Sau 1 năm dùng Sony WF-1000XM3: Cảm ơn các hãng smartphone đua nhau bỏ cổng tai nghe

Cũng giống như máy casette Walkman hay chiếc điện thoại MP3 W700 ngày nào, với tôi tai nghe Sony WF-1000XM3 thật sự là biểu tượng cho trải nghiệm “hoàn hảo” của gã khổng lồ Sony.

Có một sự thật hơi đáng buồn rằng gần như tất cả những chiếc smartphone cao cấp có mặt trên thị trường đều đã bị loại bỏ cổng tai nghe. Cách đây hơn một năm, đây là điều tôi buộc phải chấp nhận khi sắm cho mình điện thoại mới. Việc phải mang thêm một dây chuyển nhỏ bé, dễ mất và có chất lượng âm thanh dở tệ đã khiến tôi đưa ra một quyết định quan trọng: mua tai nghe True Wireless để cải thiện “trải nghiệm số” của mình.

Một năm sau, mỗi lần đeo Sony WF-1000XM3 lên tai, tôi lại thầm mỉm cười vì lựa chọn của mình.

Thiết kế: độc đáo, chau chuốt

Thành thật mà nói, khi mua sắm các thiết bị công nghệ, tôi thường đặt yếu tố thẩm mỹ vào hàng cuối cùng. Chiếc Sony WF-1000XM3 cũng không phải là ngoại lệ: tôi chọn tai nghe của Sony vì chất âm trứ danh và vì trải nghiệm tiện dụng chứ không phải vì ngoại hình.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng WF-1000XM3 không đẹp. Nếu bạn sở hữu một chiếc xe đẹp, một chiếc laptop đẹp hay đã từng cầm tay một chiếc Xperia Z, bạn có lẽ sẽ hiểu cảm xúc của tôi về WF-1000XM3: đó là những vật dụng hết sức bình thường, gắn chặt với cuộc sống thường nhật của bạn đến mức đôi khi bạn quên đi vẻ ngoài của chúng. Nhưng chỉ cần một phút lặng để nhìn ngắm, bạn sẽ thấy WF-1000XM3 đẹp thực sự.

Cái đẹp của WF-1000XM3 được thể hiện đầu tiên ở hộp đựng (kèm sạc). Tôi tin rằng bất kỳ ai cầm chiếc hộp này lên tay đều sẽ phải thán phục quyết định phối màu khéo léo của Sony: phía dưới thân hộp là màu đen huyền bí, phía trên là màu vàng đồng sang trọng. Hai màu sắc kết hợp với nhau tạo ra sự tương phản nổi bật nhưng không quá chói lóa, trang nhã nhưng không hề nhàm chán. Từng chi tiết trên vỏ hộp đều được Sony trau chuốt rất kỹ, lớp vỏ cứng cáp cũng tạo ra cảm giác vô cùng yên tâm trong quá trình sử dụng.

Hai bên tai nghe cũng theo phong cách thiết kế này: vỏ tai màu đen với điểm nhấn là dòng chữ SONY màu vàng đồng. Khi thị trường đang có quá nhiều sản phẩm True Wireless với thiết kế “nhái” rõ rệt từ AirPods của Apple, tôi cho rằng thiết kế hạt đậu của Sony tạo cảm giác “hi tech” và độc đáo hơn hẳn. Sau một thời gian dài sử dụng, logo SONY không hề bị mờ hay xước, cho thấy công ty Nhật Bản đã trau chuốt tuyệt đối cho vẻ ngoài của chiếc tai nghe cao cấp này.

Sử dụng thoải mái, kết nối ổn định

Khi mới mua tai, tôi đã từng nghĩ True Wireless đơn giản chỉ là thay những sợi dây nối quen thuộc bằng kết nối Bluetooth. Khi sử dụng, tôi mới nhận ra rằng sự thay đổi nhỏ bé này lại có thể tạo ra trải nghiệm khác biệt đến vậy.

Điều gì đã thay đổi? Câu trả lời: Tai nghe được loại bỏ dây cũng có nghĩa rằng tôi không còn bị “trói” vào bàn làm việc của mình như trước nữa. Bất cứ lúc nào trong quá trình làm việc, tôi đều có thể thoải mái đứng dậy vươn vai hay thậm chí là rời bàn đi lấy nước ở cách điện thoại/máy tính tới 3 mét mà không bị mất tín hiệu. Kết nối giữa hai tai cũng đặc biệt ổn định, không hề gặp tình trạng đứt quãng như một số lựa chọn khác. Khi xem Netflix hay YouTube, độ trễ của WF-1000XM3 rất thấp, không làm hỏng trải nghiệm phim ảnh của tôi. Rõ ràng là WF-1000XM3 đã đảm nhiệm tốt trọng trách quan trọng nhất của chiếc tai nghe không dây: loại bỏ dây để tăng tối đa sự thoải mái mà không bắt người dùng phải hy sinh độ ổn định hay độ trễ khi sử dụng.

Không kém phần quan trọng là thời lượng pin. Với tần suất sử dụng khá nhiều, tôi vẫn chỉ cần sạc pin cho hộp tai nghe (vốn tích hợp sẵn pin để sạc cho 2 bên tai) khoảng 2 lần mỗi tuần. Quyết định sử dụng kết nối USB-C của Sony cũng khiến tôi hài lòng, bởi hiện tại phần lớn các thiết bị khác của tôi đều đã dùng USB-C chứ không dùng microUSB nữa.

Dĩ nhiên, để có thể sử dụng WF-1000XM3 ở “mọi lúc mọi nơi”, cảm giác khi đeo tai nghe trên tai cũng là đặc biệt quan trọng. Sony cung cấp sẵn 3 lựa chọn tips (đầu mút) theo tai, và tôi cảm thấy thoải mái nhất với tips cỡ M. Sau 1 năm sử dụng, tips có mềm đi khá nhiều nhưng không bám bẩn (tôi vệ sinh tips khoảng 1 tuần/lần) và cũng không đổi màu do oxy hóa. Trọng lượng của tai nghe chỉ vào khoảng hơn 8 gram mỗi bên tai, kết hợp cùng thiết kế hạt đậu cho phép tôi sử dụng khoảng 2 giờ mà không bị đau tai.

Một trải nghiệm “hi-tech”

True Wireless thường đi kèm nhiều tính năng phụ trợ thông minh, và WF-1000XM3 cũng không phải là ngoại lệ. Đáng chú ý nhất là khả năng chuyển đổi tới 8 thiết bị mà không cần ghép đôi trở lại. Khi đang sử dụng tai nghe với điện thoại rồi chuyển sang máy tính chẳng hạn, tất cả những gì tôi cần làm chỉ là mở ứng dụng Settings của Windows (cài đặt) rồi chọn WF-1000XM3. Tai nghe sẽ tự động ngắt khỏi điện thoại và bắt đầu chơi nhạc từ laptop.

Một tính năng vô cùng quan trọng khác là khử ồn. Các trang đánh giá quốc tế và Việt Nam đều cho rằng WF-1000XM3 có khả năng loại bỏ tiếng ồn thuộc hàng “top” hiện nay. Đó là một nhận định đúng 100%: tôi được tận hưởng sự tĩnh lặng tuyệt đối khi chạy bộ trong công viên, thoát khỏi tiếng ồn của xe cộ xung quanh; được chợp mắt trên những chuyến bay dài hơi; được tập trung làm việc trong những ngày văn phòng ồn ã nhất… Nhắc đến văn phòng, theo lời bạn bè tôi, chất lượng các cuộc gọi Teams hay Zoom đều đã được cải thiện đáng kể so với khi tôi còn sử dụng mic tích hợp của laptop.

Nếu bạn lo sợ tính năng khử ồn này quá tốt gây ra tình trạng “mất liên lạc” khi làm việc hoặc gây nguy hiểm khi đi đường, đừng lo bởi WF-1000XM3 đã có tính năng Ambient cho phép khử tiếng ồn nền nhưng vẫn cho phép nghe các âm thanh xung quanh (còi xe, tiếng người gọi hay thậm chí là tiếng… gõ phím cơ).

Chất âm “audiophile đại chúng”

Dĩ nhiên, dù trải nghiệm có hoàn hảo đến mấy thì chất âm vẫn là tiêu chí không thể thiếu được khi chọn lựa tai nghe. Và Sony, một thương hiệu có tiếng trong bao lâu, quả thật đã không làm tôi thất vọng.

Sức lôi cuốn của WF-1000XM3 được thể hiện gần như trong mọi khoảnh khắc trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Buổi sáng, khi lên tàu điện (MRT) đi làm, tôi thường bật những bản nhạc V-Pop có nhịp điệu sôi động để lấy cảm hứng làm việc. Đây cũng là những bản nhạc thể hiện rõ rất “chất” của WF-1000XM3: âm thanh đại chúng, dễ tiếp cận nhưng choáng ngợp và giàu chi tiết. Dải trầm của tai nghe dồi dào, có lực nhưng không lấn hết tất cả các dải âm khác. Dải trung âm hơi lùi về phía sau nhưng vẫn rất tự nhiên, giúp cho âm trường không bị bó hẹp mà vẫn giữ được nét hấp dẫn trong giọng hát của ca sĩ. Dải cao gây bất ngờ nhất: thanh thoát, giàu chi tiết.

Trong giờ làm việc, tôi thường bật Chillhop để tăng sự tập trung. Tính chất của thể loại nhạc này là nhiều bass và khá chậm rãi, do đó thường không phù hợp với những chiếc tai nghe có dải trầm dồi dào về lượng nhưng kém cao cấp. WF-1000XM3 không hề mắc phải điểm yếu này. Các nốt bass xuống khá sâu, tạo cảm giác “tròn tiếng” chứ không hụt hơi như tai nghe phổ thông. Dải trầm cũng không lấn sang dải trung, cho phép tiếng hát hay nốt đàn trong Chillhop tạo lập được điểm nhấn mong muốn giữa nhịp điệu đều đặn của trống và bass.

Buổi tối, một tuần vài lần tôi sẽ luyện tập và thư giãn bằng cách đi bộ trong công viên gần nhà với các bản nhạc không lời của Paul Mauriat, Richard Clayderman hay Francis Goya. Với thể loại nhạc này, dải âm tép trong trẻo của WF-1000XM3 thực sự là một điểm cộng lớn khi tạo ra không gian thoáng đãng, nhẹ nhàng. Có thể nói rằng, WF-1000XM3 đã thể hiện vai trò là một mẫu tai nghe “đánh tạp” quá tốt khi vừa chơi tốt nhạc trẻ sôi động, vừa phục vụ tốt cho những phút giây thư giãn hiếm có của tôi.

Chiếc tai nghe đáng lựa chọn

Có thể nói rằng, nếu các nhà sản xuất smartphone không đua nhau loại bỏ cổng tai nghe, có lẽ tôi đã không tìm hiểu và chọn mua WF-1000XM3. Nhưng một năm sau, chiếc tai nghe Sony đã trở thành một trong những lựa chọn mua sắm khiến tôi ưng ý nhất. WF-1000XP3 toàn diện về mọi mặt: thiết kế đẹp, khử ồn tốt, pin lâu, đeo thoải mái và trên hết là chất âm rất hấp dẫn.

Có lẽ, trải nghiệm của tôi với WF-1000XM3 có thể gói gọn trong một câu đơn giản: sau một năm gắn bó, tôi sẽ chẳng thể nào quay trở lại với tai nghe “thường” được nữa. Sony đã chiều chuộng tôi quá mức, biến một thứ phụ kiện vốn chỉ là “cắm và chơi” (Plug n’ Play) trở thành một thiết bị hi-tech thực thụ, thay đổi hoàn toàn các trải nghiệm làm việc, luyện tập và thư giãn của tôi. Chỉ riêng trải nghiệm này thôi đã là quá đủ để tôi mãi mãi gắn bó với những chiếc tai nghe Sony – theo cùng một cách tôi đã “yêu” TV và các thiết bị Sony khác trong quá khứ.

GC