Lịch sử Tết Nguyên Đán Việt Nam | Ban Công tác Chính trị và Công tác Sinh viên – HVNNVN

Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam. Đây là dịp để các gia đình được sum họp, quây quần bên nhau cùng ôn lại những chuyện đã qua của năm cũ, và định hướng cho một năm mới.

 

Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ đơn giản còn gọi là Tết) là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, theo ảnh hưởng văn hóa của Tết Âm lịch Trung Hoa và Vòng văn hóa Đông Á. Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như “Tết Táo Quân” (23 tháng chạp âm lịch) và “Tất Niên” (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch).

Vì Tết tính theo Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch (còn gọi nôm na là Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).

Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo âm lịch. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, thờ cúng tổ tiên, thăm hỏi người thân, mừng tuổi người già, trẻ nhỏ…

Lịch sử hình thành và Nguồn gốc ra đời

Chữ “Tết” do chữ “Tiết” mà thành. Hai chữ “Nguyên đán” có gốc chữ Hán; “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” có nghĩa là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”.

 Bánh chưng, bánh dầy trong mỗi dịp tết là văn hóa truyền thống của người Việt

 

Họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang từ năm Nhâm Tuất 2879 TCN. Trị vì cả 2622 năm Từ thời đó, người Việt đã ăn tết, bắt đầu có bánh chưng, bánh dầy nhờ sáng kiến của Lang Liêu – con trai thứ 18 của vua Hùng Vương 6. Có thể nói, nước ta sớm hình thành một nền văn hoá truyền thống mang bản sắc riêng của người Việt. Nền văn hoá với những đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước, cùng những sản vật từ lúa gạo. Gạo – thứ thực phẩm chính nuôi sống con người, trong đó gạo nếp là thứ ngon nhất, thơm, dẻo, nhiều chất. Chính vì lẽ đó, gạo nếp được chọn để làm thành các thứ bánh dành cho việc cúng tế tổ tiên trong ngày đầu năm. Thực ra, cho đến nay, nói một cách chính xác dân ta ăn Tết bắt đầu từ khi nào không ai nắm rõ. Lịch sử Trung Quốc viết, từ thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên và Tích Quang – quan nước Tàu sang nước ta, truyền cho dân ta biết làm ruộng và các sinh hoạt văn hoá khác, trong đó có cả việc ăn Tết cổ truyền. Song thực tế đã chứng minh rằng, trước khi người Trung Hoa sang đô hộ, dân tộc Việt đã có sinh hoạt văn hoá nền nếp và đặc sắc.

Tết Nguyên đán là dịp con cháu sum vầy, đoàn tụ bên gia đình 

Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên đán, đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ ở trong hay ngoài nước vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà, ngôi mộ, nhìn lại nơi mà một thời bàn chân bé dại đã tung tăng và mong được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi cất tiếng khóc chào đời. “Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đi về, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. Không thế thì làm sao huỳnh Văn Nghệ có cảm hứng để lưu truyền cho hậu thế hai câu thơ bất hủ “Từ thuở mang gươm đi mở cõi, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho xã hội; tình thầy trò, bè bạn cố tri, ông mai bà mối đã tác thành cho đôi lứa. Tết cũng là dịp đúc kết mọi hoạt động liên quan đến một năm qua, chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng.

Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống mang tính toàn dân. Vì vậy vào những ngày cuối năm, mọi hoạt động đều hướng vào Tết, chuẩn bị cho Tết. Các ngành, các cấp đều có kế hoạch cho ngày hội đặc biệt này.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao quà cho cán bộ, viên chức và người lao động Học viện nhân dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 

 

Hòa trong không khí của Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã tổ chức hoạt động trao quà đến với cán bộ, viên chức, người lao động tại Học viện. Học viện đã dành khoảng 14 tỷ đồng để thưởng Tết cho cán bộ, viên chức, người lao động làm việc từ đủ 12 tháng trở lên với số lượng khoảng 1.300 người. Bên cạnh đó, Học viện cũng tặng thêm cho cán bộ, viên chức, người lao động 2.600 chiếc bánh chưng, 1.300kg giò, 1.300 gói quà là những sản phẩm khoa học công nghệ của Học viện. Đây là hoạt động truyền thống thường niên của Học viện mỗi dịp tết đến xuân về để động viên cán bộ, viên chức, người lao động của Học viện. Qua đó tiếp thêm động lực để các tập thể, cá nhân tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, cùng nhau đoàn kết để lập nhiều thành công mới trong năm 2022.

Ban CTCT&CTSV

Xổ số miền Bắc