Quốc phục phải là bộ trang phục mang bản sắc văn hóa Việt Nam

ThS. Lý Viết Trường (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN)

  –  

Thứ năm, 18/08/2022 07:11 (GMT+7)

Quốc phục là quốc áo theo kiểu riêng từ xưa truyền lại của một đất nước, thường được mặc trong những ngày lễ hội và lễ nghi ngoại giao. Là sản phẩm mang tính biểu trưng của quốc gia, nên quốc phục cần phản ánh được bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Quốc phục phải là bộ trang phục mang bản sắc văn hóa Việt Nam
Đại sứ Đinh Toàn Thắng trong trang phục áo dài trình quốc thư và chụp ảnh chung với Tổng thống Pháp năm 2021. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp

Quốc phục được sử dụng trong những dịp nào

Trang phục không chỉ để bảo vệ cơ thể, chống lại những điều kiện bất lợi của môi trường tự nhiên, mà còn là vật để trang trí, làm đẹp cho con người. Trong sách Việt Nam phong tục (Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, năm 2020), tác giả Phan Kế Bính cho biết: Trong thời kỳ phong kiến người ta thường nói tới hai loại trang phục: Phẩm phục (mũ áo, đai, mãng, xiêm, ủng…) mặc trong những dịp triều hạ lễ bái, tế tự…; thường phục (khăn, áo, giày…) được sử dụng hằng ngày.

Thời đó lệ quy định vua quan có phẩm phục, binh lính có nhung phục, thường dân có lễ phục. Phẩm phục mặc những lúc triều hạ lễ bái, nhung phục mặc khi chiến trận thao luyện, lễ phục mặc những khi tế tự. Thường phục cũng quy định chỉ quan viên mới được mặc đồ gấm vóc tơ lụa, thường dân chỉ được mặc đồ vải.

Từ sau đổi mới đến nay cùng với sự biến đổi của đời sống kinh tế – xã hội, trang phục cũng đã và đang biến đổi từng ngày. Tùy thuộc vào từng ngành nghề, lứa tuổi, sở thích… mà người ta lựa chọn những bộ trang phục khác nhau. Tuy nhiên, trong sự đa dạng về sự lựa chọn trang phục đó xã hội vẫn cần một loại trang phục mang tính đại diện của quốc gia, đó là quốc phục.

Ở nước ta, việc lựa chọn quốc phục đã được đưa ra bàn luận từ những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay đã hơn 30 năm trôi qua nhưng vẫn chưa lựa chọn được quốc phục. Thời gian gần đây dư luận xã hội lại bàn luận sôi nổi về chủ đề lựa chọn quốc phục, trong đó nhiều người băn khoăn về tính phù hợp của những loại trang phục được đề xuất.

PGS.TS Đinh Hồng Hải – Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học Văn hóa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) cho rằng quốc phục được lựa chọn phải là bộ trang phục phù hợp với mục đích và không gian sử dụng. Như vậy để lựa chọn loại trang phục làm quốc phục như thế nào, thì việc xác định những dịp sử dụng quốc phục là vô cùng quan trọng.

Theo ý kiến của TS Nguyễn Văn Phong – Viện Trần Nhân Tông (ĐHQGHN) thì: “Quốc phục là lễ phục mang tính đại diện của dân tộc, đây không phải bộ trang phục để mặc thường xuyên, chỉ trong những lễ nghi quan trọng mang tính đại diện quốc gia mới được sử dụng. Vậy nên khi lựa chọn quốc phục nhất định phải chú ý đến trường hợp sử dụng, ví dụ phục vụ các nghi lễ mang tính ngoại giao mặc quốc phục như thế nào, trong các nghi thức tế lễ mặc ra sao?”

Quốc phục phải mang tính đại diện văn hóa

Việt Nam là một đất nước thống nhất trong đa dạng: Đa dạng sắc tộc, với 54 dân tộc, phong phú về văn hóa; đa dạng văn hóa vùng miền, lãnh thổ nước ta kéo dài từ Bắc vào Nam; đa dạng về tôn giáo, với nhiều tôn giáo – tín ngưỡng cùng chung sống hòa bình.

Trong bối cảnh đa dạng như vậy, TS Nguyễn Văn Phong cho rằng, nước ta đang quá chú trọng vào trang phục truyền thống của người Việt (Kinh), nên chưa thiết kế được những mẫu thích hợp và bản sắc. Để có được một bộ quốc phục mang đậm bản sắc và phản ánh sự đa dạng văn hóa, thiết nghĩ phải khai thác vốn văn hóa của 54 dân tộc để tìm tòi những mẫu trang phục phù hợp.

TS Nguyễn Văn Phong gợi ý: “Trang phục của các dân tộc Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng, mỗi tộc người lại có những mẫu hoa văn nổi bật riêng. Ví dụ như cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên, trang phục của họ đảm bảo được tính hài hòa, không bị quá diêm dúa cũng không quá đơn giản về mặt kiểu cách và màu sắc”.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Lư Thị Thanh Lê – Khoa các khoa học liên ngành (ĐHQGHN) – cho biết: Nếu thiết kế quốc phục Việt Nam, tôi cho rằng nên có một thiết kế mới đại diện được sự đa dạng văn hóa tộc người. Bao hàm được sự đa dạng về truyền thống văn hóa, truyền thống trang phục của các dân tộc Việt Nam. Để mỗi dân tộc khi nhìn vào bộ quốc phục, đều thấy được nét riêng trong cái nhìn chung tổng thể.

Như vậy quốc phục là bộ trang phục mang tính đại diện quốc gia, được sử dụng trong những dịp quan trọng của đất nước. Quốc phục mang tính đại diện nên phải đảm bảo phản ánh được sự đa dạng văn hóa, chứa đựng những yếu tố bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Xổ số miền Bắc