Review Bản sắc văn hóa Việt Nam – Thư viện Vì Ngày Mai

Bản sắc văn hóa Việt Nam (Phan Ngọc) – là một cuốn sách dành cho tất cả những ai quan tâm đến văn hóa học và văn hóa Việt Nam, những ai muốn hiểu được những gì đã, đang và sẽ làm nên thế giới bên trong của người Việt

Chủ Tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên đi lợi ích riêng. Văn hóa làm thế nào cho mỗi người dân Việt nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng.”

Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam góp phần xây dựng một ngành khoa học đang trên đà hình thành là văn hóa học, nhằm cung cấp một số khái niệm để nghiên cứu bản sắc văn hóa Việt Nam.

Trong số những công trình nghiên cứu về văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, tác phẩm “Bản sắc văn hóa Việt Nam” của GS Phan Ngọc có một vị trí vô cùng đặc biệt. Đặc biệt vì đây là một trong số rất ít những quyển sách với mục tiêu xây dựng những khái niệm nền tảng, những phương pháp cơ bản cho ngành văn hóa nói chung và ngành nghiên cứu văn hóa Việt Nam nói riêng để ngành này sớm trở thành một ngành khoa học độc lập.

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những đặc điểm văn hóa riêng thể hiện qua lối sống, cách ứng xử và các hành vi giao tiếp khác. Người phương Tây khi giao tiếp thường bắt tay biểu hiện bàn tay không có vũ khí. Người phương Đông lại cúi đầu chào, gọi người khác là đại nhân (người lớn), tiên sinh (người sinh ra trước, hiểu biết nhiều như là người anh). Cái đó thuộc về bản sắc văn hóa vì nó chỉ có thể tìm thấy ở nơi này mà không thể tìm thấy ở nơi khác, nghĩa là cái đặc trưng của một cộng đồng người, của một tộc người biểu hiện ra ở từng cử chỉ, hoạt động sinh tồn của cá thể cũng như của cả cộng đồng.

 Bản sắc văn hóa là thiêng liêng, quý giá, nó tạo nên cái đặc thù của một dân tộc. Nó được hình thành trong lịch sử lâu dài của một dân tộc, được đúc kết từ kinh nghiệm sống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó máu thịt với con người. Nó tồn tại tự nhiên không thể ép buộc nhưng đòi hỏi phải biết giữ gìn, bảo lưu. Nó có thể được biểu hiện ra bề ngoài nhưng cũng có thể ẩn sâu trong tâm hồn con người.

Bản sắc văn hóa Việt Nam bao gồm 14 chương và được chia làm ba phần:

Phần I: “Những khái niệm mở đầu” sẽ cung cấp cho độc giả những khái niệm cơ bản của văn hóa học với những cách tiếp cận riêng của tác giả trong nghiên cứu văn hóa.

Phần II: “Giao lưu văn hóa” tập trung khảo sát một số vấn đề cụ thể trong văn hóa Việt Nam như: bản sắc văn hóa Việt Nam trong giao lưu văn hóa; đạo Nho Việt Nam – một sự khúc xạ, trí thức Việt Nam xưa với văn hóa. Một nội dung khác của phần II là những minh chứng của việc áp dụng phương pháp tiếp cận văn hóa học để nghiên cứu, lý giải một số chủ đề trong văn hóa, lịch sử, dân tộc học Việt Nam như: Truyền thống quân sự Việt Nam -nền tảng mọi thắng lợi quân sự, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đỉnh cao của văn hóa dân tộc, Tiếp xúc văn hóa Việt – Pháp…

Phần III: “Bảo vệ và phát huy văn hóa” được trình bày như một phần kết luận với những suy nghĩ, giải pháp đề xuất của tác giả để bảo vệ văn hóa Việt Nam trong quá trình giao lưu hội nhập như: Cách phát huy văn hóa trong cuộc tiếp xúc văn hóa hiện nay, Ưu thế của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn kinh tế thị trường…

Nếu như văn minh là tìm cách hòa mình vào dòng chảy không ngừng của nhịp độ phát triển đi lên  với thế giới thì tìm về văn hóa lại là cú lội ngược dòng vào trong tâm khảm để tìm lại những giá trị bền vững, truyền thống, tinh hoa được kết tụ ngàn năm trong mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Không có một đất nước nào chỉ công nghiệp hóa, lãng quên vào việc giữ gìn văn hóa mà có thể tồn tại cân đối và lâu dài. Cuốn sách  Bản sắc văn hóa Việt Nam chứa đựng nhiều ý tưởng độc đáo, mang tính đột phá và góp phần cơ bản vào quá trình xây dựng và hoàn chỉnh ngành văn hóa học Việt Nam. Người đọc chắc chắn cũng sẽ vô cùng tâm đắc với những khái niệm và cách tiếp cận đầy sáng tạo như: “khúc xạ văn hóa”, “tiếp xúc văn hóa”, “truyền thống vượt gộp trong văn hóa Việt Nam”, “nhân cách luận Việt Nam”, “một định nghĩa thao tác luận về văn hóa”.

Cuốn sách cũng sẽ giúp người đọc trả lời được các câu hỏi liên quan đến người Việt và văn hóa Việt như: bản sắc văn hóa Việt Nam là gì? Văn hóa Việt Nam khác văn hóa Trung Hoa, văn hóa Pháp…ở chỗ nào? Vì sao có sự khác biệt đó? Làm gì để giữ gìn và phát huy văn hóa Việt trong thời hội nhập? “Bản sắc văn hóa Việt Nam” là một cuốn sách dành cho tất cả những ai quan tâm đến văn hóa học và văn hóa Việt Nam, những ai muốn hiểu được những gì đã, đang và sẽ làm nên thế giới bên trong của người Việt, như lời tác giả: “Hy vọng những cố gắng tìm hiểu chính mình khá nghiêm túc suốt một đời sẽ giúp các bạn hiểu được chính các bạn”. 

Ban sac van hoa Viet Nam

Thông tin về tác giả Phan Ngọc

Phan Ngọc (1925 – 2020) là một dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Quê gốc của ông ở xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình khoa bảng có truyền thống Nho học, cha ông là thượng thư Phan Võ. Ông sinh năm 1925 tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa năm 1925, nơi cha ông khi đó đang làm Tri phủ.

Ông có bằng tú tài vào thời Pháp thuộc, sau đó có học qua ở trường Y rồi nhập ngũ tham gia cuộc chiến chống Pháp chiến đấu trong biên chế của Sư đoàn 304, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ năm 1952-1954, Phan Ngọc là Trưởng phòng Phiên dịch Bộ Giáo dục. Từ năm 1954-1955 ông là Sĩ quan Ban Liên hiệp đình chiến. Từ năm 1955-1958 Phan Ngọc là phụ giảng tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tổ trưởng đầu tiên của tổ Ngôn ngữ học, đồng thời kiêm nhiệm giảng viên Văn học Trung Quốc, Lý luận văn học tại khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Do có liên quan tới vụ án Nhân văn – Giai phẩm, ông không được trực tiếp giảng dạy nữa mà chuyển sang làm nhân viên dịch thuật khoa Văn.

Từ năm 1980-1995 ông là chuyên viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1992. Phan Ngọc đã giảng dạy ở Pháp, New Zealand, Hồng Kông, Singapore và viết khoảng 200 bài nghiên cứu đăng nhiều báo và tạp chí trong và ngoài nước.

Phan Ngọc là người biết nhiều ngoại ngữ. Ông từng dịch bộ Triết học Hegel từ tiếng Đức sang tiếng Việt để phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông dịch Thần thoại Hy Lạp từ nguyên bản tiếng Hy Lạp; Spartacus từ nguyên bản tiếng Ý; Chiến tranh và hòa bình từ nguyên bản tiếng Nga; Sử ký Tư Mã Thiên, thơ Đỗ Phủ… từ nguyên bản tiếng Hán; Shakespeare từ nguyên bản tiếng Anh.

Ông được xem là nhà bách khoa cuối cùng của thế hệ trí thức Việt Nam được đào tạo dưới thời Pháp thuộc; tuy vậy những công trình của ông cũng đã gây không ít tranh cãi về chất lượng học thuật. Ông nguyên là chuyên viên cao cấp tại Viện Đông Nam Á, nguyên là Chủ nhiệm bộ môn đầu tiên của Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cụm công trình về văn hóa Việt Nam của ông gồm Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới (1994) và Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985) đã được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000.

Một số sách khác của tác giả Phan Ngọc

  • Thần thoại Hy Lạp, NXB Lao Động, 1980

  • Hình thái học trong từ láy tiếng Việt, NXB đại học Quốc Gia, 2013

  • Sự tiếp xúc của văn hóa Việt Nam với Pháp, NXB Thế Giới, 2018

  • Một thức nhận về văn hóa Việt Nam, NXB Thế Giới, 2018

Tổng hợp review sách Bản sắc văn hóa Việt Nam

Review từ bạn

Thuy Trang – Goodreads, 2020

“Mình chọn đọc quyển này vì có ham muốn tìm hiểu về văn hóa và nguồn cội của mình. Mình mong biết được sự bao quát và những khía cạnh trong nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên quyển sách này cung cấp nội dung theo một chiều hướng khác, đó là phân tích nền văn hóa trong sự khúc xạ, vượt gộp và biểu hiện trong quân sự, văn học, chữ viết, tôn giáo, tín ngưỡng, giáo dục, đời sống và tư tưởng.

Mình biết được nguyên nhân của sự hình thành và quá trình phát triển của những yếu tố văn hóa được đề cập. Tác giả cũng phân tích về điểm mạnh và chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục để phát triển và đưa văn hóa của nước ta ra toàn thế giới. Mình thấy tự hào về giá trị của nền VH nước ta và yêu bản sắc dân tộc của mình nhiều hơn sau khi đọc quyển sách này.”

Review từ bạn

huongtran29 – Shopee, 2021

“Sách hay, được giới thiệu và rất ưng khi xem sách.”

Review từ bạn

Đặng Lâm Tú – Tiki, 2016

“Cụ Phan Ngọc là một nhà nghiên cứu văn học, văn hoá, ngôn ngữ nổi tiếng ở nước ta. Công trình Bản sắc văn hoá Việt Nam là một trong những tác phẩm được nhắc đến nhiều khi chúng ta học về văn hoá. Đây là công trình có những kiến giải, xét soát rất độc đáo về văn hoá Việt. Để lĩnh hội hết ý tưởng mà ông đề cập đến trong cuốn sách này không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên với các phần, chương mục rạch ròi người đọc cũng phần nào thấu hiểu tâm huyết mà cụ gửi gắm vào công trình này. Đây là một tư liệu quý cho ai quan tâm đến văn hoá Việt Nam”

Review từ bạn

Tống Thế Thưởng – Tiki, 2015

“Một quyển sách hay.

Đây là một trong những quyển sách hay mà tôi từng đọc, nói về văn hoá, con người Việt Nam thì ai cũng hiểu, cũng biết ít nhiều, nhưng để hiểu được bản chất vấn đề thì không phải ai cũng rõ. Cám ơn giáo sư Phan Ngọc đã dày công nghiên cứu, đúc kết bản sắc văn hoá Việt Nam góp phần gìn giữ nền văn hoá, con người Việt Nam.”

Review từ bạn

Vu Ngan – Tiki, 2015

“Cuốn sách là tác phẩm kinh điển của Phan Ngọc.

Quyển sách khá dày nhưng khổ không lớn, giấy hơi thô và không đẹp lắm, vì vậy khi mở sách rất dễ bị gãy gáy sách. Bìa cũng không được đẹp. Bên trong về hình thức cũng còn sai nhiều lỗi chính tả. Còn về phần nội dung thì tương đối hay và hấp dẫn. Phan Ngọc là một trong những học giả uyên thâm của nền văn hóa Việt Nam. Đây có thể xem là tác phẩm kinh điển nhất của Phan Ngọc. Cuốn sách tiếp cận nhiều lý thuyết mà thời điểm đó rất các học giả khác có được cái nhìn mang tính khoa học và chặt chẽ như vậy về bản sắc văn hóa Việt Nam. Tôi thực sự tâm đắc với những ví dụ liên tưởng độc đáo của tác giả và khái niệm “độ khúc xạ” văn hóa.”

Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về Bản sắc văn hóa Việt Nam

Nếu bạn muốn xem thêm thông tin chi tiết, hoặc đặt mua sách, bạn có thể ghé thăm Tiki theo link ở đây

 Tổng hợp bởi Nguyễn Hằng.

Bấm Facebook để chia sẻ bài viết!

Xổ số miền Bắc