Thông tin tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2022 – Khoa Di sản Văn hóa – Chuyên ngành Quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch.

Thông tin tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2022 – Khoa Di sản Văn hóa – Chuyên ngành Quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch.

bởi quản trị viên |
Ngày đăng: 11-07-2022


THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC HỆ CHÍNH QUY NĂM 2022

KHOA DI SẢN VĂN HÓA

Chuyên ngành Quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch

 (Ngành quản lý văn hóa)

      Với những thách thức của thế kỷ 21 cùng với việc mở rộng du lịch di sản trên toàn thế giới đã làm tăng nhu cầu về các chiến lược quản lý, bảo tồn, diễn giải và phát huy giá trị di sản. Từ năm 2017, Khoa Di sản văn hóa, Đại học Văn hóa Tp. HCM triển khai đào tạo bậc đại học chuyên ngành Quản lý Di sản Văn hóa (thuộc ngành Quản lý văn hóa), nhằm mục đích khám phá bản chất đa ngành của môi trường di sản. Trong dòng chảy phát triển không ngừng, Khoa đã liên tục đổi mới chương trình, chuyên ngành đào tạo nhằm đáp ứng với nhu cầu của xã hội. Năm 2020, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã đổi tên và chỉnh sửa nội dung của chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý Di sản Văn hóa thành chuyên ngành Quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch phù hợp với nhu cầu đổi mới và phát triển của xã hội hiện nay. Đây được coi là bước tiến mạnh mẽ của Khoa Di sản văn hóa khi mạnh dạng gắn kết hai yếu tố là di sản và du lịch vào chương trình đào tạo.

Chương trình cung cấp các kiến thức tổng quát về lịch sử, văn hóa, khoa học (xã hội và tự nhiên) và kinh tế,… liên quan đến ngành Quản lý văn hóa và kiến thức chuyên sâu về quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch; thành thạo các kỹ năng nghề nghiệp, ứng xử và giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến các hoạt động của lĩnh vực di sản văn hóa và du lịch; đồng thời có năng lực tự chủ, tinh thần trách nhiệm cao, tuân thủ các quy định của pháp luật, hòa đồng với tập thể, tư duy phản biện tốt để đáp ứng nhu cầu của công việc.

Kiến thức:

Có khả năng áp dụng các kiến thức cơ bản về triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Việt Nam,… để nhận diện các vấn đề về văn hóa, kiến thức an ninh, quốc phòng và giáo dục thể chất để rèn luyện sức khỏe và bảo vệ tổ quốc.

Có khả năng áp dụng các kiến thức cơ bản về khoa học, xã hội và nhân văn, chính sách pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ sở văn hóa Việt Nam, lịch sử văn minh thế giới, mỹ học, tâm lý học, xã hội học, tiếng Việt thực hành, lịch sử tư tưởng phương Đông và Việt Nam làm nền tảng để nghiên cứu liên ngành.

Áp dụng được các kiến thức cơ bản về lý luận văn hóa, khoa học quản lý, đại cương Nghệ thuật học, phương pháp nghiên cứu khoa học Văn hóa, văn hóa dân gian Việt Nam, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam, phương pháp định tính, định lượng,…để giải quyết vấn đề phát sinh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng như nhận diện các giá trị di sản văn hóa và khai thác phát triển du lịch.

Áp dụng các kiến thức có tính hệ thống, khoa học về quản lý văn hóa: chính sách văn hóa, xã hội, quản lý nhà nước về văn hóa, phát triển đời sống văn hóa cộng đồng và một số kiến thức tự chọn theo hướng dẫn nhằm đa dạng hóa hướng chuyên môn, hoặc tự chọn tùy ý để tích lũy đủ học phần quy định như: kỹ năng giao tiếp và ứng xử, làm nhóm, giải quyết xung đột, tổ chức sự kiện, chuyên sâu về đạo đức nghề nghiệp, di tích lịch sử văn hóa, marketing di sản văn hóa, marketing dịch vụ du lịch, xúc tiến du lịch, thiết kế và điều hành tour,… để có thể làm việc trong môi trường hiện đại, đa dạng văn hóa nhưng cũng gắn kết với bản sắc, nền tảng di sản và đáp ứng các nhu cầu phát triển du lịch.

Áp dụng được kiến thức về công nghệ thông tin, tiếng Anh và Hán ngữ cơ bản để đáp ứng yêu cầu công việc quản lý văn hóa, nghiên cứu di sản và khai thác phát triển du lịch trên nền tảng di sản.

Kỹ năng:

Có khả năng vận dụng các kỹ năng về quản lý di sản, quản lý các hoạt động văn hóa quần chúng, quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa, công tác xã hội, xây dựng và quản lý dự án văn hóa nghệ thuật, quản lý Nhà nước về du lịch để thực hiện công tác quản lý hoạt động văn hóa xã hội, quản lý di sản và phát triển du lịch.

Có khả năng vân dụng các kỹ năng nghiên cứu, điều tra, nhận diện giá trị di sản văn hóa phi vật thể, xây dựng hồ sơ tư liệu hóa về di sản, bảo tồn không gian văn hóa giáo dục, phổ biến các giá trị di sản văn hóa , quay phim chụp ảnh thực hành phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Vận dụng kĩ năng quản lý, bảo quản hiện vật, di vật và cổ vật, nghiên cứu thị trường di sản các phương pháp phân loại, marketing các di sản văn hóa.

Có khả năng vận dụng các kỹ năng về nghiệp vụ du lịch, thiết kế và điều hành tour, kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, kĩ năng hoạt náo du lịch, tổ chức hoạt động xúc tiến và quản bá du lịch cho các cơ quan địa phương, điểm đến du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Có khả năng thiết kế, thu thập thông tin trong nghiên cứu văn hóa theo phương pháp định lượng, thuyết trình, giải quyết xung đột, tiến hành khảo sát, tìm hiểu, phân tích, thuyết minh, giao tiếp, ứng xử, làm việc nhóm, một số hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa, xã hội, nghệ thuật, viết khóa luận tốt nghiệp.

Có thể sử dụng tiếng Anh để diễn đạt, ứng xử tình huống, viết báo cáo có nội dung đơn giản, đọc và hiểu văn tự Hán, Nôm sử dụng kĩ năng về công nghệ thông tin, để đáp ứng yêu cầu trong việc quản lý văn hóa, đặc biệt là về di sản văn hóa và phát triển du lịch.

Năng lực tự chủ và trách nhiệm:

Làm việc độc lập, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau hoặc làm việc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm.

Có trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm chuyên môn, sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần học tập suốt đời.

Cam kết bảo vệ, xây dựng và phát triển văn hóa địa phương với tinh thần toàn cầu.

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tôn trọng sự khác biệt, đa dạng về văn hóa.

 Phương thức xét tuyển:

• Xét tuyển tổ hợp môn văn hóa từ kết quả thi tốt nghiệp THPT

• Xét tuyển tổ hợp môn văn hóa từ kết quả học bạ bậc THPT (Lớp 10, Lớp 11, Lớp 12)

 Mã đăng kí:

• Mã trường: VHS

• Quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch: 7229042B

Tổ hợp xét tuyển chuyên ngành Quản lí di sản văn hóa và phát triển du lịch: C00, D01, D09, D15

 Chỉ tiêu tuyển sinh:

• Chuyên ngành Quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch: 60 chỉ tiêu

Mọi quan tâm cũng như thắc mắc về tuyển sinh, các bạn vui lòng cập nhật Fanpage, Website cũng như số điện thoại của Khoa Di sản văn hóa để biết thêm chi tiết:

Fanpage: https://www.facebook.com/khoadisanvanhoavhs/

Website: http://disanvanhoa.hcmuc.edu.vn/

Số Điện thoại: 028.35120566

Số Hotline:

     – Cô Trương Thị Hiếu: 0973789911

     – Cô Nguyễn Thu Hà: 0917588289

 Học phí:

Các ngành học trong chương trình có mức học phí khá “hạt dẻ” 299k/tín chỉ và khoảng từ 6 triệu đồng cho một học kỳ.

Thời gian đào tạo – Tín chỉ:

Thời gian hoàn thành chương trình đào tạo: 4 năm

Bao gồm 131 tín chỉ, trong đó có 41 tín chỉ thuộc Khối kiến thức giáo dục đại cương, 90 tín chỉ thuộc Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (Ngành – Cơ sở ngành – Chuyên ngành)

 Đặc điểm nổi bật:

Ngoài những kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành học, sinh viên còn nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn khi đến với Khoa Di sản Văn hóa:

• Được hưởng chế độ miễn, giảm học phí theo quy định chính phủ

• Tham quan thực tế trong quá trình học tập

• Nhận học bổng của trường và các nhà tài trợ

• Lưu trú tại KTX xịn xò, khang trang với nhiều tiện ích sinh hoạt

• Thực tập nghề nghiệp trong thời gian học

• Xem xét học bổng tại nước ngoài do trường liên kết

• Giao lưu với các trường đại học trong khu vực và thế giới

 Bằng cấp:

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên của Khoa Di sản Văn hóa sẽ nhận được bằng cử nhân ngành Quản lý văn hóa (chuyên ngành Quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch) do Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cấp.

 Cơ hội việc làm:

Di sản Văn hóa là một lĩnh vực liên ngành vì thế cơ hội việc làm có thể nói là rất đa dạng, năng động, sáng tạo, phù hợp cho cả những bạn có tâm hồn hướng nội và ngoại. Cùng điểm qua những cơ quan, tổ chức mà các bạn sau khi ra trường có thể làm việc nhé.

Quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch:

• Cán bộ, nhân viên phòng, ban chuyên môn trong Bảo tàng, Nhà truyền thống, Khu di tích lịch sử văn hóa, các Ban quản lý di tích, các Công ty Du lịch,…

• Giảng dạy và nghiên cứu về các lĩnh vực Di sản Văn hóa, du lịch trình độ cao đẳng, trung cấp

• Làm việc trong các cơ quan, tổ chức nhà nước về lĩnh vực Di sản văn hóa và Du lịch

• Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa

• Phòng Di sản văn hóa, Trung tâm xúc tiến du lịch

• Các điểm Di sản…

Trong thế giới phẳng ngày nay, việc đi đến những nơi trong và ngoài nước là điều hết sức dễ dàng và phát triển du lịch hiên nay trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng là phát triển theo hướng bền vững. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải quản lý các tuyến điểm du lịch, các điểm di sản, các thiết chế văn hóa như thế nào để khai thác và phát huy các giá trị đặc trưng của chúng ở các vùng, miền trong cả nước nhưng không làm thay đổi các giá trị cốt lỗi của chúng. Và chuyên ngành Quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch đáp ứng được nhu cầu thực tế này của mọi người trong xã hội hiện nay trong việc khám phá và trải nghiệm những điểm đến, những di sản văn hóa ở các địa phương trên cả nước.

Chào đón các bạn đến với chuyên ngành này của khoa chúng tôi để hiểu và nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn và quản lý các di sản văn hóa của dân tộc nhằm định hướng và phát triển du lịch theo hướng bền vững cho thế hệ mai sau.

Xổ số miền Bắc