Khám phá các di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng ở vùng đất thượng võ Bình Định

VĂN HÓA

Khám phá các di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng ở vùng đất thượng võ Bình Định




(HBĐT) – Không chỉ là nơi biển nghìn năm sóng vỗ với những bãi cát dài thơ mộng, tỉnh Bình Định còn có nhiều di tích lịch sử – văn hoá nổi tiếng, địa danh ghi dấu bao chiến công hiển hách của người Anh hùng dân tộc áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ, của quân dân Bình Định trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Đài Kính Thiên – một
trong những điểm đến thu hút du khách ưa khám phá lịch sử – văn hoá trên vùng đất
thượng võ Bình Định.

Nếu có dịp, du khách đừng
bỏ lỡ cơ hội khám phá, tận hưởng kho tàng lịch sử – văn hoá lâu đời với vô vàn
vẻ đẹp của những di tích lịch sử – văn hoá mà bản thân nó là những mốc son gắn
liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất thượng võ này. Điểm đến được
du khách mong chờ nhất là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa nông dân của 3 anh em
Tây Sơn Tam Kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ), quê hương của vị Hoàng đế
Quang Trung – Nguyễn Huệ. Hơn 200 năm đã trôi qua, những dấu ấn về phong trào
Tây Sơn vẫn in đậm, trở thành niềm tự hào trong lòng mỗi người dân. Cùng với đó
là Bảo tàng Quang Trung nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 45m về hướng Tây Bắc.
Bảo tàng xây dựng từ năm 1978 với kiến trúc cổ, mang dáng vẻ uy nghiêm, gồm 9
phòng trưng bày các hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn và Hoàng đế Quang
Trung (1771-1789). Ngoài việc được chiêm ngưỡng những di vật thể về chiến tích
lừng lẫy của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, du khách
còn như ngược dòng lịch sử trở lại những trận chiến hào hùng qua thưởng thức
các chương trình biểu diễn độc đáo, hấp dẫn về võ Tây Sơn, trống trận Quang
Trung, ca múa nhạc dân tộc…

Cũng trong quần thể bảo
tàng có khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt tưởng nhớ công đức của 3 anh em Tây Sơn.
Quần thể di tích có tổng diện tích 2.325m2, được xếp hạng di tích quốc gia từ
năm 1979 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt
ngày 31/12/2014. Tương truyền, đền thờ Tây Sơn được xây dựng trên nền nhà cũ của
3 vị anh hùng dân tộc, đồng thời là nơi thờ ông bà Hồ Phi Phúc – Nguyễn Thị Đồng
(thân sinh của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ). Lúc đầu, 3 anh em
theo họ cha là họ Hồ, do đàng trong lúc này thuộc phần cai quản của Chúa Nguyễn
nên các ông đã nghe lời của thầy dạy võ đổi theo họ mẹ là họ Nguyễn để tiện thu
phục lòng dân dựng cờ khởi nghĩa. Đây cũng là nơi các ông cất tiếng khóc chào đời,
trưởng thành, trở thành những lãnh tụ kiệt xuất của phong trào khởi nghĩa cuối
thế kỷ XVIII. Trong khu vườn cũ của gia đình anh em Tây Sơn vẫn còn 2 di tích
có giá trị là cây me cổ và giếng nước xưa có từ thời ông Hồ Phi Phúc.

Đi thêm khoảng 10 km nữa
cũng về hướng Tây Bắc, du khách đến một điểm thăm quan khác là Đài Kính Thiên –
nơi hội tụ linh khí trời đất. Đài nằm trong khu du lịch tâm linh Ấn Sơn, là
công trình thể hiện lòng tôn kính và ghi nhớ công lao to lớn của nghĩa quân Tây
Sơn lúc ban đầu dựng cờ chống lại thù trong, giặc ngoài. Tương truyền rằng vùng
non nước cẩm tú linh thiên Ấn Sơn cũng là nơi trời đất ban kiếm lệnh và khắc 4
chữ “Sơn Hà Xã Tắc” cho Tây Sơn Tam Kiệt. Trước khi khởi binh dựng nên sự nghiệp
vĩ đại đánh đổ 2 tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn, thống nhất non sông, quét
sạch ngoại xâm, Tây Sơn Tam Kiệt đã lập đàn tế trời đất ở đây để nhận ấn kiếm
và cầu trời cho đại nghiệp thành công. Đài được xây dựng trên khu đất rộng 46
ha, cao 364 m, nằm ngang theo hướngBắc – Nam và được chia làm 3 cấp tượng trưng cho Thiên – Địa – Nhân. 4 cổng
vào, trong đó cổng chính hướng Nam có 1 bức hoành phi ghi “Bảo Sơn Thiên Ấn” được
hiểu theo nghĩa nơi này là ngọn núi quý có ấn của Trời. Đường hành lễ gồm 183 bậc
cấp thuộc đường Hoàng Đạo để lên Đàn tế. Đài Kính Thiên có ý nghĩa nhân văn sâu
sắc, thể hiện tinh thần hoà ái với thiên nhiên, với ước nguyện mưa thuận gió
hoà, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình.

Bình Định còn có một số
điểm đến du lịch lịch sử – văn hoá khác không kém phần thu hút khách du lịch,
như: Đền thờ thân phụ, thân mẫu Tây Sơn Tam Kiệt tại huyện Tây Sơn; Thành Hoàng
đế tại thị xã An Nhơn; đền thờ danh nhân văn hoá Đào Duy Từ tại huyện Hoài
Nhơn; lăng Mai Xuân Thưởng – nhà yêu nước, lãnh tụ xuất sắc trong phong trào Cần
Vương kháng Pháp tại huyện Tây Sơn; khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di
tích huyện đường Bình Khê; tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành tại Quảng
trường trung tâm thành phố Quy Nhơn; Bảo tàng Bình Định – nơi trưng bày trên
1.000 hiện vật…

Bùi Minh

Xổ số miền Bắc