Triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động trong việc thực hiện Đề án Văn hóa công vụ. Qua đó, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CBCCVC trong các cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân.

Theo Kế hoạch, văn hóa công vụ gồm 04 nội dung cơ bản là: Tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực về đạo đức, lối sống và trang phục của CBCCVC. Trong đó, đối với tinh thần, thái độ làm việc, CBCCVC phải có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm nội quy của cơ quan và chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Không được gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian xử lý công việc; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân. Các CBCCVC là lãnh đạo phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc quyền quản lý; không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín.

Trong giao tiếp, ứng xử, với người dân phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn” – xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Đối với đồng nghiệp, phải có tinh thần hợp tác, tương trợ; không gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức. Đối với lãnh đạo cấp trên, phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng. CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới; gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử.

Bên cạnh đó, CBCCVC phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống; tuân thủ chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không được sa vào các tệ nạn xã hội; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.

Để triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ thiết thực, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội Vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, đề xuất bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định về văn hóa công vụ. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng và triển khai đồng bộ các quy định về văn hóa công vụ cho đội ngũ CBCCVC, trong tất cả các ngành và lĩnh vực, các cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tinh thần, thái độ, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức lối sống, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc triển khai thực hiện.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của các cơ quan, tổ chức, giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp; niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính tại trụ sở nhằm làm cho hoạt động của cơ quan, tổ chức minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa công vụ theo chương trình, kế hoạch hàng năm. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn nạn “tham nhũng vặt”, biểu hiện nhũng nhiễu phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng những CBCCVC có thành tích, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công vụ.

Xổ số miền Bắc