SỰ TÍCH MẪU THOẢI VÀ TẾT MÙNG 5 THÁNG 5 – Chùa Phật học Xá Lợi

SỰ TÍCH MẪU THOẢI VÀ TẾT MÙNG 5 THÁNG 5

SỰ TÍCH MẪU THOẢI VÀ TẾT MÙNG 5 THÁNG 5

 

HUỲNH VĂN ƯU

 

 

Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch là Tết cổ truyền của Trung Quốc nhằm ca tụng tinh thần yêu nước của Khuất Nguyên, người nước Sở đời Chiến quốc, ông sinh năm 343 trước Công nguyên và mất ngày mùng 5 tháng 5 năm 278 trước Công nguyên. Nhưng cho đến nay còn nhiều “thuyết” do các tiền bối Trung Quốc để lại còn đang bàn cãi chưa đi đến hồi thống nhất.

Nhà sử học Tư Mã Bưu thời Tây Tấn viết trong “Tục Hán thư”: Mùng 5 tháng 5 là ngày trọng Hạ, vạn vật Thịnh vượng, âm khí mạnh sinh, theo tiết trời là ngày tiết (tết) Hạ chí. Còn với Bành Đại Vực tiên sinh triều Minh trong sách “Sơn Đường tứ khảo” lại cho rằng “Tiết ngày mùng 5 tháng 5 là tháng xấu, lấy ngày đó làm ngày đuổi tà ma, sâu bọ…”, sách “Hậu Hán thư” của Phạm Hoa thời Nam Bắc triều lại khẳng định: Bá tánh miền Đông tỉnh Chiết giang vì thương nhớ Ngô quốc trung thần Ngũ Tử Tư hiếu thảo với mẹ già, từ chối quan trường rồi “quy tiên”. Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch dân hai bên bờ sông Tao Nga tổ chức tế lễ, đua thuyền tưởng nhớ ông. Nhưng kho tàng dân gian Trung Quốc lại có câu chuyện. Ở vùng Tả Dương, tỉnh Hồ Bắc có tứ hiệp khách đi khắp thiên hạ cướp của nhà giàu chia cho kẻ nghèo, bị quan lùng bắt nhảy sông tự sát đúng ngày mùng 5 tháng 5. Về sau, nhân dân thương nhớ lấy ngày này làm tế lễ người anh em của hảo hán Lương Sơn Bạc. Nhưng đối với Trung Quốc, nguồn gốc Tết Đoan ngọ vẫn gắn liền với tinh thần yêu nước của Khuất Nguyên là được nhiều người biết đến và chấp nhận.

Riêng dân tộc ta bao đời nay cũng có lễ cúng ngày mùng 5 tháng 5, nhưng không phải như những câu chuyện trong sử sách người Trung Hoa mà đây là sự tích về bà Mẫu Thoải và ngày Tết mùng 5 tháng 5 (âm lịch) hàng năm. Đây là ngày gắn liền với nhân vật có công với nghề tơ tằm của nước ta. Nay khoa học tiến bộ, các ngành khảo cổ nghiên cứu, các ngành chức năng sưu tầm và mở rộng thông tin giúp chúng ta nhận biết về cội nguồn sự tích mà bấy lâu để quên trong tủ kính và khóa lại một cách tôn nghiêm cẩn mật. Nay trình độ hiểu biết được nâng cao, nên mọi sự tích truyền thuyết cũng cần phải làm sáng rõ. Chúng ta không được phép mơ hồ quên cội nguồn trong việc thờ cúng Tổ tiên, cũng như người có công với dân với nước.

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian trong đời sống văn hóa người Việt. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời tiền sử khi người Việt thờ các vị thần tự nhiên với hình ảnh nữ thần Mẹ. Các nữ thần này được tôn vinh với các chức vị Thánh Mẫu như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn thánh Mẫu, Thượng Ngàn Thánh Mẫu hoặc Quốc Mẫu như Quốc Mẫu Âu Cơ…

Theo “Bách Việt tộc phả cổ lục” ghi: Mẫu Thoải hay Mẫu Thủy là tên hiệu của bà Âu Cơ, vợ của Lạc Long Quân là con gái của Đế Lai (Nguyễn Như Lai), cháu gái của Đế Nghi (Nguyễn Nghi Nhân). Đế Nghi và Đế Minh (Nguyễn Minh Khiết) là anh em sinh đôi con của cụ Đế Thừa (Sở Minh Công). Lúc nhỏ, hai người thường hay đánh cá ở hồ Mây Mù tức (hồ Dâu Đàm thời Lý là Hồ Tây ở Hà Nội bây giờ) hai anh em quen biết và đem lòng thương yêu người con gái đẹp, con của vị chúa ở vùng này tên là Đỗ Thị Ngoan về sau bà được hiệu là Đoan Trang, còn trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi là Vụ Tiên. Ông anh Nguyễn Minh Khiết là người lấy được bà Đoan Trang. Sau đám cưới bà Đoan Trang một năm thì sinh con trai là Nguyễn Lộc Tục (về sau là Kinh Dương Vương cùng bà Hồng Đăng Ngàn (Mẫu Thượng Ngàn) sinh ra Lạc Long Quân).

Còn ông Nguyễn Nghi Nhân xin cha cùng binh lính lập nghiệp ở Hồ Động Đình (Trung Quốc ngày nay) rồi chinh phục bộ lạc ở đây lập ra nước Sở. Các hậu duệ của ngài còn kế thế đến nhiều đời sau, gọi là Sở Hùng Thông. Đế Nghi mất ở nước Sở, nhưng đến đời con của Ngài là Đế Lai (Nguyễn Như Lai) sau khi giao quyền trị nước cho con trưởng là Đế Ai, rồi mang theo một người con gái là Âu Cơ trở về thăm lại nước cũ. Âu Cơ sau đó lấy Lạc Long Quân, hai người chắt có chung một cụ Đế Thừa lấy nhau. Khi vua cha Kinh Dương Vương qua đời, Nguyễn Lâm được kế ngôi, gọi là Lạc Long Quân. Do căn cứ vào sự tích nhà vua thường dẫn đầu các trai tráng đi diệt trừ thủy quái đã xăm mình cho giống với thủy quái để dễ bề diệt chúng, nên được dân chúng gọi là vua Rồng (Lạc Long Quân).Còn Âu Cơ, vợ của Lạc Long Quân do căn cứ vào nơi ở của hai vị, nên các đời sau mới gọi là Mẫu Thủy (hay Mẫu Thoải).

Là người sinh ra và lớn lên ở xứ trồng dâu nuôi tằm và dệt the lụa (tức vùng quanh hồ Động Đình) nên khi về làm dâu, bà Âu Cơ nối nghiệp mẹ chồng, trở thành vị Tổ thứ hai, sau Mẫu Thượng Ngàn của nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải ở nước ta. Bách Việt tộc phả còn chép “Bà là người hiền đức, kế nghiệp mẹ chồng dạy dân nghề chăn tằm dệt vải” và “Sinh thời bà thường chăm sóc cho các gia đình binh lính theo Lạc Long Quân trừ thủy quái chẳng may bị thương tích hoặc hy sinh. Vì thế, sau khi bà “hóa” được dân chúng tôn xưng gọi là Bà Chúa Lính”.

Cũng như mẹ chồng, khi chăn tằm thì bà Âu Cơ cũng thường xuyên phải “ăn cơm đứng” (Tục ngữ nước ta: Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng) tức là lúc nào cũng tất bật chẳng được thảnh thơi ngay cả trong khi ăn. Vì thế, sau khi bà “hóa” vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, được các đời sau lấy làm ngày Quốc lễ, cũng bằng bánh trôi, bánh chay cùng nhiều thức ăn quý giá khác.

Lâu nay, do việc tiếp thu thiếu chọn lọc sách vở của người phương Bắc, nên dẫn đến sự nhằm lẫn cho rằng ngày Tết mùng 5 tháng 5 của nước ta là để tưởng nhớ về Khuất Nguyên, vị trung thần của nước Sở, vì can ngăn Sở Hoài vương không được đã ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn.

Ngày nay, sự hiểu biết tìm tòi được mở rộng, nguồn thông tin phổ cập khai thông, nên mọi sự tích về thờ cúng dần dà được xác định về nguồn gốc hẳn hoi cặn kẻ được đa số thuyết phục chấp nhận. Sự kiện lịch sử thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương là một minh chứng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO chính thức thông qua quyết định công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hùng Vương lại là con của bà Âu Cơ (Mẫu Thoải) như vừa trình bày “có lớp có lang” về gốc tích và việc làm cụ thể như dạy dân biết nuôi tằm dệt vải… Như vậy, cách nay khoảng 2.000 năm bà Âu Cơ (Mẫu Thủy) đã từng sống và dạy chúng ta. Cho nên, bổn phận kẻ hậu sinh phải biết tôn kính và nhân dân ta lấy ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm làm ngày tưởng nhớ công lao Mẫu Âu Cơ. Đó cũng là truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Còn Khuất Nguyên chúng ta chỉ quý mến về sự trung nghĩa, (đừng quá tôn sùng mà trở thành ngoại lai quên đi Tổ tiên cội nguồn). Chúng ta không được phép mơ hồ, nhất là trong việc thờ cúng. Hai chữ “đồng bào” do đâu mà có, nếu không phải là mẹ Âu Cơ sinh ra các Vua Hùng Tổ tiên thì làm sao có chúng ta như ngày hôm nay.

Tài liệu tham khảo

–  Đại Việt Sử ký toàn thư – Ngô Sĩ Liên, Nxb. Văn hóa Thông tin

– Tham khảo các lời bình về ngày mùng 5 tháng 5 của các nhà sử học Trung Quốc: Tư Mã Bưu, Bành Đại Vực, Phạm Hoa…

– Tham khảo Bách Việt tộc phả cổ lục.

Xổ số miền Bắc