hầu đồng từ một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thành mê tín dị đoan.

Thanh Đồng đang biểu diễn hầu đồng (Nguồn: Internet) 

Làm gì để ngăn chặn biến tướng?

Đứng trước quá trình thay đổi, phát triển của xã hội, văn hóa tín ngưỡng nói chung và hầu đầu nói riêng cũng có những chuyển biến, có thể theo chiều hướng tích cực nhưng cũng có thể theo chiều hướng tiêu cực. Hầu đồng hiện nay theo các nhà nghiên cứu cho rằng đang bị biến tướng theo mặt trái của nền kinh thế thị trường, đặc biệt là khi đạo Mẫu rất phát triển ở những thành phố lớn.

“Nhà nước phải đi đúng hướng, thể hiện chính sách tự do tín ngưỡng nhưng phải tránh được biến tướng, lợi dụng giá trị di sản. Tình trạng tín ngưỡng hiện nay vẫn tản mạn, cá nhân, không ai quản lý”, GS. Ngô Đức Thịnh nhận định.

Tín ngưỡng là tâm linh, dễ bị lợi dụng, lừa gạt, trục lợi về kinh tế. Sau khi được UNESCO tôn vinh, việc bảo vệ, phát huy, giữ gìn nghi thức này tránh biến tướng là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Trước câu hỏi: Vậy làm cách nào để nghi lễ này trở về đúng như những gì nó vốn có? Đó là câu hỏi đặt ra cho con người và thái độ. Cần dựa vào những giá trị chuẩn mực để để xây dựng một hành lang pháp lý, bài trừ tiêu cực, hướng dẫn tích cực để phát triển theo hướng tốt đẹp.

Linh Ngọc (TH) 

Xổ số miền Bắc