Ngành nail, bên bờ vực thẳm trong đại dịch COVID-19

Mấy ngày này, chỉ có mỗi mình Juyoung Lee ngồi trong tiệm Beverly Nail Studio ở Flushing, Queens. Tiệm do cô làm chủ. Không gian yên tĩnh một cách kỳ lạ những lúc vắng khách. Lee ngồi một mình. Khóc. Rồi tự an ủi: “Có lẽ ngày mai sẽ đỡ hơn. Ngày mai sẽ bận rộn hơn.”

Làm chăm chỉ đến mấy cũng không đủ sống

Giống như các tiệm nail ở khắp thành phố New York, tiệm nail của Lee phải đóng cửa khi đại dịch ập đến vào tháng Ba. Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ vào tháng 7, khách ào tới, điện thoại đặt hẹn reo tới tấp, tiệm làm không kịp. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Các cuộc hẹn bắt đầu thưa dần. Còn bây giờ, hầu như chẳng ai buồn nghĩ đến chuyện làm đẹp bộ móng.

30 năm trước, rời Hàn Quốc, Juyoung Lee đến thành phố New York. Lúc ấy, vì vốn tiếng Anh còn hạn chế, cô chỉ có thể tìm việc trong các ngành giặt hấp, may mặc và tiệm nail. Sau hơn 20 năm, cô mở một tiệm của riêng mình.

Tiệm nail sống nhờ khách. Bây giờ khách không đến, nhiều doanh nghiệp trong ngành làm đẹp này đứng trước bờ vực thẳm. Đây quả là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp mưu sinh chính cho nhiều phụ nữ nhập cư.

Ở khu thương mại Manhattan, khách không đến tiệm nữa, một phần do họ sợ lây bệnh. Ở nhiều tiệm, không ít khách hàng quen thuộc bỗng ‘biến’ luôn. Họ đang làm việc ở nhà, hoặc đã rời thành phố.

Với 26 năm kinh nghiệm làm móng và 20 năm tằn tiện, đầu tư vào công việc kinh doanh của chính mình, Lee, 53 tuổi, cho biết cô không thể tưởng tượng nổi điều gì đang xảy ra. “Trước đây dù có khó khăn đến mấy, tôi vẫn có khả năng thanh toán các hóa đơn. Nhưng bây giờ, dù có làm việc chăm chỉ đến đâu, tôi cũng không kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống” Lee nói.

Những mảnh đời, cảnh nghề

Theo một báo cáo năm 2018 do Trung tâm Lao động UCLA thực hiện, 80% KTV làm móng trên toàn quốc là phụ nữ, trong đó 79% không phải là công dân Hoa Kỳ.

Prarthana Gurung, giám đốc chiến dịch tại Adhikaar, một trung tâm làm việc người Nepal, nơi hỗ trợ gần 1.300 nhân viên tiệm nail nói tiếng Nepal ở thành phố New York, cho biết phụ nữ lớn tuổi kém linh hoạt hơn trong nghề nghiệp, nếu ngành này tiếp tục phát triển. Gurung nói: “Nhiều phụ nữ làm trong ngành nail cả mấy thập kỷ, đương nhiên tình trạng này chắc chắn xảy ra.”

Hannah Lee, 60 tuổi, là một trong những người phụ nữ đó: Kể từ khi đến Hoa Kỳ, cô ấy chỉ làm việc trong các tiệm nail. Trước đó, Lee miễn cưỡng rời Hàn Quốc sau khi chồng cô thuyết phục cô rằng sẽ có công việc tốt hơn ở xứ sở Cờ Hoa.

Mặc dù nhớ Hàn Quốc nhưng cô không phàn nàn – là một nhân viên thẩm mỹ viện, Lee đã học tiếng Anh để làm việc, tiết kiệm đủ để con trai học đại học và luôn trả tiền thuê nhà đúng hạn.

Ngay cả bây giờ, Lee nhận ra rằng cô ấy thật may mắn khi được thuê lại tại các tiệm ở Queens và Manhattan, nơi cô đã làm việc trước đại dịch. Nhưng giờ đây, có ngày đi làm, cô chỉ được nhận vài đồng tiền tip, có khi đi làm cả ngày về…tay không.

Mức lương của cô giảm mạnh từ 1,000 USD mỗi tuần xuống còn 300 USD. Ở tuổi này, Hannah không muốn đổi nghề. Và dù sức khỏe không còn được như trước, Hannah vẫn đang tìm kiếm công việc liên quan đến nghề nail, nhưng không phải “làm công ăn lương” nữa. “Tôi chỉ muốn cảm thấy thoải mái với cuộc sống của mình. Tôi không muốn lo lắng khi đi làm mà cứ lo, không biết hôm nay khách khứa thế nào. Đi làm lỡ ‘dính’ coronavirus thì sao?”, Hannah nói với The New York Times bằng tiếng Hàn.

Ở Jackson Heights, Queens, Mariwvey Ramirez, 38 tuổi, gần đây đã quay trở lại làm việc sau hai lần thất nghiệp vì COVID-19. Lần đầu tiên, vào tháng Ba, Ramirez phải ở nhà vì tiện đóng cửa. Do không có giấy tờ tùy thân, cô không đủ điều kiện để nhận tiền thất nghiệp. Ngay cả bây giờ, Ramirez, một bà mẹ đơn thân, chỉ được thuê lại bán thời gian. Lương hàng tuần của cô ấy trước đây là 700 USD, giờ chỉ còn 400 USD.

18 năm trước, Ramirez từ Mexico đến Mỹ cùng anh trai, người đã có 17 năm làm trong ngành thẩm mỹ viện. “Tôi không biết làm gì khác, trong suốt ngần ấy năm, tôi đã làm việc trong các tiệm nail – thực sự là cả cuộc đời tôi,” cô nói bằng tiếng Tây Ban Nha.

Điều đáng mừng duy nhất, là nhờ dịch bệnh, cô mới có thời gian rảnh để ghi danh tham gia một lớp học tiếng Anh – một phần để mở rộng cơ hội việc làm, nhưng phần lớn là để thăng tiến trong ngành làm móng khi đại dịch qua đi.

Niềm vui qua mau

Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 10 đối với 161 chủ tiệm làm móng ở New York, số lượt khách ghé vào tiệm nail ở tiểu bang này giảm hơn 50% và doanh thu giảm hơn 40%.

Hiệp hội kỹ thuận viên (KTV) làm nail New York cho biết, tính đến tháng Tám chưa đến một nửa trong số 594 KTV được khảo sát trở lại làm việc. Năm 2016, thành phố New York có 4.240 tiệm nail, theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ

Luis Gomez, chủ tịch hiệp hội trên cho biết: “Lực lượng chính ở các tiệm nail là những người lao động nhập cư, sống chủ yếu bằng đồng lương. Nhiều người trong số họ phải nuôi sống gia đình có người già yếu, bệnh tật ở quê nhà. Sự suy thoái và ảnh hưởng của đại dịch, chúng tôi dự đoán sẽ có nhiều người lao động rơi vào cảnh nghèo đói.”

Ở Queens, Rambika Ulak KC, 50 tuổi, cho biết hồi tháng 7, lúc được mở cửa trở lại, cô mừng lắm vì khách đến rất đông. Tiệm đông tới mức cô thuê lại tất cả 10 nhân viên bán thời gian. Nhưng hiện tại, mỗi ngày tiệm cô chỉ có bốn khách ghé vào. Ulak bỏ học đại học ở Nepal để đến Hoa Kỳ. Khi mắc bệnh hội chứng ống cổ tay – một dạng bệnh nghề nghiệp, lại thêm hay bị khách mắng vì tiếng Anh quá kém, Ulak chỉ biết dán mắt vào những bức ảnh của con gái, dán trên tường. Nhưng giờ đây, tay không đau, chẳng có ai mắng mỏ, Ulak còn có nhiều thời gian hơn, để ngắm hình con gái.

Các tiệm nail được mở cửa trở lại vào tháng Bảy với công suất 50%. Khu vực ngồi chờ bị cấm và tiệm chỉ được nhận khách lấy hẹn trước.

Tiến sĩ Joshua Zeichner, giám đốc nghiên cứu mỹ phẩm và lâm sàng tại Bệnh viện Mount Sinai ở Manhattan, cho biết: “Thật ra các dịch vụ trong nhà gây ra nhiều rủi ro lây truyền virus hơn. Với tiệm nail, nếu mọi người đeo khẩu trang và khách hàng đứng giãn cách, thợ và khách có tấm che, sẽ an toàn hơn là trong tiệm ăn uống.”

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo trong ngành lo lắng rằng các thẩm mỹ viện sẽ không thể lấy lại niềm tin hoàn toàn của khách hàng. Không ai biết lúc nào mọi chuyện mới trở lại như xưa, cho đến khi vaccine được sử dụng rộng rãi.

Đ. TRANG (Theo The New York Times)

Xổ số miền Bắc