Phát hiện 6 ngôi mộ táng tiền sử ở Bắc Kạn

Do xương người bị gẫy nát, hộp sọ và răng trong các ngôi mộ có niên đại 6.000 năm này không được tìm thấy, các nhà khoa học nhận định, mộ này liên quan đến tục “săn đầu người” khá phổ biến của thời nguyên thủy.

 

Nhiều hiện vật được tìm thấy ở hang Na Mo. Ảnh do tiến sĩ Trình Năng Chung cung cấp.

Nhóm khoa học của Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng Bảo tàng Bắc Kạn đã khai quật hang Nà Mò (xã Hương Nê, huyện Ngân Sơn). Hang cao khoảng 15 m so với chân núi, bề mặt hang bằng phẳng, rộng gần 500 m2, phần lớn diện tích hang có thể nhận được ánh sáng mặt trời và thuận lợi cho việc cư trú.

Giới khảo cổ đã khai quật hố 15 m2 và phát hiện 6 ngôi mộ ở độ sâu khoảng 1,2 m cùng có đặc điểm chung là kè đá rải trên bề mặt, không hề thấy xương sọ và răng, bộ xương người phía dưới bị gãy nát.

“Sọ người có thể bị mủn, nhưng răng người thì bền vững, vì vậy nhóm khảo cổ đưa ra giả thuyết, ngôi mộ có liên quan đến tục “săn đầu lâu”, một tập tục khá phổ biến của người nguyên thủy ở Đông Nam Á”, PGS TS Trình Năng Chung, người chủ trì cuộc khai quật nói.

Các nhà khoa học phát hiện 2 ngôi mộ chôn kèm theo công cụ đá ghè đẽo như những hiện vật tùy táng. Phương pháp niên đại tuyệt đối cacbon phóng xạ trên các vỏ ốc chôn kèm theo xương cốt người xác định, ngôi mộ có niên đại cách nay khoảng 6.000 năm.

Trong cuộc khai quật, nhóm nghiên cứu phát hiện hàng trăm di vật khảo cổ, chủ yếu là đồ đá. Mặt cắt địa tầng cho thấy, di tích có hai lớp văn hoá phát triển trực tiếp lên nhau, không có lớp phân cách. Lớp văn hoá sớm nằm ở phía dưới dày hơn gần 1 m, chứa nhiều công cụ lao động bằng đá cuội ghè đẽo mang đặc trưng của kỹ thuật Hòa Bình – Bắc Sơn.

Thổ hoàng – thứ đá khoáng chất mầu đỏ thường được người nguyên thủy nghiền thành bột hòa với nước bôi lên người sống và người chết để trang trí – cũng được tìm thấy. Trong lớp văn hoá muộn dày hơn 20 cm, các chuyên gia phát hiện rìu mài và đồ gốm thô dày nguyên thuỷ được nặn bằng tay, độ nung thấp, bên ngoài không trang trí hoa văn.

“Trong số những di vật thuộc lớp văn hóa muộn, chúng tôi đã tìm thấy một vật thể nhỏ hình trụ có mặt cắt hình lục giác được mài nhẵn trên đá quartz rất đẹp. Đây có thể là đồ trang sức của người tiền sử”, tiến sĩ Chung nói.

 

Ngôi mộ số một ở hang Nà Mò. Ảnh do tiến sĩ Trình Năng Chung cung cấp.

Nhóm khảo cổ cũng thu thập nhiều mẫu bào tử phấn hoa nhằm nghiên cứu môi trường sinh thái cổ trong khu vực. Theo tiến sĩ Chung, hang Nà Mò là di tích cư trú của của nhiều thế hệ cư dân nguyên thủy. Lớp cư trú sớm nhất thuộc văn hoá Hoà Bình – Bắc Sơn muộn có niên đại khoảng 6.000-7.000 năm. Lớp cư trú muộn thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới-sơ kỳ kim khí có cách nay 3.500-4.000 năm.

Việc nghiên cứu di tích vẫn đang được các chuyên gia thực hiện.

Xổ số miền Bắc