Hòa Bình trưng bày ‘Di sản Văn hóa truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số’

Hòa Bình trưng bày 'Di sản Văn hóa truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số' - Ảnh 1.

Bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc vào phát triển du lịch

Hòa Bình có 4 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu gồm: Nghệ thuật Chiêng Mường, Mo Mường, tri thức dân gian lịch tre và lễ hội truyền thống Khai hạ được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trưng bày chuyên đề “Di sản Văn hóa truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình” gồm các nội dung chính: Giới thiệu 4 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia; giới thiệu giá trị văn hóa đặc sắc về đời sống vật chất và đời sống tinh thần của các dân tộc Mường, Tày, Thái, Mông,Dao.

300 tài liệu, hiện vật trưng bày giúp cho công chúng trong và ngoài tỉnh hiểu về nét đẹp trong phong tục, lối sống, sinh hoạt, nghề thủ công truyền thống… của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong tỉnh. 

Hoạt động trưng bày này không chỉ tôn vinh và quảng bá văn hóa vật chất và tinh thần của các dân tộc tỉnh Hòa Bình trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam mà còn khẳng định văn hóa các dân tộc của tỉnh Hòa Bình vẫn tiếp tục được bảo tồn, phát triển trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa phi vật thể.

Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tích cực tham mưu thực hiện các nhiệm vụ trong tiến trình xây dựng bộ hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp; thực hiện các bước tiến tới tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 90 năm xác lập và nghiên cứu nền “Văn hóa Hòa Bình”. Tổ chức 2 lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể gồm kỹ thuật dệt thổ cẩm dân tộc Mường Hòa Bình và Thường Rang, Bộ Mẹng dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình cho 95 học viên. 

Bên cạnh đó, phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc tổ chức lớp tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn Chợ phiên đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Mai Châu. Phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trung tâm tiền sử Đông Nam Á tổ chức khai quật khảo cổ tại hang xóm Trại (xã Tân Lập) và thám sát tại di tích Mái đá Làng Vành (xã Yên Phú) huyện Lạc Sơn. Thực hiện công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu và thẩm định, xin ý kiến, thông báo ý kiến một số dự án tu bổ, tôn tạo tại 15 điểm di tích thuộc các huyện: Kim Bôi, Cao Phong, Lương Sơn, Lạc Sơn, Mai Châu, Yên Thủy, Lạc Thủy và thành phố Hòa Bình; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng 3 di tích cấp tỉnh; lập 02 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy Mường và di sản Thường Rang, Bộ Mẹng dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. 

Nhật Thy

Xổ số miền Bắc