Phố cổ Hội An – Bảo tàng sống về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị ở Việt Nam

Phố cổ Hội An được biết đến như một điểm đến du lịch nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Nơi đây là sự hội tụ của các giá trị văn hóa, thẩm mỹ qua nhiều thời kỳ lịch sử. Hòa quyện giữa những phố thị mang phong cách kiến trúc cổ đặc trưng ở Hội An là nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú.

Phố cổ Hội Án – Quần thể kiến trúc độc đáo. Ảnh: Nguồn Internet

Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, phố cổ Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ XVII và XVIII. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển. Thế kỷ XIX, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ XX. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.

Theo nhiều nghiên cứu lịch sử, với vai trò trung tâm về địa lý, quá trình hình thành và phát triển đô thị Việt Nam được phản ánh khá đậm nét ở Hội An. Đây cũng là một trong những biểu hiện của sự giao thoa về văn hóa, thương mại xuất phát từ nhu cầu thị trường trên con đường “Tơ lụa – hương liệu – gốm sứ” trên biển giữa phương Đông và phương Tây.

Quần thể kiến trúc của Phố cổ Hội An nằm trên các tuyến phố có diện tích khoảng hơn 1,2 km2 đã có đến 1.130 di tích, trong đó có 9 di tích đơn lẻ được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh. Nét độc đáo của đô thị cổ Hội An ngày nay thể hiện ở sự điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, phân bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. Các nhà nghiên cứu cho rằng kiến trúc cổ ở Hội An hầu hết được làm lại mới từ đầu thế kỷ XIX, mặc dù năm khởi dựng có thể xưa hơn nhiều.

Khu phố cổ thể hiện rõ nhất kiến trúc cổ của Hội An, nơi tập trung phần lớn các di tích nổi tiếng ở Hội An. Đường phố ở khu phố cổ ngắn và hẹp, có độ uốn lượn, chạy ngang dọc theo kiểu bàn cờ. Địa hình khu phố cổ có dạng nghiêng dần từ bắc xuống nam. Các công trình kiến trúc trong khu phố cổ được xây dựng hầu hết bằng vật liệu truyền thống: gạch, gỗ và không có nhà quá hai tầng. Dấu vết thời gian không chỉ ở kiểu dáng kiến trúc của mỗi công trình mà có ở mọi nơi: trên những mái nhà lợp ngói âm dương phủ kín rêu phong và cây cỏ; những mảng tường xám mốc, xưa cũ; những bức chạm khắc về một con vật lạ hay diễn tả một câu chuyện cổ…

Khu phố cổ Hội An – Vẻ đẹp ngưng đọng thời gian. Ảnh: Nguồn Internet

Đặc điểm đầu tiên có thể nhận thấy ở văn hóa Hội An chính là tính đa dạng. Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp. Nơi đây hẳn đã thu hút được các nghệ nhân tài hoa về nghề mộc, nề, gốm sứ của người Hoa, người Nhật, người Việt, người Chăm… cho nên mỗi công trình để lại hôm nay còn in dấu ấn văn hoá khá đa dạng, phong phú của nhiều dân tộc. Những người Việt vào cư trú ở Hội An từ cuối thế kỷ XV chung sống hòa bình với bộ phận dân cư người Chăm vẫn định cư rất lâu từ trước đó. Khi Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất, nơi đây đã tiếp nhận nhiều cư dân mới đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Điều này giúp cho Hội An có được một nền văn hóa nhiều tầng, nhiều lớp và đa dạng, thể hiện ở tất cả các hình thái văn hóa phi vật thể. Một đặc điểm nổi bật khác của văn hóa Hội An là tính bình dân. Khác với Huế, kinh thành cũ, nơi nhiều di sản văn hóa mang tính chất cung đình, hệ thống di tích của Hội An là những thiết chế văn hóa cổ truyền của cuộc sống đời thường.

Ở Hội An, văn hóa phi vật thể vẫn đang sống và tương thích với hình thái văn hóa vật thể. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Cho đến nay, Di sản đô thị Hội An vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn về cảnh quan, không gian kiến trúc và là nơi người dân sinh sống thường ngày ngay trong lòng di sản với những phong tục, tập quán, nếp ứng xử, ẩm thực, sinh hoạt văn hóa truyền thống còn được giữ gìn, trân trọng.

Với những giá trị nổi bật, đô thị cổ Hội An đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, bởi tiêu chí là “biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế. Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo”. Nét độc đáo của đô thị lịch sử, văn hóa Hội An hay đô thị sinh thái Hội An vì vậy được hiểu theo góc độ sinh thái – nhân văn.

Cầu Chùa – Kiến trúc cổ kính, độc đáo bậc nhất Việt Nam. Ảnh: Nguồn Internet.

Trải qua các thời kỳ lịch sử với rất nhiều biến động, Hội An may mắn và tự hào được các lớp tiền nhân bền bỉ lao động, sáng tạo, để lại một di sản văn hóa vô giá là Khu phố cổ – quần thể di tích kiến trúc đô thị – Di sản văn hóa thế giới gắn quyện với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, làng quê, sông nước, làng nghề truyền thống phong phú, độc đáo. Thiên nhiên cũng ban tặng cho Hội An môi trường, hệ sinh thái sông nước – biển – đảo với nhiều điểm kỳ thú, hấp dẫn không phải nơi nào cũng có được. Vì vậy, Hội An được xem như một “bảo tàng sống – bảo tàng về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị”, đã trở thành nguồn tài nguyên, nguồn động lực quan trọng, có tính quyết định, đưa kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương và đất nước phát triển vượt bậc. Những giá trị lịch sử văn hóa ấy cũng góp phần vào nền tảng chung của sức mạnh nhân văn Việt Nam, tô thắm hơn nữa niềm tự hào về đất nước, con người và vẻ đẹp quê hương Việt Nam.  

Hạnh Minh

Xổ số miền Bắc