Tích cực xây dựng văn hóa học đường gắn với đổi mới giáo dục

Thực hiện quy tắc ứng xử phù hợp với mỗi cấp học nhằm đảm bảo hình thành văn hóa ngay từ khi học sinh tới trường đã và đang được các cơ sở giáo dục thường xuyên quan tâm. Cô giáo Phạm Thị Kim Quế, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Thiện (huyện Yên Khánh) cho biết: Để xây dựng văn hóa học đường, nhà trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên cơ sở chuẩn mực đạo đức, văn hóa công sở và là cơ sở để đánh giá, quy chiếu và lan tỏa cho mọi hành vi ứng xử của các thành viên trong nhà trường. Trong đó, chú trọng vai trò nêu gương của người thầy, cô giáo nhằm định hướng hành vi, thái độ cho học sinh; luôn nêu cao văn hóa ứng xử giữa thầy – thầy, thầy – trò minh bạch, đúng chuẩn mực, trong sáng, lành mạnh, thân thiện… Do đó, nhiều năm qua, Trường Tiểu học Khánh Thiện đã xây dựng được môi trường giáo dục văn hóa, văn minh, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Năm học 2012-2022, Trường được UBND huyện công nhận danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến.  

Xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; khuyến khích tinh thần tự học, tự học tạo cơ sở để người học cập nhật tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực, hoàn thiện bản thân. Thầy giáo Đỗ Văn Đảm, Hiệu trưởng Trường THCS Mai Sơn (huyện Yên Mô) cho biết: Năm học 2022-2023, nhà trường có 213 học sinh/7 lớp. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh phát huy năng lực, phẩm chất, Ban giám hiệu nhà trường đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phòng GDĐT huyện Yên Mô và huy động từ nguồn xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc dạy và học. Bước vào năm học mới, nhà trường được đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, xây dựng 9 phòng học, phòng bộ môn và sửa chữa 12 phòng, đảm bảo các điều kiện để trường đạt tái chuẩn trong năm học 2022-2023.

Từ đáp ứng cơ sở vật chất, Trường THCS Mai Sơn quan tâm chỉ đạo đội ngũ giáo viên thực hiện nhiệm vụ giáo dục theo đúng hướng dẫn chương trình của ngành GDĐT các cấp; kết hợp giữa dạy chữ, dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; tôn trọng ý kiến của học sinh; phát triển cho học sinh những phẩm chất yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm… Kết quả, nhiều năm nhà trường có học sinh đạt giải cao tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Năm học 2021-2022, 100% học sinh tốt nghiệp lớp 9, tỷ lệ thi đỗ vào lớp 10 đạt gần 100%.

Tích cực xây dựng văn hóa học đường gắn với đổi mới giáo dụcMột giờ học của cô và trò Trường THCS Mai Sơn (Yên Mô).

 

Cùng với đó, việc đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sự sáng tạo trong thầy và trò đã và đang được các cơ sở giáo dục tích cực triển khai. Cô giáo Hà Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan C cho biết: Trước yêu cầu của xã hội, của ngành Giáo dục và Đào tạo, mỗi nhà trường đều xây dựng cho mình mục tiêu, sứ mệnh phù hợp với người dạy, người học và với điều kiện thực tiễn, đảm bảo ba tiêu chí cốt lõi là: An toàn, yêu thương và tôn trọng. Trường THPT Nho Quan C cũng đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công sứ mệnh trở thành trường chất lượng cao, phát triển ngoại ngữ, kỹ năng và sáng tạo. Trong những năm qua, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo động lực, truyền cảm hứng cho giáo viên, học sinh, nhằm tạo dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, yêu thương và tôn trọng.

Các chương trình đang được Trường THPT Nho Quan C triển khai hiệu quả như: “Chào tuần mới”, mỗi tuần 1 chủ đề, được thực hiện theo hình thức 1 chi đoàn hoặc liên chi; tổ chức sinh hoạt lớp theo chủ đề; tổ chức sinh hoạt CLB tại 16 CLB phù hợp với năng lực, sở thích, được rèn luyện, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu chuyên biệt, được định hướng nghề nghiệp trong tương lai… Qua đó giúp thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Toàn tỉnh hiện có 477 cơ sở giáo dục, trong đó có 155 trường mầm non; 146 trường Tiểu học; 134 trường THCS, 7 Trường Tiểu học và THCS; 27 trường THPT; 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Tin học và Ngoại ngữ tỉnh và 7 Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố. Hiện 100% các nhà trường đã xây dựng và thực hành quy tắc ứng xử văn hóa đối với cán bộ, nhà giáo và học sinh sinh viên; 100% cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh đã thành lập Tổ tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh và công tác xã hội trong trường. Các cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, khuyến học khuyến tài, trao quà, học bổng cho học sinh giỏi và học sinh nghèo vượt khó…

Đặc biệt, năm học 2022-2023, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đang đẩy mạnh triển khai xây dựng văn hóa học đường theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; thực hiện Công văn số 425/UBND-VP6 ngày 22/6/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 08. Qua đó phấn đấu thực hiện tốt phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, dạy và học”; thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022-2023; phấn đấu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Ninh Bình tiếp tục đứng trong tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Xổ số miền Bắc