Thời đại các vị vua Hùng, nước Văn Lang và Giỗ tổ Hùng Vương – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang

Thứ tư – 06/04/2022 14:48

Về sự ra đời của quốc gia Văn Lang, xét trên phương diện kinh tế, vào khoảng nửa đầu thiên niên kỷ I trước công nguyên (TCN), công cụ lao động bằng đồng thau đã trở nên phổ biến và bắt đầu có công cụ bằng sắt. Nhờ vậy, cư dân đã khai phá và biến vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Cả thành những cánh đồng màu mỡ với nền nông nghiệp trồng lúa nước, dùng cày với sức kéo của trâu, bò. Đồng thời, sự phân công giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp cũng được hình thành.

Sự phát triển kinh tế đã dẫn đến sự chuyển biến xã hội. Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Công xã thị tộc (1) tan vỡ, thay vào đó là công xã nông thôn (2) và gia đình phụ hệ.

Sự chuyển biến về kinh tế, xã hội đã đặt ra những yêu cầu mới của xã hội lúc bấy giờ là: làm thủy lợi và trị thủy để phục vụ cho nền nông nghiệp trồng lúa nước; quản lý xã hội nhằm đảm bảo trật tự  và ổn định đời sống dân cư; chống giặc ngoại xâm để bảo vệ lãnh thổ. Chính những yêu cầu đó đã đẩy mạnh quá trình hình thành nhà nước.  Trên cơ sở đó, quốc gia Văn Lang đã được ra đời vào khoảng thế kỷ VII TCN.

Tổ chức nhà nước Văn Lang còn đơn giản, sơ khai. Đứng đầu là vua Hùng; giúp việc có các Lạc hầu, Lạc tướng. Cả nước chia làm 15 bộ do Lạc tướng đứng đầu. Dưới bộ là các làng do là Bồ chính cai quản. Vua Hùng đóng đô ở Bạch Hạc (nay thuộc TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Cương vực nước Văn Lang bao gồm một vùng lãnh thổ từ khoảng Quảng Bình hiện nay trở ra đến giáp biên giới Việt – Trung, biên giới Việt – Lào; trong đó, biên giới phía Bắc có thể bao gồm một phần tỉnh Quảng Đông và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) hiện nay.

Đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ dưới thời Văn Lang khá phong phú, chất phác, hòa nhập với tự nhiên.

Về đời sống vật chất, cư dân ăn gạo tẻ, gạo nếp, cá, mắm, thịt, rau củ. Trong lao động và sinh hoạt, nữ mặc váy, nam đóng khố, vào các dịp lễ hội, cư dân đã biết mặc đẹp hơn. Nhà ở đều là nhà sàn được làm bằng gỗ, tre, nứa, lá,…

Về đời sống tinh thần, cư dân có tục ăn trầu, nhuộm răng đen, xăm mình, dùng đồ trang sức được chế tác từ đá, đồng thau và vỏ của các loài nhuyễn thể. Tín ngưỡng chủ yếu và phổ biến của cư dân là tục sùng bái tự nhiên, như thờ thần Mặt trời, thần Sông, thần Núi,… và tục phồn thực với những nghi lễ cầu mong được mưa thuận, gió hòa, giống nòi phát triển. Nét đặc sắc của cư dân là thờ cúng tổ tiên, sùng kính những người có công với làng, với nước. Tục lệ cưới xin, ma chay, lễ hội khá phổ biến, nhất là hội mùa,…

Sự ra đời của quốc gia Văn Lang và thời đại của các vị vua Hùng là có thực trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Đó là thời đại mà đất nước ta có cương vực, tên nước, chế độ xã hội, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng riêng. Tất cả những cái đó là nền móng và trở thành ý thức, bản sắc và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đó là cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động; giản dị, phóng khoáng, đoàn kết trong cuộc sống; anh dũng, kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm. Tất cả những giá trị đó đã trở thành tài sản vô cùng quý báu để dân tộc ta tiếp tục phấn đấu xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
 
Để tưởng nhớ các vị vua Hùng đã “có công dựng nước” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh), ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, toàn dân ta đều long trọng tố chức ngày Giỗ Tổ rất trọng thể và trang nghiêm; nếu ai có điều kiện thì thực hiện cuộc hành hương về cội nguồn dân tộc ở Đền Hùng  tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng – nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác:
“Dù ai đi ngược về xuôi/  Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba
Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Trên thế giới, có lẽ duy nhất chỉ có dân tộc ta mới có ngày Quốc giỗ và cuộc hành hương về cội nguồn dân tộc.

Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm tới ngày giỗ tổ Hùng Vương và Đền Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL – CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc.

Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) – năm đầu tiên của Chính phủ mới: chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước, đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước đang bị giặc Pháp xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin – thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch).

Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn – QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Không chỉ thế, ngày 6/12/2012, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Giỗ tổ Hùng Vương không phải chỉ đề cao niềm tự hào dân tộc mà còn nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc, nguồn cội của tổ tiên. Qua đó mỗi người không ngừng học tập, lao động, rèn đức luyện tài để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng với công lao của các thế hệ anh hùng dân tộc, với tổ tiên ta ngày trước.

Chú thích:

(1) Công xã thị tộc là hình thức cộng đồng xã hội đầu tiên trong lịch sử loài người, bao gồm tập hợp một số người cùng chung huyết thống, theo mẫu hệ và có ràng buộc về kinh tế (quan hệ sản xuất).

(2) Công xã nông thôn (CXNT) là sự kết hợp của các gia đình nhỏ trong một khu vực nhất định. Đây là điểm khác biệt giữa công xã thị tộc và công xã nông thôn. Các thành viên trong công xã nông thôn không nhất thiết phải có quan hệ huyết thống với nhau, lấy khu vực chứ không phải mối liên hệ huyết thống làm cơ sở kết hợp. CXNT lấy chế độ tư hữu ruộng đất và gia đình phụ hệ làm nền tảng.

Xổ số miền Bắc