Những ảnh hưởng của Phật giáo với Văn hóa dân tộc – Phật Giáo Bạc Liêu

Những ảnh hưởng của Phật giáo với Văn hóa dân tộc

* Đinh Kiều Nga

Đạo Phật là một trong những tôn giáo lớn của thế giới, được ra đời vào khoảng thế kỷ VI trước công nguyên, ở vùng phía Tây Bắc Ấn do thái tử Tất Đạt Đa sáng lập, hiệu là Sakia MuNita (Thích Ca Mâu Ni)

A. Vài nét về đạo Phật

Đạo phật ra đời trong hoàn cảnh rối ren của xã hội Ấn Độ bấy giờ. Thế kỷ VI trước Công nguyên, lúc này Ấn Độ đang trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ. Sự phân chia đẳng cấp ngặt nghèo sâu sắc; Thời kỳ này xã hội Ấn Độ chia làm bốn đẳng cấp cách biệt nhau…. Đẳng cấp Bà La Môn (địa vị cao nhất); đẳng cấp Sát đế lỵ (dòng họ vua quan, quý tộc); đẳng cấp Vệ Xá (gần những người giầu có, buôn bán thủ công), đẳng cấp Thứ Đà la (nô lệ). Ngoài ra còn có một tầng lớp người thuộc hàng cùng khổ dưới đáy xã hội, bị mọi người khinh rẻ. Trước khi có sự ra đời của đạo Phật, mâu thuẫn giữa các đẳng cấp trên hết sức gay gắt được thể hiện trong những cuộc đấu tranh mang tính chất toàn xã hội. Cùng thời điểm này Ấn Độ đã và đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa các nhà duy vật và duy tâm, đấu tranh giữa các tôn giáo, bởi lẽ bên cạnh sự thống trị của đạo Bà La Môn còn có sự hiện diện của Phệ đà giáo và một số giáo phái khác, đồng thời tư tưởng duy vật thô sơ và tư duy biện chứng đã xuất hiện.

          Hoàn cảnh xã hội và những tư tưởng quan niệm trên đã trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần thúc đẩy sự ra đời của đạo Phật.

          Bỏ qua những truyền thuyết về Tất Đạt Đa tìm đường cứu khổ cho chúng sinh mà sáng lập ra đạo Phật thì có thể thấy rằng thực chất Phật giáo ra đời là do kết quả của cuộc đấu tranh gay gắt giữa các giai cấp, đấu tranh giữa thần quyền và thế quyền, giữa những người nắm kinh tế của xã hội và những người nắm tư tưởng xã hội. Cuộc đấu tranh ấy đã lôi kéo đông đảo quần chúng nghèo khổ tham gia giành bình đẳng thật sự nơi trần gian, quần chúng đã nhận được sự bình đẳng trong tư tưởng, nơi gọi là cõi Niết bàn của nhà Phật.

          Giáo lý của đạo Phật tập trung vào hai vấn đề, một là sự khổ não, hai là sự giải thoát ra khỏi khổ não ấy. Khổ não là sự luân hồi, thoát khỏi vòng luân hồi thì khỏi khổ, mà muốn thoát khỏi vòng luân hồi thì phải bỏ hết dục vọng trên trần thế. Khi thoát khỏi vòng luân hồi con người mới lên được cõi Niết bàn, là cõi cực lạc.

          Đạo Phật là một tôn giáo, có cùng bản chất như mọi tôn giáo khác, song đạo Phật còn có một số đặc điểm riêng: đạo Phật không quan niệm về đấng sáng tạo ra thế giới. Thế giới tự nó vận động, phát triển thông qua luật vô thường nhân quả. Sự vận động ấy diễn ra trong không gian và thời gian, đạo Phật sơ kỳ ở tiểu thừa mang nhiều tính duy vật những quan niệm của đạo Phật về thế giới về con người, về vận động mang hình thức biện chứng. Các giáo lý đạo Phật chứa đựng nhiều nội dung đạo đức, hướng thiện. Đồng thời cũng phủ nhận một cách gián tiếp những mâu thuẫn, xung đột xã hội.

          Với những đặc điểm đó, cùng với giáo lý của mình đạo Phật đã tìm được chỗ đứng trong lòng xã hội Việt Nam.

 

        B. Đạo Phật ở Việt Nam

        I. Sự du nhập của đạo Phật vào Việt Nam

          Xét về mặt địa lý Việt Nam nằm ở bán đảo Đông Dương, là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu tiếp xúc với các nước trong khu vực. Ấn Độ và Trung Hoa là hai nước có nền văn minh lớn cổ xưa. Việt Nam nằm cạnh hai nước, cho nên chịu nhiều ảnh hưởng của hai nền văn minh này.

          Trong những năm đầu Công nguyên, Việt Nam đang ở thời kỳ Bắc thuộc, về tôn giáo tầng lớp trên của xã hội bắt đầu chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, tầng lớp dưới có quan niệm về ông trời – đấng gây phúc họa cho con người và quan niệm đa thần giáo trong tín ngưỡng dân gian.

          Đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam ngay từ đầu Công nguyên bằng hai con đường; đường thủy thông qua con đường buôn bán với thương gia Ấn Độ. Đường bộ thông qua giao lưu văn hóa với Trung Quốc mà Trung Quốc khi ấy cũng tiếp nhận Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ. Như vậy Phật giáo Việt Nam mang cả sắc thái Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc.

          Đạo Phật truyền vào Việt Nam không phải thông qua con đường xâm lược, không phải do sự cưỡng chế của Trung Hoa mà thông qua đường giao thương buôn bán. Đạo Phật đến bằng con đường hòa bình, những giáo lý của đạo Phật về bình đẳng, bắc ái, cứu khổ, cứu nạn…gần gũi với cư dân Việt Nam do đó dễ được chấp nhận. Mặt khác thời kỳ này còn có các tín ngưỡng bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước, cộng với sự tồn tại của Nho giáo, đạo Lão được Trung Quốc truyền vào, tuy nhiên các tín ngưỡng, tôn giáo đó còn có nhiều mặt khiếm khuyết đối với đời sống tâm linh cộng đồng và đạo Phật đã bổ sung vào chỗ thiếu hụt ấy. Vì vậy đạo Phật ở Việt Nam được giao thoa bởi các tín ngưỡng bản địa, cũng như ảnh hưởng bởi đạo Lão ở Việt Nam.

        II. Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử

          Đạo Phật truyền bá vào Việt Nam, đến nay đã gần 2000 năm. Trong khoảng thời gian dài đó, do sự thay đổi của tình hình kinh tế, chính trị xã hội của đất nước, đạo Phật cũng trải qua một số bước phát triển và hình thành nên một số giai đoạn tương đối rõ rệt.

        1. Phật giáo từ đầu Công nguyên đến giữa thế kỷ VI

          Thời kỳ này Phật giáo đang trong giai đoạn phôi thai, buổi đầu của sự truyền bá. Nó mang nhiều dấu ấn của Phật giáo Ân Độ, Giao Châu khi đó đang là thuộc địa của Trung Hoa, mà Trung Hoa cũng muốn truyền bá tư tưởng của mình nên Phật giáo lúc đầu không được chính quyền ngoại xâm chấp nhận. Song do sự tồn tại và phát triển của Phật giáo ở Giao Châu, chính quyền ngoại xâm cũng phải nới dần cho sự phát triển của Phật giáo.

          Trung tâm Phật giáo lớn nhất lúc này là Luy Lâu, ở đây đã có những nhà sư Ấn Độ dịch một số kinh Phật để giảng giải cho người bản địa và có sự trao đổi về giáo lý với các nhà sư truyền bá Phật giáo theo con đường Trung Quốc.

        2. Phật giáo từ giữa thế kỷ VI đến thế kỷ X (hậu Lý Nam Đế và Bắc thuộc lần thứ 3)

          Đến thời kỳ này Phật giáo đã tồn tại và phát triển khá vững vàng ở Việt Nam. Trong đạo Phật đã hình thành một số tông phái và đã diễn ra sự tranh luận giữa các môn phái… Trên lĩnh vực truyền giáo, ngoài các nhà sư Ấn Độ và Trung Quốc đã có các nhà sư Việt Nam giỏi về giáo lý Phật tham gia.

          Phật giáo thời kỳ này không chỉ đặt vấn đề giải thoát cho mọi đau khổ của con người, mà còn đặt vấn đề giác ngộ chân lý. Giáo lý Phật ngày càng được phổ biến và chùa chiền ngày càng mở mang phát triển. Nhiều người dân tự nguyện đến với đạo Phật, có người lấy danh nghĩa Phật như Lý Phật tử… để tập hợp quần chúng gắn bó với nhau. Đạo Phật đã trở thành tiền đề cho việc trở thành quốc giáo ở giai đoạn lịch sử sau này.

        3. Phật giáo từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV

          Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng đất nước được mở ra cho dân tộc Việt Nam. Phật giáo lan rộng khắp nơi, nhiều trung tâm Phật giáo mới được hình thành.

          Các nhà sư thời nhà Đinh, Lê mà sau này cả nhà Lý, Trần cũng chú trọng phát triển Phật giáo, nhiều nhà sư trở thành quan trong triều hay được sử dụng vào việc ngoại giao với sứ Trung Quốc. Giáo lý nhà Phật lên đến đỉnh cao, các vua Lý đều tôn trọng Phật giáo. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng ảnh hưởng tư tưởng của Phật giáo. Các lễ hội mang tính Phật giáo phát triển, chùa vừa là nơi cúng Phật vừa là nơi hội tụ lễ hội, dạy học của dân làng.

          Về giáo lý tiếp tục phát triển hai phái thiền và xuất hiện một phái mới là Thảo Đường. Về thờ cúng trong Phật giáo cũng được hòa đồng với tín ngưỡng dân gian.

          Thời nhà Trần, tinh thần, ý thức dân tộc được nâng cao thêm sau kháng chiến chống quân Nguyên Mông, điều này tác động mạnh đến đời sống văn hóa xã hội. Nho giáo dần dần chiếm ưu thế do sự đòi hỏi của phát triển lịch sử. Các vua Trần ý thức được điều đó nhưng Phật giáo thời Trần vẫn được tin dùng và phát triển. Các vua Trần đã tu Phật, Trần Nhân Tông còn lập nên phái Trúc Lâm Yên Tử.

          Phật giáo thời Trần phát triển trong sự dung hòa với Nho giáo, mặt khác cũng tiếp nhận đạo Giáo.

        4. Phật giáo thời hậu Lê

          Lê Lợi chiến thắng giặc ngoại xâm và lên ngôi vua, đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam. Trên lĩnh vực tôn giáo Phật giáo đã nhường bước cho Nho giáo, điều này chủ yếu do đời sống chính trị xã hội Việt Nam quy định, đó là phải xây dựng củng cố nhà nước phong kiến, kỷ cương xã hội, mà Nho giáo có khả năng đáp ứng được. Tuy nhiên Nho giáo chỉ phổ biến chủ yếu ở tầng lớp trên của xã hội, còn ở đại bộ phận dân cư tác động của Phật giáo còn khá lớn.

          Thời kỳ này Phật giáo dung hòa 3 yếu tố: Tịnh, Thiền, Mật kết hợp cả tự độ, tự giác và giác tha. Bên cạnh đó nhà Lê hạn chế tổ chức thi cử, một số lễ giáo, xây dựng chùa chiền…

          Nhìn chung vai trò Phật giáo thời hậu Lê đã bị giảm sút so với trước. Phật giáo không trực tiếp tham gia vào việc triều chính như trước mà chủ yếu ảnh hưởng trong đời sống dân chúng.

        5. Phật giáo thời Nam – Bắc phân tranh

          Từ năm 1528 nước ta bước sang giai đoạn lịch sử mới với nhiều biến đổi về chính trị, kinh tế xã hội…Điều này cũng tác động không nhỏ đến đạo Phật

          Mạc Đăng Dung đoạt ngôi vua Chiêu Tôn, nhà Lê mất ngôi, nhưng con cháu nhà Lê đã lập ra triều đình riêng ở Thanh Nghệ để chống lại nhà Mạc. Lê – Mạc tranh giành nhau suốt 60 năm, sau nhà Lê nhờ họ Trịnh dẹp được nhà Mạc nhưng lại xảy ra hiềm khích Trịnh – Nguyễn và hai nhà Trịnh – Nguyễn đã mâu thuẫn nhau suốt hai thế kỷ.

          Tình hình chính trị xã hội rối ren, đời sống nhân dân cực khổ, cảnh đói kém lưu tán triền miên, tác động sâu sắc đến mỗi người dân và các bậc quan lại, sư sãi. Đạo Phật lại có điều kiện để phát triển với tư tưởng Từ bi hỷ xả, tin vào một thế giới tốt đẹp hơn. Vì vậy mà đạo Phật thời kỳ này tác động mạnh mẽ vào dân chúng hơn những giai đoạn lịch sử trước. Sự tác động ấy được tiếp biến của những tín ngưỡng, bởi đạo đức dân gian và tạo dựng cho Phật giáo một sắc thái mới.

          Thời kỳ này Phật giáo đã hình thành một số môn phái mới, các sư sãi khá đông. Chùa chiền ở cả Nam – Bắc đều phát triển và đã xây dựng được một số chùa lớn như: chùa Thiên Mụ….

        6. Phật giáo thời kỳ khởi nghĩa nông dân (nửa cuối thế kỷ XVIII)

        Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII là xã hội sôi động của những cuộc đấu tranh, những biến động liên tục. Khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi đem lại những tư tưởng mới cho lịch sử Việt Nam, các trí thức thời này đã tìm cách kiến giải mới về xã hội về tôn giáo, nhưng tôn giáo thời kỳ này vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng tam giáo đồng nguyên.

        7. Phật giáo thời Nguyễn

        Triều đình Nguyễn không được dân ủng hộ, nên luôn gặp sự phản kháng của người dân, vì vậy mà triều đình Nguyễn muốn lặp lại cơ cấu tổ chức nhà nước, đi đôi với nó là các chính sách hà khắc, hạn chế đạo Phật, sư sãi…. Với đạo Phật, triều Nguyễn đã phê phán cả giáo lý và hành đạo của Phật giáo. Song Phật giáo vẫn có chỗ đứng ngay trong cung đình, trong gia đình triều thần, trong các nho sĩ quan lại. Do vậy việc tu sửa chùa chiền thời này vẫn được diễn ra.

          Phật giáo đã thấm sâu vào tư tưởng nhân dân, nó được quan hệ làng xã lưu giữ, duy trì. Trong quan niệm của nhân dân, trong văn học…đều mang dấu ấn tư tưởng của Phật giáo.

        8. Phật giáo thời kỳ Pháp thuộc (nửa cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX)

        Nhà Nguyễn ngày càng bất lực trước sự phát triển của xã hội, của sự tác động của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Nhu nhược trước sự xâm chiếm của thực dân Pháp với dụng ý tách đạo với đời, đưa quần chúng xa lánh đời sống chính trị.

          Sự chấn hưng của Phật giáo đã tạo bước quan trọng của quan niệm dấn thân, gắn hoạt động tôn giáo với hoạt động chính trị xã hội, gắn ý thức dân tộc với ý thức Phật giáo. Phật giáo đã tạo ra những phong trào lớn cho lịch sử Phật giáo và lịch sử dân tộc thời ấy.

          Qua các phong trào Phật giáo, đã thành lập được các tổ chức giáo hội, tuy chưa có sự thống nhất chung của Phật giáo trong cả nước, song đã có sự quan hệ trao đổi giữa các tổ chức giáo hội này.

          Về giáo lý đã đặt ra những vấn đề lớn phức tạp mà từ trước đến nay chưa hề có, đó là: Phật giáo vô thần hay hữu thần, hoặc nhân duyên luận là duy vật hay duy tâm, có linh hồn hay không có linh hồn… Trong những cuộc tranh luận trên có cả sự tham gia của trí thức cộng sản, họ đã gây được ảnh hưởng trong cuộc tranh luận trên.

          Nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chúng ta thấy rằng Phật giáo có những biến đổi lớn đã phân hóa cả về xu hướng chính trị xã hội, về giải thích, tiếp thu giáo lý… tình hình ấy kéo dài và phát triển về sau này.

        9. Phật giáo Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến nay

        Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, phần đông giới chức sắc và tín đồ Phật giáo đã tham gia tích cực vào công cuộc cách mạng chung của dân tộc.

          Sau ngày miền Nam giải phóng (1975), Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập (năm 1981) với phương châm hoạt động: “ Đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội ”, các tăng, ni và Phật tử tích cực tham gia vào công cuộc cách mạng chung của dân tộc.

          Trong những năm gần đây, Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đồng thời chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước cũng hết sức cởi mở và quan tâm tới vấn đề tôn giáo, Phật giáo Việt Nam phát triển mạnh, thu hút đông đảo hơn các Phật tử tham gia và đang là một hiện tượng xã hội mà nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Kể từ sau đổi mới Phật giáo phát triển mạnh, không chỉ có những địa phương truyền thống, mà khắp các địa phương đều có đông đảo người tin theo Phật một cách mạnh mẽ, chùa được tu sửa mới, đẹp hơn, các ngày tế lễ trong chùa ngày một đông hơn, tâm niệm hướng về Phật. Phật giáo thực sự sống lại, nhiều người trước là vô thần nay có thiện cảm với Phật. Trước đây, có thời chùa chỉ là nơi lui tới, là chỗ dựa cho người già, nhưng nay cả thanh, thiếu niên, những nhà tri thức có học vị cao cũng có tình cảm với Phật giáo, có thể nói Phật giáo bước sang giai đoạn phát triển với những nét mới.

C.    Vai trò của Phật giáo trong văn hóa dân tộc

        Phật giáo từ lâu vốn đã đi sâu trong tiềm thức người dân, gắn bó với sinh hoạt cộng đồng của người Việt, một sự gắn bó tự nhiên không do áp đặt của chính quyền, cả khi Phật giáo được tôn là Quốc giáo. Sự tồn tại lâu dài của Phật giáo trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đã đem lại những đóng góp đáng kể cho văn hóa, tư tưởng, kinh tế, chính trị trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

          Người ta thường xếp tôn giáo vào phạm trù văn hóa, Phật giáo là một sự kiện tôn giáo, cũng là một sự kiện văn hóa. Phật giáo truyền từ Ấn Độsang Việt Nam vốn không phải là một sự kiện đơn độc, mà kéo theo nó (hoặc trước, hoặc sau, hoặc đồng thời với nó) là sự ảnh hưởng của tổng thể văn hóa Ấn Độ đối với văn hóa Việt cổ, ảnh hưởng ấy diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, y dược, âm nhạc, vũ đạo, ngôn ngữ…..

          Điều quan trọng là văn hóa Việt cổ tiếp thu một lượng quan trọng ảnh hưởng của văn hóa Ân Độ qua ngả đường Phật giáo vào suốt thời Bắc thuộc, khi ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa tràn lên trên đất Việt và mang khuynh hướng đồng hóa rõ nét.

          Ngoài đóng góp làm cho văn hóa Việt Nam thêm phong phú, khách quan mà nói ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ là một đối trọng của ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa trên đất Việt. Văn hóa Ấn có tác dụng trung hòa ảnh hưởng quá mạnh mẽ vào nền văn minh Trung Hoa;  góp sức cùng cơ tầng văn hóa Việt cổ ngăn chặn khuynh hướng đồng hóa của văn minh Trung Hoa. Nó được hội nhập vào văn hóa Việt Nam làm giàu thêm nền văn hóa Việt, góp phần làm nên cái khác của văn hóa Việt so với văn hóa Trung Hoa.

          Lấy một ví dụ cụ thể: Ở Thăng Long đời Lý, Hoàng thành Thăng Long mở 4 cửa, nếu ở phía cửa Bắc thờ thánh Trấn Vũ – Trấn Võ là một vị thần linh Trung Hoa được hội nhập vào đất Việt thì ở cửa Đông lại thờ thần Bạch Mã là ảnh hưởng của Ân Độ, và cửa Tây Long thành được mang tên “Quảng Phúc Môn”, mở ra phía Tây để mong phúc lớn rộng “phúc đẳng hà sa” của Đức Phật ở Tây Thiên.

          Và đạo Phật trong buổi đầu thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc là một đối tượng của Nho giáo mà Trung Hoa đem sang Việt Nam. Khi mà Phật giáo bị suy sút ở thượng tầng, thì ở chốn làng quê “cơ sở hạ tầng” Phật giáo lại tỏa ra dân chúng. Thời Lý, Trần Phật giáo là Phật giáo quý tộc, còn sang thời Lê, Nguyễn Phật giáo là Phật giáo dân gian, nhân gian (hay là được dân gian hóa – từ sau thế kỷ XV). Nếu như nền quân chủ Việt Nam dựng ra cái đình ở làng quê với tư cách như một “tiểu triều đình” trọng nam khinh nữ ở chốn đình Trung, thì dân dã quê Việt Nam vẫn giữ và dựng cái chùa, cái “chùa làng” của dân gian chứ không phải cái quốc tự của triều đình và những ai trước hết là nữ giới bị loại bỏ khỏi sinh hoạt đình Trung thì đã có một tổ chức, một trung tâm sinh hoạt tâm linh là ngôi chùa. Thời nhà Lê, Nguyễn “đất vua, chùa làng” (đất của vua, chùa của làng) tức “chùa làng” đã trở thành đối trọng của đình làng, chính từ sự bảo trợ này mà Phật giáo Việt Nam có được chỗ đứng thêm vững vàng trên đất Việt.

          Khi đạo Phật vào Việt Nam, nếu nó chỉ có một kinh điển bất động không thôi thì sẽ không có tác dụng chủ yếu nào cả, mà tác dụng của nó như thế nào là do sự tổ chức, tuyên truyền giáo dục cải tạo của những người tiên phong thấm nhuần sâu sắc học thuyết Phật giáo. Lúc bấy giờ đã có những vị thiền sư Việt Nam ý thức và chấp nhận tính nhân đạo đại trí, đại dũng của Phật giáo, phù hợp với tinh thần anh dũng bất khuất, lòng thương người khổ đau và đặc tính phân biệt thiện ác, chánh tà của quần chúng nhân dân Việt Nam. Từ sự thấm nhuần tư tưởng Phật giáo xây dựng con người tốt cá biệt gắn liền với phát huy bản chất con người xã hội

“Chủ ác mạc tác – chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý – Thị chư Phật giáo”

          Không hành ác tức không làm cho mình trở thành một tội khổ cho mình và cho người khác, là lời khuyên đầu tiên của đức Phật, tiếp theo là sự hành thiện, là hãy trở nên một phúc báu cho mình và cho người khác, lời kêu gọi cuối cùng là tự giữ tư tưởng cho trong sáng, đó là các điều giáo dục của Phật. Đối với các quốc gia dân tộc khác, lời dạy của Phật trên đây có thể chỉ có tầm giáo dục về tâm lý hay luân lý thông thường. Nhưng đối với hoàn cảnh và tình hình đất nước ta ngay từ xa xưa luôn địch họa rình rập, thì lời giáo dục ấy của Phật qua khí tiết, tính Việt Nam đã làm cho Phật giáo Việt Nam lại mang theo một ý nghĩa sâu sắc khác.

          Không làm các việc ác cũng có nghĩa là chống ác, làm các việc lành, có đức cũng có nghĩa là liên minh với chân chính với thiện mỹ với chính nghĩa của nhân dân.

          Phật giáo du nhập vào Việt Nam rất sớm, với tinh thần “Từ bi – hỷ xả – vô ngã – vị tha ”, năng động hóa bởi đạo lý Bát Chính đạo, là điều giáo dục phổ biến đối với dân tộc ta, dân tộc thường xuyên bị những thế lực xâm lược đem theo sự thống trị đầy những cái ác bất nhân, gieo mầm bất nghĩa, trái đạo lý dân tộc, Bởi thế Phật giáo phương xa đến Việt Nam đã đương nhiên trở thành Phật giáo Việt Nam với tư tưởng yêu nước là chủ yếu. Tư tưởng yêu nước này được xác minh qua nhiều thế hệ, suốt dòng lịch sử tranh đấu giữ nước và dựng nước của dân tộc ta, phù hợp với tư tưởng “Chủ ác mạc tác” và nghĩa vụ “Chúng thiện phụng hành” của giáo lý nhà Phật.

          Từ các vị thiền sư Việt Nam đến không ít các vị vua, các anh hùng dân tộc phật tử đã thấm nhuần tư tưởng yêu nước, trở thành mối quan hệ khăng khít giữa Phật giáo Việt Nam với lịch sử tư tưởng Việt Nam. Hơn nữa trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhiều chùa chiền Phật giáo Việt Nam là cơ sở che chở nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ cách mạng, những tăng, ni, Phật tử nằm trong các đoàn thể cứu quốc, đoàn thể Phật giáo yêu nước, hòa mình vào các sinh hoạt cách mạng.

          Phật giáo Việt Nam vừa là một học thuyết giải thoát về thuật sống lương thiện tốt đẹp cho con người Việt Nam, vừa là một học thuyết qua tinh thần Tứ Ân có ơn với Tổ quốc là trọng đại – đã thực sự góp phần trong việc hình thành nền tư tưởng Việt Nam, văn hóa dân tộc Việt Nam, trong đó tư tưởng yêu nước là chủ yếu.

          Tóm lại Phật giáo đã có rất nhiều đóng góp to lớn cho nền tảng tư tưởng văn hóa Việt Nam. Trước hết Phật giáo đã đóng vai trò tích cực trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm tâm hồn, đạo đức, hành vi cư xử của người Việt, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc. Trước sự đòi hỏi của dân tộc, của tín đồ Phật giáo, Phật giáo Việt Nam đã đóng góp tích cực cho nền văn hóa nước nhà.

          Dân tộc Việt Nam có cái duyên là đã được tiếp nhận đạo Phật, đạo Phật có cái duyên là tìm được chỗ đứng cho mình trong cộng đồng người Việt Nam. Cái cộng đồng dựa trên nền tảng kinh tế tự nhiên, tự cung, tự cấp, với quan niệm làng xã cổ truyền, với tín ngưỡng đa thần đã tiếp nhận đạo Phật và cải biến nó cho ít nhiều phù hợp với cộng đồng ấy.

          Cộng đồng người Việt tiếp nhận Phật giáo, đồng thời tiếp nhận những tư tưởng bình đẳng, bắc ái, vô ngã, vô thường…ở đạo Phật, những tư tưởng này cùng với những tư tưởng cộng đồng cổ truyền đã làm cản trở cho quá trình phân hóa giai cấp, làm dịu những xung đột giai cấp trong xã hội.       Trong thời gian tới, Phật giáo tồn tại và tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam. Phật giáo đóng góp phần tích cực bằng cách tự làm trong sạch bản thân, xóa bỏ những yếu tố mê tín lỗi thời. Phật giáo góp phần hướng thiện cho con người, cân bằng cuộc sống với nhịp độ ngày càng cao.

          Việc cải tiến nghi lễ, và hiện đại hóa là một xu hướng tất yếu, là điều cần thiết của đạo Phật, phù hợp với lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tương lai đạo Phật còn có vai trò to lớn trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, người dân của đất nước đã trải qua nhiều đau thương và đang còn nhiều khó khăn trong đời sống xã hội.

          Xin mượn lời của cố giáo sư Trần Quốc Vượng trong (Mấy ý kiến về Phật giáo và văn hóa dân tộc – Mấy vấn đề Phật giáo và tư tưởng Việt Nam) để khẳng định những giá trị văn hóa của đạo Phật “Đạo Phật có thể mất đi như mọi hiện tượng vô thường. Song cái tinh túy của văn hóa Phật giáo đã được dân tộc hóa và dân gian hóa thì mãi mãi trường tồn”.

Ngày nay, để tiếp tục phát huy những giá trị tích cực của mình, Phật giáo phải biết tự giữ gìn, bồi đắp và đổi mới cho phù hợp với thời đại nhằm góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh” như trước đây đã từng đóng góp cho “quốc thái dân an”.

Trong điều kiện xã hội hiện nay, những di sản văn hoá của Phật giáo đang tiếp tục phát huy tác dụng, tạo nên sắc thái dân tộc, góp phần làm phong phú bản sắc văn hoá Việt Nam. Gần đây, nhiều tổ chức và cá nhân đã quyên góp, công đức tiền của để khôi phục, tôn tạo chùa chiền, xây cất tịnh xá, niệm phật đường, đúc chuông, đắp tượng, dựng tháp… Ngoài ý nghĩa tâm linh, nhiều ngôi chùa đã trở thành những danh thắng nổi tiếng để du khách đến chiêm ngưỡng. Những giá trị văn hóa Phật giáo không chỉ tồn tại trong tư tưởng, mà còn đang hiện diện thông qua sự nỗ lực của hàng triệu tín đồ nhằm vươn tới một lẽ sống vì Tổ quốc giàu mạnh, nhân sinh hạnh phúc. Điều đó càng khẳng định được vị trí, vai trò của Phật giáo trong suốt quá trình đồng hành cùng dân tộc.

Xổ số miền Bắc