Trang phục và bản sắc văn hóa dân tộc

Là vấn đề được quan tâm vì trong lịch sử phát triển của mỗi nền văn hóa dân tộc, trang phục truyền thống vừa là sản phẩm sáng tạo của dân tộc từ quá khứ tới hiện tại, vừa là một trong các giá trị được lưu giữ, truyền bá và góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc. Vấn đề còn đáng quan tâm hơn nữa vì thời gian gần đây, trong sinh hoạt xã hội, từ sự du nhập của một số kiểu trang phục từ nước ngoài, từ một số sản phẩm may mặc ở trong nước, đã đẩy tới sự “lên ngôi” của một số kiểu trang phục nhân danh “hiện đại” mà xem nhẹ yếu tố bản sắc.

Trên thực tế, tình trạng này đang có xu hướng tràn lan từ thành thị tới nông thôn, cho nên từng có ý kiến cho rằng, chúng ta đang đứng trước nguy cơ mai một bản sắc trong trang phục (?).

Là sản phẩm văn hóa của dân tộc, trang phục truyền thống không chỉ là phương tiện để bảo vệ cơ thể, thích nghi với tự nhiên (như chống rét hay chống nóng) mà với sự phát triển của nó, trang phục còn là biểu thị thái độ văn hóa của mỗi người trước cộng đồng. Từ trang phục truyền thống, người ta có thể nhận biết xu hướng, khả năng sáng tạo thẩm mỹ của mỗi cộng đồng văn hóa. Ðối với một số dân tộc, trang phục truyền thống còn chuyển tải cả quan niệm về vũ trụ, quan niệm về nhân sinh của cộng đồng văn hóa trong quá khứ thông qua các hoa văn, họa tiết được dệt hay thêu trên váy và áo. Một số trang phục còn đi kèm với dấu hiệu phân biệt thứ bậc xã hội của từng người… Chính vì tính phức hợp về giá trị, vì nét riêng độc đáo về văn hóa mà trang phục truyền thống đã trở thành loại sản phẩm luôn được coi là niềm tự hào của văn hóa mỗi dân tộc. Khi mặc trên người bộ trang phục dân tộc cũng là khi mỗi người tự ý thức về bản sắc văn hóa của nền văn hóa đã làm nên tư cách và diện mạo văn hóa của mình.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong một số trường hợp, trang phục truyền thống có ý nghĩa cổ truyền và bất biến bao giờ cũng là sản phẩm của một thời kỳ lịch sử nhất định, phù hợp điều kiện của thời kỳ lịch sử đó. Khi điều kiện lịch sử, quan niệm thẩm mỹ, chất liệu may mặc, môi trường giao lưu, học hỏi thao tác lao động đã thay đổi, thì trang phục truyền thống cổ truyền cũng cần phải phát triển sao cho phù hợp bối cảnh mới, và việc làm này có quan hệ mật thiết với khả năng sáng tạo trên cơ sở truyền thống của con người. Ðồng thời, không thể biến trang phục truyền thống thành sự phô diễn hình thức, và người mặc trang phục truyền thống thiếu hụt tinh thần, ý thức đối với bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, để việc giữ gìn, phát triển bản sắc trong trang phục của dân tộc trở thành ý thức văn hóa chung, chúng ta cần chú ý tới vai trò, tác động của hệ thống giáo dục phổ thông, các phương tiện quảng bá văn hóa, các cơ sở may mặc,…

Xổ số miền Bắc