Thổi “làn gió mới” vào đời sống văn hóa trong nhân dân

TDĐKXDĐSVH góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc (Ảnh: Buổi biểu diễn của Câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ xã Phú Nham, huyện Phù Ninh)

Phú Thọ có xuất phát điểm là một tỉnh nghèo. Đời sống và trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, hạn chế với sự tồn tại của những hủ tục lạc hậu; hệ thống thiết chế văn hóa còn nhiều bất cập. Cùng với đó, những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường dẫn đến nguy cơ mai một giá trị truyền thống, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội, đặt ra thách thức không nhỏ đối với sự phát triển chung của tỉnh, đặc biệt là trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới, nếp sống văn minh tại địa phương.

Đứng trước thách thức đó, từ năm 2000 Phú Thọ phát động phong trào TDĐKXDĐSVH trong toàn tỉnh với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực. Qua 21 năm triển khai, đến nay phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia. Qua đó góp phần lập lại trật tự kỷ cương, tạo lập môi trường văn hoá lành mạnh, nhất là văn hoá ở cơ sở.

Một trong những nội dung, phong trào trọng tâm của phong trào TDĐKXDĐSVH được các địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện xuyên suốt hơn 20 năm qua là “Đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Về xã Hùng Việt (huyện Cẩm Khê) những ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi những đổi thay kỳ diệu, thấy được cuộc sống ấm no của người dân bao năm vất vả, lam lũ. Những ngôi nhà kiên cố, khang trang được xây dựng; những con đường nhựa, bê tông chạy dài thẳng tắp, 2 bên là hàng quán buôn bán tấp nập… Tất cả tạo nên một diện mạo mới cho vùng quê từng một thời gắn với chữ “nghèo”.

Ông Nguyễn Trọng Phú – Chủ tịch UBND xã Hùng Việt cho biết: Trước đây, giao thông đi lại trên địa bàn xã rất khó khăn. Người dân quẩn quanh trong cái đói, cái nghèo bởi duy trì tập quán canh tác lạc hậu và mang tâm lý trông chờ, ỷ nại. Với mong muốn đổi thay quê hương, song song với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, từ năm 2000 toàn xã triển khai sâu rộng phong trào TDĐKXDĐSVH, trong đó xác định giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới là tiêu chí quan trọng cần quyết tâm thực hiện. Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm từng bước thay đổi nhận thức, giúp người dân tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đến nay, cơ sở hạ tầng trên địa bàn từng bước được hoàn thiện; người dân tham gia tích cực, trách nhiệm vào các hoạt động kinh tế, phong trào thi đua. Toàn xã giữ vững 19/19 tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 giảm còn 3,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm.

Sau hơn 20 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, diện mạo quê hương Cẩm Khê ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao

Không chỉ vận động người dân tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cấp ủy và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác quy hoạch đất, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá – thể thao nhằm phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị và tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao. Qua đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia sôi nổi của đông đảo nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công phong trào TDĐKXDĐSVH trong toàn tỉnh.

Hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh

Tại huyện Tam Nông cách đây vài chục năm, nhiều người dân không mấy mặn mà với các phong trào văn hóa thể thao, nguyên nhân một phần do các thiết chế văn hóa – thể thao cũng như các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao ở cơ sở còn hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Tuy nhiên, từ khi triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH, trọng tâm là xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao gắn với phát triển phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đến nay đời sống văn hóa tinh thần của người dân đã có nhiều thay đổi.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Tam Nông, hiện nay 100% khu dân cư trong huyện đã có nhà văn hóa gắn với sân thể dục, thể thao, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng; 100% trường học trên địa bàn có sân chơi, bãi tập, dụng cụ phục vụ hoạt động thể dục thể thao; 40,3% dân số và 36,6% gia đình thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.

Cùng với việc nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần cho người dân, để phong trào TDĐKXDĐSVH thực sự đi vào cuộc sống, các địa phương trong tỉnh cũng luôn quan tâm thực hiện tốt các nội dung, phong trào như: Thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng gia đình, làng, thôn, bản, khu dân cư văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến… Qua đó góp phần gìn giữ thuần phong mỹ tục trong cộng đồng dân cư; đồng thời ngăn chặn và đẩy lùi được các tệ nạn xã hội ngay từ cơ sở. Từ các phong trào này đã có hàng nghìn tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến, tập thể kiểu mẫu trên tất cả các lĩnh vực được biểu dương khen thưởng. Họ đã và đang tích cực thi đua học tập, công tác, lao động sản xuất và cống hiến từng ngày cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Lãnh đạo huyện Tam Nông trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào TDĐKXDĐSVH giai đoạn 2000 – 2020

Có thể khẳng định, trải qua hơn 2 thập kỷ, phong trào TDĐKXDĐSVH đã khẳng định sức sống trong đời sống xã hội, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào Công giáo, trong lực lượng vũ trang, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp. Từ đó khơi dậy nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng, làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân vùng Đất Tổ.

Để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Đắc Thủy nhấn mạnh: Điều quan trọng và tiên quyết là cần phải tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện phong trào. Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần coi trọng việc gắn các nội dung của phong trào với thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh hằng năm. Đồng thời đẩy mạnh, đa dạng hoá công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục tiêu và nội dung phong trào, từ đó phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác và năng lực tự quản, tự làm chủ đối với những thành quả của phong trào. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở, trong đó ưu tiên các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn của tỉnh.

Thanh Hòa

Xổ số miền Bắc