Hương vị bếp Tết

“Khơi ấm cái gian bếp rồi nhà mình người nếm người nêm/ Vậy thôi là Tết chẳng cần nhiều thứ cũng ấm êm/ Khơi ấm cái gian bếp rồi ngửi được mùi hương mẹ nêm/ Thì buồn lo dẹp hết rộn ràng mình đón Tết ấm êm/ Khơi ấm cái gian bếp tết trong nhà tình thương mến vẫn mãi đậm đà/ Khơi ấm bếp tết trong nhà cùng nhau đón xuân…”

Đó là những ca từ vui nhộn nhưng cũng thật ấm áp trong MV Bếp ấm ngày Tết của ca sĩ Trúc Nhân. Những câu hát cùng hình ảnh tái hiện giản dị, chân thật của một gia đình nhỏ quây quần cùng nhau nấu những bữa ăn trong MV khiến tôi nghĩ về góc bếp ngày Tết – nơi không đơn thuần tạo nên hương vị các món ăn gia đình mà nó còn chứa đựng cả nét văn hóa rất đỗi Việt Nam.

chịChị Nguyễn Thị Nụ, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) hướng dẫn các con gói nem chuẩn bị cho những bữa ăn dịp Tết.

Những ngày này, chị Nguyễn Thị Nụ, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) đang tất bật lên thực đơn đi chợ để chuẩn bị những bữa ăn ngày Tết cho gia đình.

Chị Nụ chia sẻ: Mặc dù là gia đình trẻ, hai vợ chồng tôi khá bận rộn với công việc. Song với tôi việc duy trì mỗi bữa ăn hằng ngày cho gia đình tại căn bếp nhỏ vô cùng quan trọng. Đặc biệt, những ngày Tết, tôi thường bày biện một số món ăn truyền thống như gói nem, làm dưa hành muối, làm giò thủ… để tạo cơ hội cho các con cùng vào bếp. Điều đó không chỉ đơn giản là dạy cho các con biết nấu ăn, biết về những nét văn hóa ẩm thực truyền thống mà hơn hết đó thật sự là những giây phút gắn kết tình thân, đầm ấm và rộn tiếng cười của cả nhà.

Dù xưa hay nay, dù ở vùng miền nào đi chăng nữa, có lẽ cái không khí rộn ràng ngày Tết, cái hương vị ấm nồng nơi căn bếp nhỏ ngày Tết ở đâu cũng giống nhau. Từ bếp mà tạo nên những món ăn đặc trưng vùng miền, xây dựng nét văn hóa ẩm thực truyền thống. Bởi vậy, không chỉ người Kinh, những ngày giáp Tết, căn bếp nhỏ của nhà bà Lý Thị Hoa, dân tộc Tày, thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) cũng luôn nổi lửa đỏ.

Bà Hoa chia sẻ: Cả năm có mấy ngày Tết, con cháu đi làm ăn xa nhà về sum vầy nên mới có dịp mà bày biện, nấu nướng, cùng nhau chuẩn bị mâm cơm cho tươm tất dâng lên tổ tiên và quây quần cùng nhau. Những món ăn không thể thiếu của dân tộc Tày là bánh chưng, bánh coóc mò, bánh tài lồng, xôi ngũ sắc, thịt gà, thịt lợn… Mấy mẹ con, bà cháu cứ luôn tay, luôn chân quanh góc bếp nhỏ người xay lá, người giã gạo, người thái thịt, trò chuyện rôm rả vui lắm.

Gia đình bà Gia đình bà Lý Thị Hoa, thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) quây quần bên góc bếp nhỏ đượm hơi lửa ấm nồng những ngày giáp Tết. 

Trong mỗi gia đình Việt Nam, bếp là nơi khơi nguồn và giữ lửa yêu thương và trong những ngày Tết, góc bếp nhỏ cũng chính là nơi làm nên không khí ấm áp nhất, đủ đầy nhất. Nếu ở phòng khách khiến ta thích thú với sắc đào hồng, mai vàng, thì nơi góc bếp dường như là cả một phiên chợ sắc màu với mấy bó lá dong xanh mướt, túm ớt đỏ tươi, rổ cà rốt cam rực rỡ, vài cọng rau thơm non mơn mởn… Chỉ vậy thôi cũng đủ làm xốn xang bếp Tết.

Bắt đầu từ ngày Táo Quân 23 tháng Chạp, nhà nào cũng làm một mâm cỗ cúng, để “tiễn đưa” ông Táo lên chầu trời tâu bày với Ngọc Hoàng chuyện làm ăn, bếp núc, đời sống gia đình trong suốt một năm qua. Rồi bếp đỏ lửa thơm hương nấu bánh chưng, bếp “ngọt ngào” với những món mứt ngon từ bàn tay mẹ.

Nhớ làm sao, chiều cuối năm, cũng trong gian bếp ấm cúng ấy, bữa cơm tất niên được dọn lên với những món ăn dân dã, bình thường từ bánh chưng, dưa hành, thịt gà, chả nem… cũng trở nên đặc biệt biết bao. Bởi trong đó gói ghém trọn vẹn tình cảm gia đình ấm áp, những câu chuyện sẻ chia vui buồn về một năm lao động, học tập và cả những háo hức bàn tính việc đón giao thừa, chào mừng năm mới…

Mặc cho những suy chuyển của thời gian, ngày trước là sự hiện hữu của bếp củi, bếp than hay ngày nay là bếp ga, bếp điện, việc nấu nướng trong mỗi căn bếp trở nên đơn giản, thuận tiện hơn. Hay sự bận rộn khiến người ta ít có thời gian vào bếp hơn mà thay bằng những đồ ăn, thực phẩm chín mua sẵn… Song, dù có thay đổi thế nào thì trong mỗi ngôi nhà của người Việt, bếp vẫn là nơi âm thầm sưởi ấm cho từng căn nhà.

Đặc biệt, hình ảnh bình dị mà thân thương của bếp Tết đã nằm sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam sẽ là lời nhắc, lời thúc giục những bước chân trở về sum vầy, để cùng nhau thắp lên những ánh lửa yêu thương, nâng niu những giá trị tình thân thảo thơm, bền vững được chắt chiu qua năm tháng.

Duy Khoa

Xổ số miền Bắc