Tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng các làng nghề truyền thống ven đô Hà Nội phù hợp với quá trình đô thị hoá và phát triển du lịch – Tin nghiên cứu khoa học – LeHD.,JSC | Công ty Cổ phần Kiến trúc

Tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng các làng nghề truyền thống ven đô Hà Nội phù hợp với quá trình đô thị hoá và phát triển du lịch

PGS.TS Nguyễn Đình Thi, KTS Lê Hồng Dân

 

1. Đặt vấn đề

         Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, với 47 nghề thủ công, chiếm 59% tổng số làng nghề trên toàn quốc, trong đó có 224 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống. Hiện nay, số làng nghề trên thu hút được 627.000 lao động với 167.000 hộ sản xuất, 2.000 công ty cổ phần và 4.500 công ty TNHH, giá trị sản xuất của làng nghệ đạt trên 7.650 tỷ đồng/năm [1]. Phần lớn các làng nghề nằm ở trục phát triển phía Tây của thủ đô, chủ yếu tập trung nhiều ở tỉnh Hà Tây trước đây. Làng nghề đã trở thành văn hóa đặc trưng của Hà Nội, làng nghề không chỉ góp phần phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương mà còn là nơi chứa đựng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, giá trị về lịch sử, tinh thần và nơi chốn, giá trị về kiến trúc, ngoài ra còn là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống.

         Khi nói đến các giá trị của làng nghề truyền thống, chúng ta cần phải nói đến giá trị các không gian sinh hoạt cộng đồng (KGSHCĐ) của làng nghề. KGSHCĐ của làng nghề truyền thống nói riêng cũng như các làng, xã người Việt nói chung được cho là không gian mà ở đó người dân được sử dụng theo nhu cầu của mình, các không gian này do chính quyền quản lý với sự tham gia của cộng đồng nhằm phục vụ cho sinh hoạt văn hóa, tinh thần, nơi sinh hoạt tập thể và giao tiếp của cộng đồng làng, xã. Trước đây, KGSHCĐ làng nghề truyền thống chỉ gói trọn trong các công trình như đình làng, chùa, đền, miếu, chợ làng. Các công trình này là nơi người dân tham gia các hoạt động quản lý hành chính của địa phương, tham gia sinh hoạt giao tiếp cộng đồng và sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển và nhu cầu sử dụng KGSHCĐ của người dân ngày càng nâng cao. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, KGSHCĐ tại các làng nghề truyền thống đã có thêm nhiều loại hình khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí, học tập nâng cao trình độ, sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân. Ngoài các KGSHCĐ như trước đây, còn có thêm các công trình như nhà thờ, vườn hoa, sân chơi, sân tập thể dục thể thao, nhà văn hóa, nhà hội họp, bưu cục bưu điện kết hợp nhà thư viện…

         Dưới tác động ảnh hưởng của đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn cũng như nhu cầu phát triển làng nghề, nhu cầu sử dụng các không gian phục vụ cho hoạt động dịch vụ, thương mại, không gian phục vụ sản xuất trong khi diện tích đất đai của làng nghề ngày càng bị thu hẹp do dành quỹ đất cho xây dựng đô thị và các khu công nghiệp. Vì vậy, các KGSHCĐ hiện đang bị xâm lấn, sử dụng không đúng mục đích cũng như các công trình kiến trúc bị xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, nghiên cứu là đánh giá thực trạng cũng như đưa ra hướng giải quyết nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị vật thể và phi vật thể của các KGSHCĐ làng nghề truyền thống và đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân là cần thiết và cấp bách.

         Đề tài sử dụng các phương pháp nguyên cứu phù hợp với mục tiêu của đề tài như tổng hợp, phân tích, đối chiếu, so sánh; khảo sát thực tế, chụp ảnh, vẽ ghi.

2. Thực trạng tổ chức các KGSHCĐ

         Qua khảo sát KGSHCĐ các làng nghề truyền thống tại thành phố Hà Nội hiện nay, đại đa số các KGSHCĐ cũ của các làng nghề như đình, chùa, đền, chợ làng bị xuống cấp do thời gian, do tác động của khí hậu và do chính tác động của con người. Các không gian này bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở, xây dựng không gian sản xuất, họp chợ, bán hàng quán, để nguyên liệu sản xuất, vật liêu xây dựng; một số không gian còn để hoang hóa, không sử dụng và các công trình kiến trúc không được bổ, sửa chữa nên ngày càng hư hỏng nhanh chóng. (Hình 1, 2).

        

Hình 1. Hình ảnh công trình di tích lịch sử bị lấn chiếm bán hàng, quán, gây mất mỹ quan.

(Trái – Không gian tâm linh tại làng nghề sản xuất hàng mã Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội; Phải –  Đình làng nghề mộc Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội)

         Các KGSHCĐ mới thì chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, còn thiếu nhiều không gian nghỉ ngơi, giao tiếp như cây xanh, mặt nước, vườn hoa, sân chơi, sân tập thể thao… Các công trình phục vụ SHCĐ đã được xây dựng mới hiện nay như nhà văn hóa thôn, bưu điện kết hợp thư viện cũng chưa đáp ứng về công năng sử dụng, chưa thu hút được người dân đến tham gia sinh hoạt, nhà văn hóa chỉ có duy nhất chức năng hội họp, không đủ diện tích cho các hoạt động giao lưu văn hóa, sinh hoạt cộng đồng.

 

Hình 2. Một số hình ảnh KGSHCĐ làng nghề mộc Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội

bị lấn chiếm và lãng quên

         Do nhu cầu thức tiễn của người dân, một số làng nghề cũng đã thành lập các ban xây dựng do chi hội người cao tuổi, chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên của làng đứng ra vận động góp tiền, góp công để chỉnh trang xây dựng lại KGSHCĐ sửa chữa công trình đình, chùa, đền, xây kè lại ao làng, trồng cây xanh trên các tuyến đường làng, thu dọn vệ sinh môi trường, mở rộng đường giao thông nông thôn… Tuy nhiên, các hoạt động này còn nhỏ lẻ, chưa mang tính đồng bộ, thiếu sự quản lý và chỉ đạo của các cấp chính quyền thành phố, vắng bóng các nhà tư vấn kiến trúc, quy hoạch đô thị và thiếu sự tham gia góp ý của chính cộng đồng dân cư nên kết quả thu lại hiệu quả còn chưa cao.

3. Một số yếu tố cơ bản tác động ảnh hưởng đến các KGSHCĐ

         – Chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn:

         Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư và chỉ rõ cần quan tâm đến các công trình sinh hoạt công cộng cho phát triển nông thôn mới, cụ thể là “Phát triển hệ thống bưu chính viễn thông, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho mọi vùng nông thôn, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; xây dựng hệ thống chợ nông sản phù hợp với từng vùng”. 

         Bộ tiêu chí quốc gia về phát triển nông thôn mới với 19 tiêu chí, trong đó có 5 tiêu chí liên quan đến công trình kiến trúc nông thôn như tiêu chí 5 về trường học; tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí 7 về chợ nông thôn, tiêu chí 8 về bưu điện và tiêu chí 9 về nhà ở dân cư. Trong đó, các tiêu chí liên quan đến KGSHCĐ như tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa: nêu rõ về tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa và khu thể thao đạt quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tiêu chí về bưu điện nông thôn: phải có điểm phục vụ bưu chính viễn thông và cung cấp mạng Internet về đến thôn làng. Các chính sách nêu trên đã ảnh hưởng sâu rộng đến quy hoạch, phát triển nông thôn mới và cũng đã ảnh hưởng đến việc tổ chức xây dựng các KGSHCĐ tại các làng nghề truyền thống.

         – Ảnh hưởng của đô thị hóa:

         Các làng nghề ven đô đều đang chịu ảnh hưởng của đô thị hóa và việc tổ chức phát triển các KGSHCĐ tại các làng nghề truyền thống cũng không là ngoại lệ. Do mối quan hệ di dân con lắc khăng khít giữa các làng nghề và đô thị cũng như ảnh hưởng từ phim ảnh nên người dân đã du nhập văn hóa kiến trúc từ đô thị nhưng chưa có chuyển hóa phong cách dẫn đến hình thức các công trình kiến trúc không phù hợp với làng nghề truyền thống. Các loại hình sinh hoạt cộng đồng làng, xã cũng thay đổi so với trước đây, trò chơi điện tử, phim ảnh, hàng quán dịch vụ mở lan tràn làm cho thiếu niên, thanh niên không còn mặn mà với các trò chơi dân gian và các sinh hoạt giao lưu lành mạnh nữa. Từ đó, các KGSHCĐ không đáp ứng được sự thay đổi nhu cầu của đại bộ phận dân cư làng, xã do khi xây dựng các KGSHCĐ chúng ta chưa tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của dân cư, nên chưa đưa các công trình văn hóa vào với cộng đồng.

         – Ảnh hưởng văn hóa, lối sống, phong tục tập quán:

         Một bộ phận lớn dân cư, nhất là lứa tuổi trung niên và người già vẫn còn giữ được lối sống và phong tục tập quán trước đây, các KGSHCĐ như đình làng, nơi thờ tổ nghề của mỗi làng nghề; chùa, đền, miếu; chợ làng đều là những không gian được người dân thích thú thường xuyên lui đến sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngoài ra, nhằm khích lệ phong trào học tập, nuôi dưỡng văn hóa nghề và là nơi giao lưu, học hỏi, phát triển kinh nghiệm của làng nghề, có làng còn xây dựng Thư quán, Hội quán như làng nghề mộc Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội. Do yêu cầu phát huy các giá trị lịch sử, giá trị tinh thần nơi chốn nên các không gian này cần phải bảo tồn, phát triển để các không gian này trở thành linh hồn cho làng nghề truyền thống. Các KGSHCĐ khác như nhà văn hóa, câu lạc bộ, sân chơi, sân tập thể thao, thư viện… cần tổ chức tiện nghi, hiện đại để phục vụ cho đại đa số dân cư nhưng phải kết hợp được với các không gian truyền thống để tạo nên một hệ thống các KGSHCĐ làng nghề linh hoạt, mềm dẻo đáp ứng văn hóa truyền thống, nhưng đảm bảo yêu cầu văn minh, tiến bộ, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

         – Nhu cầu sử dụng không gian kinh doanh, thương mại:

         Do làng nghề vừa sản xuất, vừa kinh doanh buôn bán nên nhu cầu sử dụng không gian dành cho sản xuất, bãi chứa nguyên vật liệu, không gian kinh doanh thương mại rất lớn trong khi diện tích đất đai của làng nghề truyền thống lại chật hẹp, một số làng nghề gần như không làm nông nghiệp hoặc có thì tỷ lệ làm nông nghiệp rất thấp (làng nghề mộc Chàng Sơn chỉ có 5,6% làm nông nghiệp) nên chủ yếu chỉ có đất ở, quỹ đất dành cho phát triển làng nghề lại chưa được đáp ứng hoặc nếu có quy hoạch thì lại không phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Do đó các KGSHCĐ bị lấn chiếm sử dụng vào làm dịch vụ, thương mại, buôn bán trong khi sự quản lý của chính quyền buông lỏng. Chợ, hàng quán họp tràn vào không gian văn hóa, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến các KGSHCĐ của làng nghề.

         – Nhu cầu sử dụng KGSHCĐ của người dân:

         Do có điều kiện kinh tế tốt hơn các làng thuần nông nên làng nghề có điều kiện sinh hoạt văn hóa tinh thần, nhu cầu sử dụng các KGSHCĐ cao hơn. Các làng nghề thường tổ chức lễ hội hàng năm nhằm thờ cúng ông tổ nghề kết hợp với sinh hoạt văn hóa dân gian, thi tay nghề và giới thiệu quảng bá sản phầm làng nghề ra với bên ngoài. Các công trình được người dân làng nghề có nhu cầu sử dụng cao nhất đó chính là đình làng, chùa, đền, miếu và chợ làng, ngoài ra còn có nhu cầu sử dụng các công trình như nhà văn hóa, sân tập thể thao, sân chơi, cây xanh, mặt nước, vườn hoa. Thực tế cho thấy khi tổ chức phát triển KGSHCĐ cần chú ý đến tổ chức vườn hoa, kết hợp với đình làng, mặt nước ao đình, giếng làng tạo thành một tổ hợp công trình công cộng giúp cho người dân nghỉ ngơi, đi bộ, tập thể dục, giao tiếp và sinh hoạt cộng đồng là cần thiết.

         – Nhu cầu phát triển làng nghề truyền thống theo hướng du lịch:

         Nhằm phát triển kinh tế và quảng bá thương hiệu, các làng nghề truyền thống rất cần thiết sản xuất và kinh doanh nghề theo hướng du lịch, gắn sản xuất với du lịch cộng đồng, đưa du lịch lại gần với người dân và người dân vừa là hướng dẫn viên, vừa ra người bán hàng và là người quản lý du lịch. Khi phát triển làng nghề truyền thống theo hướng du lịch cộng đồng cần bổ sung thêm một số không gian như bãi đỗ xe ô tô, nhà tiếp đón, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm và dịch vụ ăn uống của làng nghề hoặc một cụm làng nghề, một số loại hình hoạt động có thể đưa lại gần với người dân như tham quan dây chuyền sản xuất của nghề, lưu trú nghỉ tại nhà người dân, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng kết hợp với hoạt động du lịch gắn với không gian đình làng, vườn hoa, sân chơi và chợ làng. Nhìn chung, nhu cầu phát triển làng nghề theo hướng gắn với du lịch là cần thiết đối với các làng nghề truyền thống, khi tổ chức xây dựng các KGSHCĐ cho làng nghề cần phải quan tâm đến yếu tố phát triển này.

4. Đề xuất giải pháp

         – Giải pháp quy hoạch cải tạo, chỉnh trang các KGSHCĐ tại các làng nghề truyền thống:

         Đối với các KGSHCĐ tại các làng nghề truyền thống, cần phải quy hoạch cải tạo, chỉnh trang lại các KGSHCĐ, cụ thể như sau:

         Đình làng: là không gian có giá trị quan trọng bậc nhất về lịch sử, về tinh thần nơi chốn, nơi thờ tự ổng tổ của làng nghề. Do đó, không gian này cần phải tôn tạo, giải tỏa các công trình xây dựng lấn chiếm theo đúng diện tích ban đầu, đối với công trình kiến trúc, cần thiết phải bảo tồn nguyên trạng. Về tổ chức hoạt động, là nơi diễn ra lễ hội làng, ngoài ra có thể kết hợp tổ chức thêm các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa văn nghệ của người cao tuổi, phụ nữ, thanh thiếu niên trong làng.

         Chùa: là không gian có giá trị về lịch sử, tinh thần, nơi tổ chức các nghi lễ tôn giáo, là nơi sinh hoạt tôn giáo của người dân trong làng. Không gian này cần được bảo tồn, phát triển, công trình kiến trúc cần được bảo tồn nguyên trạng, có thể xây dựng thêm các chức năng trong không gian nhà chùa nếu cần thiết.

         Đền, miếu: là các không gian có giá trị về lịch sử, tinh thần, nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân cư. Giải pháp đề xuất là tôn tạo, phát triển các không gian và trùng tu nguyên trạng các công trình kiến trúc.

         Chợ làng: là KGSHCĐ cần thiết trong làng nghề, nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trong làng và khu vực xung quanh. Khác với siêu thị, trung tâm thương mại, chợ làng ngoài các chức năng giao dịch trao đổi hàng hóa, nó còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân cư, phiên chợ chính chỉ họp vào buổi sáng trong ngày hoặc một số buổi trong tháng, ở đó người dân có thể trao đổi thông tin, giao lưu, trò chuyện và chợ phải họp ở trung tâm làng, thuận lợi cho đi lại và cũng thuận cho trao đổi hàng hóa. Do đó, tại các chợ truyền thống, cần chỉnh trang mở rộng đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, phân chia các khu chức năng bán hàng cho phù hợp với thực tế. Khi xây dựng chợ mới cần chọn vị trí thuận lợi cho đi lại, gần với trung tâm làng, gần với bến nước, chợ nên xây dựng theo truyền thống, không làm công trình chợ quá lớn mà chia ra nhiều không gian nhỏ, tránh ngăn chia các không gian mà nên để không gian mở, liên hoàn gần gũi với thiên nhiên.  

         Các không gian như ao làng, cây đa, bến nước, giếng làng có thể kết hợp tổ chức cùng với vườn hoa, cây xanh, mặt nước, đường đi bộ, không gian vui chơi giải trí trong khu trung tâm làng nghề.

         – Giải pháp tổ chức các KGSHCĐ tại các điểm dân cư mới:

         Do nhu cầu về phát triển nhà ở và các KGSHCĐ, tại các làng nghề cần quy hoạch khu đất dành cho điểm dân cư nông thôn mới bên cạnh các làng nghề truyền thống. Các KGSHCĐ tại điểm dân cư nông thôn mới đó là: nhà văn hóa, sân tập thể thao, vườn hoa, bưu điện kết hợp với thư viện, điểm phục vụ Internet… Giải pháp tổ chức như sau:

         Nhà văn hóa: đối với nhà văn hóa đã xây dựng tại làng truyền thống, nên ưu tiên chỉnh trang, cải tạo mở rộng không gian, đáp ứng các nhu cầu sử dụng của người dân. Nhà văn hóa xây dựng tại điểm dân cư mới là trường hợp không thể xây dựng tại làng truyền thống, tại khu đất mới cần tổ chức đầy đủ các chức năng sử dụng, kết hợp với sân tập thể dục thể thao, với vườn hoa, cây xanh, mặt nước.

         Vườn hoa, sân tập thể thao, cây xanh: bố trí tại điểm dân cư nông thôn mới nếu tại làng truyền thống không đủ điều kiện để xây dựng. Vườn hoa, cây xanh, mặt nước là không gian hiện đang thiếu tại các làng nghề truyền thống, do đó khi quy hoạch điểm dân cư nông thôn mới cần thiết phải quan tâm tổ chức các loại hình không gian này.

         Hệ thống bưu điện kết hợp với thư viện đọc sách báo, dịch vụ Internet nên bố trí tại điểm dân cư nông thôn mới, tùy theo điều kiện thực tế có thể một hoặc vài làng trong xã để tổ chức chung không gian này.

         Ngoài ra, chúng ta nên tổ chức một số công trình mới trong làng nghề truyền thống nhằm phát triển du lịch như nhà đón tiếp, bãi gửi xe ô tô, nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề, dịch vụ ăn uống nghỉ ngơi… các không gian này nên xây dựng tại khu vực giữa điểm dân cư mới và làng nghề truyền thống, nên bố trí ở gần đầu làng, thuận lợi cho đi lại và giao thương.  

         – Giải pháp tổ chức mối liên hệ giữa các KGSHCĐ với các không gian khác của làng nghề truyền thống:

         Để hệ thống các KGSHCĐ hoạt động hiệu quả, chúng ta cần phải quan tâm đến tổ chức mối liên hệ giữa các KGSHCĐ cũ trong làng nghề truyền thống và các KGSHCĐ tại các điểm dân cư mới sao thuận lợi nhất cho sử dụng. Để phát triển du lịch làng nghề, chúng ta cần bố trí hợp lý các KGSCĐ, cụ thể đối với các không gian cũ tại làng truyền thống chúng ta tôn trọng địa điểm lịch sử, riêng các không gian mới xây dựng tại điểm dãn dân nên bố trí tại khu vực giữa điểm dân cư mới và làng truyền thống, các không gian này được kết nối lấy trục giao thông chính của làng làm trục xuyên tâm, đi qua các KGSHCĐ của làng nghề. Như vậy, trục giao thông chính sẽ được kéo dài từ làng nghề truyền thống đến điểm dân cư mới, tạo nên một cấu trúc tuyến tính kết hợp với cấu trúc nhóm cho hệ thống các KGSHCĐ của làng nghề truyền thống. Mặt khác, các không gian này còn phải liên hệ thuận lợi với các KGSHCĐ của cấp xã và cấp khu vực các đô thị lân cận. 

5. Kết luận

         Làng nghề truyền thống ven đô có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể lâu đời, các làng nghề đã mang lại cho thủ đô nhiều lợi ích về kinh tế và văn hóa tinh thần. Việc gìn giữ bảo tồn, tổ chức phát triển các KGSHCĐ làng nghề góp phần nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thương hiệu làng nghề và nhất là phát triển theo hướng du lịch cộng đồng là cần thiết, nhất là giai đoạn thực hiện chủ trương chính sách của Nhà nước về đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

         Do ảnh hưởng tác động của đô thị hóa, ảnh hưởng của lối sống thành thị, ảnh hưởng của nhu cầu sử dụng các KGSHCĐ và nhu cầu kinh doanh buôn bán của làng nghề, các KGSHCĐ hiện bị lấn chiếm, xâm hại, đôi khi bị lãng quên hoặc không đáp ứng đúng, đủ công năng sử dụng gây nên lãng phí, nhất là đối với các KGSHCĐ có ý nghĩa về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa tinh thần, nơi chốn của làng nghề.

         Việc tổ chức chỉnh trang, cải tạo các KGSHCĐ cũ tại làng nghề truyền thống và xây dựng mới các KGSHCĐ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân tại các điểm dân cư nông thôn mới, đồng thời tổ chức kết nối theo cấu trúc tuyến kết hợp với cấu trúc nhóm đối với các KGSHCĐ là giải pháp hiệu quả về mặt sử dụng.

         Thành phố, cũng như các cấp các ngành cần quan tâm hơn nữa về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhất là đối với các làng nghề truyền thống ven đô, cần phát huy các giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc của làng nghề, lấy đó là cơ sở cốt lõi cho giá trị tinh thần nơi chốn của làng, giảm thiểu hiện tượng di dân và làm cho người dân hứng thú gìn giữ nghề truyền thống, sống và làm giàu cho ngay chính trên mảnh đất quê hương mình. Đặc biệt chú trọng đến cải tạo hệ thống hạ tầng xã hội, môi trường ở, cải tạo cảnh quan và giảm thiểu chất thải độc hại, đảm bảo môi trường trong sạch cho làng nghề truyền thống, gắn làng nghề với phát triển du lịch cộng đồng./

    

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Xuân Đính (2009), Làng nghề thủ công huyện Thanh Oai, truyền thống và biến đổi, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

2. Nguyễn Đình Thi (2014), “Thực trạng và giải pháp tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng tại các làng nghề truyền thống ven đô trong quá trình đô thị hóa”, Bài tham luận tại Hội thảo: Chính sách cải tạo chỉnh trang tái thiết phường, làng, ngõ xóm trong các khi ven đô và các khu đô thị cũ đang phát triển, Hà Nội. 

3. Trang web langnghevietnam.vn.

Các bài đã đăng

 1 

 

Xổ số miền Bắc