Hiểu đúng các khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể

Từ năm 2005, Việt Nam đã phê chuẩn và trở thành quốc gia thành viên Công ước năm 2003 của UNESCO Về bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT). Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, từ khi tham gia Công ước năm 2003, Việt Nam là một trong số những quốc gia có nhiều đóng góp tích cực nhất trong việc bảo vệ các DSVHPVT. Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn tình trạng hiểu sai một số khái niệm của UNESCO về các DSVHPVT diễn ra ở một số người, một số tình huống.

Danh sách các DSVHPVT đại diện cho nhân loại được thiết lập theo Công ước năm 2003 của UNESCO “nhằm đảm bảo nâng cao tính phổ biến và nhận thức về tầm quan trọng của DSVHPVT, đồng thời khuyến khích đối thoại trên cơ sở tôn trọng đa dạng văn hóa” (Điều 16, Công ước). Việc ghi danh trong “danh sách các DSVHPVT” xác nhận sự đánh giá cao của UNESCO về “tầm quan trọng của DSVHPVT như là động lực chính của đa dạng văn hóa và là một bảo đảm cho sự phát triển bền vững”. Tuy nhiên, khi một DSVHPVT được UNESCO đưa vào “danh sách DSVHPVT đại diện cho nhân loại” hoàn toàn không có nghĩa là tổ chức này “công nhận” di sản đó. Việc “ghi danh” một DSVHPVT chỉ nói rằng cộng đồng quốc tế “được biết” và đánh giá trân trọng những “tài sản” văn hóa của một cộng đồng bản địa, đã cùng tồn tại với các cộng đồng bản địa khác, trên một hành tinh chung. Sau khi được UNESCO “ghi danh”, DSVHPVT được “công nhận” hay “tôn vinh” hoàn toàn là việc của cộng đồng sở hữu di sản đó.

UNESCO khẳng định “các DSVHPVT” hoàn toàn thuộc về các cộng đồng, đó là “tài sản” của các cộng đồng và các cá nhân, không phải là “của quốc gia”.

Trong văn hóa không phân chia “cao – thấp” mà chỉ có sự “khác nhau”, không có văn hóa nào “quý hơn” văn hóa nào mà chỉ có sự độc đáo, đặc sắc đều (cần) quý trọng và cần hơn cả là sự tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng đa dạng văn hóa. Cũng không có việc phong “cấp” hay “xếp hạng” cho DSVHPVT – cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp thế giới… (!). Khi nói muốn phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể cũng đồng thời đặt ra yêu cầu bảo vệ tính phong phú đa dạng của các thực hành văn hóa trong cộng đồng, trong đó tôn trọng sự bình đẳng văn hóa. UNESCO cũng khuyến cáo để tránh những hệ quả tiêu cực “sau ghi danh” cần phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị những “tài sản” văn hóa của họ, nâng cao tính chủ động, tăng quyền của cộng đồng trong việc quyết định những nội dung của di sản, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ những người tham gia, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trong việc thực hành di sản…

Nhận thức đúng DSVHPVT “thuộc về đâu?” sẽ giúp các Chính phủ có chiến lược tiếp cận đúng đắn và có cơ sở để đưa ra những chính sách bảo vệ phù hợp. Việc diễn đạt và nhận thức sai do chuyển ngữ từ tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) từ “ghi danh” thành “công nhận”, diễn đạt DSVHPVT là “của” thế giới, “của” quốc gia, “cấp” quốc gia…., một số cách diễn đạt khác lại bỏ mất chữ “trong danh mục”, bỏ mất chữ “đại diện” mà chỉ viết “DSVHPVT của nhân loại” hoặc chỉ viết cụt lủn “di sản văn hóa quốc gia”… có thể gây ra một số hiểu lầm về bản chất khái niệm.

Trong những tình huống như vậy, vai trò của báo chí, truyền thông rất quan trọng để các bên cùng hiểu đúng và có thể cùng tìm ra biện pháp tốt nhất. UNESCO cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có cam kết sẽ tìm nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng này, để có cách diễn đạt chính xác nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng, tránh những hệ quả tiêu cực. Ủy ban liên Chính phủ của Công ước năm 2003 luôn kêu gọi sự hợp tác giữa các bên và đang nghiên cứu xây dựng khung giám sát nghiêm ngặt hơn, hoàn thiện quy trình để loại khỏi danh sách nếu di sản đi ngược lại tinh thần của Công ước.

TS Frank Proschan là nhà nhân học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng. Từ năm 2006 – 2015, ông làm việc cho UNESCO, hỗ trợ việc triển khai Công ước năm 2003 Về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trên phạm vi toàn cầu. Năm 2019 – 2021, TS Frank Proschan là học giả Fulbright giảng dạy sau đại học tại Khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội.