Lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa kiến trúc đình làng trong phát triển đô thị Đà Nẵng – Tạp chí Kiến Trúc

Tổng quan về Đình làng Đà Nẵng

Thành phố (TP) Đà Nẵng trong những năm qua có những phát triển vượt bậc nhờ hạ tầng giao thông đồng bộ, sự ưu đãi về điều kiện tự nhiên, tính định hướng đúng đắn trong phát triển đô thị của chính quyển và sự quan tâm thích đáng của người dân. Quá trình đô thị hóa cùng các tác nhân của các vấn đề về đô thị, trong đó có ảnh hưởng đến các công trình di tích lịch sử của TP. Với quan điểm phát triển đô thị sáng tạo, hướng đến phát triển bền vững… chính quyền đã từng bước điều chỉnh hiệu quả công tác quản lý đô thị, nâng cao nhận thức của người dân và nhất là dành sự quan tâm thích đáng cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa địa phương, trong đó có giá trị về không gian văn hóa, kiến trúc Đình làng.

Chúng ta biết rằng, Đình làng Việt được xem như biểu tượng về văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương, có nhiều giá trị văn hóa – kiến trúc – nghệ thuật cần được gìn giữ, tôn tạo và phát huy. Bài báo mong muốn (1) giới thiệu một số đặc trưng về nghệ thuật trang trí, cảnh quan, kiến trúc đình làng và (2) đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, kiến trúc đình làng tại Đà Nẵng trong quá trình phát triển đô thị TP Đà Nẵng.

Đình làng là sản phẩm – Biểu tượng văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân cư Việt, được hình thành đầu tiên trên đất Bắc. Theo quá trình di cư, khai hoang lập ấp, đình làng Đà Nẵng vừa có tính kế thừa vừa có những giá trị riêng biệt (Hồ Tấn Tuấn, 2012). Hình ảnh đình làng đã trở thành biểu tượng văn hóa trang trọng và thiêng liêng với nhiều hoạt động: Lễ, hội, họp, thờ thần Thành Hoàng làng, những người được nhân dân suy tôn, nơi gửi gắm đức tin, gìn giữ mối quan hệ gắn bó và cùng nhau hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đình làng Đà Nẵng cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Đình làng Đà Nẵng xuất hiện đầu tiên là khoán ước của làng Phước Sơn vào khoảng đầu thế kỷ 19 (năm Gia Long thứ 7 – 1808): “Chúng tôi là những viên chức lớn nhỏ trong xã, thuộc xã Phước Sơn, tổng Phước Tường Thượng, huyện Hoà Vang, phủ Điện Bàn. Nay lập đồng ưng định cử ông cựu cai tên Đàm lên làm chức trùm cả để chăm sóc các việc trong đình, chùa(…) Từ nay những nam phụ, lão, ấu trong xã và những người ngụ cư nhóm họp tại đình, tưởng niệm các bậc tiền hiền đều phải giữ đúng phép tắc…” (Hồ Tấn Tuấn, 2012). Tùy theo vị trí và điều kiện kinh tế xã hội mà người dân địa phương tạo lập nên các đình làng với chức năng gắn kết cộng đồng. Đình làng là nơi diễn ra các hoạt động chung nhất, và cũng là nơi ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, gắn liền với quá trình phát triển của vùng đất, của làng xã và của TP (Viện Bảo tồn di tích, 2017). Gần như làng xã nào cũng có đình làng, nhưng do điều kiện khí hậu (lũ lụt, thiên tai…), sự tàn phá của chiến tranh nên hầu hết các đình làng đều bị hư hỏng. Mặc dù người dân nỗ lực dựng lại đình làng của họ, nhưng việc xây dựng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu (Đình Lỗ Giáng).

TP Đà Nẵng hiện nay có 02 di tích quốc gia đặc biệt , 17 di tích cấp Quốc gia, 63 di tích cấp TP và 39 di tích nằm trong danh mục kiểm kê, 06 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia; 06 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục quốc gia . Bên cạnh đó, TP đã số hóa, tư liệu hóa 3.300 tư liệu về văn hóa phi vật thể trên địa bàn để phục vụ công tác tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và quảng bá với công chúng. Trong số các di sản văn hóa kể trên, Đà Nẵng có 05 đình làng xếp hạng di tích cấp quốc gia , 29 đình làng được xếp hạng di tích cấp TP và còn nhiều đình làng chưa được xếp hạng (Doãn Hùng, 2022).

Ngoài giá trị kiến trúc, lịch sử, đình làng Đà Nẵng còn là nơi phản ánh các giá trị văn hóa sâu sắc, được đúc kết qua thời gian bằng các hình thức lễ hội truyền thống. Các lễ hội này được diễn ra theo nghi thức, tập tục truyền thống với rực rỡ cờ, hoa, hát cầu an, nhịp điệu bài chòi và nhiều trò chơi dân gian; đồng thời, lễ hội tôn vinh những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống nhằm khuyến khích người dân phát huy như tôn vinh tài năng, học sinh hiếu học … Theo thời gian, lễ hội đình làng đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân địa phương, là dịp để người dân được đắm mình trong một không gian lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Việc nghiên cứu các giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của đình làng là rất cần thiết, góp phần định hướng đúng và khoa học cho công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát bằng phương pháp điều tra xã hội học thông qua bảng hỏi cho 148 đối tượng là giảng viên, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng liên quan đến chủ đề di sản văn hóa kiến trúc đình làng tại Đà Nẵng. Kết quả cho thấy: Đa số đều có ý thức quan tâm (72.6%) và đề xuất gìn giữ các giá trị văn hóa của đình làng (96.5%). Về quá trình đô thị hóa ảnh hưởng đến các giá trị này, 79.7% xác nhận đô thị hóa có ảnh hưởng và làm mất đi di sản văn hóa đình làng Đà Nẵng. Qua đó, cần thiết phải có giải pháp gì cho việc bảo tồn, trùng tu các di tích đã nhận được các đề xuất như: 27.4% cho rằng cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền; 27.4% cần tổ chức thêm các sự kiện và lễ hội tại đình làng để quảng bá hình ảnh và lưu giữ các giá trị văn hóa; 41.1% ý kiến đề xuất cần phải bảo tồn và trùng tu lại các di tích. Như vậy, tầm quan trọng cũng như sự cần thiết gìn giữ văn hóa đình làng nhất là trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay luôn được mọi người quan tâm và cần thiết phải có các nghiên cứu khoa học về trùng tu và bảo tồn các giá trị văn hóa kiến trúc đình làng trong thời gian đến.

Giá trị kiến trúc đình làng Đà Nẵng

1. Cảnh quan và hình thức Kiến trúc

Đình làng là công trình quan trọng, nơi được người dân gửi gắm niềm tin và ước vọng vào thế giới siêu nhiên, cầu mong được cuộc sống thanh bình… vì vậy mà công trình đình làng luôn có những giá trị riêng. Khi lựa chọn địa điểm xây dựng, vị trí, thế đất, hướng đình luôn được quan tâm và thực hiện theo thuyết phong thủy. Cụ thể như đất phải có thế “rồng chầu hổ phục”, có sông nước, núi đồi làm yếu tố “minh đường, hậu chẩm”, “thủy tụ, sơn triều”. Trường hợp ghi chép trên Văn bia đình làng Túy loan mô tả: “Đây là nơi núi nước trùng điệp, rồng cọp vây quanh, là nơi đất thần kỳ…”; hay đình làng Hải Châu , trước cổng đình là hồ nước, ở giữa có ngọn giả sơn với ý niệm “tụ linh, tụ phúc”, tạo cảm giác hài hòa cho không gian cảnh quan đình làng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào vị trí và điều kiện tự nhiên, một mặt do quá trình đô thị hóa tác động nghiêm trọng đến cảnh quan tự nhiên nên nhiều đình làng ở Đà Nẵng hiện nay diện tích khuôn viên nhỏ (có thể do quy mô công trình lân cận dày đặt, tỉ lệ lớn hơn gấp nhiều lần với đình làng), không gần khu vực có ao hồ, sông nước và hướng đình cũng phụ thuộc vào điều kiện quy hoạch đô thị.

Qua nghiên cứu một số đình làng trên địa bàn TP, hình thức kiến trúc và cảnh quan đình làng có một số đặc điểm cụ thể như sau:

  • Về mặt bằng tổng thể, tổng thể kiến trúc đình làng thường được bố cục theo nguyên tắc đơn tuyến, thứ tự từ ngoài vào: Cổng đình – bình phong – sân rộng – chính điện – hậu tẩm nằm theo trục Dũng đạo làm tăng thêm vẻ uy nghiêm và tính linh thiên. Các thành phần kiến trúc này xác lập giới hạn của không gian lễ hội. Qua nghiên cứu, đình làng Đà Nẵng có 02 hình thức bố cục phổ biến: (i) kiểu hình chữ “nhất” (一) (xuất hiện ở giai đoạn đầu đến cuối thế kỷ 19) và (ii) kiểu hình chữ “đinh” (丁) (xuất hiện và phổ biến ở nửa đầu thế kỷ 20).
  • Về công trình ngoại vi (cổng ngõ, bình phong): Cổng đình làng chủ yếu có 02 loại: (i) cổng đơn (đình làng Phước Trường) và (ii) cổng tam quan (đình làng Nhơn Thọ). Cổng đình được xây bằng gạch, vữa vôi; trên mỗi cửa đều tạo cổ lâu, tạo mái và được trang trí rất cầu kỳ, trên nóc cổ lâu gắn trang trí hình rồng khảm sành.

Sau khi qua phần cổng sẽ đến bình phong án ngữ giữa lối đi chính trên trục Dũng đạo. Bình phong có ý nghĩa “tiền án” trong thuật phong thủy. Đa số bình phong có cùng mô típ trang trí cuốn với các đắp khảm sành sứ hoặc tô vẽ cả hai mặt như: Cá hoá rồng, hình hổ, long tàng vân, phượng hoàng xoè cánh và long mã tải đồ (hoặc bát quái) lướt trên hoa văn thuỷ ba…

Hai bên đình thường là các miếu thờ Thổ công, miếu thờ Hội đồng hoặc miễu thờ nữ thần (có thể là một trong các nữ thần sau: Năm Bà Ngũ Hành, Chúa Ngọc,…).

  • Phần Chính điện: Chính giữa điện người ta đặt một bàn thờ dùng để đặt đồ lễ mỗi khi cúng đình và cũng có nơi dùng làm chỗ cho các chức sắc chầu lễ, cầm chầu (mỗi khi hát Bội) hoặc hội họp. Về kiến trúc, đình có hình thức mang dáng dấp của ngôi Rường xứ Quảng ba gian hai chái hoặc một gian hai chái. Kết cấu nhà ngày xưa được làm bằng khung gỗ tạo thành từ hệ thống cột kèo và các bộ phận liên kết cột phức tạp. Cách thức liên kết là nhờ vào hệ thống mộng và các con nêm tạo thành bộ khung nhà vững chắc. Tuy nhiên, hiện nay số lượng đình được làm hoàn toàn bằng gỗ còn khá ít, vì đã xuống cấp, hư hỏng và bị tàn phá bởi chiến tranh cũng như thiên tai. Phần lớn những ngôi đình đã được trùng tu và xây mới trong những năm gần đây thì phần lớn kết cấu được làm bằng bê tông cốt thép thay cho hệ khung gỗ. Tường bao che được xây bằng gạch. Mái đình lợp ngói mũi hài, hai đầu hồi xây bít đốc hoặc làm bốn góc đầu đao cong. Trên nóc đình là hai con rồng chầu mặt nguyệt, tục gọi là “lưỡng long chầu nguyệt” hay “lưỡng long tranh châu”.

  • Phần Hậu tẩm: Người ta trang hoàng các bức hoành phi, câu đối, khám thờ, các mảng phù điêu,…Tất cả đều được chạm khắc, sơn son thếp vàng đẹp đẽ, tinh tế với nội dung thể hiện sự ước vọng về cuộc sống bình an của con người, ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân. Đặc biệt đây còn là nơi lưu giữ các bảng Sắc phong của các vua nhà Nguyễn dành cho các vị thần như Thành hoàng làng, Bà Diễn Phi Chúa Ngọc, Bà Ngũ Hành… Ở gian này, đối tượng thờ chính là Thành hoàng làng, là nơi thờ cúng linh thiêng nhất của đình, hậu tẩm bao giờ cũng xây bịt kín ba mặt, chỉ có một cửa nối thông với gian giữa của chính điện, tạo ra một khoảng không gian nhỏ hẹp, đóng kín, tạo cảm giác trang nghiêm.

Ngoài ra, ở hiên phụ (cất dọc theo các gian chính), có thờ thêm Tả ban, Hữu Ban, Tiên sư, Tiền hiền, Hậu hiền,… Và tùy theo diện tích đình, mà có thể có thêm nhà trù để hương chức, ban tế tự hội họp, để dân làng qui tụ chuẩn bị lễ cúng tế mỗi khi đến mùa Lễ hội.

2. Nghệ thuật trang trí tại Đình làng Đà Nẵng

Kiến trúc đình làng luôn gắn liền với các họa tiết trang trí, điêu khắc (Ngô Thị Hường, 2011). Các hình thức trang trí, điêu khắc là tương đối khác với đình làng Bắc bộ. Họa tiết trên đình làng ở Đà Nẵng chủ yếu là “tứ quý”, “bát quả”, “bát bửu”, “tứ linh”, “bát vật”… được hoàn thiện bằng vôi, vữa, khảm sành, sứ, thủy tinh, xà cừ… nhằm đảm bảo độ bền và phù hợp với điều kiện khí hậu. Trong đó, nổi bật nhất là các linh vật (tứ linh) được trang trí tại đình làng Đà Nẵng: long (rồng), ly (lân), quy (rùa) và phụng (phượng), đây là biểu trưng của tín ngưỡng, đóng vai trò chủ đạo trong các họa tiết trang trí trong toàn thể kiến trúc đình làng. Hình tượng rồng được điêu khắc trên các phần mái, được đắp nổi uốn khúc quấn mình trên các trụ/cột (đình Nhơn Thọ, Đa Phước, Trung Lương, Cổ Mân). Ngoài ra, lân phụng cũng được điêu khắc, chạm trổ trên các thành phần khác của công trình đình làng. Điều ngạc nhiên là các linh vật được sử dụng trong hầu hết các đình làng tại Đà Nẵng nhưng kiểu thức trang trí đều luôn tạp nét riêng biệt, không lẫn lộn với các đình làng khác.

Có thể thấy, các chi tiết tứ linh, bát vật cũng như nghệ thuật đắp khảm, điêu khắc trong trang trí đình làng là vô cùng phong phú. Điều quan trọng là các hình tượng điêu khắc này được phóng tác và theo các quy chuẩn nào thì đến nay vẫn chưa xác định được. Bởi lẽ mỗi công trình đều có đặc điểm, phong cách và dấu ấn riêng biệt. Để tiếp tục gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật trang trí trên kiến trúc đình làng nói riêng và các công trình kiến trúc truyền thống nói chung, nhất thiết phải có những nghiên cứu hệ thống, bài bản và khoa học nhằm góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Một vài giải pháp về bảo tồn Văn hóa Đình làng tại Đà Nẵng

Trong xây dựng và phát triển đô thị, các giá trị hình thành xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa tùy thuộc vào từng thời điểm – giai đoạn khác nhau, phản ánh giá trị thực tế các hệ thống các quan niệm và nhận thức của xã hội trong việc tạo lập và phát triển đô thị. Để TP Đà Nẵng phát triển toàn diện, việc đầu tư nghiên cứu và khai thác các đặc trưng, bản sắc riêng là điều rất cần thiết. Chính những đặc trưng riêng này, sẽ hình thành tổng thể các yếu tố tạo nên các giá trị, sắc thái, dấu ấn riêng cho mỗi khu vực ở và tổng thể đô thị Đà Nẵng. Việc khai thác và quảng bá hiệu quả các công trình văn hóa đình làng, tổ chức các hoạt động cộng đồng nhằm gắn kết người dân sẽ góp phần tạo nên nhiều không gian công cộng, giúp kết nối được các giá trị lịch sử từ truyền thống đến hiện đại. Việc quan tâm đến lợi ích cộng đồng bằng cách khai thác, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử có giá trị đặc biệt trong việc tạo lập các đặc điểm riêng cho đô thị Đà Nẵng.

Về tính chất, mặc dù nhận được rất nhiều sự quan tâm của chính quyền, người dân (thông qua khảo sát) nhưng thực tiễn cho thấy các hoạt động ở đình làng chỉ diễn ra vài ngày trong năm vào ngày lễ, tết, hội…. Có thể phân tích và nhìn ra một số lý do như sau: (1) Đời sống xã hội có nhiều thay đổi, nhiều hình thức giải trí kết nối thật sự hữu hiệu hơn không gian đình làng, điều này đã thu hút người dân với các hoạt động giải trí phù hợp nhu cầu cá nhân. Thêm vào đó, không gian đình làng chủ yếu tổ chức các hoạt động mang tính tâm linh, diễn ra theo thời điểm và tính chất hoạt động yêu cầu sự trang nghiêm nên ít thu hút được đối tượng là thanh niên, trẻ em trong đô thị; (2) vị trí trung tâm của đình làng đối với khu ở đã không được phát huy đúng mức, nhiều hạng mục của công trình đình làng chưa chú ý bố trí không gian cây xanh, cảnh quan; (3) chưa tổ chức được nhiều hoạt động kết nối để người dân nhận thức về một không gian cộng đồng – đình làng, mà ở đó không chỉ diễn ra các hoạt động lễ tế, mà còn là những hoạt động đời thường, gần gũi với người dân. Duy trì hiệu quả các hoạt động của người dân, đây mới là mấu chốt để các giá trị đình làng được phát huy, nghệ thuật kiến trúc, văn hóa đình làng được bảo tồn và gìn giữ, không gian cộng đồng gắn chặt với Đình làng được “hồi sinh”.

Về kỹ thuật, để bảo tồn và trùng tu các di sản văn hóa, các phương pháp truyền thống như đo đạc, khảo sát hiện trạng, chụp ảnh, vẽ ghi công trình, thu thập dữ liệu… đã được thực hiện thường xuyên. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật là điều cần thiết. Các giải pháp trong thời gian đến cần tiếp tục sưu tầm các tài liệu có giá trị về mặt lịch sử, tổng hợp và phân tích hệ thống nghệ thuật kiến trúc đình làng, kết hợp với phân tích công trình hiện tại bằng các thiết bị công nghệ… xây dựng các chương trình thực tế ảo để mô phỏng và quảng bá hiệu quả, nhất là khai thác hiệu quả GIS (Geographical Information System) nhằm phục vụ quản lý và bảo tồn và phát huy di sản văn hóa (Phan Thị Phương Thảo, 2022).

Về con người, các hoạt động bảo tồn, trùng tu rất cần thiết các chuyên gia khoa học, các nhà văn hóa tham gia xuyên suốt và quyết tâm phục dựng lại các giá trị văn hóa nghệ thuật của Đình làng; Các nhà quản lý đô thị cần xây dựng các chính sách và kêu gọi, bố trí ngân sách để phục dựng lại không gian cộng đồng, không gian truyền thống trong đô thị và cuối cùng, cần có nhiều giải pháp thúc đẩy nhận thức, vai trò của người dân trong việc tham gia, đóng góp vào việc bảo tồn và trùng tu các giá trị văn hóa của đình làng.

Kết luận

Đình làng là không gian văn hóa đặc trưng của người dân Việt, ở đó, phản ánh đầy đủ các nếp nghĩ và văn hóa đặc trưng của một nhóm người; là tập hợp nhiều giá trị về văn hóa – kiến trúc – điêu khắc – lịch sử để trở thành biểu tượng, di sản văn hoá quý báu của người dân Việt. Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị phục vụ kinh tế xã hội, nhiều công trình đình làng đã chịu tác động mạnh mẽ bởi quá trình này. Đô thị hóa mang lại nhiều giá trị tích cực, nhưng cũng đồng thời gây ra những tác động không nhỏ đến giá trị văn hóa truyền thống trong đó có di sản văn hóa – kiến trúc đình làng. Nếu chúng ta không nhìn nhận vấn đề đúng mức, xây dựng kế hoạch và ban hành các chính sách phù hợp thì những giá trị văn hóa này ngày càng mai một. Vì vậy, việc bảo tồn, trùng tu và lưu giữ các giá trị văn hóa kiến trúc đình làng ở Đà Nẵng là việc làm cấp bách, cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, các cơ quan, ban ngành liên quan và nhân dân TP. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa kiến trúc đình làng là rất cần thiết.

Đà Nẵng trong những năm qua đã nỗ lực xây dựng không gian đô thị hiện đại và phát triển, đạt được những thành tựu hết sức to lớn, được người dân tự hào, bạn bè khắp nơi yêu quý. Đà Nẵng tiếp tục xác định là đô thị sáng tạo: Sáng tạo trong việc tìm động lực, sáng tạo trong cách tiếp cận, sáng tạo trong xây dựng tầm nhìn, sáng tạo trong phát triển nguồn nhân lực trí tuệ. Việc quan tâm gìn giữ bản sắc văn hóa kiến trúc đình làng là việc làm vô cùng ý nghĩa, chính những không gian cộng đồng này sẽ góp phần dung hòa được các giá trị riêng trong đô thị, giúp người dân đô thị kết nối bằng nhiều hoạt động ở không gian cộng đồng, hiểu về nguồn cội, bản sắc văn hóa người Việt… góp phần xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng.

KTS Phan Bảo An
KTS Đỗ Như Bảo
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2022)

Tài liệu tham khảo
1. Doãn Hùng. (2022, 07 14). Giữ hồn cho phố. Retrieved from Bảo tàng Đà Nẵng: http://baotangdanang.vn/giu-hon-cho-pho-ky-2-cuoc-giang-co-giua-bao-ton-va-phat-trien.html;
2. Hồ Tấn Tuấn, L. X. (2012). Đình làng Đà Nẵng. Đà Nẵng: Đà Nẵng;
3. Ngô Thị Hường. (2011). Nghệ thuật trang trí Đình làng Đà Nẵng. Tạp chí Lịch sử tỉnh Bình Dương, 18, 23-27;
4. Phan Thị Phương Thảo, L. T. (2022, 07 14). Tạp chí Kiến trúc Việt Nam. Hệ thống di sản và xu hướng khai thác giá trị di sản tại Việt Nam, 46. Retrieved from Hội kiến trúc sư Việt Nam: https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/he-thong-di-san-va-xu-huong-khai-thac-gia-tri-di-san-tai-viet-nam.html;
5. Viện Bảo tồn di tích. (2017). Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích (Vol. 1). Hà Nội: Văn hóa Dân tộc.

Xổ số miền Bắc