Ðịnh vị hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời hội nhập

Ðịnh vị hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời hội nhập ảnh 1

Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử – văn hóa uy tín, GS,TS Ðỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: Không nên quá lo lắng, song, cần nhìn nhận sâu sắc hơn về những vấn đề đang bắt đầu bộc lộ, với một tinh thần phản biện khoa học.

Sự chuyển đổi đương nhiên

– Thưa giáo sư, những xung đột cũ – mới dường như ngày càng thường trực trong nhiều vấn đề của đời sống xã hội. Mọi người đang nói nhiều về sự định vị lại các giá trị văn hóa Việt trong thời hội nhập. Ông có thể chia sẻ quan điểm của ông về vấn đề này?

– Ðây là một vấn đề có tính chất phổ biến và có thể nói là nó sẽ còn kéo dài. Không chỉ Việt Nam mà nhìn rộng ra cả thế giới thì đều phải trải qua những giai đoạn như vậy cả.

Trong một xã hội phát triển bình thường thì việc chuyển dịch các giá trị văn hóa có thể không quá gay gắt, nhưng trong một xã hội đang chuyển đổi từ một xã hội cổ truyền sang một xã hội hiện đại thì những vấn đề của sự chuyển đổi văn hóa, lối sống thể hiện ra và được ghi nhận phức tạp ở các chiều kích khác nhau rõ ràng hơn. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, có thể nhận thấy chúng ta đã trải qua nhiều lần chuyển đổi. Như ở thời thực dân cuối thập kỷ 20 – 30 của thế kỷ XX. Ðó là thời kỳ xã hội cổ truyền của Việt Nam đã tan rã, thay đổi để đưa vào một xã hội hiện đại kiểu phương Tây, dù là bị đưa vào một cách cưỡng ép bởi chủ nghĩa thực dân, nhưng đúng là lúc bấy giờ đã có một sự thay đổi. Cũng thích thú lắm. Ðau đớn cũng có, náo nức cũng có, luyến tiếc có, phấn khích có, thậm chí là mừng rỡ có, vì như là mình tìm được một vũ khí mới, và một tâm thế mới cho dân tộc.

So sánh với ngày nay, thì có một số điểm khác. Bản chất của sự chuyển đổi lần này là như thế nào? Ði sâu vào phương diện xã hội học, theo tôi, có ba điểm khác so với lần chuyển đổi trước, dù cũng là thực hiện tính hiện đại.

Cái khác thứ nhất, là cái nền của Việt Nam hiện nay là một xã hội cũng đã phát triển có một trình độ nhất định rồi, từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, tự nó đã thay đổi. Nhưng cái thay đổi lần này trước yêu cầu hội nhập, mà ta gọi là toàn cầu hóa, nó phức tạp hơn, vì mọi dân tộc đều bị thử thách. Ngay cả các nước đã phát triển với tiềm lực kinh tế vượt xa chúng ta nhiều lần cũng bị tác động.

Cái khác thứ hai, là ở chuyển đổi lần thứ nhất mới chỉ là những chuyển đổi ở các không gian công cộng, tiêu chí xã hội, thí dụ: Có chấp nhận phụ nữ đi làm? chấp nhận bỏ răng đen, búi tó không?… Cái khó lần này, là thách thức đối với nhân loại nói chung, bởi đây là thời kỳ khẳng định các giá trị cá thể. Cá nhân luận bây giờ mới là lúc được thực hiện. Tất nhiên, chuyện về cá nhân luận đã xuất hiện ở cuộc chuyển đổi lần thứ nhất ở Việt Nam, nhưng bây giờ nó ở chiều sâu, khác hơn nhiều. Cá nhân luận đã trở thành một yêu cầu, hoặc hữu thức, hoặc vô thức của bất cứ người nào, bất cứ trình độ thu nhập nào.

Vấn đề thứ ba nữa, là cuộc cách mạng công nghiệp hậu hiện đại tương ứng với nó là 4.0 và tương lai có thể là 5.0 có tốc độ kinh khủng quá, nó đòi hỏi con người thay đổi ghê gớm lắm.

Ðấy là ba sự khác biệt trong cuộc chuyển đổi xã hội và kéo theo nó là chuyển đổi lối sống và chuyển đổi văn hóa lần này.

Theo tôi, có lẽ cũng không nên quá bối rối. Sự chuyển đổi này là đương nhiên. Và tôi tin điều Ph.Ăng-ghen nói: Cuộc sống không bao giờ đặt ra cái gì mà lịch sử không thể giải quyết được cả.

– So với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, văn hóa dường như đang chịu nhiều tác động, với không ít những đánh giá có phần tiêu cực?

– Trước những thay đổi rất lớn do tác động của chuyển dịch xã hội, việc định vị các giá trị văn hóa mới gặp lúng túng ngay từ khâu đầu tiên, khi chúng ta vẫn đang gặp khó khăn trong việc định vị hệ giá trị văn hóa mới của dân tộc Việt Nam hiện nay là gì? Trên cơ sở của việc xác định hệ giá trị, chúng ta mới có thể đi vào những vấn đề có tính cụ thể hơn, như thiết chế văn hóa, chính sách văn hóa, thao tác văn hóa, công nghiệp văn hóa… cuối cùng mới là con người và văn hóa.

Ðây là một việc làm, quả thực, không dễ.

Trong văn hóa, chúng ta có thể tìm được một số biểu trưng có tính chất thao tác văn hóa. Thí dụ, Hàn Quốc đưa ra tám tiêu chí, Xin-ga-po đưa ra năm tiêu chí. Việt Nam hiện vẫn chưa xác định được hệ thống tiêu chí riêng của mình. Nhưng cũng cần nhìn nhận, đây là việc làm không đơn giản. Ngay cả những nước được coi là cường quốc văn hóa như Pháp, Anh, Ðức, nhưng họ cũng chỉ có thể khái quát được một số điều thôi, và giới trẻ ở các quốc gia đó đâu có chấp nhận những hệ giá trị được định danh đó.

– Xét trên bình diện văn hóa, con người sẽ phải thích ứng như thế nào? Chấp nhận điều gì, thưa ông?

– Có nhiều kiểu nhập. Kiểu thứ nhất, xuất phát từ tâm lý cho rằng: tôi biết là tôi yếu, không có nhiều thế mạnh để đi vào xã hội hiện đại thì tôi chấp nhận nhập nguyên xi. Như ngày xưa ta gọi là lai căng. Người châu Phi đã từng thế. Ấn Ðộ vĩ đại như thế, nhưng họ chấp nhận lấy tiếng Anh làm thứ tiếng cho toàn dân, không e ngại gì hết, vì cái bi kịch của Ấn Ðộ đó chính là có quá nhiều ngôn ngữ, và nếu cứ giữ theo truyền thống ấy thì sẽ chẳng bao giờ tạo ra sức mạnh chung được. Và cuối cùng họ đã thành công. Họ có giải Noben, có nhiều thành tựu lớn tầm vóc thế giới.

Loại thứ hai tức là đối đầu văn hóa. Ðiều đó lịch sử đã chứng minh là không nên.

Quan điểm thứ ba trung hòa hơn. Hòa nhập – không hòa tan. Và quan điểm này hiện đang được ủng hộ trên nhiều phương diện, được coi là quan điểm chính thống của nhiều lĩnh vực, nhất là trong văn hóa. Nhưng tôi muốn nhìn một cách tỉnh táo, khách quan hơn, nhất là trong một số thị trường giải trí, xác định thế nào là hội nhập mà không hòa tan là điều rất khó…

Nói vậy để thấy, việc phát triển văn hóa trong điều kiện hiện nay đang gặp nhiều vấn đề rất phức tạp, và nhiều khi, trong những trường hợp nhất định, có lẽ chúng ta cũng phải chấp nhận những cái mới thật sự.

Có nghĩa là, không nên quá hoảng loạn. Hãy cứ lắng nghe. Và tôi cho rằng, trong đời sống văn hóa bình thường, số đông cũng là một tiêu chí, nếu số đông chấp nhận được thì hãy nên chú ý. Có điều, người lãnh đạo và truyền thông cần tỉnh táo, phải là một trọng tài giỏi, một ông thầy giỏi để không bị đám đông dẫn dắt.

Khẳng định chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế và văn hóa

– Quan sát các cuộc tranh luận xã hội thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy có một tâm lý xã hội khá phổ biến hiện nay, khi có những xung đột cũ – mới, thì người Việt có phần nghiêng về các giá trị, tạm có thể gọi là “ngoại”, giáo sư có thể chia sẻ góc nhìn của ông về điều này?

– Tôi muốn lưu ý bạn một điều có tính chất lịch sử. Trong tiếp xúc đụng độ văn hóa Ðông – Tây, suốt ba, bốn thế kỷ trước, qua nghiên cứu sử học, tôi nhận thấy vì Việt Nam ở vào vị trí “ngã tư của các nền văn minh” nên dân tộc ta tiếp xúc khá sớm với văn minh phương Tây. Hiện tại, tính về tỷ lệ kết hôn với người nước ngoài, Việt Nam có tỷ lệ đứng đầu trong khu vực.

Quay trở lại với điều bạn muốn trao đổi, tôi cho rằng, có thể chính vì điều kiện lịch sử như thế, việc được tiếp xúc sớm với các nền văn minh bên ngoài châu lục, và sớm nhận ra những giá trị tích cực của các nền văn minh đó, cũng như nhận ra giá trị kích thích sản xuất, kích thích tiêu dùng, văn hóa, con người… điều đó có sự hợp lý trong điều kiện của dân tộc Việt Nam – một dân tộc chịu nhiều sức ép, song, cũng vì thế mà có điều kiện giao lưu, tiếp xúc.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, khi những cái mới nhập vào đất nước, hãy cứ để cho nó được thử nghiệm, chứ đừng nên dị ứng ngay. Thí dụ, mấy năm trước, khi sách vở nước ngoài nhập vào, nhiều người lo lắng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tiếng Việt, nhưng rõ ràng, dần dần nó được điều chỉnh. Ðám đông tuy ồn ào, nhưng đám đông có lý trí, rồi sẽ sàng lọc và điều tiết.

Việc học tập kinh nghiệm từ các nước đã có thành công là rất cần thiết. Ðiều này chúng ta cũng đã có chú ý, nhưng chưa thành hệ thống. Và một điều rất quan trọng là, cần phải nhìn rõ hai mặt của tấm huân chương. Bài học từ văn hóa và đời sống xã hội của một số đất nước mà giới trẻ Việt Nam rất ngưỡng mộ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Xin-ga-po đã cho thấy rõ điều này. Cái giá phải trả cho những sai lầm văn hóa, thực tế, sẽ là rất lớn.

Còn có một khía cạnh nữa, tôi cho rằng tâm lý sùng ngoại, góc độ nào đó, lại là sự mâu thuẫn trong chính tâm lý của người Việt Nam. Bản thân người Việt Nam rất đề cao chủ nghĩa dân tộc. Vậy nhưng, có vẻ như chúng ta mới chỉ thực hiện được điều đó ở khu vực chính trị, để bảo vệ dân tộc, bảo vệ chủ quyền. Trong khi, chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế và một phần nào đó, trong các phương tiện sinh hoạt văn hóa của Việt Nam lại chưa có được những giá trị đủ để thuyết phục ngay chính người Việt gìn giữ tuyệt đối. Vì thế, khi đề cập câu chuyện về tính sính ngoại của người Việt, thì cũng cần nhìn nhận lại khía cạnh bất cập nội tại của chính chúng ta.

– Vậy thì, cần xác định một tâm thế như thế nào để có thể chọn lọc, tiếp nhận và định vị những giá trị mới cho văn hóa Việt trong thời hội nhập, thưa ông?

– Về nguyên tắc, Ðảng và Nhà nước đã chỉ ra đường lối văn hóa cho đất nước, qua hệ thống các văn kiện từ Hội nghị T.Ư 5 khóa VIII trở lại đây, với rất nhiều luận điểm, nhưng tựu trung có ba nét lớn: Làm sao để thúc đẩy nguồn lực văn hóa; chấp nhận sự đa dạng trong văn hóa, nhưng phải giữ bản sắc; và cuối cùng là yếu tố dân tộc – đây là điều hơi khác biệt giữa Việt Nam so với một số nước khác mà chúng ta có mối liên hệ gần gũi. Ðó là ba điểm chi phối các luận đề trong đường lối phát triển văn hóa đất nước hiện nay. Ðây là những quan điểm đúng đắn. Tuy nhiên, đây là những nguyên tắc mang tính chung, tổng thể.

Vấn đề còn lại là ở chỗ, khi mà các giá trị truyền thống vẫn có thể thay đổi để thích hợp với tâm lý thời đại, thì cái căn tính dân tộc Việt Nam là những giá trị nào? Cần phải gìn giữ như thế nào? Phải bắt đầu từ nghiên cứu cơ bản.

Văn hóa là phạm trù rất rộng. Chính vì vậy, cần phải khu biệt từng lĩnh vực thuộc trách nhiệm chi phối, tác động của ai. Những năm gần đây, tôi cho rằng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đời sống văn hóa, xã hội có nhiều thay đổi. Người dân được hưởng thụ nhiều giá trị hiện đại, với một tâm thế mở, chủ động tiếp nhận.

Tuy nhiên, như thế chưa đủ. Cần phải chú ý hai yếu tố rất quan trọng: khẳng định chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế và văn hóa hơn nữa. Và phải tôn trọng cái bản thể luận, cá nhân luận đúng đắn hơn và sâu hơn nữa. Bởi vì chúng ta có một số lĩnh vực chưa theo kịp sự phát triển.

Như câu chuyện của khoa học cơ bản. Việc chưa xác định được những giá trị căn tính dân tộc, một phần có thể do năng lực của đội ngũ nghiên cứu chưa đáp ứng được, nhưng cũng có thể phần nào đó do những bất cập trong việc ứng xử với lĩnh vực này, phần nào vẫn mang chủ nghĩa bình quân, chưa khuyến khích được lao động tư duy của nhà khoa học. Chủ nghĩa bình quân trong khoa học sẽ gây nên nhiều tác hại cho công tác nghiên cứu, nó khiến cho mọi thứ đều trở nên tròn tròn, đúng thôi, chứ không hay. Mà nó lại vẫn được xã hội thừa nhận. Ðiều đó rất đáng lo ngại.

Cần phải có những chính sách thật sự kích thích trí thức. Họ cần những phần thưởng đích thực. Có nghĩa là phải tạo điều kiện cho các nghiên cứu bằng sự đầu tư thích đáng, chấp nhận rủi ro, sai lầm. Các nước phát triển đều làm như thế. Họ chấp nhận mất mát trong đầu tư thì mới thu được thành quả đáng kể.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của giáo sư.

Xổ số miền Bắc