Lãng phí kép không gian văn hóa – Bài 1: Nhà văn hóa thôn – thừa và thiếu

Nhiều chương trình, cuộc vận động cùng được triển khai như phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… đã giúp diện mạo văn hóa nông thôn lâu nay có những đổi thay đáng kể. Dẫu vậy, việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở một cách máy móc đã và đang gây ra những khủng hoảng thiếu và thừa. Đơn cử như có những nơi thiếu thốn trầm trọng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhưng lại có những nơi nhà văn hóa xây xong để hoang tàn. Ở loạt bài viết này, chúng tôi đặt ra vấn đề Lãng phí “kép” không gian văn hóa, với mong muốn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, ở khu dân cư phải bám sát hơn với đòi hỏi của cuộc sống hôm nay.

Nhà văn hóa xóm Quán (Quảng Yên, Quảng Ninh) đã bị bỏ hoang từ lâu.

 

Trong số 19 tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) khu vực phía Bắc, tiêu chí số 6 có qui định 100% số thôn phải có nhà văn hóa đạt chuẩn theo qui định của Bộ VHTT&DL. Từ việc “áp” chỉ tiêu ấy, hàng chục ngàn nhà văn hóa thôn tại các địa phương đã được gấp rút hoàn thiện. Và nghịch lý lớn nhất là sự khủng hoảng nhà văn hóa thừa và thiếu có khi diễn ra ngay trong một địa bàn cấp xã. 

Thực tế khác xa báo cáo

Chúng tôi về Thị xã Quảng Yên – Quảng Ninh vào những ngày tháng 7, bởi đây địa phương này vốn được coi là điểm sáng trong xây dựng NTM, đồng thời cũng làm rất tốt công tác xã hội hoá trong việc đầu tư xây dựng nhà văn hoá thôn, khu phố, các công trình văn hoá khác… Thế nhưng, thực tế lại không như thành tích đã báo cáo. 

Nơi đầu tiên chúng tôi tới là nhà văn hoá xóm Quán (xã Liên Vị, TX Quảng Yên). Nhiều người dân sống gần khu vực này cho biết, nhà văn hóa xóm Quán được xây dựng từ lâu, nhưng giờ đây gần như bị bỏ hoang rất ít khi hội họp. Thêm vào đó, nền nhà văn hóa thấp trũng, khi mưa ngập cả vào nhà và thậm chí sân cỏ mọc um tùm. Anh Cao Văn Khiên, người dân xóm Quán cho biết: Có khi cả mấy tháng trời người dân mới họp ở nhà văn hóa xóm một lần. Nhà văn hóa không có người trông nom cai quản nên như nhà vô chủ, là nơi lui tới thường xuyên của những “con nghiện”… Người dân đã nhiều lần đề nghị với chính quyền địa phương về việc phải tìm cách bảo quản, giữ gìn công trình sinh hoạt văn hóa chung, nhưng hầu như không nhận được sự hợp tác. 

Trong khi có những nhà văn hóa để không, thì ngay tại xã Liên Vị lại có những thôn, xóm không lấy đâu ra quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa. Người dân xóm Bấc (xã Liên Vị, TX Quảng Yên) cho biết: Nhiều năm nay rồi ở xã có khoảng 2 xóm không có nhà văn hóa như xóm Đình, xóm Hàn bởi lý do thiếu đất xây dựng. 

Nhà văn hóa thôn 5, nơi làm trường Mẫu giáo cho các em học sinh học. (Ảnh Hoàng Long).

Nằm kề với xã Liên Vị là xã Liên Hòa. Chúng tôi đến tham quan nhà văn hóa thôn 5 xã Liên Hòa, một khu nhà cấp 4 xây 2 phòng. Phía trên nóc nhà có ghi là Nhà văn hóa thôn 5, nhưng bên trong lại là lớp học của hàng chục học sinh mẫu giáo. Cổng chính của nhà văn hóa thôn 5 lại là nơi người dân trưng dụng họp chợ vào mỗi buổi sáng. Điều tréo ngoe là ngay bên cạnh Nhà văn hóa thôn 5 là một ngôi nhà cấp 4 ghi là Văn phòng hợp tác xã Liên Hòa II, nhưng lại là nơi sinh hoạt thường xuyên của người cao tuổi, nơi sinh hoạt Đảng…

Những người dân ở xã Liên Hòa rất bức xúc vì chuyện này. Nhiều lần họp dân, họ đã đề nghị với trưởng thôn và các cấp chính quyền sớm xây dựng một nhà văn hóa rộng rãi, và tách hẳn nhà văn hóa với trường mẫu giáo, nhưng mãi cũng chỉ là đề nghị. Tới nay, người dân vẫn chưa thôi thắc mắc rằng tại sao cùng một địa bàn mà các thôn khác ở xã Liên Hòa có nhà văn hóa đẹp, rộng rãi mà thôn 5 lại không có?

Người dân ở khu 7, phường Phong Hải, TX Quảng Yên lại phàn nàn rằng nơi đây còn không có cả nhà văn hóa. Những lúc hội họp họ phải ra nhà trung tâm học tập cộng đồng (nơi để dạy nghề). Gặp chúng tôi, người dân chia sẻ rằng họ rất mong muốn cần có một nhà văn hóa khang trang theo đúng nghĩa để sinh hoạt. Người dân ao ước rằng nhà văn hóa thôn mình có 1 tủ sách dùng chung, mọi người đều có thể vào đó mượn đọc. 

Trung tâm học tập cộng đồng được trưng dụng làm Nhà văn hóa khu 7, phường Phong Hải, TX Quảng Yên.

Nghịch cảnh  

Giống như tình cảnh người dân ở TX Quảng Yên- Quảng Ninh, tại thôn Bãi Sậy 3 (xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên), hàng trăm hộ dân tại đây đang mong mỏi hơn bao giờ hết có một nhà văn hóa khang trang để sử dụng. Nguyên nhân là bởi, tất cả các hoạt động sinh hoạt tập thể, sinh hoạt Đảng của thôn… đều được diễn ra trong không gian nhỏ hẹp của nhà văn hóa cũ với diện tích khoảng 50 m², chỉ đủ sức chứa cho chưa đầy 30 người. Vì vậy mỗi khi có những dịp sinh hoạt chung, người dân phải ngồi tràn cả ra ngoài trời để dự họp, bất kể nắng mưa.

“Vào dịp tết Trung thu, chứng kiến cảnh các cháu thiếu nhi phải đứng ngồi chen chúc trong nhà văn hóa chúng tôi đều xót xa lắm” – ông Nguyễn Văn Tài, trưởng thôn Bãi Sậy 3 cho biết. Trước tình trạng nhà văn hóa chật chội, thôn Bãi Sậy 3 cũng đã có báo cáo với xã xin mở rộng không gian để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, hội họp. Dự án cũng được chính quyền xã chấp thuận, ngôi trường mẫu giáo cũ đã được phá dỡ. Nhưng vì thiếu kinh phí nên đến giờ dự án mở rộng nhà văn hóa vẫn… trên giấy. 

Ngay tại Hưng Yên, trong khi ở cấp thôn, xã nhà người dân còn thiếu địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thì có những nhà văn hóa cấp huyện được đầu tư khủng… rồi chỉ để ngắm. Biết chúng tôi đi tìm hiểu về việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, người dân cũng chỉ cho thấy công trình Nhà văn hóa huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Được đầu từ hơn 9,2 tỷ đồng, hoàn thành từ năm 2009, tuy nhiên đến nay, công trình vẫn chưa một lần được sử dụng. Sân nhà văn hóa được sử dụng thành bãi đỗ xe, thậm chí, sân nhà văn hóa tiền tỷ này còn được người dân vô tư thả trâu bò.

Sau 6 năm hoàn thành mà không được sử dụng, các hạng mục tại đây đã và đang xuống cấp trầm trọng. Bà Nguyễn Thị Hậu, một người dân sống tại thị trấn Yên Mỹ bày tỏ: Bức xúc lắm chứ, người dân đã nhiều lần có đơn thư đề nghị UBND huyện đưa công trình vào sử dụng để tránh lãng phí, nhưng bao lâu rồi, không hề có chuyển biến.

Có một thực tế chúng tôi ghi nhận được là ở những địa phương thiếu nhà sinh hoạt văn hóa, khi hỏi cả lãnh đạo thôn, xã và người dân: Tại sao không tận dụng sân đình làm nơi sinh hoạt chung bởi bao đời nay sân đình cũng chính là một không gian văn hóa? Câu trả lời nhận được đều giống nhau: Đó là chốn linh thiêng, chốn thờ tự tâm linh nên không thể để tổ chức những sinh hoạt văn hóa ồn ào, hoặc tập trung đông người.

Chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn về việc sử dụng không gian văn hóa thuần Việt ở phần sau. Biết rằng, chỉ riêng những nghịch cảnh về việc thiếu- thừa địa điểm sinh hoạt văn hóa vừa nêu trên đã cho thấy những bất cập cần sớm được cải thiện, nhất là những tiêu chí “cứng” về văn hóa ở khu dân cư.  

Xổ số miền Bắc