Thể lệ cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc Trường Đại học An Giang năm 2022 với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước”

Thể lệ cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc Trường Đại học An Giang năm 2022 với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước”

I. ĐỐI TƯỢNG THAM GIA

Học sinh, sinh viên Trường Đại học An Giang.

II. NỘI DUNG CUỘC THI

1. Chủ đề: “Khát vọng phát triển đất nước”

2. Nội dung thi

a. Dành cho đối tượng học sinh: Thí sinh chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1:

Câu 1: Chia sẻ cảm nhận của em về một cuốn sách đã truyền cảm hứng, hướng em tới lối sống tích cực, có ý thức xây dựng môi trường sống văn hóa lành mạnh, có trách nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến và phát triển đất nước.

Câu 2: Em hãy xây dựng kế hoạch hành động nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân hoặc cộng đồng? (Nêu được mục tiêu, đối tượng hưởng lợi, nội dung công việc thực hiện, dự kiến kết quả đạt được).

Đề 2:

Câu 1: Em hãy sáng tác một tác phẩm văn học (truyện ngắn, thơ, kịch) hoặc một tác phẩm hội họa (tranh vẽ) với thông điệp lan tỏa tình yêu đọc sách, thông qua đó khơi dậy trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu với Tổ quốc.

Câu 2: Em hãy xây dựng kế hoạch hành động nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân hoặc cộng đồng? (Nêu được mục tiêu, đối tượng hưởng lợi, nội dung công việc thực hiện, dự kiến kết quả đạt được).

b. Dành cho đối tượng sinh viên: Thí sinh chọn 1 trong 2 đề sau:

Đề 1:

Câu 1: Chia sẻ cảm nhận về một cuốn sách anh (chị) được đọc đã truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức, hướng anh (chị) tới lối sống tích cực, trách nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Câu 2: Anh (chị) hãy viết một sáng kiến kinh nghiệm nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng? (Nêu rõ được mục đích, tính sáng tạo mới mẻ, các kết quả, tác động (đã đạt được hoặc dự kiến đạt được) và khả năng ứng dụng, triển vọng nhân rộng sáng kiến trong cộng đồng).

Đề 2:

Câu 1: Anh (chị) hãy sáng tác một tác phẩm văn học (truyện ngắn, thơ, kịch) hoặc một tác phẩm nghệ thuật (tranh vẽ) nhằm lan tỏa tình yêu đọc sách, nuôi dưỡng tâm hồn giàu tính nhân văn, từ đó khơi dậy trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu với Tổ quốc.

Câu 2: Anh (chị) hãy viết một sáng kiến kinh nghiệm nhằm phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng? (Nêu rõ được mục đích, tính sáng tạo mới, các kết quả, tác động (đã đạt được hoặc dự kiến đạt được) và khả năng ứng dụng, triển vọng nhân rộng sáng kiến trong cộng đồng).

3. Yêu cầu bài dự thi

a. Hình thức:

Mỗi thí sinh tham gia gửi bài dự thi độc lập (không làm bài dự thi theo nhóm), ngôn ngữ trình bày bằng Tiếng Việt và có thể sử dụng một trong hai hình thức:

+ Viết (đánh máy, viết tay): Độ dài bài dự thi viết không quá 5.000 từ.

+ Dựng clip (video, audio): Thời lượng tối thiểu là 5 phút, tối đa 12 phút; có thể sử dụng các hiệu ứng, kỹ xảo và đảm bảo về chất lượng hình ảnh, âm thanh; có độ phân giải tối thiểu là 640px x 480px; được lưu bằng định dạng phổ biến mp4, avi, mpeg, mkv, klv…và phù hợp với việc đăng tải trên Youtube.

– Đối với tác phẩm hội họa (tranh vẽ): được thể hiện trên giấy không dòng kẻ; phải có phần thuyết minh ý tưởng (đọ dài phần thuyết minh không quá 1.000 từ); thí sinh được sử dụng chất liệu màu tự do phù hợp với tranh vẽ và sở trường của bản thân; quy định cụ thể kích thước giấy như sau:

+ Học sinh sử dụng giấy kích thước tối đa: khổ A3 (29,7×42 cm).

+ Sinh viên sử dụng giấy kích thước tối đa: khổ A2 (42×59,4 cm).

– Các sản phẩm minh họa gửi kèm bài dự thi có kích thước tối đa: 60x120x70cm (chiều dài x chiều rộng x chiều cao).

b. Nội dung:

– Bài dự thi phải trả lời đầy đủ 02 câu được đặt ra trong đề thi, có nội dung lành mạnh, trong sáng, phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam; đảm bảo tính chính xác, an toàn thông tin và các quy định pháp luật khác có liên quan.

– Các cuốn sách được chia sẻ trong bài dự thi phải được phát hành hợp pháp tại Việt Nam (khuyến khích thí sinh chia sẻ các cuốn sách được xuất bản trong thời gian gần đây), lưu ý có giới thiệu cụ thể, đầy đủ nguồn xuất bản của cuốn sách.

– Ở câu 1 của mỗi đề thi, thí sinh có thể thêm phần tóm tắt nội dung bằng tiếng Anh (không quá 300 từ đối với bài viết hoặc 02 phút đối với clip) có chất lượng tốt sẽ được cộng điểm khuyến khích.

– Bài thi khi được lựa chọn tham dự vòng chung kết phải gừi kèm theo Thông tin dự thi của thí sinh (theo mẫu); phải được chỉnh sửa lỗi chính tả, lỗi văn bản và không có bất kì ký hiệu riêng nào khác ghi trên bài.

– Các thí sinh gửi kèm theo bài dự thi Giấy xác nhận đã tham gia hoạt động khuyến đọc tại trường học, địa phương, cộng đồng về Ban Tổ chức sẽ được cộng điểm khuyến khích.

4. Trách nhiệm của thí sinh tham dự Cuộc thi

– Thí sinh phải tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của Thể lệ Cuộc thi.

– Bài dự thi là sản phẩm sáng tạo của cá nhân thí sinh (các clip dự thi phải do chính thí sinh thể hiện, bao gồm cả giọng đọc và dẫn chuyện), chưa gửi trưng bày, triển lãm, đăng tải trên các ấn phẩm, mạng internet hoặc dự thi ở cuộc thi nào.

– Các trường hợp sử dụng các nội dung, đoạn trích, câu nói, tranh, hình ảnh… của người khác trong bài dự thi phải có trích dẫn nguồn đầy đủ. Các clip dự thi sử dụng hình ảnh, bài hát hoặc âm thanh phải thực hiện theo quy định về bản quyền; thí sinh chịu trách nhiệm nếu có tranh chấp về pháp lý liên quan đến các vi phạm bản quyền (nếu có).

Lưu ý: Thí sinh có thể tham khảo tài liệu chia sẻ kinh nghiệm giới thiệu sách trên chuyên mục CLB Sách & Bạn đọc của eNews (http://enews.agu.edu.vn/), click chọn banner Đại sứ Văn hóa đọc.

5. Trách nhiệm của Ban Tổ chức Cuộc thi

– Ban Tổ chức Cuộc thi không trả lại bài cho các thí sinh. Ban Tổ chức có trách nhiệm lưu trữ, bảo quản bài dự thi, sử dụng các tác phẩm dự thi để quảng bá cuộc thi và phục vụ các hoạt động khuyến đọc.

– Ban Tổ chức Cuộc thi không chịu trách nhiệm về những tranh chấp quyền tác giả và quyền liên quan đến những tác phẩm tham gia dự thi.

III.  THỜI GIAN TỔ CHỨC, NƠI NHẬN BÀI

1. Thời gian nhận bài

– Từ ngày ban hành kế hoạch đến ngày 15/6/2022.

2. Nơi nhận bài dự thi

Liên hệ cô Nguyễn Thị Cẩm Thiêu.

– Trực tiếp: Tầng 3 – Tòa nhà Thư viện và các Trung tâm.

– Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. .

3. Tổng kết và trao giải

– Dự kiến vào ngày 15/7/2022.

– Ban tổ chức sẽ chọn ra 10 bài xuất sắc gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tham gia vòng chung kết cuộc thi toàn quốc vào trước ngày 15/7/2022.

IV. GIẢI THƯỞNG CUỘC THI

1. Giải cá nhân:

a) Bảng học sinh

– 01 Giải nhất

– 01 Giải nhì

– 03 Giải ba

– 05 Giải khuyến khích

Ban Tổ chức sẽ chọn 05 tác phẩm đạt giải (Nhất, Nhì, Ba) ở bảng học sinh để gửi dự thi vòng chung kết toàn quốc.

b) Bảng sinh viên

– 01 Giải nhất

– 01 Giải nhì

– 03 Giải ba

– 05 Giải khuyến khích

Ban Tổ chức sẽ chọn 05 tác phẩm đạt giải (Nhất, Nhì, Ba) ở bảng sinh viên để gửi dự thi vòng chung kết toàn quốc.

2. Giải tập thể:

– 01 Đơn vị (lớp) có nhiều thí sinh tham gia.

– 01 Đơn vị (lớp) có nhiều thí sinh đạt giải.

V. HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG

– Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ trao giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang và giải thưởng cuộc thi cho các cá nhân và tập thể đạt giải.

– Các tác phẩm qua vòng sơ tuyển sẽ được đăng trên chuyên mục CLB Sách & Bạn đọc của Trang Báo sinh viên điện tử (eNews) – Trường ĐHAG sau khi vòng chung khảo cuộc thi kết thúc và sẽ được tính nhuận bút theo chế độ hiện hành. Riêng 10 bài đạt giải được gửi tham dự vòng chung kết cấp quốc gia sẽ được đăng khi kết thúc vòng chung kết tại Hà Nội./.

Chi tiết Kế hoạch

Xổ số miền Bắc