Ngồi vào chiếc ghế của cha

(VHQN) – “Mi đậu rồi kìa!”. Giọng ai như giọng thằng Sĩ, bạn học cùng xóm của tôi. Rời mắt khỏi cái chân vịt máy may, tôi ngoái cổ nhìn ra. Qua hàng rào thưa là cái dáng thấp bé của thằng bạn vừa vịn xe đạp vừa ngước mặt để lặp lại với tôi câu nói ấy. Sĩ báo tôi đậu vào đệ thất mà sao mặt hắn chẳng vui. “Ủa, rứa hả, còn mi thì răng?”. Cái lắc đầu và gương mặt buồn của thằng bạn thay cho câu trả lời. Chẳng nói chẳng rằng, Sĩ chỉnh chiếc ghi đông rồi phóc lên xe, đạp thẳng. Cặp mông nhoi qua vặn lại của hắn trên yên xe khuất dần sau hàng rào.

Minh họa: HIỂN TRÍMinh họa: HIỂN TRÍ

Để ý hắn buồn làm chi cho mệt, dù Sĩ là bạn thân của tôi! Chừ là lúc tôi phải nhanh chân đến trường coi bảng. Cha tôi đứng sau lưng nãy giờ cũng buông tay. Ông đang bày tôi một công đoạn khó, đòi hỏi sự tỉ mẩn, chuyên chú trên máy may khi gắn phần cổ áo sơ mi vào thân áo.

Từng chi tiết tinh tế, từ cách ghìm chân rồi tăng tốc trên bàn đạp để đường chỉ thanh thoát đến cách ngoặt đôi tay khi chân vịt đi qua các đường vòng cung, không để khóe vải lòi thừa và đường chỉ may phải đi sát mép viền, ông cầm tay con trai mình bày đi bày lại bao lần rồi mà đường may của tôi vẫn còn vụng.

“Vô cổ” có lẽ là đoạn gian lao, công phu nhất trong hành trình may áo sơ mi. Cha đã la rầy tôi trước đó bao lần vì thấy thằng con lơ đãng, lắm lúc không chịu dán mắt vào chân vịt máy may.

Cha quên mất hôm nay trường Phan Châu Trinh – ngôi trường công lập hiếm hoi của thành phố Đà Nẵng- treo bảng công bố kết quả kỳ thi vào đệ thất, nên chẳng để ý con mình từ sáng đến giờ cứ nôn nao lo lắng.

Đậu vào trường này để tiếp tục bảy năm đèn sách ở bậc trung học mà không tốn đồng bạc nào của cha mẹ là ao ước lớn của bao đứa trẻ vừa qua bậc tiểu học, nhất là với con em các gia đình lao động nghèo, phải bươn chải hằng ngày.

Mấy đêm rồi tôi nhiều lúc chập chờn vì mải lo chẳng biết có tên mình trong tấm bảng gỗ màu xanh đặt giữa sân rợp tán bàng ở ngôi trường mơ ước kia không.

Ba chân bốn cẳng, tôi tức tốc đạp xe đến trường. Tấm bảng gỗ kia rồi, quá nhiều người vây quanh, tôi cố dò tìm tên mình hoặc tên người thân. Đứng chờ hồi lâu trong tiếng ồn đủ giọng buồn vui, cuối cùng tôi cũng chạm tay vào tấm lưới mắt cáo để rướn người dán mắt vào bảng danh sách.

Tên tôi kia rồi, trong tờ giấy thứ ba. Vậy là thằng Sĩ không đùa, mình đậu thật rồi. Khom khom thoát khỏi đám đông với lưng áo ướt đẫm mồ hôi, tôi nghe như mình đang bay…

*
*         *

Có tiếng lắc nhẹ từ chiếc chân ghế rung rinh theo nhịp vui vào lúc tôi thấy tim mình đập nhanh hơn. Tôi đang ngồi vào chiếc ghế may của 55 năm trước. Ghế ấy vẫn còn đặt bên cạnh chiếc máy may hiệu Mitsubishi trong không gian thanh vắng ở nhà mẹ tôi bây giờ.

Mỗi lần từ nơi xa trở về, tôi vẫn một mình sè sẹ ngồi vào thân ghế cũ, tay run run mở hộc thọa nhỏ của bàn máy may đã mòn nước sơn để rưng rưng gặp lại mình. Gặp lại tôi không chỉ ở buổi sáng ngày hè ngồi học may bên dáng cha kèm cặp sau lưng nhưng hồn mãi vẩn vơ sau kỳ thi tuyển đệ thất mà còn ở nhiều khoảnh khắc xôn xao của thời trai trẻ qua bao đồ vật và vết tích còn ấm nóng hương xưa.

Đây rồi, có tôi trong mẩu phấn vụn mỏng manh ở chiếc hộp nhỏ mà cha vẫn thường gom giữ sau mỗi bữa cắt may. Tôi nghe đâu đây hơi ấm từ bàn tay ông – bàn tay với chiếc móng của ngón tay cái luôn được nuôi dài hơn so với các ngón khác.

Người thợ dùng ngón này để miết và vạch đường vải theo đúng nếp gấp khi cắt lẫn lúc may. Cha vẫn thường nhắc con cháu tiết kiệm vật liệu và các hộp nhỏ với các mẩu phấn vụn, hạt nút đủ cỡ kia thì không bao giờ thiếu vắng trên bàn cắt hay trong các hộc thọa của chiếc máy may.

Đây rồi, có tôi trong cuộn chỉ gỗ đã ngả màu dưới mồ hôi tay người, những thân kim sáng loáng với đoạn chỉ dở dang. Cha tôi đi xa mười mấy năm rồi mà các thân kim với từng đoạn chỉ đủ màu hãy còn ngăn nắp, như sẵn sàng chờ bàn tay người thợ trong các công đoạn không thể dùng đến máy móc, công nghệ. Hiện về bên tôi thằng bé tóc ca rê nhíu mắt bặm môi cố xâu cho được sợi chỉ đôi qua lỗ kim vàng óng bé xíu mỗi lần cha tôi nhờ.

Đây rồi chiếc vòng vải bảo vệ ngón tay giữa tránh đuôi kim làm thủng da mình mỗi khi đơm khuy hoặc tra nút cho chiếc áo chiếc quần vừa may xong, viên sáp dẻo màu vàng chằng chịt vết chỉ xẻ sâu, cây viết chì hai màu xanh đỏ, những dụng cụ nhỏ nhắn không thể thiếu bên cạnh người thợ may. Tất thảy như còn nguyên hơi ấm tay người.

Thương con, không muốn con mình rơi vào cảnh khó khăn túng quẫn như ông từng gánh chịu thời trẻ, cha gắng bày cho tôi và các em tập may từ lúc nhỏ. “Có nghề trong tay thì không sợ đói. Chữ nghĩa nhiều khi không làm no cái dạ dày”. Giọng ông nghiêm nghị mỗi khi anh em tôi có đứa tỏ ra lơ là, không hứng thú với đường kim mũi chỉ.

Từ chiếc ghế này, nhiều buổi người thợ già với cặp mắt kiếng trễ xuống sống mũi lặng lẽ dừng chân đạp, thừ người ngồi nhìn khoảng hiên nắng và mảng trời phía trước. Tấm áo may dở trước mặt với đường chỉ nửa chừng còn tinh tươm dưới chân vịt máy may, mắt ông xa xăm.

Chiều xuống rồi, ông nhớ hai đứa cháu nhỏ vừa theo ba mẹ vào sống ở phương xa nên lại dừng tay, tự hỏi chẳng biết giờ này tan trường liệu chúng có vui. Bất giác, ông lão đứng dậy, gập bàn máy may, khoác vội chiếc áo dài tay và chụp lên đầu chiếc mũ nỉ màu xám trước khi dắt xe ra khỏi nhà.

Như mọi chiều, ông lại đạp xe về phía vườn hoa cuối phố, nơi trước đây chiều chiều hai đứa cháu vẫn thường ríu rít bên ông nội sau lúc bãi trường. Ông đến đó, mắt dáo dác trông chờ như một phản xạ của nhớ thương.

Hơi ấm chiếc ghế của cha đang khiến mắt tôi cay.

Xổ số miền Bắc