HỎI – ĐÁP về chuyên ngành Công nghiệp văn hóa

HỎI – ĐÁP về chuyên ngành Công nghiệp văn hóa

bởi quản trị viên |
Ngày đăng: 20-07-2020


    Câu hỏi 1: Công nghiệp văn hóa là gì?

         Trả lời: Công nghiệp văn hóa là thuật ngữ sử dụng cho các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo. Những nội dung này về bản chất mang tính phi vật thể và văn hóa, được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới hình thức sản phẩm hay dịch vụ.

Các ngành công nghiệp văn hóa thể hiện rõ xu thế kinh tế và văn hóa thấm sâu vào nhau, là kết hợp của các yếu tố chính: sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, từ đó có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa đem lại lợi ích kinh tế.

Sản phẩm và dịch vụ của mỗi ngành công nghiệp văn hóa có đặc điểm riêng, nhưng về cơ bản, các ngành công nghiệp văn hóa có quy trình hoạt động chính: sáng tạo, sản xuất, phân phối dịch vụ và tiêu dùng sản phẩm văn hóa.

        Câu hỏi 2: Phát triển Công nghiệp văn hóa có vai trò như thế nào trong phát triển kinh tế của Việt Nam?

Trả lời: Ngày nay, phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ngày 06 tháng 05 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó có đề cập đến chủ trương “Phát triển nhanh chóng “công nghiệp văn hóa”, gợi mở cho nhiều chính sách văn hóa quan trọng ở Việt Nam.

Ngày 08 tháng 09 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chính thức xác nhận các ngành công nghiệp văn hóa trên bản đồ kinh tế Việt Nam.

         Câu hỏi 3: Công nghiệp văn hóa bao gồm những lĩnh vực nào?

Trả lời: Hiện nay, công nghiệp văn hóa được Chính phủ Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực:

  • Quảng cáo;
  • Kiến trúc;
  • Phần mềm và các trò chơi giải trí;
  • Thủ công mỹ nghệ;
  • Thiết kế;
  • Điện ảnh;
  • Xuất bản;
  • Thời trang;
  • Nghệ thuật biểu diễn;
  • Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm;
  • Truyền hình và phát thanh;
  • Du lịch văn hóa

          Câu hỏi 4: Công nghiệp văn hóa được đào tạo ở đâu?

Trả lời: Chuyên ngành Công nghiệp văn hóa thuộc Khoa Văn hóa học Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh

Sự ra đời của chuyên ngành đào tạo Công nghiệp văn hóa tại một trường Đại học là sự cụ thể hóa của chủ trương “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”. Trong bối cảnh nhu cầu về lực lượng lao động trong các ngành văn hóa ngày được mở rộng, tạo thành một lực lượng lao động riêng, gắn kết giữa tính sáng tạo, văn hóa và các phương thức kinh doanh nhằm hướng đến sự thỏa mãn nhu cầu văn hóa đa dạng của khách hàng, sự ra đời của chuyên ngành Công nghiệp văn hóa là hết sức cần thiết.

           Câu hỏi 5: Chương trình đào tạo chuyên ngành Công nghiệp văn hóa được định hướng như thế nào?

Trả lời: Chương trình đào tạo cử nhân Công nghiệp văn hóa của khoa Văn hóa học trường Đại học Văn hóa TP.HCM được xây dựng trên cơ sở hướng đến quyền lợi của người học, chú trọng định hướng ứng dụng trên cả ba mục tiêu: kiến thức, kỹ năng và thái độ.

           Câu hỏi 6: Sinh viên chuyên ngành Công nghiệp văn hóa được trang bị những kiến thức, kỹ năng gì?

Trả lời: Sinh viên chuyên ngành Công nghiệp văn hóa sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản như sau:

Về kiến thức:

              -Kiến thức về nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính), thị trường sản phẩm văn hóa, vấn đề bản quyền, quyền tác giả, quyền liên quan, phát triển khán giả, xây dựng thương hiệu cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật, làm cơ sở đề xuất các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với bối cảnh của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

              – Kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý quy trình sáng tạo, sản xuất, dịch vụ, phân phối và tiêu dùng sản phẩm văn hóa trong các ngành công nghiệp văn hóa để có thể làm việc trong môi trường hiện đại, đa văn hóa, không gian sáng tạo và khởi nghiệp.

Về kỹ năng:

           – Kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá chất lượng công việc; kỹ năng tổ chức, điều hành, quản lý; phản biện, phê phán và sử dụng các giải pháp thay thế; khởi nghiệp;

            – Kỹ năng tổ chức hoạt động sản xuất và phân phối các sản phẩm công nghiệp văn hoá để có thể làm việc trong môi trường đa văn hóa ở Việt Nam và quốc tế.

          – Kỹ năng quay phim, chụp ảnh, tổ chức sự kiện… ứng dụng vào việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cụ thể (quảng cáo, mỹ thuật, triển lãm, thời trang…)

           Câu hỏi 7. Cơ hội nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành Công nghiệp văn hóa như thế nào?

Trả lời: Sự phát triển của xã hội về mọi mặt trong thời gian gần đây đã đem đến hai xu hướng về cơ hội nghề nghiệp cho người học: thứ nhất, một số ngành nghề trở nên bão hòa, nhu cầu của xã hội giảm dần; ở xu hướng ngược lại, sẽ có một số lĩnh vực, ngành nghề được tạo cơ hội để phát triển, nhu cầu của xã hội cũng ngày tăng lên, cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực thuộc xu hướng thứ hai.

          Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Công nghiệp văn hóa có thể làm việc trong các lĩnh vực:

         * Hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, sản xuất, phân phối dịch vụ công nghiệp văn hóa (Điện ảnh, Quảng cáo, Thời trang, Thủ công mỹ nghệ, Nghệ thuật biểu diễn…)

          *Hoạt động trong lĩnh vực truyền thông (Đài phát thanh-truyền hình, báo chí, các công ty tổ chức sự kiện, PR, marketing… )

           *Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh văn hóa (Bộ phận quản lý nhân sự, phát triển dự án, marketing văn hóa…)

           *Hoạt động trong  lĩnh vực du lịch (quản trị du lịch, marketing du lịch, hướng dẫn viên du lịch…)

         *Quản lý nghiệp vụ văn hóa tại các tổ chức, cơ quan thuộc ngành văn hóa- nghệ thuật,  thông tin, du lịch (Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng văn hóa Thông tin, Nhà văn hóa…).

            Câu hỏi 8. Địa chỉ liên hệ, cách thức nộp hồ sơ đăng ký chuyên ngành Công nghiệp văn hóa?

Địa chỉ liên hệ: – 51 Quốc Hương, P. Thảo Điền, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

                         – 288 Đỗ Xuân Hợp, P. Phước Long A, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 36208701

Cách thức đăng ký:
             – Nộp hồ sơ trực tiếp tại: 51 Quốc Hương, P. Thảo Điền, Q. 2, Tp.HCM
             – Gửi hồ sơ qua đường bưu điện theo địa chỉ: Phòng Tư vấn Tuyển sinh, Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM, 51 Quốc Hương, P. Thảo Điền, Q. 2, Tp.HCM

            Chào mừng các bạn đến với chuyên ngành Công nghiệp văn hóa-Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh!

 

Xổ số miền Bắc