Thấy gì từ các vụ ‘trảm’ 2 PTTg và ‘tấn phong’ 2 PTTg mới?

Nguyễn Bá Bình

Chiều 9/1/2023, Quốc hội Việt Nam đã bế mạc phiên họp được cho là bất thường. Se-ri “hý kịch” này khởi đầu từ ngày 20 và 21/12 năm ngoái. Trong những ngày ấy thiên hạ chúc nhau “Merry Christmas!” Nhưng “đấu trường Ba Đình” trong lòng Hà Nội thì chẳng “merry” (vui vẻ) chút nào cả…

Hai mươi ngày kể từ tin đồn…

Khởi đầu là “màn warm-up” của Ủy ban Kiểm tra TƯ ngày 20 – 21/12, với việc Ủy ban này Khiển trách Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Ngoại giao và Cảnh cáo Đảng ủy Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Tiếp đó, ngày 30/12, Ban Chấp hành TƯ trình diễn tiếp màn “biểu quyết thống nhất” để: “Đồng chí Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIII. Đồng chí Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIII”. Tức là phải mất 10 ngày, tính từ hôm 20 – 21/12 đến 30/12, tin về việc Đảng “trảm” cương vị ủy viên BCT và TƯ đối với 2 đương kim PTTg Minh và Đam, mới chính thức được xác nhận. Chưa hết, lại phải chờ thêm mấy ngày nữa, đến mồng 5/1/2023, các ông nghị bà nghị mới được bấm nút để “phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Thường trực đối với ông Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng đối với ông Vũ Đức Đam”. Vậy tức là 15 ngày trôi qua tính đến thời điểm “khởi động”. Và phải mất thêm 4 ngày nữa, chờ đến chiều 9/1, tức là 20 ngày sau khi có tin từ Uỷ ban Kiểm tra, mới có buổi họp báo chính thức để Quốc hội cho cử tri trong cả nước biết tại sao phải “trảm” hai ông PTTg!!!

Sau những ngày được công bố là “làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ…, kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra. Quốc hội đã xem xét, thông qua 01 Luật, 03 Nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2”. Trên thực tế, chẳng mấy ai quan tâm đến 1 Luật và 3 Nghị quyết là những cái chi chi, vì ai cũng biết, đó là trò bịp. Chẳng qua chỉ là để thực hiện một trong 36 kế của Tôn Tử, tức là “thuận tay dắt dê”. Dư luận chỉ tập trung vào đề tài nóng duy nhất, cách giải thích việc lấy quyết định của Đảng và Quốc hội để “trảm” 2 PTTg. Và có lẽ VietnamNet là trang mạng hiếm hoi dám đề cập đến “lý do miễn nhiệm chức Phó Thủ tướng với các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam”. Theo trang báo này, hai ông PTTg về hưu là do “nguyện vọng cá nhân” chứ không phải là do “tự từ chức”? Đọc đi đọc lại bài viết thì chỉ có thể hiểu rằng, hai ông này dường như muốn nói với công luận, “các đồng chí muốn đuổi chúng tôi thì đuổi” – chẳng nhẽ “nguyện vọng cá nhân” của hai chúng tôi là… bị đuổi??? – nhưng chúng tôi “không từ chức”.

Quyền lực ông Trọng và nhà nước độc tài

Buổi họp báo, theo cách thức giải thích vòng vo tam quốc của VNN, vẫn như “gà mắc tóc”. Nhà báo “Thanh Niên” chất vấn: “Vậy có thể xem ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam từ chức hay không? Quy định 41 về từ chức miễn nhiệm quy định nhiều căn cứ từ chức, vậy các ông Bình Minh, Đức Đam từ chức vì lý do gì?”. Sau hơn 20 ngày “làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao…”, câu hỏi vẫn không có câu trả lời. Tuy nhiên, nhà báo Tomoya Onishi (từ tờ Nikkei Asia) đã bình luận: “Việc cách chức đánh dấu sự leo thang của chiến dịch chống tham nhũng kéo dài nhiều năm, được thực hiện bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là người đang ở nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là lãnh đạo đảng. Đây là lần đầu tiên ông Trọng truy lùng các quan chức chính phủ ở cấp cao nhất”. Còn theo các chuyên gia khác, như ông Đặng Tâm Chánh, một nhà phân tích chính trị từ TP. Hồ Chí Minh, thì cho rằng, sự leo thang cho thấy TBT Nguyễn Phú Trọng đang củng cố thêm quyền lực của mình, mặc dù ông đã gần như hội tụ quyền lực thật sự của đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang, hệ thống tư pháp và giám sát.

Sợ vãi linh hồn là lúc đọc status của một Giáo sư từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH Hà Nội), khi vị này viết một cách bâng quơ rằng, “trang điểm xác chết – sự vô ích lần cuối – thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận”. Lập tức liền kề, một comment khác khá chua chát xuất hiện ngay bên dưới stt: “Trang điểm lộng lẫy hàng ngày cho con bệnh nan y, lại lở loét kinh niên thì nên hay không nên?” Thế là comment khác trả lời ngay tắc lự: “Không nên, vì lúc này vấn đề là cứu sống con bệnh, chứ không phải làm đẹp cho con bệnh”. Trong khi các thầy trò từ USSH Hà Nội phải viết các stt theo cách phiếm định, thì GS. Nguyễn Đình Cống huỵch toẹt: “Việc miễn nhiệm hai ông Phó Thủ tướng, thay bằng hai ông mới khi mọi quyết định đã giải quyết xong, chỉ cần công bố cho toàn dân biết. Việc công bố này, nếu công khai… thì chỉ cần một người làm trong vài phút với chi phí vài triệu. Nhưng để che giấu bản chất độc tài của một chế độ, thì phải nói dối đó là Nhà nước dân chủ. Để hợp thức hóa từ “dân chủ” dối trá, nên phải tổ chức hai hội nghị bất thường của BCH Trung ương Đảng và Quốc hội, rất nhiều người phải bỏ công bỏ việc quan trọng để dự họp, tiêu tốn khoản tiền khá lớn, có thể đến hàng trăm tỷ chỉ để “trang điểm xác chết”.

Một hệ thống lãnh chúa cấp vùng

Việc hai ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh bị bay chức, về hưu non, còn cho thấy một vài đặc điểm khác nữa của nền chính trị Việt Nam đương đại. Có lẽ lộ diện khá rõ là hệ thống lãnh chúa được cho là bền vững. Đại đa số các ủy viên trung ương ĐCSVN là các lãnh chúa nhiều quyền lực, trong đó bao gồm tất cả các quan đầu tỉnh. Họ được đi lên từ các địa phương với hệ thống đàn em (lãnh chúa con) chằng chịt và rất hùng mạnh. Các ủy viên trung ương nắm các bộ cũng cần có một hệ thống lãnh chúa con như thế để duy trì quyền lực. Dĩ nhiên các lãnh chúa to đầu nhất là các Ủy viên Chính trị Bộ. Hai ông Minh và Đam đều không có các lãnh chúa con hậu thuẫn. Ông Đam đi lên từ tầng lớp “không ưu tú” của hệ thống giai cấp mới (New Class, từ của Milovan Djilas). Ông Minh, mặc dù là thái tử đỏ (con trai ông Nguyễn Cơ Thạch), có một mạng lưới quan hệ quốc tế hữu ích cho ngoại giao Việt Nam, nhưng lại không có các lãnh chúa khác ở cấp vùng chống lưng.

Hai nhân vật vừa lên thay Minh và Đam, ngồi vào ghế PTTg – ông Trần Lưu Quang và Trần Hồng Hà – là ví dụ rõ ràng nhất của các lãnh chúa Khổng giáo – Cộng sản. Ông Hồng Hà xuất thân từ “vương quốc Hà Tĩnh”, còn ông Lưu Quang đến từ “vương quốc Tây Ninh”. Thật ra thì hình ảnh của họ khá nhạt nhòa. Họ được chọn sau những cuộc kịch chiến giữa 4 – 5 nhân vật khác trong “hộp đen”. Dấu ấn lớn nhất Hồng Hà để lại là những lần ghi điểm trong mắt chóp bu của đảng. Tháng 4/2016, khi công ty thép Formosa Hà Tĩnh xả thải độc hại, gây ô nhiêm môi trường biển nghiêm trọng, Hồng Hà đã “đi đêm” vận động, buộc công ty Formosa đồng ý trả cho chính phủ Việt Nam số tiền 500 triệu Mỹ kim, tương đương 11.500 tỷ đồng, nhằm đền bù thiệt hại do họ gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung. Nhận được tiền khủng, cả hệ thống chính trị, cùng “dàn đồng ca” báo quốc doanh vội vã “quay xe”, tán dương Formosa giữ uy tín, đền bù kịp thời… Còn Trần Lưu Quang làm Bí thư Tây Ninh gần bốn năm, từ 2015 đến 2019, ông cũng không để lại bất kỳ dấu ấn gì, ngoại trừ việc dâng các dự án, “đất vàng” béo bở ở Tây Ninh cho các tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, TNG Holding…

Bàn tay lông lá của Tập đại đại

Có một nhân tố rất đặc biệt trong vụ “trảm” Phạm Bình Mình, tuy xếp vào cuối bài viết này, nhưng thực chất có ý nghĩa tiên quyết, đó là sức ép của TBT Tập Cận Bình trong dịp ông Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh cuối tháng 10/2022. Từ những tìm hiểu với các quan chức cao cấp trong nội bộ đảng CSVN, báo The Nikkei Asia Review cho rằng, ông Phạm Bình Minh bị mất chức vì hai lẽ: Một là, từ vị trí thứ nhất trong bốn PTTg, ông Minh có tham vọng ngoi lên ghế Chủ tịch nước, tức là đứng vào hàng ngũ “Tứ trụ” (Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội) của chế độ cộng sản Việt Nam – và đó là điều ông Trọng không chấp nhận. Hai là, ông Trọng phải “triệt hạ” ông Phạm Bình Minh theo chỉ thị của ông Tập Cận Bình, TBT Cộng sản Trung Quốc, trong chuyến đi chầu Bắc triều của ông Trọng đầu tháng 11 năm ngoái. “Ông Trọng bị Tập Cận Bình ép phải hạn chế ảnh hưởng của các phần tử thân Phương Tây và Phạm Bình Minh là cái tên được nhắc tới trực tiếp”. “Phần tử Phương Tây” là một phần của những cuộc đàm luận khi Trọng thăm Bắc Kinh hồi mùa thu và diện kiến Tập, người vẫn sử dụng chiêu bài chống tham nhũng để củng cố quyền lực ở Trung Quốc,” tờ Nikkei viết trong số báo 6/1.

Vì có lập trường cứng rắn chống âm mưu bành trướng của Trung Quốc sau cuộc Chiến tranh Biên giới 1979, nên bố của Phạm Bình Minh – ông Nguyễn Cơ Thạch trước đây cũng bị Bắc Kinh gây sức ép buộc ĐCSVN phải loại bỏ ông khỏi mọi chức vụ khi đôi bên bí mật gặp nhau tại hội nghị Thành Đô năm 1991 dẫn tới sự lệ thuộc hoàn toàn của Việt Nam. Trường hợp của Phạm Bình Minh lần này dường như lặp lại câu chuyện của bố ông, sau hơn ba mươi năm, bởi vì, Trung Quốc có đặc tính thù dai. Từ thời Việt Vương Câu Tiễn họ đã dạy nhau: “Quân tử báo cừu, thập niên bất vãn” (Quân tử báo thù mười năm chưa muộn)! Nhận định ông Minh và ông Đam bị mất chức có thể do bàn tay của Trung Quốc đã được đưa ra đầu tiên từ một bài đăng Facebook của ông Lê Kiên Thành, con trai cố TBT ĐCSVN Lê Duẩn, hiện là một doanh nhân có tiếng ở TP. Sài Gòn. Ngay khi có tin ĐCSVN sắp thanh trừng ông Minh và ông Đam, ông Kiên Thành đã nói tới các thủ đoạn can thiệp vào nội tình Việt Nam của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Thay lời kết

Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường tự hào về chiến dịch “đốt lò” mà ông sao chép từ cuộc “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc, coi đó là dấu ấn mà ông sẽ để lại trong lịch sử chính trị của đất nước. Mới đây, ông còn lớn tiếng khoe thành tích “đốt lò” 10 năm qua là đã “kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.” Nhưng thực tế, sau 10 năm ông Trọng đốt lò, tham nhũng không giảm đi mà còn tăng đều và tăng mạnh. Đường lối chống tham nhũng của ông Trọng không chỉ sai từ gốc, mà thực chất chỉ là một vỏ bọc che đậy những cuộc đấu đá và tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền.

Trong cuộc đốt lò đó, quan chức nào giỏi chạy chọt, có vây cánh rộng lớn và mạnh, có sự ủng hộ của lực lượng công an, mật vụ và nhất là có được sự đồng thuận của đàn anh cộng sản ở bên kia biên giới phía Bắc thì có cơ may vượt lên, ngược lại thì sẽ bị đào thải, bị biến thành củi. Có năng lực và được đào tạo bài bản ở Hoa Kỳ và Phương Tây như ông Minh và ông Đam chẳng những không phải là lợi thế mà có khi là mầm mống của tai họa. Dân chủ và chống tham nhũng có quan hệ nhân quả với nhau. Không thể “trong sạch”, không thể “nêu gương” cho ai chừng nào ĐCSVN cầm quyền vẫn tiếp tục dối trá, vẫn tự huyễn hoặc mình và nhân dân bằng những vở tuồng “dân chủ giả cầy” không còn gạt gẫm được ai.

Xổ số miền Bắc