Phát huy văn hóa đọc gắn với dạy và học Ngữ văn theo chương trình mới

Trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, học sinh có thể dành nhiều tiếng đồng hồ để chơi điện tử, lướt mạng xem Tik tok, Facebook hay Youtube nhưng việc cầm một cuốn sách để đọc lại không dễ dàng. Kể cả khi cô giáo yêu cầu, dặn dò, khuyên nhủ rằng, các em nên đọc sách để học hỏi, trau dồi tri thức thì đa phần đều bỏ ngoài tai hoặc nếu có thì chỉ cầm cuốn sách lên liếc qua kiểu chống đối rồi bỏ xuống.

Học sinh THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân và văn hóa đọc trong nhà trường
Học sinh THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân và văn hóa đọc trong nhà trường

Vậy làm thế nào để học sinh từ sợ đọc sách đến chịu khó đọc sách, thậm chí đam mê đọc sách? Ý thức vai trò quan trọng của văn hóa đọc, các trường học tại Hà Nội đã và đang triển khai nhiều phương pháp giúp hình thành và duy trì thói quen yêu thích sách cho học sinh.

Với trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy), văn hóa đọc đã trở thành nếp của nhiều thế hệ học sinh với những đầu sách có chọn lọc đối với từng khối lớp. Các đầu sách này đã được thầy cô tổ bộ môn chọn lựa, là nội dung bắt buộc các phải đọc, tìm hiểu. Mỗi tháng một cuốn sách không phải là quá nhiều, các thầy cô sẽ khuyến khích học sinh đọc sách ở nhà, ở trường trong các tiết tự học. Để học sinh có cơ hội được tiếp cận và đọc sách liền mạch, ngoài việc khuyến khích phụ huynh mua sách, làm thẻ thư viện, nhiều lớp học còn hình thành các thư viện nhỏ, mua nhiều đầu sách để phục vụ nhu cầu đọc của các con.

“Với những đầu sách bắt buộc học sinh phải đọc, cô giáo sẽ có nhiều hình thức kiểm tra xem thực sự học sinh đã đọc, đã hiểu cuốn đó hay chưa. Việc quy định các đầu sách bắt buộc này góp phần bồi đắp văn hóa đọc, giúp học sinh có vốn từ, vốn sống, có tư duy độc lập và rất hữu ích với việc dạy và học môn Ngữ văn theo chương trình mới”- cô giáo Nguyễn Thị Châu, giáo viên dạy môn Ngữ văn trường THCS & THPT Lương Thế Vinh cho biết.

Nhiều trường học tại Hà Nội xây dựng các tiết đọc sách tại thư viện trường
Nhiều trường học tại Hà Nội xây dựng các tiết đọc sách tại thư viện trường

Trường THCS Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) là một cơ sở giáo dục mới thành lập nhưng có phong trào đọc sách rất đáng khích lệ. Nếu trong giai đoạn dịch bệnh Covid- 19, học sinh trong trường duy trì thói quen đọc sách bằng việc sử dụng các phần mềm để minh họa những cuốn sách đã đọc thì khi được đến lớp trực tiếp, trường phát động Phong trào “Sách cũ của bạn là sách mới của tôi” để học sinh mang sách của mình đã đọc đến thư viện cho bạn khác mượn; qua đó, các em chia sẻ những cuốn sách hay với bạn bè trong trường, ngoài ra nhà trường cũng bổ sung thêm khá nhiều đầu sách mới.

Hàng tuần, hàng tháng, trường đều có các cuộc thi Giới thiệu sách từ cấp lớp đến cấp trường và có trao thưởng, tặng quà đối với phần giới thiệu sách hay nhất. Mỗi tháng 1 lần, trường sẽ tổ chức 1 tiết giới thiệu sách dưới sân trường. Phần giới thiệu sách hay nhất tháng sẽ được thu âm trong chương trình Phát thanh măng non của trường để phát cho toàn thể học sinh nghe trong các giờ nghỉ trưa.

Tránh tình trạng học sinh đọc sách tràn lan, sa đà, ngay từ đầu năm trường đã xây dựng kế hoạch đọc có định hướng cho học sinh thông qua phương pháp đọc sách và lựa chọn các chủ đề phù hợp với sở thích của các em. Việc định hướng này rất quan trọng, giúp học sinh có kỹ năng đọc, bổ sung thêm kiến thức trên lớp theo môn học, đồng thời khơi gợi niềm đam mê đọc sách theo nhu cầu.

Cô giáo Phạm Thanh Minh- một giáo viên rất tâm huyết với xây dựng văn hóa đọc tại trường THCS Thanh Xuân Trung cho biết, để học sinh đọc yêu thích đọc sách, đặc biệt là để việc đọc sách phục vụ trực tiếp, sát với chương trình môn Ngữ văn, giáo viên Ngữ văn sẽ lên danh sách một số cuốn sách nên đọc đối với từng khối lớp, mỗi lớp sẽ gửi đầu sách đến phụ huynh.

Mỗi học sinh cũng có một cuốn Nhật ký đọc để hàng ngày đọc gì có thể ghi chép vào cuốn nhật ký. Việc đọc sách cứ như vậy giúp học sinh hình thành thói quen và điều giá trị hơn là các con đã bộc lộ những năng lực và phẩm chất của mình trong các tình huống thực tế của cuộc sống, biết yêu thương, chia sẻ, thể hiện tình cảm với người thân, với thầy cô, bạn bè.

Tại Công văn 3175/BGDĐT- GDTrH của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông có nhấn mạnh 3 nội dung cơ bản cần thực hiện về đổi mới cách dạy học và đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cũng như tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động giảng dạy môn học này ở bậc phổ thông.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục cần tăng cường hơn nữa việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học môn Ngữ văn; dành nhiều thời gian cho hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện các kỹ năng và cảm thụ thẩm mỹ theo yêu cầu. Quá trình học, giáo viên cần giao yêu cầu, nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp với khả năng của học sinh, nêu cụ thể yêu cầu phải hoàn thành, chú trọng kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ học sinh…

Việc xây dựng, duy trì văn hóa đọc cho học sinh luôn là một nội dung quan trọng đòi hỏi các nhà trường chú trọng, nghiêm túc trong thực hiện. Với yêu cầu đổi mới trong dạy học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn, văn hóa đọc lại càng trở nên cần thiết hơn. Muốn vậy, ngay đầu năm học mới, các nhà trường cần có nhiều phương pháp, hình thức sáng tạo, phong phú để phát huy văn hóa đọc đến từng học sinh; mỗi cha mẹ cũng cần nêu gương, duy trì thói quen đọc sách trong gia đình để văn hóa đọc trở thành một nét đẹp không chỉ trong mỗi nhà trường mà còn đối với mỗi gia đình.

Xổ số miền Bắc