Miệt mài giữ gìn tinh hoa văn hóa dân tộc Mông

Biên phòng – Có lẽ, cái tên nghệ nhân dân tộc Mông – Ly Seo Hồ, thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố đã trở nên gần gũi, quen thuộc không chỉ với đồng bào dân tộc Mông huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, mà còn với nhiều du khách trong nước và quốc tế, bởi suốt hơn 60 năm qua, ông miệt mài giữ gìn, giới thiệu và quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc Mông đặc sắc. Ông xứng đáng là cây đại thụ giữa đại ngàn, tựa cây sa mu hiên ngang giữa đất trời cao nguyên trắng Bắc Hà. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, ông Hồ vẫn miệt mài biểu diễn và truyền dạy văn hóa dân tộc Mông để giữ gìn tinh hoa cho muôn đời sau.


Mặc dù tuổi cao, sức yếu, ông Hồ vẫn miệt mài biểu diễn và truyền dạy cho con em, bè bạn để giữ gìn văn hóa dân tộc cho muôn đời sau. Ảnh: Trần Hường

Năm 2022, mặc dù đã bước sang tuổi 80, song, bài võ cổ truyền của nghệ nhân Ly Seo Hồ vẫn còn kình lực, thao tác dứt khoát, điệu múa sênh tiền, múa khèn vẫn uyển chuyển, tiếng khèn khi trầm khi bổng, tràn đầy sinh lực, nhựa sống. Hơn 60 năm miệt mài học tập, trau dồi, cùng với sự đam mê của mình, ông Hồ đã “bắc cầu nối” để quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc Mông đến với công chúng, nhất là khách du lịch tại nhà và chợ đêm Bắc Hà vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần.

Đến bây giờ, ông Hồ không nhớ nổi đã có bao nhiêu đoàn khách đến nhà mình xem ông biểu diễn và bao lần ông biểu diễn ở chợ đêm. Ông cũng không biết rằng, việc mình đang làm đã góp phần không nhỏ thu hút khách du lịch đến với Bắc Hà, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, mang bản sắc văn hóa dân tộc nguyên sơ, đặc sắc mà khách du lịch yêu thích khám phá, tìm hiểu. Các công ty lữ hành du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng được lợi từ việc đưa khách đến với Bản Phố, đến với nhà ông Hồ tìm hiểu về văn hóa truyền thống, trong khi họ không mất chi phí nào cả. Còn với ông Hồ, được biểu diễn cho mọi người là niềm vui và đam mê, không toan tính thiệt hơn.

Ông Hồ bảo: “Năm 1962, đồng bào Mông xã Bản Phố được Bác Hồ gửi thư khen về thành tích xóa nạn mù chữ, bổ túc văn hóa, nên ai nấy đều tự hào, động viên nhau học Bác, ra sức phấn đấu, rèn luyện, cống hiến”. Bởi vậy, trong suốt cuộc đời mình, ông Hồ luôn tin Đảng, kính yêu Bác Hồ, điều ông học được từ Bác là sống thanh cao, giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc… “Học theo Bác Hồ dạy, mình cũng phải giữ gìn bản sắc dân tộc Mông của mình. Mình cũng già rồi, song vẫn biểu diễn múa khèn, múa sênh tiền cho khách xem bản sắc dân tộc Mông đặc sắc. Mình còn phải dạy cho con cháu, cho thật nhiều họ hàng xung quanh để lan tỏa văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Mông” – ông Hồ chia sẻ.

Vốn tâm huyết với văn hóa truyền thống, ông Hồ không giữ lại riêng cho mình mà truyền dạy cho anh em họ hàng và bất cứ ai có niềm say mê văn hóa dân tộc để giữ gìn tinh hoa của đời mình, của dân tộc Mông cho muôn đời sau. Hiện tại, ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Hồ cũng có khá nhiều môn sinh, người thì học múa gậy sênh tiền, người thì học khèn, song chỉ đạt đến trình độ sơ đẳng, trung bình. Còn đệ tử chân truyền cũng chỉ có 6 người, hiện đạt đến trình độ khá.

Đến nay, ở huyện Bắc Hà, một số trường học và nhiều thôn ở các xã vùng đồng bào dân tộc Mông khu vực trung và thượng huyện đều có đội văn nghệ dân tộc Mông, duy trì biểu diễn phục vụ sinh hoạt, giải trí cho các em học sinh học bán trú và các ngày lễ, hội địa phương. Đặc biệt, với xã Bản Phố, hiện 100% số thôn, bản, cả 3 cấp trường đều có đội văn nghệ. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông đã và đang mở ra cơ hội mới phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương. Có được kết quả này có công lao không nhỏ của các nghệ nhân văn hóa, trong đó, nổi bật là vai trò của nghệ nhân Ly Seo Hồ.


Nhờ ông Hồ và các nghệ nhân vùng đồng bào Mông, nhiều thanh thiếu nhi được học và biểu diễn thuần thục, sáng tạo các các điệu múa sênh tiền… Ảnh: Trần Hường

Nhờ sự truyền dạy của các nghệ nhân, nhất là từ ông Ly Seo Hồ đến nay, 100% chi đoàn thôn, nhất là các đồng chí Bí thư chi đoàn đều biết các điệu khèn, các điệu múa sênh tiền. Anh Vàng Seo Lú, Bí thư Đoàn xã Bản Phố, huyện Bắc Hà cho biết: “Đoàn xã đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc Mông gắn với du lịch. Đến nay, mỗi thôn, bản có một đội văn nghệ với nòng cốt là đoàn viên, thanh niên. Ở các trường học đều có các đội văn nghệ thể thao dân tộc Mông, mỗi em học sinh cấp 1, 2 đều có một cây gậy sênh tiền để tham gia văn nghệ vào những ngày đầu tuần, ngày cuối tuần và ngày khai giảng, hoặc nhân các dịp lễ, Tết. Các đội văn nghệ này thường xuyên tham gia biểu diễn ở chợ đêm Bắc Hà tối thứ bảy hằng tuần, hoặc các hoạt động của huyện, xã”.

Nhiều năm trôi qua, nhiều bạn bè, khách du lịch trong nước và quốc tế được xem miễn phí những điệu múa võ cổ truyền, múa khèn, múa sênh tiền, còn các môn sinh, đệ tử được truyền dạy không công. Học và làm theo gương Bác, nghệ nhân Lý Seo Hồ tích cực đóng góp công sức cùng huyện Bắc Hà bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch trường tồn, sống mãi với thời gian.

Trần Thị Hường

Xổ số miền Bắc