Không gian nghệ thuật trong thơ Tố Hữu

Khó mà hiểu hết đặc điểm trong quan niệm về thế giới và con người của một nhà thơ nếu không tìm hiểu không gian nghệ thuật trong sáng tác đó. Bởi vì, nếu như không gian, cũng như thời gian, là hình thức tồn tại của vật chất, thì có thể nói, trong cuộc đời, không gian và thời gian cũng là hình thức tồn tại của con người. Trong văn học nghệ thuật, không gian nghệ thuật chính là hình thức tồn tại của hình tượng. Con người trong ca dao xưa chủ yếu gắn với đình làng, bờ ao, cây đa, giếng nước, bờ ruộng, luỹ tre. Đối với họ, núi cao sông dài quả là một trở ngại ghê gớm :

                     Núi cao chi lắm núi ơi…

[external_link_head]

                     Ai đem ta đến chốn này

                    Bên kia là núi, bên này là sông

                     Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo…

Trong không gian làng quê ấy xuất hiện biết bao nhân vật gần gũi, mộc mạc : cô thôn nữ, anh trai cày, bà già đi chợ, cô dâu nhớ nhà,… Trái lại, trong thơ ca bác học là một không gian khác hẳn, vắng vẻ, trầm u, nhàn dật. Đó là một không gian vũ trụ vô tận vô cùng mà trần thế chỉ là một phần rất nhỏ. Núi cao, suối vắng, luống cúc, thư trai, con thuyền dạ bạc, mái chùa chênh vênh, mây ngàn, hạc nội,… có thể nói đến một thế giới thực vật, hoa cỏ, chim muông đặc biệt ở đây. Trung tâm của thế giới ấy thường chỉ một con người, hoặc một mình suy ngẫm, hoặc chập chờn trong mộng, khi tựa gối trước song, khi ôm cần dưới bến.

     Có thể nói đến một quá trình “hạ dần” của không gian thơ bác học, từ vũ trụ cao siêu xuống không gian sinh hoạt hằng ngày, sự “hạ dần” từ một không gian mang ý nghĩa tượng trưng có sẵn xuống không gian đời sống với ý nghĩa tượng trưng mới.

Cuối thế kỷ XVIII, đến thế kỷ XIX, “dân cư” của thế giới thơ trữ tình đã có thể đông thêm nhiều với những người ăn xin, ca kỹ,… Trong thơ Miên Thẩm đã thấy có người đãi vàng, người kéo xe cút kít, trong thơ Cao Bá Quát đã thấy bóng vợ con, chị gái, họ hàng của nhà thơ. Với Nguyễn Khuyến, thơ trữ tình Việt Nam có thêm đồng ruộng, làng cảnh Việt Nam với bạn bè, họ mạc, gái goá, me Tây,… Với Tú Xương thơ có thêm phố xá, cao lâu, hiệu thuốc, bãi chợ, bến sông, và dĩ nhiên “dân cư” càng thêm đông đúc, tạp nham hơn bao giờ hết. Không gian địa – lý – phong – tục xuất hiện từ thơ Hồ Xuân Hương nay trở thành một nét cơ bản của không gian thơ. Rõ ràng không gian nghệ thuật là phương diện rất quan trọng của tư duy nghệ thuật, đánh dấu trình độ chiếm lĩnh thế giới của thơ.

Có thể phân tích không gian thơ  trong thơ theo ba chiều không gian vật lý mà trung tâm là con người, phát hiện không gian tâm tưởng, lý giải tính chất động, tĩnh, thực, hư, của nó, tìm hiểu quan hệ khăng khít giữa nó với không gian nghệ thuật. Nhưng quan trọng nhất là xem xét không gian nghệ thuật như một quan niệm về thế giới và con người, như một phương thức chiếm lĩnh  thực tại, một hình thức thể hiện cảm xúc và khái quát tư tưởng – thẩm mỹ, để từ đó lý giải khả năng phản ánh hiện thực của một  hệ thống thơ nhất định. Chẳng hạn, trong thơ trữ tình bác học cổ xưa không gian vũ trụ lấn át không gian xã hội. Xã hội trần thế chỉ là một bộ phận nhỏ của vũ trụ. Con người có thể xuất thế hay nhập thế nhưng bao giờ cũng ở trong “vòng trời đất” cả.

Vì vậy, người xưa cảm thấy không phải xã hội, mà chính vũ trụ mới là phạm vi cuối cùng để con người tự nhận thức. Quan niệm đó đã căn bản quy định các đường nét của không gian nghệ thuật thơ trữ tình cổ xưa :

a) Ưu thế tuyệt đối của không gian “trên cao” và không gian “lữ thứ”. Lên cao để mở rộng khả năng bao quát xung quanh, chiếm lĩnh thế giới. Lên cao để phát hiện tâm hồn phóng khoáng, ý chí cao xa, lánh khỏi bụi trần. Trên cao mang một nội dung văn hoá đạo đức quan trọng, đồng thời trên cao cũng bao hàm một khả năng phát triển vô hạn, tự do. Lý tưởng tự do trong thơ ca truyền thống của ta gắn liền với sự chiếm lĩnh đỉnh cao, khác với phương Tây, tự do là một khái niệm xã hội. Nhà thơ bao đời ước mơ một bầu trời cao rộng. Sư Không Lộ có câu : “Làm trai có chí xông trời thẳm”, Nguyễn Trãi “Mơ cưỡi hạc vàng lên đàn tiên”, Nguyễn Hữu Cầu ao ước “Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán”, Bác Hồ cũng “Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới”,… Đó là không gian của lý tưởng thẩm mỹ.

Lữ thứ đặt con người vào tình trạng lữ khách cô đơn, lạnh lùng. Người xưa rất ngại đi xa, Nguyễn Du có câu : “Đường xa gió lạnh một mình theo”, Cao Bá Quát có câu : “Mênh mông dặm khách rợn lòng ta”, Tản Đà cũng viết : “Hai vai gánh nặng con đường xa”. Nhưng lữ thứ lại là không gian phát hiện bản lĩnh  và tồn tại cá nhân, vì vậy nó là cái thú của thơ cổ.

b) Sự tương thông, hô ứng giữa không gian nhỏ của con người và không gian lớn của vũ trụ. Không gian nhỏ không bao giờ ngăn cách với không gian lớn. Ngôi nhà trong thơ cổ không bao giờ là không gian khép kín, tạo thành thế giới riêng biệt của con người. Đó là không gian mở. Nó được thể hiện hoán dụ thành chiếc cửa sài, cửa song, tấm rèm, bình phong hoặc cửa bồng (thuyền). Do vậy tuy ở trong nhà mà con người rung động với mọi diễn biến của vũ trụ như thời tiết, chim hoa, trăng gió, mây nước. Vì vậy, người xưa rất thú với “song thưa”, “rèm thưa” (Song thưa để mặc bóng trăng vào, Trông chừng khói ngất song thưa. Ta càng rõ là “song khích” trong bài Vọng nguyệt của Hồ Chí Minh “văn xuôi” biết chừng nào !). Song cửa ấy không chỉ là cửa sổ của con người thông ra vũ trụ, mà cũng là song cửa của vũ trụ mở thông vào con người. Vì vậy mà có “song trăng”, “song mai”, “song mây”…Đó là một khung cửa chung, từ đó mọi xao xuyến của lòng người đều  lây lan ra ngoài vũ trụ : ngược lại, mọi biến đổi của vũ trụ đều lay động lòng người.

c) Ưu thế của không gian tĩnh so với không gian động. Địa điểm trữ tình là một khoảng không gian cố định : ngôi nhà, phòng thư, bên gối, luống cúc, ngõ trúc, đỉnh đèo, chân núi,… Quan hệ người thơ và xung quanh là quan hệ chiêm nghiệm, trực giác, soi sáng lẫn nhau, tương thông, tương cảm, hô  ứng nhau. “Chọc trời khuấy nước”, “tung hoành ngang dọc” không phải là để cải tạo thiên nhiên, mà để “tỏ chí”, làm cho “kinh thiên động địa”, để tạo ra một hô ứng mới. Nhưng như thế đã là phạm vi của tự sự. Hành động trữ tình chỉ là “vọng”, “ngắm”, “hoài”, “đoái trông”, “gạt lệ”, “nuốt hận”, “quắc mắt”,… Nhiệm vụ trữ tình một mặt là tỏ lòng (“hoài”, “hứng”, “bi”, “hận”, “phẫn”) và mặt khác là đọc ra cái “ý” của đất trời (ý của xuân, thu, của đất trời, cây cỏ,…). Do đó, tĩnh là điều kiện của trữ tình. Nhưng tĩnh là chết, nên thi pháp quan trọng của thơ xưa là “hoá tĩnh làm động”, gợi lên những hoạt động nhỏ để khẳng định thêm cái tĩnh. Chẳng hạn : “Long lanh đáy nước in trời – Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”. ở đây đến khói cũng tĩnh, nhờ có nước long lanh mà động, cũng như trong bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế đời Đường, tất cả đều tĩnh mịch nhờ có tiếng chuông chùa Hàn San mà động.

d) Ưu thế của cái nhìn siêu cá thể. Cái nhìn trong thơ cổ dường như “không là của ai” cả. Nhà thơ cố gắng cảm thụ bản thân và thế giới bằng chính con mắt của vũ trụ. Cái nhìn này đã khách quan hoá tối đa cảm xúc. Và cũng hạn chế tối đa cái nhìn riêng, có tính chất cá nhân của tác giả. Nhưng cũng nhờ vậy, nó tạo ra một cái nhìn thâm thuý của văn chương cổ điển, đặt tất cả trong một tương quan khái quát, vĩnh viễn.

Như vậy, thơ cổ ít biết đến không gian sinh hoạt xã hội và không gian động, không biết đến không gian riêng của con người. Không gian trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du khác nhau, chủ yếu là do tính chất riêng chứ không phải do không gian riêng. Họ chỉ phân bố, tổ chức lại cái không gian chung mang ý nghĩa tượng trưng của thế giới quan đương thời thành không gian mang dấu ấn riêng.

      Muốn đổi mới thơ ca thì phải nhào nặn lại không gian nghệ thuật để thể hiện một ý nghĩa tượng  trưng, khái quát mới. Các nhà thơ mới 30 – 45 chính là đã làm như vậy. Họ đã biến không gian sơn thuỷ, cỏ hoa “hữu tình” trong thơ cổ thành một không gian rời rạc, hững hờ, lạnh lẽo (bến đò lau thưa, mưa lò mái ngang, gió về lòng rộng không che,… Đừng lầm với không gian tương thông của thơ cổ !), biến cái không gian chắc nịch, vốn là nơi quy về của các hồn thơ cổ thành một không gian mong manh hay trống trải, rỗng không (mồ vô tận, huyệt lạnh, mộ không,…)không nơi nương náu, bấu víu ; biến cái không gian chung, tương giao, thành những không gian cô lập, biến mỗi cá nhân thành một vũ trụ riêng chứa đầy bí mật ; biến cái không gian mang ẩn ý thanh cao, ưu nhã, thành không gian trần thế gần gũi. Qua cái nhìn ấy, nhà thơ mới đã miêu tả những bức tranh thiên nhiên và sinh hoạt làng quê Việt Nam với một sự cắt nghĩa khác hẳn so với thơ cổ (chẳng hạn thơ Nguyễn Khuyến). Chúng buồn bã, đìu hiu, mang dấu ấn của cảm thụ cá nhân rõ rệt.

Thơ ca cách mạng với mục đích tuyên truyền cách mạng, phản ánh sinh hoạt, tình cảm các chiến sĩ và tố cáo tội ác thực dân và tay sai, có xu hướng tả thực, mang nhiều nét không gian sinh hoạt của chốn lao tù, xóm lao động, nơi gặp gỡ, đấu tranh. Nhưng hình tượng không gian ở đây còn pha tạp giữa nét cổ kính của thơ xưa với nét sinh hoạt hằng ngày, chưa tạo thành một phong cách thống nhất ; mặt khác, nó cũng chưa tạo được một hình tượng không gian có tính khái quát cao làm nền tảng cho thơ.

Tố Hữu là nhà thơ xây dựng sắc nét hình tượng nghệ thuật về sự đối lập hai thế giới, hình tượng con đường cách mạng, đem vào thơ Việt Nam một không gian xã hội công cộng sôi động, đối lập với không gian đời tư, không gian vũ trụ. Tố Hữu là nhà thơ cách mạng sớm có ý thức khái quát về đường đời, về thời đại, không dừng lại với việc thể hiện cảm xúc theo lối “tức cảnh”, “tức sự”, thường thấy trong thơ ca cách mạng trong tù, cũng không thiên về thể hiện tâm trạng cá nhân như thơ ca lãng mạn.

Thơ trữ tình chính trị đòi hỏi một hệ thống hình ảnh tượng trưng khái quát cao độ, hàm súc như tranh cổ động, đập ngay vào giác quan và suy tưởng. Đó là các tượng trưng về Tổ quốc, Nhân dân, Dân tộc, Giai cấp, Đảng, Lãnh tụ, xã hội cũ, xã hội mới, cuộc đấu tranh, con người mới, thời đại mới,… Tố Hữu đã góp phần đáng kể vào việc hình thành các biểu tượng mới của thơ trữ tình chính trị Việt Nam, trong đó có biểu tượng về không gian.

      Ở tập Từ ấy, nhà thơ dựng lên sự đối lập hai thế giới như là trạng thái phổ biến của thời đại : thế giới sung sướng và thế giới của đau buồn, ưu phiền ; thế giới của tình thương, nhân tình, của cảm thông, lương tri, và thế giới mất nhân tính đầy “cửa lòng lạnh ngắt”,  “hồn say”, “cửa lòng không hé nữa”, đầy “sương sa gió lạnh”. Cảm xúc về sự đối lập hai thế giới hướng tác giả xây dựng hình tượng không gian xã hội đối lập. Tầng cao của bọn giàu sang, áp bức bóc lột, tiệc rượu máu, dội tiếng cười,… Tầng dưới, địa ngục, hầm người, thây rơi, máu chảy, những xác không mồ chôn. Trong cung điện – cuộc sống nhàn hạ ích kỷ ; ngoài chiến địa – đã tràn thây.

     Cuộc sống nô lệ là xiềng xích, nhà tù, tự do là bầu trời cao rộng. Nhà thơ đã sáng tạo hình tượng mới mẻ về không gian tù ngục phổ biến ở xã hội cũ đối lập với không gian tự do :

       Tôi chỉ là một con chim bé nhỏ

                        Vứt trong lồng con giữa một lồng to.

Người sắp ra tù sẽ bước vào nhà tù lớn, một vực thẳm :

       Một đêm nữa, rồi thôi ra ngục tối

       Mà lòng anh sao vẫn nặng trăm chiều

       Ngoài song giăng trăng sáng biết bao nhiêu

                        Mà anh thấy trời đen như vực thẳm !

(Đời thợ)

Thế giới cũ là cây tàn, ý chết, núi sông chia rẽ, tủi nhục, cô đơn. Thế giới mới là trời cao, biển rộng, chân trời, gió mới, vườn xuân.

     Cuộc đấu tranh cho thế giới mới đầy hy sinh, khó khăn, được hình dung qua biển rộng, biển máu, trường giông tố, trường giao chiến, chiến đài. Người chiến sĩ phải hy sinh thân xác làm nhịp cầu, là người chèo thuyền đến bờ bến mới, là đoàn chiến hạm, đàn chim quyết thắng – đó chính là những anh hùng mới hăng chiến đấu, khao khát ngày mai, dám bay nhảy, xông pha, cống hiến.

                     Sự sống đã phát sinh từ cái chết

       Thì gian nguy hiểm nạn có hề chi

       Ta hãy là đoàn chiến hạm ra đi

                        Hùng dũng tiến, đạp đầu muôn ngọn sóng…

                     Đứng lên đi, hỡi tuổi trẻ xung phong

                        Sóng cách mạng đang gầm rung thế giới !

                     Trường đấu tranh là một bản hùng ca

                        Ta sẽ chết trong điệu đàn tranh đấu.

     Đó là mô hình về thế giới sáng rõ, cụ thể, đầy sức khêu gợi đối với tuổi trẻ. Sẽ giản đơn, nếu ta xem các hình tượng khái quát tượng trưng là dấu hiệu thiếu vốn sống và đánh giá thấp sức kêu gọi của các hình tượng khái quát.

     Hình tượng không gian quan trọng nhất đóng vai trò hình tượng xuyên suốt trong thế giới thơ Tố Hữu là con đường cách mạng. Hình tượng con đường có thể nói là đặc điểm chung của thơ ca cách mạng Việt Nam và của thơ ca cách mạng thế giới. Nhưng ở Tố Hữu nó được thể hiện nổi bật, nhất quán, trở thành nét tư duy cơ bản nhất của thơ ông.

Con đường là biểu tượng của sự thống nhất của không gian và thời gian, là không gian vận động, không gian của con người đi tới. Trong thơ Tố Hữu, nhất là từ phần cuối Từ ấy trở đi, con đường là không gian chủ yếu.

      Trước Cách mạng tháng Tám, đó là con đường đi đày, con đường của những người không chết, con đường của người chiến sĩ. Không phải lúc nào con đường cũng được miêu tả, nhưng bao giờ cũng gắn làm một với con người đi tới.

Nếu như ở Từ ấy, con đường còn có phần trừu tượng và ở phần đầu Việt Bắc, con đường còn ẩn dưới bước chân người chiến sĩ, thì từ chiến thắng Điện Biên Phủ, con đường cách mạng đã hiện ra mồn một, chạy dài, thênh thang, tít tắp :

       Đường ta rộng thênh thang tám thước

       Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên

       Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên

       Đường cách mạng dài theo kháng chiến

       Đến hôm nay đường xuôi về biển

       Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi

                        Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi !…

Nếu ở Việt Bắc chủ yếu là những nẻo đường Việt Bắc, thì sang Gió lộng, con đường đã mở ra nhiều hướng, nhiều bình diện : Chặng đường qua đỏ máu, đường chiến thắng, đường thống nhất, đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh, đường sang nước bạn,… Có thể nói cùng với con người, thì con đường là một hình tượng lớn trong thơ Tố Hữu,  bao giờ cũng gợi lên cảm hứng tha thiết, đắm say, tự hào. ở Tố Hữu, hầu như đâu đâu ta cũng bắt gặp con đường :

                     Đường tiến công ào ào chiến dịch

       Hãm Hoà Bình  bức địch chạy xa

       Đánh sang giải phóng sông Đà

       Đánh vào Tả ngạn, Khu Ba mở vùng

       Đánh vang động Khu Năm, Đồng Tháp

                        Đánh An Khê, dồn dập Hải Vân…

                     Khắp những nẻo đường náo nức tôi đi

       Hiển hiện Lênin phơi phới diệu kỳ

                        Nhịp sống lớn trên dáng đi bay nhảy…

                     Yêu biết mấy những con đường ca hát

                        Qua công trường mới dựng mái nhà son…

                     Em ơi Ba Lan… mùa tuyết tan

       Đường bạch dương sương trắng nắng tràn

       Anh đi nghe tiếng người xưa vọng

                        Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn…

                     Hoa Ngọc Hà

       Trên đường rực nở

       Hương bay xa

       Thơm ngát

                        Đường ta.

                     Đường hạnh phúc gian nan lắm khúc

                        Đời đấu tranh không lúc dừng chân…

                     Đường đi mấy núi mấy đèo

            Núi bao nhiêu ngọn bấy nhiêu anh hùng.

[external_link offset=1]

                     Xê Công, Xê Nọi, Chà Vàn

            Mở đường bao nỗi gian nan với đường

                     Đường lên đỉnh núi Đắc Lay

Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim

       Biết ai mà hỏi mà tìm

Con đường xưa, của trái tim, đường này

       Đường đi từ tuổi thơ ngây

            Nửa vòng thế  kỷ, hôm nay đường về…

Không gian Ra trận, Máu và hoa là con đường ra trận, con đường của tình nghĩa, con đường sáng tạo, con đường của ông cha, con đường thắng lợi.  Đó không chỉ là con đường của ta, mà là con đường của mọi người, không chỉ là đường sang nước bạn, mà còn là đường ra thế giới. Trong các bài Trên đường Thiên lý, Đường vào, Tiếng hát sang xuân, Nước non ngàn dặm, Theo chân Bác, Đường của ta đi,… nhà thơ đã dựng lên hình tượng những con đường lớn của dân tộc, của thế kỷ, con đường của cách mạng Việt Nam.  

       Trường Sơn đã mở đường đi tới

                        Đường của ta đi, đến mọi người

Chẳng cần đặc biệt nhấn mạnh, ai cũng biết hình ảnh con đường là sự phản ánh không gian tồn tại của dân tộc ta hơn nửa thế kỷ qua. Bao nhiêu năm, dân tộc ta tìm đường, mở đường, giữ vững con đường, đi đến thắng lợi, hầu như luôn luôn chỉ sống trên đường, chưa một phút nào có dịp được dừng lại, nghỉ ngơi. Con đường là nơi chúng ta gặp nhau, đưa nhau, là nơi ta   làm quen với mọi miền khác nhau của đất nước, là nơi ta tiếp xúc với mọi cái mới của cuộc sống cách mạng, là nơi đầu tiên con người mới hiện ra, là nơi ta ngoái trông quá khứ, nhìn trước tương lai, ngẩng đầu nhìn bầu trời cao rộng. Cảm xúc trên đường là mới mẻ nhất và điển hình nhất của dân tộc trong thế kỷ XX.

Tuy nhiên, con đường trong thơ Tố Hữu còn xuất hiện như một yếu tố mới của cấu trúc nghệ thuật trong thơ tiếng Việt.

      Trước hết đó là không gian công cộng, đối lập với không gian đời tư. Trong thơ cổ, không gian “vũ trụ” tuy là chung, nhưng con đường tương thông với nó lại là riêng nên nói chung, không phải là không gian của mọi người.

       Tiếng gà văng vẳng  gáy trên bom

       Oán hận trông ra khắp mọi chòm

       Mõ thảm không khua mà cũng cốc

                        Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om ?

Tình cảm oán sầu dường như không của một người, mà là của vũ trụ, nhưng đó là vũ trụ của một người ! Thơ ca trữ tình đời tư cũng thường như vậy. Cái đình, cái cầu trong ca dao vốn là của chung công cộng, nhưng lại rất riêng của tình cảm, tâm tư :

       Qua cầu ngả nón trông cầu

                    Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu !

Cách mạng, kháng chiến đã làm tách hẳn không gian công cộng ra khỏi không gian đời tư. Con người thoát ly khỏi luỹ tre làng, ngôi nhà, vườn tược,  để đi ra con đường lớn của cách mạng. Con đường trong thơ Tố Hữu đóng vai trò tương tự như không gian “quảng trường” trong văn  học thời kỳ Cộng hoà cổ đại ở phương Tây – đó là không gian công cộng của mọi người, nó cho phép bộc lộ trọn vẹn cái chung xã hội của con người một cách thuần tuý nhất.

     Đó là không gian Nhân dân. Trong loại không gian đó, như M.Bakhtin xác định, “không có gì và không thể có gì thầm kín, nội tại, không có gì là bí mật riêng tư, không có gì hướng vào bản thân, không có gì đáng gọi là cô đơn cả. Con người ở đây mở ra mọi phía, nó hoàn toàn hiện ra bề ngoài, trong con người đó không có gì là “dành riêng cho một mình mình”, không có gì là không chịu sự kiểm soát, xem xét công cộng về mặt nhà nước (nhà nước của nhân dân – T.Đ.S). Ở đây tất cả và toàn bộ đều là công cộng([1]).

Con đường thực sự là một không gian xã hội cho mọi con người Việt Nam. Chúng ta gặp ở đây hầu hết mọi tầng lớp quần chúng đông đảo của cách mạng : từ lãnh tụ đến cụ già, bà mẹ, từ anh chiến sĩ, người cán bộ, anh công nhân, chị hàng hoa, chị quét rác, em bé kháng chiến , em bé đi học, chị nông dân tay súng tay cày, người gác đêm, người làm đường, người lái xe, lái đò, giao liên, v.v. và gặp trong chừng mực họ bước lên đường cách mạng. Con đường cách mạng không phải là nơi để có thể tình tự riêng tư, nghỉ ngơi thư thái, hay sinh hoạt hằng ngày như trong nhà hay vườn hoa, chợ búa hay phố xá. Nó là không gian của tư tưởng tình cảm công dân, của con người tập thể lớn. Bác Hồ xuất hiện trong thơ Tố Hữu bao giờ cũng trước công chúng, người lính già trước hàng quân, ông cụ trên đường Việt Bắc, cánh chim không mỏi, trên Quảng trường Ba Đình. Nhà sàn của Bác, dù ở Việt Bắc hay ở Hà Nội, chưa bao giờ là nhà riêng mà thực ra là không gian công cộng có một con đường chạy qua. Nhà thơ đến với Bác, ngồi bên Bác mà thấy như đứng trước đông đảo quần chúng, đại diện cho quần chúng. Khi cảm xúc cao độ đã kêu lên :

                     Các anh chị, các em ơi, có phải…

                     Ô vẫn còn đây của các em

                        Chồng thư mới mở, Bác đang xem..

Và nói chung, không gian nhà ở, căn phòng trong thơ Tố Hữu không bao giờ là nơi ngăn cách với người khác, trái lại là thông với mọi người và mở ra con đường cách mạng. Gian buồng bệnh của đồng chí Nguyễn Chí Diểu thông ra trường đấu tranh. Nhà tù thông ra cuộc đấu tranh của đoàn thể. Nhà bà bủ thông với chiến khu, gian lều bà má Hậu Giang thông lên rừng U Minh. Giường bệnh chị Lý nằm là nơi viếng thăm của cả nước.

Anh bộ đội xuất hiện trong thơ Tố Hữu cũng luôn luôn ở trên đường. Trong thơ Tố Hữu hầu như không xuất hiện cái phần đời sống không gắn trực tiếp với con đường, với tư tưởng, với tình cảm công dân, tập thể. Nỗi nhớ nhà của anh bộ đội nằm đâu cuối luỹ tre xanh. Các việc sinh hoạt dở dang của người con gái Bắc Giang đều để lại ở nhà. Ta thấy anh công nhân làm ra ánh sáng, chị xã viên tay súng tay cày, nhưng không thấy các suy nghĩ riêng tư, các sinh hoạt hằng ngày ở nhà của họ.

Con người trên đường cách mạng luôn luôn tự cảm thấy quần chúng nhìn mình, theo dõi mình, noi gương mình, đồng thời cũng luôn luôn đòi hỏi mình phải xứng đáng với mọi người, với cách mạng. Cả cái tâm hồn, sáng đẹp và vui như một vườn hoa lá đầy ánh sáng và tiếng chim của nhà thơ cũng là của “vạn nhà”. Cảm giác về tập thể luôn nâng đỡ con người vươn tới, đứng cao hơn nhu cầu cá nhân.

       Từ khi chân dấn bước

       Trên con đường đấu tranh

       Tôi sẵn có trong mình

       Đôi mắt thần chủ nghĩa

       Đã đứng trong đoàn thể

       Bênh vực lợi quyền chung

                        Sống chết có nhau cùng

       Không được xa hàng ngũ

       Không thể gì quyến rũ

       Mua bán được lương tâm

       Danh dự của riêng thân

                        Là của chung đồng chí.

Cảm giác về không gian công cộng làm con người trong thơ Tố Hữu xấu hổ khi phải nói về cái riêng :

       … trái tim anh đó

       Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ

       Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

       Phần cho thơ và phần để em yêu…

                        Em xấu hổ : Thế cũng nhiều anh nhỉ.

Xấu hổ là vì ai lại dành phần riêng trên con đường chung ! Ngay khi tâm sự bạn bè, khi âu yếm người yêu, con người cũng vẫn sống trong không gian chung (Miền Nam) trong tình cảm dân tộc. Lắm khi nhà thơ như muốn chặn trước khả năng có thể xuất hiện tình cảm riêng :

   Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau

                        Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu…

(Bác ơi !)

                        Tôi chẳng buồn đâu, chỉ nhớ Anh

(Một con người)

Trái tim thường là biểu tượng của những nhu cầu rung động riêng tư, trong thơ Tố Hữu, nó trở thành một không gian tập thể công cộng :

ở Hồ Chí Minh :         Bác ơi : Tim Bác mênh mông thế

                                    Ôm cả non sông, mọi kiếp người

ở Trần Thị Lý :           Ôi trái tim em,  trái tim vĩ đại

             Còn một giọt máu tươi còn đập mãi

             Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời

                                    Cho quê hương em, cho  Tổ quốc, loài người.

ở mẹ Tơm :                 Buồng mẹ – buồng tim giấu chúng con…

Đó là những trái tim luôn luôn mở ra cho Tổ quốc, Nhân dân và Cách mạng. Không gian con đường và cái nhìn tập thể làm cho con người trong thơ Tố Hữu trở nên trong suốt như pha lê, sáng ngời như ngọc, tiếp nối truyền thống thể hiện con người trong sáng của văn học dân tộc như Thánh Gióng, Thạch Sanh, Lục Vân Tiên, Xí, Phấn (hai nhân vật sau cùng ở trong Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu). Con đường cách mạng là không gian của con người tập thể, của con người “dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa”.

Không gian con đường cách mạng là không gian có hướng gần xa, viễn cảnh, chân trời. Không gian, cũng như thời gian, là yếu tố rất đặc trưng cho cái nhìn dân tộc.

Chúng tôi đã nói ở trên, cái chiếm ưu thế trong không gian thơ cổ là không gian “vũ trụ”. Đặc điểm của nó tuy là mở trong quan hệ người và thiên nhiên, nhưng lại là mang tính chất khép kín nội tại, thể hiện trước hết ở cấu trúc đối xứng, hô ứng của nó. Khi ta nói “non – sông”, “đất – nước”, “giang – sơn”, “đất – trời”, “nước – nhà”,… với ý nghĩa là không gian bao trùm thì trong đó tự nó đã mang một nguyên tắc đối xứng.

Phép đối trong thơ cổ, theo chúng tôi, là gắn liền với cảm quan vũ trụ đó. Không gian ấy được triển khai bằng sự đối xứng với một điểm không gian cho trước. Chẳng những thế, thơ cổ hầu như không gian hoá toàn bộ tồn tại. Không chỉ không gian, mà cả thời gian, bốn mùa, phẩm chất, số lượng, màu sắc…đều tìm thấy cái đối xứng của nó trong thơ cổ.

Không gian ấy hướng cái nhìn vào sự sắp xếp trật tự nội tại, vào sự khuếch tán ra các hướng đối xứng hơn là định vào một hướng vận động. Thơ ca truyền thống thiếu một viễn cảnh phía trước. Con người đi tới trước, nhưng viễn cảnh ở đằng sau. Không gian đó đã quy định các tư thế trữ tình tiêu biểu trong thơ cổ như “cúi – ngửa”, “nằm – ngồi”, “hành – chỉ”, “ngoái nhìn”, “đi đi lại lại”, “bồi hồi”, “lên cao”. Khi xúc cảm thì “động lòng bốn phương”, “tung hoành ngang dọc”, “đội trời đạp đất”, “chọc trời khuấy nước”, “kinh thiên động địa”.

Thơ ca cách mạng, thơ văn Hồ Chủ tịch, đặc biệt là thơ Tố Hữu đã mang lại cho tư duy thơ Việt Nam một viễn cảnh, một tư thế trữ tình mới, đổi mới hình ảnh “hành nhân” thành người đi tới hào hùng. Tư duy người Việt Nam hiện đại đã kết hợp hướng đi lên truyền thống với hướng đi tới tiến bộ, hướng vươn lên đỉnh cao cách mạng thành một hướng đi lên rất đặc trưng :

                     Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh…

                     Tiến lên chiến sĩ, đồng bào…

(Hồ Chí Minh)

Trong nhiều thứ tiếng nước ngoài như Pháp, Nga – kể cả tiếng Hán mà ta quen thuộc – đi tới phía trước và đi lên là hai hướng phân biệt nhau. Thật khó mà dịch từ “tiến lên” cho hết ý ra một từ nước ngoài. Cái ý “thừa” ra, không dịch được ấy thường là nơi mang tư duy dân tộc. Không gian con đường tiến lên chính là một nét độc đáo mang tính chất dân tộc – hiện đại trong thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại, được thể hiện tập trung trong thơ Tố Hữu.

     Nhà nghiên cứu Nga G. Gachép trong một bài báo cho biết hình dáng, đặc điểm đất đai sinh tụ của một dân tộc thường quy định loại lao động, cách hình dung thế giới của dân tộc ấy. Chẳng hạn sử thi vùng Xcanđinavơ hình dung vũ trụ như cái cây, hay như thân hình con cá voi khổng lồ, từ đó nảy sinh một kho hình tượng vững bền. Trong nghệ thuật vùng Kapcadơ thì núi đóng vai trò trục toạ độ trong quan niệm về thế giới. Trái lại, ở Nga, miền đất mênh mông vô tận, lộng gió, tuyết trắng, bao la, bằng phẳng, xa xăm lại là cơ sở quan niệm thế giới của người Nga. Từ đó nảy sinh các hình tượng vận động vững bền như con đường xa, cỗ xe tam mã, kỵ sĩ đồng. Và các hình tượng xa xăm (Xa ngoài xa xăm của Tvácđốpxki, Xa Matxcơva của Agiaép). Suối thép, Tàu bọc thép Pôchiômkin… đều rất Nga và hiện đại. Đối với dân tộc du mục Kiếcghidi thì toạ độ đó là lưng ngựa([2]).

      Nhưng không gian nghệ thuật hình thành, theo Gachép, là bởi hai nhân tố : nhân tố địa lý – chủng tộc và nhân tố văn hoá truyền thống(2).

     Trong thơ ca Việt Nam cổ xưa, đất – nước là yếu tố địa lý – chủng tộc(3), yếu tố văn hoá truyền thống và không gian “vũ trụ” đất trời.   Trong thơ ca cách mạng hiện đại, ngoài hai yếu tố trên, chính thế giới quan mới và thực tiễn cách mạng đã làm cho không gian con đường trở thành trục chính, hướng tiến tới mang nội dung chính trị, kết hợp với nét đi lên của văn hoá truyền thống làm thành hướng tiến lên.

Đến lượt mình, không gian ấy lại quy định đường nét tạo hình trong thế giới thơ Tố Hữu. Nhà thơ đã tạo ra nhiều hình ảnh đa dạng, đẹp đẽ bậc nhất về con người đi lên, xốc tới, vươn mình trong thơ Việt Nam hiện đại, khác hẳn truyền thống, nhưng vẫn rất gần gũi :

Em liên lạc :

                                    Chú bé loắt choắt

             Cái  xắc xinh xinh

             Cái chân thoăn thoắt

             Cái đầu nghênh nghênh

             Calô đội lệch

             Mồm huýt sáo vang

             Như con chim chích

                                    Nhảy trên đường vàng.

(Lượm)

Anh Vệ quốc quân :

                        Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

                              Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

       Núi không đè nổi vai vươn tới

                        Lá nguỵ trang reo với gió đèo

(Lên Tây Bắc)

Anh pháo binh :

                        Ta đi qua rừng           

       Lau tre san sát

       Voi nghe ta hát

Núi dội vang lừng !

       Ta đi lên đèo

       Ta leo lên dốc

       Voi ơi khó nhọc

                        Khó nhọc cũng trèo !

(Voi)

Người chủ mới của đất nước :

       Hai cánh tay như hai cánh bay lên

       Ngực dám đón những phong ba dữ dội

                        Chân đạp bùn không sợ các loài sên.

(Mùa thu tới)

Hồ Chí Minh :

                     Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

       Nhớ chân Người bước lên đèo

            Người đi rừng núi trông theo bóng Người

(Việt Bắc)

                     Bác đã lên đường theo Tổ tiên

       Mác – Lênin thế giới người hiền

       ánh hào quang đỏ thêm sông núi

                        Dắt chúng con cùng nhau tiến lên…

(Bác ơi !)

                     Còn những ai chưa được một lần

       Trong đời gặp Bác ? Hãy nhanh chân

       Tiến lên phía trước ! Trên cao ấy

                        Bác vẫn đưa tay đón lại gần…

(Theo chân Bác)

Đó là con người đi tới của thời đại, dân tộc. Có ý kiến cho rằng Tố Hữu thường tạo hình bằng thế đi tới. Nhưng chính cái thế đi tới cũng vẫn phải được tạo hình ! Đó là cái thế của con người trên đường cách mạng.

Trong các hình ảnh trên mang khí thế cách mạng tiến tới, việc leo núi, chinh phục núi đèo được xem là hành động anh hùng, cao đẹp, thể hiện nét tình cảm truyền thống xem núi đèo là một trở ngại lớn, đòi hỏi nghị lực phi thường để khắc phục (Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo…).

Mặt khác, đi lên là tiếp cận với thế giới đạo đức, đạo lý nên tạo ra được niềm vui nội tại, sâu sắc của việc tự khẳng định mình. Đó cũng là điều rất truyền thống.

[external_link offset=2]

Đặc biệt là hình ảnh Bác trong Bác ơi !,  Theo chân Bác. Theo quan niệm ngày nay, Tổ tiên và Bác là người đã khuất thì ở phía sau chúng ta so với hướng đi tới. Theo tổ tiên có vẻ như là phía đi ngược trở lại , đi thụt lùi. Nhưng không phải ! Tổ tiên và Bác, cũng như “thế giới người hiền” của ta là ở trên cao, mà trên cao cũng có nghĩa là phía trước, viễn cảnh tiến lên :

       Bác mong con cháu mau khôn lớn

                        Nối gót ông cha, bước kịp mình.

Không gian con đường đổi mới không gian thơ truyền thống, nhưng không đối lập, phủ định, mà hoà hợp làm một với không gian vũ trụ. Phía trên cao và phía trước xa xa là không gian của mẫu mực, lý tưởng, mục tiêu, của sự tự do phát triển, của các giá trị vĩnh cửu, của các hồn thiêng sông núi. Đó là không gian của cao đẹp và sảng khoái, bao giờ cũng hứa hẹn với chúng ta bao điều ước vọng :

                     Ngọn cờ đỏ trên đầu phấp phới

            Bác Hồ đưa ta tới trời xa…

                     Việt Nam anh dũng tuyệt vời

            ánh gươm độc lập giữa trời soi chung…

Chính cái không gian cao – xa cho ta thấy cái hay của các câu thơ giản dị :

                     Mấy tầng mây gió lớn mưa to

                        Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ

                        Đèo Lũng Lô anh hò chị hát

                     Nao nao nhìn mỗi góc rừng

            Cuối hàng cây thẳng, sáng bừng trời cao.

                     Hỡi những người trai, những cô gái yêu

                        Trên những đèo mây, những tầng núi đá

                        Hai bàn tay ta hãy làm tất cả

                        Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai.

                     Thác, bao nhiêu thác, cũng qua

            Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời.

                     Nắng trên cao cần trục xây nhà

                        Nắng lưng tàu phấp phới đi xa

                        Nắng đỏ ngực anh, người thuỷ thủ.

                        Đẹp như lò Nôva – Huta…

Hãy thử bỏ đi các yếu tố cao, xa trong các câu thơ trên, hoặc giả làm thay chúng bằng các chi tiết khác, ta sẽ thấy câu thơ bỗng mất hết sức kêu gọi và sẽ sụp xuống không thể cứu vãn ! Làm sao thấy hết cái hay của câu thơ “Cuối hàng cây thẳng sáng bừng trời cao” nếu bỏ qua cái nét thẳng của “thẳng lưng mà bước”, “Cây khô chết chẳng nghiêng đầu” hay nét cao của “Tháng tám trời thu xanh thắm” ? Thơ ca một khi đã đạt đến sự khái quát chín muồi thì nó khái quát cả trong từng đường nét nhỏ nhất, giản đơn nhất !

Không gian nghệ thuật của thơ Tố Hữu là một không gian lộ thiên, đầy ánh sáng, ánh nắng, ấm áp, trong trẻo. Sương mù, giá lạnh, mùa đông chỉ là tạm thời. Dưới ánh sáng ấy, mọi màu sắc, sự vật như đều phát sáng : tươi,  rạng, sáng, ánh , ngời, đỏ, óng, long lanh, chói loà, lấp lánh, hửng sáng. Thơ xưa thích trăng hơn mặt trời ; nếu thích mặt trời thì thích “tà huy”, “triêu cảnh”, “nhật mộ”. Tố Hữu thích nắng trưa, nắng hạ, nắng chói, những luồng ánh sáng cực mạnh : sáng bừng, nắng trưa rực rỡ đỏ bình minh, đèn pha bật sáng, chang chang cồn cát,… Có thể nói cái “nắng hạ”  trong bài Từ ấy năm xưa toả chiếu tưng bừng trong không gian thơ Tố Hữu. Nắng thiên nhiên và nắng lý tưởng hoà quyện làm một.

      Không gian thơ Tố Hữu cũng đầy gió, lộng gió thời đại, gió vũ trụ. Gió là một yếu tố của không gian vũ trụ trong thơ cổ, từng làm khao khát biết bao tâm hồn thi nhân : “Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi” (Nguyễn Du), “Gió hỡi gió phong trần ta đã chán – Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong” (Tản Đà). Đúng như nhà nghiên cứu Xô viết nhận định về gió trong thơ Trung Quốc([3]), thơ cổ Việt Nam cũng tràn đầy tiếng gió : gió xuân, gió thu, gió đông, gió ấm, gió mây, gió trăng,… Khi Tố Hữu nói :

       Ngày mai gió mới ngàn phương

            Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân

thì lý tưởng mới đã hoà vào ngọn gió cổ truyền. Từ đó cùng với sự phát triển của cách mạng, gió thời đại càng lộng trong thơ Tố Hữu, khi nhà thơ viết :

       Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa

                        Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát.

Hay :

       Ta đi đây, lòng ta như bay

       Với mỗi làn mây, với từng ngọn gió

       Gió miền Bắc đang thổi vào Nam đó !

thì trong cái gió thời đại kia mang hình thức của ngọn “gió đưa bằng tiện” cổ truyền. ở Tố Hữu, gió thời đại và gió tâm hồn hoà quyện làm một. Tiếp xúc với gió, nhà thơ cảm nhận mọi biến chuyển cách mạng trong không gian, thời gian, con người và thiên nhiên. Đó cũng là ý nghĩa của  từ “Gió lộng”.

       Nhưng không gian trong thơ Tố Hữu là không gian xã hội. Con đường là không gian quảng trường kiểu mới – không gian của ngày hội cách mạng, không gian tập thể. Nó là nơi gặp gỡ của mọi tầng lớp cách mạng coi nhau như thành viên của đại gia đình dân tộc. ở đây luôn vang lên những tiếng thân mật, gần gũi của những người đồng chí, những người công dân : “Đồng bào ơi”, “Anh chị em ơi”, “Bác ơi”, “Mẹ ơi”, “Miền Nam ơi”, “Con ơi”, “Đất nước ta ơi”, “Bầm ơi”, “Em ơi”,… ở đây luôn xuất hiện những lời chào mừng, reo vui, lời giục giã tha thiết, những câu hỏi khêu gợi trách nhiệm, lương tâm, những lời dặn dò thủ thỉ, những lời nhắn nhủ ân cần, lời tuyên bố dõng dạc, lời thề ước nghiêm trang, lời dự báo nồng nhiệt,…

Ta luôn thấy ở đây một không khí ngày hội, xôn xao, náo nức, tưng bừng, dù mất mát, đau thương, vẫn không tắt tiếng cười. Ta luôn nghe ở đây tiếng hát, tiếng reo, tiếng chim hót, tiếng gió thổi, tiếng chân bước, tiếng xe đi,…

Cả vũ trụ dường như đã được xã hội hoá, trở thành đồng chí, bạn bè thân thiết. Không gian không còn là nơi ký thác cảm xúc cá nhân, mà là cái chứng kiến, là biểu hiện của xã hội :

                     Mặt trời đỏ dậy, có vui không ?

       Nhìn Nam, Bắc, Tây, Đông

                        Hỏi cả hai mươi thế kỷ

                     Xuân  ơi xuân, em mới tới dăm năm

                        Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội

                     én thu sang, mừng Bác lại về…

                     Gió miền Bắc đang thổi vào Nam đó…

                     Con chim chích

            Ríu rít mừng theo lịch tiến quân…

                     Đã nghe nước chảy lên non

            Đã nghe đất chuyển thành con sông dài…

                     Sóng Tiền Giang gọi Hậu Giang

                        Có ai về đó ta sang cùng về.

Như vậy là Tố Hữu mang lại cho thơ trữ tình tiếng Việt một không gian mới mẻ, nhưng lại rất gần gũi, quen thuộc.

Không gian con đường cách mạng trong thơ Tố Hữu đã quy định bút pháp tạo hình của nhà thơ, ông thích mô tả con người đi tới với dấu hiệu bàn chân :

                     Chân kiêu căng không thoái bộ bao giờ

                     Gót chân tơ chưa dày dạn phong trần

                     Chân cứng đạp rừng mai đá sắc.

                     Chân ông còn mãi dấu son  trên đường

                     Bắp chân đầu gối vẫn săn gân

                     Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

                        Đã bước dưới mặt trời cách mạng

                     Nhớ chân Người bước lên đèo

                     Bác đi đâu cũng nghe chân bước

                        Như gió xuân về đất nở hoa…

                     Chân dép lốp mà lên tàu vũ trụ…

Đồng thời ông cũng thích miêu tả con người với dáng vươn lên, tung cánh, ngẩng đầu. Ông thích những hình ảnh chuyển động : cánh chim, con tàu, cỗ xe, bước chân hành quân,… Con đường như một không gian tinh thần, cũng quy định tư thế cảm thụ của tác giả.

       Nhà thơ dường như không bao giờ ngồi trong phòng hay nằm trên giường để lắng nghe thế giới. Ông rất thích đi, chạy, nhảy, bay. Người đọc luôn cảm thấy ông có mặt trên mọi nẻo đường đất nước,  rất hiếm khi ông dừng lại trầm tư : “Tôi chạy trên miền Bắc – Hớn hở giữa mùa xuân”, “Tôi đã đi giữa mùa hè chín mẩy – Xibêri hay Tbilixi…”, “Hôm nay tôi đi từ Hà Nội – Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà…”, “Em đi cùng anh lên thành xưa – Vácsava ấm nắng ban trưa”, “Giữa ngày xuân nắng trải mênh mông – Chúng tôi đi trên mặt bãi sông Hồng…”, “Hôm nay sao vui thế, sáng xuân nay – Ta đi đây lòng ta như bay…”, “Tôi đã đi. Đường vào Nam. Đường đi đánh giặc – Tôi lại bay. Đường sang Tây – Từ biển Đông lên biển Bắc….”, “Tôi bay giữa màu xanh giải phóng – Tầng thấp, tầng cao, chiều dài, chiều rộng…”. “Đi” đối với tác giả là cái nhịp tiêu biểu của thời đại, nhịp hành quân :

                     Đi, đi, đi, ôi nhịp đời phơi phới.

       Trăng sáng, đường dài

                        Ta đều chân : Một ! hai…

                     Giữa mùa xuân vững bước tới tương lai

                        Tôi vui đi, mê mải… một… hai…

                     Kế hoạch năm năm. Mời những đoàn quân

       Mời những bàn chân, tiến lên phía trước

                        Tất cả dưới cờ, hát lên và bước !

Và mỗi lần thức giấc, nhà thơ lại thấy mình giữa cuộc hành quân :

                        Sáng mai nay, như mọi lần thức giấc

       Tôi lại nghe tiếng nhạc trên đài

       Tiến quân ca…và dõng dạc một, hai

                        Tiếng ai vậy, ngắn dài vang sóng dội…

Quan niệm và tư thế cảm thụ đó làm cho hình tượng trong thơ Tố Hữu căn bản là hình tượng động, đầy lưu chuyển, biến đổi. Chủ yếu trong thơ Tố Hữu không phải là sự biến chuyển kỳ diệu theo kiểu “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi – Ta hoá vàng nhân phẩm, lương tâm” mà là biến chuyển trong không gian bằng hành động, kiểu “Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca”, “Một lời nghe vút tiếng roi – Nghe sông gọi suối, nghe voi gọi  bầy”…Hình tượng động và không gian động là điểm cách tân, khác hẳn không gian tĩnh của thi ca truyền thống, mặc dầu là sự vận động của khí, của gió vẫn còn giữ vị trí quan trọng.

Gắn với con đường đất nước cũng hiện hình liền mạch theo bước người đi :

       Ai qua Phú Thọ

       Ai xuôi Trung Hà

       Ai về Hưng Hoá

       Ai xuống Khu Ba

       Ai vào Khu Bốn

                        Đường ta đó tự do cuồn cuộn.

Hay :

       Tháng Tám vùng lên Huế của ta

       Quảng, Phong ơi, Hương Thuỷ, Hương Trà

       Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế

                        Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca…

Tên đất nước xuất hiện không giản đơn như theo một lối liệt kê, mà là theo một mối liên hệ không gian con đường nhất định. Rõ ràng, không gian con đường là trục toạ độ cơ bản của thế giới thơ của Tố Hữu, quy định nhiều đặc điểm quan trọng của thơ ông.

Kế thừa và phát triển không gian nghệ thuật truyền thống, Tố Hữu đã đem lại cho thơ trữ tình tiếng Việt một không gian mới mẻ, phù hợp nhất để thể hiện thời đại cách mạng sôi động hào hùng của chúng ta.

Tuy chưa xuất hiện đáng kể không gian sinh hoạt hằng ngày, nhưng không gian trên đã là cơ sở cho sự hình thành hệ thống hình ảnh tượng trưng mới của thơ ca trữ tình chính trị Việt Nam.


([1]) M.Bakhtin, Mấy vấn đề văn học và mỹ học, NXB Văn học nghệ thuật, M., 1975, tr. 293 (tiếng Nga).

([2]), (2) G.Gachép, Về các khung cảnh thế giới mang tính dân tộc,Tạp chí Các dân tộc Á – Phi, 1967, số 1, tr.78 – 83 (tiếng Nga).

(3) Cao Huy Đỉnh, Truyện Ông Gióng và truyền thống sử thi trong văn học dân gian Việt Nam trong sách Truyền thống và cách tân trong văn học Đông Nam Á,NXB Nauka, M., 1982, tr.80, 81 (tiếng Nga).

([3]) Xem I.X. Lixêvích, Tư tưởng văn học Trung Quốc trong buổi giao thời giữa cổ xưa và trung cổ, NXB Khoa học, M., 1979, chương III : Gió vũ trụ và sự thâm nhập của nó vào lĩnh vực thơ. [external_footer]

Xổ số miền Bắc