Thực hiện tiêu chí ứng xử văn hóa trong gia đình

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về lĩnh vực gia đình nhằm phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Tuy nhiên, tình trạng ly hôn, ly thân, tảo hôn, phụ nữ gặp rủi ro khi lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp, tình trạng mua bán người… ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng. Tệ nạn xã hội tiếp tục xâm nhập vào gia đình dưới nhiều hình thức; đặc biệt, gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là văn hóa ứng xử trong gia đình chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; vai trò của giáo dục gia đình để hình thành nhân cách con người chưa được coi trọng; nhiều gia đình còn xao nhãng việc giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho các thành viên trẻ, chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng của gia đình đối với phát triển kinh tế – xã hội.

Hội thi kể chuyện chủ đề “Tình cảm gia đình” của học sinh Trường Mầm non Sao Vàng (thành phố Nam Định).

Hội thi kể chuyện chủ đề “Tình cảm gia đình” của học sinh Trường Mầm non Sao Vàng (thành phố Nam Định).

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược “Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, ngày 28-1-2022, Bộ VH, TT và DL ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt Nam. Trước khi ban hành Bộ tiêu chí, trong các năm 2020, 2021, toàn quốc có 12 tỉnh, thành phố được lựa chọn triển khai “thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện thí điểm cho thấy những hiệu quả tích cực đối với nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng hạnh phúc gia đình cũng như góp phần xây dựng xã hội văn minh. Tỉnh ta là địa phương không nằm trong diện được Trung ương hỗ trợ xây dựng thí điểm nhưng ngành VH, TT và DL tỉnh xác định việc triển khai thực hiện “thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” là việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực để xây dựng gia đình phát triển bền vững trong tình hình mới.

 Với vai trò là cơ quan thường trực ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, Sở VH, TT và DL đã ban hành kế hoạch tuyên truyền các tiêu chí ứng xử trong gia đình; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện mục tiêu “xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” trên cơ sở gìn giữ, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu giá trị văn hóa mới. Tập trung tuyên truyền các tiêu chí ứng xử chung như: “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ” với 4 nguyên tắc cụ thể cho 4 mối quan hệ cơ bản trong gia đình: vợ – chồng (chung thủy, nghĩa tình); cha mẹ với con, ông bà với cháu (gương mẫu, yêu thương); con với cha mẹ, cháu với ông bà (hiếu thảo, lễ phép); anh – chị – em (hòa thuận, chia sẻ).

Việc tuyên truyền được Sở VH, TT và DL đẩy mạnh qua các hình thức: Tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật chủ đề “Mái ấm gia đình”; tuyên truyền cổ động trực quan, qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, đăng tin, bài trên Cổng thông tin điện tử của Sở, Bản tin VH, TT và DL nhân Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Quốc tế Gia đình (15-5), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3). Cùng với tuyên truyền các tiêu chí ứng xử trong gia đình, Sở VH, TT và DL chỉ đạo các phòng chức năng, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, Trung tâm VH, TT và TT các huyện, thành phố đa dạng hóa hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa trong gia đình gắn với triển khai thực hiện các kế hoạch nhiệm vụ công tác gia đình; hướng dẫn, lồng ghép các tiêu chí với các tiêu chuẩn bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

5 năm qua,  Sở VH, TT và DL đã cấp phát hàng trăm cuốn tài liệu, phát hành hàng chục nghìn tờ rơi phổ biến, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến 226 xã, phường, thị trấn. Nhiều khẩu hiệu tuyên truyền có ý nghĩa được lựa chọn như: “Hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, “Gia đình – Nơi của yêu thương và chia sẻ”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực – Con cháu thảo hiền”, “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Công tác tuyên truyền thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình được các cấp, các ngành, địa phương thực hiện phù hợp với từng nhóm đối tượng như: in tờ gấp phát tới từng hộ gia đình; in pa-nô, băng-rôn, áp-phích, khẩu hiệu chăng treo tại trung tâm các huyện, thành phố, các nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố; in tài liệu phát cho các cơ quan, đơn vị sử dụng để nghiên cứu, lựa chọn nội dung, chủ đề, thông điệp tuyên truyền qua các hội nghị cơ sở. Ở các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực…, công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em, đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội; phát động hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam, Ngày hội Gia đình hạnh phúc tại các khu dân cư; củng cố và nâng cao chất lượng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Nhân Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, TDTT, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tập huấn, tọa đàm với chủ đề “Gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Những kết quả đạt được trong tuyên truyền các tiêu chí ứng xử trong gia đình đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về công tác gia đình thời kỳ mới. Năm 2021, toàn tỉnh có 522.814/617.230 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 84,7%; hơn 90% xã, phường, thị trấn đã thành lập được câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy, đường dây nóng và hàng trăm tủ sách pháp luật đặt tại các thôn, xóm, tổ dân phố. Việc bình xét, tuyên dương, khen thưởng các gia đình văn hóa, họp mặt các gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tổ chức vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) hàng năm đã tạo hiệu ứng lan tỏa các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” trong cộng đồng.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt Nam do Bộ VH, TT và DL ban hành năm 2022 thay thế “thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” ban hành năm 2017 đã đúc kết ngắn gọn những giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử của các gia đình Việt Nam; từ đó xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Việc đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ củng cố, tăng cường ý thức và kiến thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức từ trong gia đình – tế bào của xã hội, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 

 

Xổ số miền Bắc