Khoa Du lịch – Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh – Nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch

Vậy thí sinh nên lựa chọn ngành/chuyên ngành du lịch như thế nào?

1. Ngành Du lịch

Ngành du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đang có tốc độ phát triển nhanh và đóng góp lớn vào GDP của đất nước những năm gần đây. Trong đó, bộ phận quan trọng nhất là lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ du lịch, bao gồm: dịch vụ lữ hành, vận tải khách du lịch, lưu trú du lịch và các dịch vụ du lịch khác (Dịch vụ ăn uống; Dịch vụ mua sắm; Dịch vụ thể thao; Dịch vụ vui chơi, giải trí; Dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch).

Học ngành du lịch, ngoài những kiến thức về nhiều lĩnh vực: tự nhiên, kinh tế, chính trị và xã hội nhân văn, sinh viên còn được trang bị hệ thống kiến thức lý thuyết chuyên sâu, nghiệp vụ và kỹ năng về nghề du lịch như: Kinh tế du lịch, Văn hóa du lịch, Địa lý du lịch, Marketing du lịch, Quản trị điểm đến du lịch, Các loại hình du lịch hiện đại, Lễ tân du lịch, Quản lý nhà nước về du lịch, Quản trị nguồn nhân lực trong du lịch, Quản trị chất lượng dịch vụ du lịch, Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, Thiết kế và điều hành tour, Tổ chức sự kiện trong du lịch, Thống kê du lịch, Quy hoạch du lịch.

Các vị trí công tác có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành du lịch là: Quản lý du lịch tại các cơ quan nhà nước; Điều hành du lịch, marketing du lịch, hướng dẫn viên du lịch, lễ tân du lịch tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Giảng dạy và nghiên cứu về du lịch tại các trường ĐH, CĐ, TCCN…

2. Ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành (2 chuyên ngành: Quản trị lữ hành; Hướng dẫn du lịch)

Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là ngành học đòi hỏi sự năng động và năng lực thực hành nghề, bao gồm: quá trình quản lý và điều hành du lịch, phân công công việc cho các hướng dẫn viên du lịch, phối hợp với các bộ phận, cơ quan chức năng giải quyết phát sinh, thiết kế các chương trình du lịch, bán và tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, sinh viên sẽ được cung cấp những kiến thức về nhiều lĩnh vực như: Tổng quan du lịch, Địa lý du lịch Việt Nam, Quản trị du lịch MICE, Quản trị sự kiện du lịch, Kinh tế du lịch, Marketing du lịch, Quản trị lữ hành, Tâm lý du khách và giao tiếp du lịch, Các kỹ năng nghiệp vụ về Hướng dẫn du lịch, Thiết kế và điều hành tour.

Học chuyên ngành Quản trị lữ hành, người học sớm có ý tưởng khởi nghiệp để thành lập công ty kinh doanh dịch vụ du lịch – lữ hành của riêng mình. Trên thực tế, các cựu sinh viên sau khi tốt nghiệp tại Khoa Du lịch – Trường ĐH Văn hóa cũng đã thành lập rất nhiều các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như: Công ty du lịch Tình yêu Việt, Công ty du lịch Hải Đăng, Trung tâm lữ hành Quốc tế Trippy, Công ty du lịch Đất Việt, Công ty du lịch Apollo…..

Đối với chuyên ngành Hướng dẫn du lịch, sinh viên được trang bị thêm các kiến thức về Lịch sử Việt Nam, Văn hóa du lịch, Tín ngưỡng và tôn giáo, Kiến trúc và mỹ thuật truyền thống,… cùng các nghiệp vụ về Nghệ thuật thuyết trình, Hoạt náo trong du lịch, Hướng dẫn du lịch chuyên đề và các kỹ năng mềm cần thiết khác nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của nghề hướng dẫn du lịch. Học chuyên ngành này, người học có cơ hội di du lịch khắp đó đây để mở rộng hiểu biết, trải nghiệm cuộc sống… không mất tiền mà còn có công tác phí đảm bảo cho cuộc sống ổn định.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị du lịch và lữ hành với hai chuyên ngành trên có thể tự tin làm việc tại các vị trí: Hướng dẫn viên du lịch, chuyên viên phụ trách các bộ phận lưu trú, tiếp thị, chăm sóc khách hàng, tổ chức hội nghị – sự kiện; Quản trị – điều hành – thiết kế tour tại các công ty lữ hành nội địa và quốc tế; Chuyên viên tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; Nghiên cứu hoặc giảng dạy về du lịch;…

Như vậy, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và ngành Du lịch là 2 ngành riêng biệt thuộc nhóm ngành Du lịch (mã số 78101). Tuy nhiên, nội dung chương trình đào tạo giữa hai ngành này không có sự khác biệt lớn. Sau khi tốt nghiệp hai ngành này, người học đều có rất nhiều cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, công ty tổ chức sự kiện, viện nghiên cứu và cơ sở đào tạo du lịch. Thế mạnh của người học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành khi ra trường là khả năng tác nghiệp cụ thể các hoạt động nghề nghiệp thuộc lĩnh vực lữ hành (hướng dẫn du lịch, quản trị sự kiện, quản trị nhân lực du lịch, quản trị kinh doanh, điều hành du lịch,..). Trái lại, học ngành du lịch, người học có hiểu biết rộng hơn về ngành công nghiệp du lịch với nhiều bộ phận cấu thành, về các loại hình du lịch và các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch, có năng lực nghiên cứu khoa học du lịch, lập quy hoạch du lịch, quản lý và phát triển du lịch.

Với những phân tích trên, hy vọng thí sinh sẽ lựa chọn cho mình ngành/chuyên ngành phù hợp với năng lực, sở trường của mình, để Khoa Du lịch – Trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh thực sự là điểm khởi đầu đúng đắn, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nghề nghiệp và cuộc sống của các thí sinh trong tương lai.

————————-

    Khoa Du lịch, Trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh

    Số 288 Đỗ Xuân Hợp, Phường Phước Long A, Quận 9, Tp.HCM.

    Điện thoại: (028) 3620 8714       Email: [email protected]

 

Xổ số miền Bắc