‘Người Việt học tiếng Anh lời hơn tiếng Hoa, Hàn’

Tôi làm việc với nhiều khách hàng khắp các châu lục, đều dùng tiếng Anh để trao đổi với người Trung Quốc, Nhật Bản hay Đức.

Luật sư Khanh đang làm việc tại Mỹ, chia sẻ bài viết về chuyện học ngoại ngữ thứ hai:

Khi còn nhỏ, ở thị xã quê tôi có một trung tâm sinh ngữ. Gọi là sinh ngữ vì ở đó các ngôn ngữ đang “sinh sống”, tức là được dùng nhiều, mới được dạy. Thật ra thì chỉ có ba ngôn ngữ: Anh, Pháp và Hoa. Tiếng Anh thì có rất nhiều lớp, hai tiếng còn lại thì ít hơn.

Tôi học tiếng Anh từ nhỏ. Tuy vậy tôi cũng có đi học tiếng Hoa ở ngay trung tâm đấy. Học được một lớp vỡ lòng thì tôi bỏ, bởi lúc đó tôi cũng đang học cấp ba, bận túi bụi. Mấy chục năm sau tôi vẫn còn nói được chừng mười câu tiếng Hoa, và viết được chắc là ba chữ: nhất, nhị, tam; một gạch, hai gạch, ba gạch. Tên của tôi được dịch ra tiếng Hoa, tôi cũng không viết nổi.

Ai cũng biết rằng, thứ tiếng được nhiều người dùng nhất trên thế giới là tiếng Quan Thoại, hay tiếng phổ thông của người Trung Quốc. Nhưng đó là tiếng mẹ đẻ. Còn loại tiếng được nhiều người dùng nhất dù là tiếng mẹ đẻ hay không lại là tiếng Anh. Ngoài dân số các nước xem tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức ra thì toàn bộ dân số trên thế giới đều xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của họ, nếu có.

>> Cùng tác giả: Tôi thuê chuyên gia kèm cặp riêng 4 năm để nói tiếng Anh chuẩn

Tôi có điều kiện làm việc với rất nhiều người ở các nước khác nhau ở khắp các châu lục, trừ châu Phi. Mọi giao dịch đều đơn giản là được viết bằng email, bao giờ cũng là tiếng Anh. Các công ty luật ở Nhật dùng tiếng Anh, ở Trung Quốc cũng vậy, ở Hàn Quốc cũng vậy, Israel và Argentina cũng vậy nốt.

Vậy có nên học các ngôn ngữ khác hay không? Điều đó phụ thuộc vào nhu cầu của bạn là gì. Nếu bạn muốn sang định cư hay là việc ở Đức hay Hàn Quốc thì nên biết tiếng của nước đó.

Còn như ở Việt Nam hay đi các nước khác thì nói tiếng Anh vẫn hơn. Ở Việt Nam ngày càng nhiều các công ty Hàn Quốc sang đầu tư, biết nói tiếng Hàn cũng là một điều hay. Nhưng các chuyên viên từ Hàn Quốc sang, nhiều người cũng biết nói tiếng Anh. Điều tương tự cũng sẽ đúng với người Nhật, người Đức. Cho nên nếu biết tiếng Anh vẫn “lời” hơn hết.

Tôi đã từng nghe nhiều tranh cãi về việc liệu tiếng Hoa có trở thành loại ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, soán ngôi tiếng Anh hay không. Câu trả lời là không. Cho dù kinh tế Trung Quốc có phát triển cỡ nào đi chăng nữa. Nguyên nhân là tiếng Hoa quá khó và cực kỳ cồng kềnh, học rất khổ sở và cũng không phù hợp với việc viết lách.

Tiếng Hàn chắc cũng không khá hơn là mấy, đại khái là khó quá. Việc nên học ngoại ngữ gì phụ thuộc vào hai điều: một, là ngôn ngữ đó có bao nhiêu người nói, và hai, là mình có cần làm việc với những người nói tiếng đó không.

Còn chuyện có thành công với việc học ngôn ngữ đó không còn phụ thuộc rất nhiều vào bản thân cái ngôn ngữ đó. Không phải vô cớ mà tiếng Anh lại trở nên phổ biến tới như vậy, dù là phổ biến với tư cách ngôn ngữ thứ hai. Học ngôn ngữ thứ hai là một quá trình lâu dài, khó khăn và gian khổ. Ngôn ngữ thứ hai đó mà khó quá thì không nhiều người học nổi.

>> Tôi vò đầu vì không biết ‘Clốt Béc-na’ trong SGK là ai

Với những ai đã và đang học ngoại ngữ, ai cũng biết rằng cái tai họa lớn nhất là bỏ bao công sức thời gian mà vẫn không khá lên nổi. Cuộc đời học sinh đi học 12 năm, nếu bắt đầu học một loại ngôn ngữ nào đó từ nhỏ thì cần phải học luôn tới lúc lớn mới thành thạo đủ dùng được. Liệu bắt các em học sinh còn nhỏ đi học một thứ ngoại ngữ mà khả năng thành công thấp hơn, khả năng ứng dụng cũng ít hơn như tiếng Hàn hay tiếng Đức thì có công bằng không?

Tôi học tiếng Anh ở Việt Nam. Rất nhiều lời phàn nàn về các giáo viên tiếng Anh bậc phổ thông phát âm sai vẫn vang lên. Sau mấy chục năm phát triển tiếng Anh còn như vậy, làm sao để chúng ta tìm đâu cho ra các giáo viên tiếng Hàn, tiếng Đức “đủ chuẩn”?

Việc học ngoại ngữ đối với trẻ em Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế mở cửa. Học tiếng gì thì tùy người, nhưng với Bộ Giáo dục thì nên xem xét lại trình độ giảng dạy của giáo viên các bộ môn đấy, cùng với khả năng “theo đuổi” chương trình lâu dài của chính Bộ Giáo dục. Nay ta thí điểm, năm năm sau thí điểm thất bại, các em học sinh bắt đầu học tiếng Hàn từ lớp một sẽ như thế nào?

Việc học ngoại ngữ có lẽ là khoản đầu tư lớn nhất mà cuộc đời tôi đã nhận được. Đó cũng là khoản đầu tư lời nhất trong cuộc đời của tôi. Đôi khi tôi hậm hực với mình là vì sao không cố học thêm tiếng Hoa nhưng nghĩ lại thì quả là mình không đủ sức để theo đuổi. Dạy tiếng gì cho các em học sinh cũng vậy, người lớn nên nghĩ tới chuyện, liệu chúng ta có theo đuổi điều này được lâu dài hay không?

Khanh Huỳnh

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Xổ số miền Bắc