Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn

  –  

Chủ nhật, 04/07/2010 07:28 (GMT+7)

Trong kỳ đại hội Đảng bộ cấp cơ sở vừa qua tại một địa phương ở Hà Nội để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, có việc bầu BCH Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015.

Trong lý lịch trích ngang của các ứng cử viên được lựa chọn bầu vào cấp uỷ mới đều có phần nói về trình độ học vấn và trình độ chuyên môn. Cụ thể như sau: Nếu ai qua đào tạo đại học, cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp… đều được ghi trình độ học vấn là lớp 10/10 (nay là 12/12) hoặc lớp 7/10 (nay là 9/12), trình độ chuyên môn được ghi là: Đại học sư phạm, đại học luật, cao đẳng kế toán v.v…

Tôi thấy ghi như trên là không chính xác và sự không chính xác này còn thấy diễn ra ở các bản khai lý lịch cán bộ của nhiều địa phương hiện nay, điều này cần được đính chính và được hiểu một cách thống nhất.

Theo tôi, một người đã học qua bất kỳ một trường đại học nào thì không thể nói người đó chỉ có trình độ học vấn là lớp 10/10 (hoặc lớp 12/12), còn kiến thức đại học của họ chỉ được hiểu và được ghi trong mục trình độ chuyên môn (của một chuyên ngành nào đó). Nếu hiểu như thế thì chẳng lẽ người tốt nghiệp THPT không học lên đại học với người tốt nghiệp THPT rồi tiếp tục học lên và tốt nghiệp đại học đều có trình độ học vấn như nhau sao?

Chúng ta đều biết, trong hệ thống giáo dục quốc dân nước ta hiện nay bao gồm các bậc học (cấp học) từ giáo dục mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, sau hoặc trên đại học để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Vì vậy, một người đã học qua một bậc học (cấp học) nào thì phải được ghi có trình độ học vấn ở bậc học (cấp học) đó. Còn trình độ chuyên môn của họ thì được ghi chuyên ngành mà họ được đào tạo.

Thí dụ: Một người tốt nghiệp đại học bách khoa ngành điện thì ghi trình độ học vấn là  đại học, còn trình độ chuyên môn là kỹ sư điện. Cũng như vậy, một người tốt nghiệp đại học sư phạm ngành toán thì ghi trình độ học vấn là đại học, còn trình độ chuyên môn là giáo viên toán THPT (phổ biến), nếu ở lại trường đại học làm giảng viên thì ghi trình độ chuyện môn là giảng viên đại học toán.

Xét theo hệ thống giáo dục quốc dân thì thế, còn nếu xét theo nội dung học tập của từng người thì càng thấy không thể nói trình độ học vấn của mỗi người chỉ giới hạn trong kiến thức được học trong bậc học phổ thông (lớp 10/10 hay 12/12 trở xuống).

Bởi vì khi họ học lên đại học, cao đẳng, thậm chí chỉ trung học chuyên nghiệp, thì họ còn được học thêm nhiều kiến thức nâng cao về các môn khoa học cơ bản như toán, lý, hoá, văn, sử, địa… tuỳ theo từng ngành học, ngoài những kiến thức chuyên ngành.

Hơn nữa khái niệm học vấn như giải thích của “Từ điển Tiếng Việt” (Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, 1992) thì rất rõ ràng là bao gồm “những hiểu biết nhờ học tập mà có”, vậy tại sao những hiểu biết nhờ học tập đại học mà có lại không được coi là trình độ học vấn?

Nhân đây cũng xin nói thêm về khái niệm trình độ văn hoá mà trước đây trong các bản khai lý lịch thường được hiểu là đã học qua hoặc tốt nghiệp lớp mấy ở bậc học phổ thông. Hiểu trình độ văn hoá như vậy là không chính xác, bởi văn hoá là một khái niệm rất rộng mà bài viết này không có tham vọng đề cập tới. Khái niệm trình độ văn hoá được thay thế bằng khái niệm trình độ học vấn là chính xác hơn.

 

Trần Hữu Lạn

Xổ số miền Bắc