Ô nhiễm Môi trường và sức khoẻ cộng đồng – Sở tài nguyên và môi trường phú thọ

Thứ tư – 21/01/2009 01:39

Con người xuất hiện là kết quả của quá trình tiến hoá lâu dài của thế giới sinh vật, vì thế chúng ta có khả năng thích nghi với hầu hết sinh cảnh trên trái đất có những điều kiện môi trường bình thường. Tuy nhiên, trong  nhiều sinh cảnh, sự xuất hiện của một số yếu tố như nhiệt độ, chất độc, điện từ trường, vi sinh vật có thể cao hơn mức thích nghi của con người. Mức tích luỹ lớn nhất mà không gây hại đến sức khoẻ con người được gọi là Tiêu chuẩn môi trường. Ô nhiễm Môi trường là sự xuất hiện trong môi trường một hay nhiều yếu tố nào đó cao hơn mức mà tiêu chuẩn Môi trường Quốc gia quy định. Các yếu tố này rất đa dạng, gồm các yếu tố vật lý như bụi, tiếng ồn, nhiệt độ, âm thanh, trường điện từ, trường phóng xạ.v.v.; các yếu tố hoá học như kim loại nặng, hoá chất bảo vệ thực vật, chất thơm.v.v.;  các yếu tố sinh học như vi khuẩn, vi rút, nấm mốc. v.v. Môi trường bị ô nhiễm có thể do các nguyên nhân tự nhiên (ví dụ như  động đất gây sụt lở làm bộc lộ các các loại đất đá chứa chất phóng xạ hay kim loại nặng), nhưng phần lớn là do các hoạt động kinh tế và thói quen vệ sinh của con người. Trong bối cảnh bùng nổ dân số, tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá ngày càng nhanh, mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng nguy hiểm cả về phạm vi lẫn dạng thức. Số lượng người có biểu hiện bệnh lý trong đó có cả các bệnh nan y như ung thư, viêm nội tạng.v.v. có nguyên nhân trực tiếp là do ô nhiễm môi trường  ngày càng tăng.

Các yếu tố gây ô nhiễm có thể được tích luỹ lâu dài trong môi trường, ví dụ kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…, cũng có thể làm lan truyền trong môi trường mà không được lưu lại như tiếng ồn, độ  rung… Như vậy, trên bình diện sức khoẻ, khái niệm “ô nhiễm môi trường” là một khái niệm mềm và mờ, đó không phải là khái niệm cứng và rạch ròi nên hay gây tranh luận trong cộng đồng và là một khe hở để người gây ô nhiễm tìm cách trốn tránh trách nhiệm hoặc kéo dài thời gian điều tra đánh giá mức độ và nguyên nhân ô nhiễm.

Để xác định ô nhiễm môi trường, chỉ có số liệu của những phòng phân tích được Nhà nước đầu tư và chứng nhận đủ khả năng phân tích mới có cơ sở pháp lý để yêu cầu trách nhiệm của phía gây ô nhiễm. Những số liệu phân tích của các phòng thí nghiệm khác không có sự uỷ quyền của nhà nước chỉ có giá trị cảnh báo và nghiên cứu. ở một số tỉnh, thành phố, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đầu tư và giao cho các phòng phân tích thuộc các Trung tâm, Trạm quan trắc Môi trường thuộc sở TN&MT có đủ khả năng và trách nhiệm phân tích một số thông số môi trường địa phương. ở tỉnh Phú Thọ, bạn đọc có thể liên hệ với Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ Môi trường để được phục vụ khi cần thiết.

Vì liên quan đến quy định của tiêu chuẩn môi trường, nên ô nhiễm môi trường là hiện tượng phải định lượng được, phải đo đếm được. Vì vậy, các khái niệm hay gặp trên báo chí như “ô nhiễm văn hoá”; “ô nhiễm đạo đức”  chỉ là khái niệm mang nội dung văn hoá, tâm lý không phải là khái niệm về ô nhiễm môi trường. Cũng liên quan đến tiêu chuẩn môi trường Quốc gia nên khái niệm này không giống nhau ở các nước khác nhau. Với tiêu chuẩn của nước này là ô nhiễm, nhưng với tiêu chuẩn của nước khác lại là “sạch”. Ô nhiễm môi trường tạo ra cái nền chung không thuận lợi cho cuộc sống con người. Để ô nhiễm môi trường gây ra tác động xấu đến sức khoẻ, còn một yếu tố quan trọng khác là do hành vi vệ sinh của mỗi người. Ngay cả trong một môi trường sạch, những người có thói quen vệ sinh không tốt thường mắc phải các bệnh do môi trường tạo ra nhiều hơn những người khác. Ngược lại, trong một môi trường bị ô nhiễm, những ngưòi biết phòng tránh tốt cũng có thể an toàn ở một mức độ nào đó.

Phòng tránh các nguy cơ về sức khoẻ do ô nhiễm môi trường gây ra không chỉ là trách nhiệm của chính quyền các cấp  mà quan trọng hơn là cả cộng đồng và mỗi con người phải biết tự bảo vệ chính mình. Cuộc sống có tốt đẹp hay không phụ thuộc vào nơi mà chúng ta đang sống, đó chính là nhà ở, xóm làng, cộng đồng, thành phố, đất nước, khu vực hay rộng hơn là trái đất. Giữ gìn cho môi trường ở những nơi đó trong sạch và xanh tươi là trách nhiệm của mọi người vì mỗi người đều đóng một vai trò quan trọng và có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường. Nếu mỗi người chúng ta đều đóng góp những hành động đúng và những lẽ phải cho môi trường thì nơi ở của chúng ta sẽ được giữ gìn và cuộc sống của chúng ta đã tốt đẹp lên nhiều.

Bảo vệ môi trưòng cũng như đảm bảo an toàn cho ngôi nhà, cho gia đình bạn. Mỗi con người cần phải hiểu biết để chủ động phòng chống nhiễm môi trường vì sức khoẻ của chính bạn, của người thân và cả cộng đồng.

Xổ số miền Bắc